Vụ tai nạn lao động tại Thanh Hóa: TAND thị xã Nghi Sơn đã tiến hành thụ lý vụ án

04/07/2024 09:21 | 2 ngày trước

(LSVN) - Đã 2 năm trôi qua sau sự cố tai nạn lao động, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, nhưng đến nay, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ, chế độ chính đáng của người lao động vẫn không được doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương) giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, dù đã có sự “đề nghị”, “yêu cầu” của các cơ quan chức năng.     

Sau gần 5 tháng tiếp nhận đơn yêu cầu khởi kiện, ngày 28/6/2024 TAND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thụ lý vụ án, thông báo tại Văn bản số 01/2024/TB-TLVA; đồng thời, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tại Thông báo số 01/TB-TA ngày 01/7/2024, gửi đến nguyên đơn là anh Trần Thế Tâm (thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn) và bị đơn là Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương (Công ty Đại Dương) và Công ty TNHH Thành Tiến.

Thông báo về việc thụ lý vụ án của TAND thị xã Nghi Sơn.

Chờ đợi sự công bằng của pháp luật

Theo đó, ngày 28/12/2019, ông Trần Thế Tâm được nhận vào làm lái xe san lấp mặt bằng tại Công ty Đại Dương, có địa chỉ tại thôn 13, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.

Ngày 28/3/2022, trong quá trình làm việc tại công trường san lấp cho Công ty không may anh Tâm gặp tai nạn lao động, lật xe, dẫn đến bị liệt nửa người, dập gan, phổi, với tỷ  lệ thương tật lên đến 76%. Đến nay, Công ty Đại Dương (người sử dụng lao động) vẫn không thực hiện trách nhiệm chi trả bồi thường cho người lao động bị tại nạn lao động theo quy định.

Ngày 22/7/2022, gia đình anh Tâm đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn với mong muốn sự việc được giải quyết triệt để, thấu đáo, đúng pháp luật.

Chị Lê Thị Thu (vợ anh Tâm) đã có đơn kiến nghị khởi tố vụ án gửi đến Công an thị xã Nghi Sơn. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Nghi Sơn xác định hành vi của anh Tâm không cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về an toàn lao động” quy định tại Điều 295 hay một tội phạm cụ thể nào khác được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.                     

Do đó, ngày 22/01/2024, anh Trần Thế Tâm đã làm đơn khởi kiện Công ty Đại Dương gửi đến TAND thị xã Nghi Sơn, với nội dung yêu cầu Tòa buộc Công ty Đại Dương phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản chi phí phát sinh từ vụ tai nạn lao động của anh.

Sau khi thụ lý, Tòa đã triệu tập, tiến hành cho các bên hòa giải, tuy nhiên phía Công ty không có thiện chí trong việc giải quyết bồi thường theo đúng quy định pháp luật, không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Bên cạnh đó, không cung cấp các hồ sơ có liên quan đến vụ việc. Ngày 02/02/2024, anh Tâm đã làm đơn đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ từ Công an thị xã Nghi Sơn (do cơ quan Công an thu thập được trong quá trình làm việc với các Công ty).

Trong sự chờ đợi mỏi mòn, với sức khỏe, tinh thần và điều kiện kinh tế ngày càng suy kiệt, ngày 02/6/2024, anh Tâm đã tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan chức năng của tỉnh, đồng thời cầu cứu sự lên tiếng, đồng hành của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Nhận được đơn của ông Trần Thế Tâm, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã chuyển đơn đến UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 28/PC-TCLSVN ngày 18/6/2024 đề nghị chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có phản hồi tại Văn bản số 8829/UBND-TD ngày 21/6/2024, chuyển đề nghị của Tạp chí Luật sư Việt Nam đến Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, trên cơ sở quá trình giải quyết vụ việc và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8445/UBND-TD ngày 14/6/2024, có văn bản trả lời Tạp chí Luật sư Việt Nam và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/7/2024.

Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa;  Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc chỉ đạo trả lời Tạp chí Luật sư Việt Nam và giải quyết đơn kêu cứu của ông Trần Thế Tâm.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Trước đó, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 101/TTr ngày 02/8/2022, gửi đến Công ty Đại Dương đề nghị giải quyết chế độ cho ông Trần Thế Tâm theo quy định.

Theo đó, yêu cầu Công ty thực hiện 06 nội dung cụ thể và báo cáo về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước ngày 26/8/2022. Tuy nhiên, đã qua gần 02 năm, các nội dung yêu cầu của Thanh tra Sở, trong đó có việc giải quyết chế độ, thanh toán và bồi thường chi phí cho anh Tâm vẫn chưa được thực hiện.            

Trong quá trình giải quyết, UBND thị xã Nghi Sơn đã tổ chức hai cuộc họp vào ngày 28/7/2023 và ngày 29/8/2023. Tuy nhiên, tại cuộc họp lần 1, phía lãnh đạo Công ty Đại Dương vẫn một mực chối bỏ việc anh Tâm không phải là lao động của Công ty nên không thuộc phạm vi trách nhiệm của họ. Tiếp đến lần 2, Công ty lại cho rằng anh Tâm là lao động của Công ty TNHH Thành Tiến (Ninh Bình). Tuy nhận anh Tâm là lao động của Thành Tiến, nhưng phía Công ty không có căn cứ chứng minh, không cung cấp được hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, ngoài việc Công ty Đại Dương không giao hợp đồng lao động đã được giao kết bằng văn bản cho người lao động giữ, trong quá trình giải quyết vụ việc, phía Công ty đã có hành vi giấu giếm, không cung cấp hồ sơ, gây cản trở, khó khăn cho các cơ quan có liên quan trong việc xác định chính xác mối quan hệ lao động giữa anh Tâm và doanh nghiệp chủ quản.

Ông Trần Thế Tâm sau vụ tai nạn lao động thập tử nhất sinh.

Cho rằng vụ việc của anh Tâm không thuộc phạm vi trách nhiệm nhưng Công ty Đại Dương lại hỗ trợ gia đình 30 triệu ngay sau khi tai nạn xảy ra. Ngoài ra, các căn cứ như: Phiếu thu tiền đặt cọc nhận xe Nhà máy xi măng Đại Dương (tiền trách nhiệm) 20 triệu đồng ngày 28/10/2019; bảng lương Nhà máy xi măng Đại Dương năm 2020; báo cáo kết quả năm 2020 Nhà máy xi măng Đại Dương; thông báo ngày 14/7/2020 của Công ty Cổ phần khoáng sản Đại Dương về việc thực hiện quy định trong san lấp mặt bằng nhà máy xi măng Đại Dương, trong đó ông Trần Thế Tâm là Đội trưởng TBCG; chứng từ của Ngân hàng TMCP Quân đội thanh toán tiền lương tháng 4/2021 của Nhà máy xi măng Đại Dương với ông Trần Thế Tâm; bảng tổng hợp lương, thưởng Tết của đội xe Nhà máy xi măng Đại Dương năm 2022 có tên Trần Thế Tâm (lái xe),…Hơn nữa, từ khi vào làm lái xe cho đến thời điểm xảy ra tai nạn anh Tâm làm ổn định liên tục, không thuộc trường hợp lao động thời vụ như cách nói từ phía Công ty.

Có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật

Theo Luật sư Vũ Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, qua theo dõi vụ việc, tiếp cận các hồ sơ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Công ty Đại Dương đã không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ nhất, không chấp hành quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Nghi Sơn tại cuộc họp ngày 28/7/2023 khẳng định: “Ông Trần Thế Tâm hiện tại không có quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Trong vụ việc này, anh Tâm đã được nhận vào làm việc tại Công ty Đại Dương từ ngày 28/12/2019 (có ký kết hợp đồng lao động) và kéo dài quá trình làm việc đến ngày 28/3/2022 (thời điểm gặp tai nạn lao động). Như vậy, anh Tâm thỏa mãn điều kiện là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo quy định tại các điểm a, b, khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội.

Về thời hạn phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, tại điểm a, khoản 1, Điều 99, Luật Bảo hiểm xã hội quy định, sau 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu cho người lao động. Hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của Công ty Đại Dương là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 17, Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Luật sư, với vi phạm nói trên, tùy tính chất, mức độ, Công ty Đại Dương có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ, hoặc cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt theo quy định tại Điều 216, Bộ luật Hình sự. 

Thứ hai, không chấp hành quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 (áp dụng thời điểm xe ô tô 35LD-000.87 hết hạn đăng kiểm ngày 29/7/2021).

Được biết, xe ô tô mang biển số 35LD-000.87 mà Công ty Đại Dương giao cho anh Tâm lái đã hết hạn đăng kiểm ngày 29/7/2021, nhưng Công ty vẫn không thực hiện đăng kiểm lại. Mặc dù xe ô tô đã hết hạn đăng kiểm, tình trạng kỹ thuật không đảm bảo để vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất nhưng Công ty vẫn giao xe cho lái xe sử dụng, dẫn đến một vụ tai nạn nghiêm trọng. Sau khi xảy ra tai nạn, phía Công ty cũng không báo cho cơ quan Công an làm việc để điều tra nguyên nhân xảy ra tai nạn. Chiếc xe gặp sự cố được sửa lại tiếp tục hoạt động trong Công ty cho đến ngày 28/7/2023, sau cuộc họp lần 1 giải quyết các vấn đề liên quan đến tai nạn lao động kết thúc thì mới được cơ quan điều tra Công an thị xã Nghi Sơn đưa xe về để giám định làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn. 

Với hành vi vi phạm nêu trên, Công ty Đại Dương có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.

Thứ ba, không chấp hành các quy định của Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Công ty Đại Dương đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng lao động, được quy định tại khoản 2, Điều 6, Bộ luật Lao động 2019, đó là việc không thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động. Hành vi không kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với xe ô tô 35LD-000.87 hết hạn đăng kiểm từ ngày 29/7/2021, gây ra vụ tai nạn lao động đã vi phạm quy định bảo đảm an toàn tại nơi làm việc được quy định tại Điều 134, Bộ luật Lao động 2019.

"Hành vi không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng đã vi phạm quy định tại Điều 168, Bộ luật Lao động 2019, gây tổn hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Tâm. Không giao hợp đồng lao động đã được giao kết bằng văn bản cho người lao động giữ, vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 14, Bộ luật Lao động 2019. Hành vi giấu giếm này đã gây cản trở, khó khăn cho các cơ quan có liên quan trong việc xác định chính xác mối quan hệ lao động giữa anh Tâm và doanh nghiệp chủ quản, nhằm trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm. Ngang nhiên tước bỏ quyền chính đáng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, quy định tại khoản 1, Điều 6, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Không thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng lao động, theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015", Luật sư cho biết.

Cũng theo Luật sư, Công ty Đại Dương đã vi phạm nghiêm trọng khi thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại Điều 12 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Sau khi xảy ra tai nạn lao động, Công ty Đại Dương đã né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chối bỏ trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, không thanh toán các khoản chi phí phát sinh có liên quan, không thực hiện việc bồi thường, trợ cấp khi người lao động bị tai nạn lao động, đã được quy định cụ thể tại các Điều 38, 39, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Dẫn tới bệnh tình của anh Tâm ngày càng nặng hơn do không đủ khả năng chi trả, thanh toán các khoản viện phí trong quá trình điều trị.

NGUYỄN CƯỜNG

Thanh Hóa: Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ tai nạn lao động tại thị xã Nghi Sơn

Từ khoá : lsvn.vn LSVN