Tại sao người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 28 tội danh?

30/11/2017 18:57 | 6 năm trước

LSVNO - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn...

LSVNO - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh.

Các tội danh này bao gồm: giết người; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; cưỡng dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; mua bán người; cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; trộm cắp tài sản; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; sản xuất trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép chất ma túy; vận chuyển trái phép chất ma túy; mua bán trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tổ chức đua xe trái phép; đua xe trái phép; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; khủng bố; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là “giết người” và “cướp tài sản”.

Các nhà làm luật khẳng định nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt đối với trẻ em, sau khi đã cân nhắc áp dụng các biện pháp tư pháp thể hiện tinh thần nhân đạo “nặng về giáo dục, nhẹ về trừng trị” nhằm hiện thực hóa tính nhân đạo quy định ở Điều 37 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Theo đó, việc bắt, giam giữ, bỏ tù trẻ em chỉ thực hiện như biện pháp bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng, là giải pháp cuối cùng không còn cách thức nào khác, sau khi đã cân nhắc cẩn trọng khi áp dụng thời hạn “cứng rắn” ngắn nhất. Việt Nam là quốc gia thứ hai (sau Ghana) phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, từ đó chúng ta phải thể hiện uy tín của nhà nước trọng pháp: Nói đi đôi với làm!

Có nhiều trẻ vị thành niên đang tuổi ăn học nhưng đã sa vào con đường phạm pháp, phải vào trường giáo dưỡng. Ảnh: VTV.vn

Một số luật sư, như Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), Luật sư Đinh Văn Quế (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tỏ ra tâm đắc quan điểm vị tha mà cơ quan lập pháp thể hiện qua quy định tại Bộ luật Hình sự mới: Hạn chế truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội, đối tượng này chỉ bị xử lý hình sự 28 tội danh các tội do hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Luật sư Quế đề cao nguyên tắc xử lý người chưa trưởng thành với 28 tội danh cụ thể, coi đây là bước tiến đột phá!

Theo tôi, hạn chế truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội “ăn chưa no, lo chưa tới” đáng trân trọng, thể hiện truyền thống nhân ái, “kính già, tha trẻ” của dân tộc. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự căn cứ vào năng lực phát triển về tâm sinh lý đối với trẻ em vì đối tượng này còn nhiều mặt hạn chế, non nớt. Đành rằng không quy buộc người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự tất cả các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự mà chỉ giới hạn chịu trách nhiệm hình sự trong 28 tội danh cụ thể, nhưng cần xác định: Tại sao lại truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng này trong 28 tội, còn các tội danh khác thì được tha miễn? Xã hội, gia đình, nhà trường phải có trách nhiệm chung sức, chung lòng cùng nhau tuyên truyền giáo dục trẻ em tránh 28 tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự, nếu “đụng tới” các tội này thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã dành hẳn Chương X quy định một số biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Cơ quan lập pháp nên cân nhắc tiến tới thành lập tòa án thiếu nhi xét xử người chưa thành niên phạm tội, phù hợp xu thế thời đại, xem trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Giáo dục người chưa thành niên phạm tội, tạo cơ hội cho đối tượng này tìm về sinh lộ, làm lại cuộc đời!

Muốn hình thành nhân cách “nhân chi sơ tính bản thiện”, người lớn phải nêu gương tốt để trẻ em noi theo, đừng nói một đường, làm một nẻo.

LS Trần Công Ly Tao