Thi hành phán quyết Trọng tài liên quan đến Dự án 'KDC cao cấp và trường đua ngựa' tại Long An: Có thể ‘buộc’ đương sự phải thỏa thuận thành lập Công ty?

07/01/2022 06:54 | 2 năm trước

(LSVN) - Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp khẳng định, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện cuả Công ty Cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) và Công ty China Policy Limited (CPL), cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan thi hành án dân sự) không thể thực hiện thay các bên đương sự... nhưng vẫn tổ chức thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án để “buộc” đương sự phải thỏa thuận thành lập Công ty theo phán quyết trọng tài.

Văn bản số 4341/TCTHADA-NV1 về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đề cập đến tình trạng các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự còn nhiều và có không ít vụ việc kéo dài không có hướng giải quyết. Một trong hai vụ việc điển hình, phức tạp, ồn ào và không có hướng giải quyết, được Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng là việc tổ chức thi hành phán quyết trọng tài về việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận khung giữa Công ty CPL (doanh nghiệp nước ngoài) và Công ty Hồng Phát liên quan đến Dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Vụ việc này được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tổ chức thi hành từ tháng 10 năm 2014 và đã có sự tham gia của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, thậm chí đã đưa lên diễn đàn Quốc hội, nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của ông Trương Hòa Bình khi còn tại chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Việc thi hành án kéo dài hơn 7 năm tổ chức thi hành án không có hướng giải quyết dứt điểm gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Công ty Hồng Phát đã liên tục có đơn khiếu nại, kiến nghị và tố cáo về các sai phạm nghiêm trọng trong việc tổ chức thi hành án.  

Diễn biến vụ việc

Ngày 01/6/2007, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL có ký kết Thỏa thuận khung với nội dung ghi nhận các điều khoản cơ bản về việc chuẩn bị của hai bên để tiến đến thành lập Công ty liên doanh quản lý, điều hành Dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa trên diện tích 493ha tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau đó, hai bên có mâu thuẫn, bất đồng trong việc giải quyết chi phí tái định cư cho người dân phát sinh do thay đổi chính sách pháp luật.

Ngày 21/8/2010, Công ty CPL đã khởi kiện Công ty Hồng Phát ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ngày 26/4/2013, VIAC ra phán quyết Trọng tài vụ việc 29/12 với nội dung: “Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn, CHINA POLICY LIMITED với CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỊA ỐC HỒNG PHÁT là Bị đơn pháp nhân, rằng CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỊA ỐC HỒNG PHÁT sẽ tiếp tục thực hiện Thỏa thuận khung đúng theo Điều 6.1 và các điều khoản khác của Thỏa thuận khung, bao gồm thực hiện quá trình xin cấp phép cần thiết và đạt được chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh được thành lập giữa CPL và Hồng Phát cho việc thực hiện Dự án đặt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An như đã thỏa thuận tại Thỏa thuận khung,; và rằng Hồng Phát sẽ đóng góp quyền sử dụng đất cho Phần đất giai đoạn 1 dưới tên của Hồng Phát cho công ty liên doanh”, (trích nguyên văn nội dung quyết định).

Ngày 25/9/2013, Tòa án nhân dân TP. HCM ra Quyết định giữ nguyên Phán quyết Trọng tài VIAC. Ngày 01/10/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ra Quyết định thi hành án phán quyết Trọng tài của VIAC.

Theo đề nghị của Công ty CPL, ngày 18/9/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ban hành Công văn số 525/CTHA gửi Văn phòng Đăng ký đất đai và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, về việc tạm dừng, yêu cầu không cho đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng (không cho thế chấp, bảo lãnh) đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát.

Công ty Hồng Phát gửi đơn khiếu nại đối với Công văn số 525/CTHA đến Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.

Văn bản số 458/CV-CTHADS gửi Tòa án nhân dân TP. HCM để thông báo về việc không thực hiện được nội dung của Phán quyết Trọng tài.

Ngày 26/11/2018, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp có Văn bản số 4341/TCTHADA-NV1 về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, kết luận: Việc thành lập Công ty liên doanh là do ý chí tự nguyện của hai bên, cơ quan thi hành án dân sự hay cơ quan đăng ký kinh doanh không làm thay được và không còn cơ sở để tiếp tục thực hiện việc ngăn chặn đối với 232ha đất theo 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.

