(LSVN) - Vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính năm 2024 (Kế hoạch) với mục tiêu chung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện cải cách hành chính của cán bộ quản lý các cấp, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Ảnh minh họa.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là xác định nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính phù hợp với từng nhóm đối tượng là cá nhân, cơ quan, tổ chức; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính; góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng về cải cách hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, nâng cao nhận thức về cải cách hành chính, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong triển khai cải cách hành chính và giám sát quá trình thực hiện cải cách hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan thông tấn, báo chí, bảo đảm thông tin về tình hình triển khai và kết quả thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương được phản ánh đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Trong đó, nội dung thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Nội vụ tập trung vào các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính.
Đồng thời, tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đoàn thể, của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tình hình triển khai, kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; các mô hình, cơ chế đang được triển khai thí điểm, các điển hình tốt trong cải cách hành chính ở Trung ương và địa phương.
Quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc tham gia và giám sát tiến trình cải cách hành chính.
Hình thức tuyên truyền thông qua các loại hình báo chí và huy động, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Các đài phát thanh, đài truyền hình và cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương; các loại hình báo chí chuyên ngành, Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng các phóng sự, video clips, chuyên mục về cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Phát hành Bản tin điện tử cải cách hành chính của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với số lượng 04 số/tháng, gửi tới Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và mở rộng đối tượng phục vụ của Bản tin và đăng tải trên Trang thông tin điện tử cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (http://caicachhanhchinh.gov.vn).
Thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lồng ghép nội dung cải cách hành chính trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
VĂN QUANG