Ngày 29/11/2108, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Long An có Công văn số 682/CTHA “Chấm dứt hiệu lực công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017”.

Tuy nhiên, đến ngày 18/12/2018, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Long An tiếp tục áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, bằng việc ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS về việc Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát, với lý do “để tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận thi hành án”.

Từ đó đến nay, đã hơn 4 năm (đã quá thời hạn 10 ngày theo quy định tại khoản 4, Điều 69 Luật Thi hành án dân sự), dù không thể cưỡng chế (không có cơ sở) nhưng vẫn duy trì việc áp dụng biện pháp này.

Bị ngăn chặn về tài sản và quyền thực hiện Dự án nên Công ty Hồng Phát liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo về việc ra Quyết định trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân không thể thi hành án

Sau 4 năm tổ chức thi hành án không có kết quả, vào ngày 05/10/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã có văn bản số 458/CV-CTHADS gửi Tòa án nhân dân TP. HCM để thông báo về việc không thực hiện được nội dung của phán quyết Trọng tài.

Về lý do không thể thực hiện được nội dung phán quyết Trọng tài của VIAC thì tại Báo cáo số 123/BC-BTP ngày 04/6/2018 của Bộ Tư pháp gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Văn bản số 4341/TCTHADA-NV1 ngày 26/11/2018 của Tổng Cục Thi hành án dân sự về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, đã chỉ rõ: Việc thành lập Công ty liên doanh là do ý chí tự nguyện của hai bên, cơ quan thi hành án dân sự hay cơ quan đăng ký kinh doanh không làm thay được.

Đây chính là nguyên nhân pháp lý trực tiếp dẫn đến việc không thể thi hành án được, bởi vì: Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 (tại thời điểm ký Thỏa thuận khung và ban hành phán quyết Trọng tài) và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành: Để đạt được Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh được thành lập giữa Hồng Phát và Công ty CPL theo đúng nội dung phán quyết Trọng tài thì điều kiện tiên quyết là Công ty Hồng Phát và Công ty CPL phải đạt được thỏa thuận để làm cơ sở lập hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ thành lập Công ty chung giữa hai bên, vì thỏa thuận khung đã ký kết ngày 01/6/2007 giữa hai bên chưa ghi nhận đầy đủ các nội dung cơ bản để có thể đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, nguyên tắc cơ bản và tối thượng của hệ thống pháp luật dân sự - kinh tế là việc thỏa thuận của các bên phải dựa trên sự tự nguyện và đảm bảo nguyên tắc thiện chí, hợp tác, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Chính vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự không thể, không có căn cứ pháp lý để tổ chức cưỡng chế “buộc” các bên đương sự phải thỏa thuận, phải thành lập Công ty khi chính họ không tự nguyện thi hành. Cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh chỉ có quyền xem xét và cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở hồ sơ đăng ký của đương sự.

Luật Thi hành án dân sự hiện hành cũng chưa có quy định, cơ chế cụ thể để giải quyết việc không thi hành án được do không có căn cứ pháp lý để cưỡng chế thi hành án như vụ việc này.

Trong vụ việc này, việc thi hành án hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên đương sự là Công ty CPL và Công ty Hồng Phát. Tuy nhiên, từ thực tế hai bên theo đuổi mục tiêu phát triển Dự án khác nhau nên đã phát sinh mâu thuẫn sâu sắc, dẫn đến tranh chấp không thể thương lượng giải quyết từ năm 2008 đến nay, dẫn lời của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ thì “không thể có cuộc “hôn nhân kinh tế” nếu các bên không tin cậy lẫn nhau” đối với trường hợp của Công ty CPL và Công ty Hồng Phát.

Như vậy, đã rõ ràng, theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, cơ quan thi hành án dân sự không thể “buộc” các bên đương sự phải thỏa thuận để thành lập Công ty. Vậy tại sao Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An vẫn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dù không có bất kì kết quả từ năm 2018 đến nay? Việc này đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh.

PV

Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán