Thời hiệu truy cứu TNHS theo pháp luật Đức, Liên bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam

17/12/2022 11:31 | 1 năm trước

(LSVN) - Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Nhìn chung các quốc gia đều quy định thời hiệu truy cứu TNHS tương tự nhau về bản chất cũng như cơ sở của việc tồn tại chế định này. Tuy nhiên, pháp luật mỗi quốc gia lại có những quy định riêng biệt mang tính đặc biệt. Trong bài viết này, tác giả nêu lên hai điểm đặc biệt trong quy định của hai quốc gia, qua đó làm cơ sở, kinh nghiệm cho việc hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Khái quát về thời hiệu truy cứu TNHS theo pháp luật Việt Nam

Chế định thời hiệu truy cứu TNHS được thể chế hóa lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, tuy nhiên khái niệm thời hiệu truy cứu TNHS được quy định lần đầu trong BLHS năm 1999. Trên cơ sở kế thừa những quy định tiến bộ của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 ra đời với một số sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn.

Khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015 quy định như sau: “Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có nghĩa cho tới thời điểm bị phát hiện hành vi của họ không được coi là tội phạm nữa. Phải khẳng định rằng, hành vi đó vẫn được luật hình sự coi là tội phạm, nhưng vì khoảng thời gian được gọi là thời hiệu truy cứu TNHS đã qua đi, trong khoảng thời gian đó, người phạm tội đã không phạm tội mới, cho thấy không cần thiết phải đưa ra truy cứu. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, hết thời hiệu truy cứu TNHS là một trong những căn cứ không khởi tố vụ án. Nếu một người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà hết thời hiệu truy cứu TNHS thì phải đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án. Đây cũng là căn cứ để không được kháng nghị tái thẩm theo hướng tăng nặng đối với người phạm tội.

Thời hiệu truy cứu TNHS là một khoảng thời gian nhất định để xem xét việc truy cứu TNHS, nhưng khoảng thời gian này phải gắn với một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS. Chủ thể có thẩm quyền chỉ được quyền truy cứu TNHS đối với người đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm trong một khoảng thời hạn xác định được quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015. Tuỳ theo từng loại tội khác nhau mà khoảng thời hạn ấy cũng khác nhau, cụ thể là: Đối với các tội phạm ít nghiêm trọng thì thời hiệu truy cứu TNHS là 5 năm; đối với các tội phạm nghiêm trọng thì thời hiệu là 10 năm, đối với các tội phạm rất nghiêm trọng thì thời hiệu là 15 năm, đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hiệu là 20 năm.

Như vậy, quy định về thời hiệu dài hay ngắn là căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm càng cao thì các thời hạn được quy định cụ thể phải càng dài và ngược lại. Nếu trong thời hạn quy nêu trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn đó, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Quy định về thời hiệu truy cứu TNHS tại Điều 27 BLHS năm 2015 không phải đương nhiên được áp dụng đối với tất cả các tội phạm. Tương tự BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 cũng quy định các tội danh không áp dụng thời hiệu tại một Điều luật riêng, đó là Điều 28. Theo quy định này, sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 đối với các tội phạm sau đây: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS năm 2015 (từ Điều 108 đến Điều 122); các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS năm 2015 (từ Điều 421 đến Điều 425); tội "Tham ô tài sản" (thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015), tội "Nhận hối lộ" (thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015). Đối với tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ" (thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng), đây là quy định mới được bổ sung trong BLHS năm 2015. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ" đều thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng với đặc điểm là chủ thể đặc biệt, sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện phạm tội. Trước tình hình hiện nay, khi mà tham nhũng đang trở thành “quốc nạn”, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ thì việc bổ sung này là rất cần thiết. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì việc loại bỏ yếu tố thời hiệu truy cứu TNHS đối với các tội danh này sẽ thể hiện rõ thái độ cứng rắn và tạo lòng tin ở nhân dân.

2. Điểm đặc biệt trong quy định về thời hiệu truy cứu TNHS của Đức và Liên bang Nga

Pháp luật Đức:

Theo BLHS Đức, một tội phạm không thể bị truy cứu TNHS vô thời hạn. Thời hiệu được hiểu là thời hạn ấn định tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và hình phạt tối đa dự kiến. Thời hiệu truy tố xác định thời điểm một hành vi không còn bị truy tố hoặc trừng phạt. Nếu sau một thời gian nhất định, hành vi đó chưa bị Tòa án xét xử thì không thể truy tố được nữa. Nguyên nhân được lý giải là do thời gian càng trôi qua thì việc chứng minh tội phạm càng khó khăn, mối liên hệ giữa hình phạt và hành vi cũng có thể không cần thiết sau một thời gian dài.

Cụ thể, đối với tội "Giết người" có tình tiết tăng nặng (giết người có chủ đích, kế hoạch, cách thức man rợ, gây ra mối nguy hiểm cho cộng đồng hoặc tạo điều kiện hay che giấu cho hành vi tội phạm khác) thì không bị giới hạn thời hiệu truy cứu TNHS. Đối với các tội khác, thời hiệu được quy định là 30 năm đối với tội có mức án chung thân; 20 năm đối với tội có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 10 năm tù; 10 năm đối với tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ 05 đến dưới 10 năm tù; 05 năm đối với các tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ 01 đến dưới 05 năm tù và 03 năm đối với các trường hợp còn lại.

Như vậy, so với Việt Nam, Đức quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài hơn. 

Không chỉ thế, pháp luật hình sự Đức còn có quy định về “đình chỉ thời hiệu”. Nghĩa là có trường hợp thời hiệu được tính sau một khoảng thời gian bị đình chỉ. Đây là điểm đặc biệt tác giả muốn nhắc đến. Theo đó, đối với một số loại tội phạm, thời hiệu sẽ được đình chỉ (tức là đình chỉ thời điểm bắt đầu tính thời hiệu) cho đến khi có một sự kiện nhất định (đây là sự kiện chấm dứt việc đình chỉ và thời hiệu truy cứu TNHS bắt đầu được tính). Ví dụ đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, bất kể loại tội và mức hình phạt dự kiến là gì thì thời hiệu cũng sẽ được đình chỉ cho đến khi nạn nhân đủ tuổi trưởng thành.

Ví dụ: A có hành vi xâm hại tình dục đối với B (05 tuổi) thì thời hiệu sẽ được đình chỉ cho tới khi nạn nhân B trưởng thành. Lý do quy định như vậy là bởi vì chỉ khi trưởng thành, nạn nhân mới có đủ điều kiện để khiếu nại, tố cáo hành vi đó.

Tác giả đánh giá đây là một quy định rất phù hợp bởi khả năng dự phòng, dữ liệu và cho phép bị hại là người chưa thành niên phát huy tối đa các điều kiện để bảo vệ bản thân mình.

Pháp luật Liên bang Nga:

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga quy định tại Điều 78 như sau: 02 năm khi phạm tội ít nghiêm trọng; 06 năm khi phạm tội nghiêm trọng; 10 năm khi phạm tội nghiêm trọng, 15 năm khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn được tính từ ngày phạm tội đến thời điểm bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu một người phạm tội mới thì thời hạn đối với mỗi tội phạm sẽ được tính độc lập. Thời hiệu sẽ không được tính nếu người phạm tội trốn tránh điều tra hoặc xét xử tại Tòa án. Trong trường hợp này, thời hạn giới hạn sẽ được tiếp tục kể từ thời người đó bị giam giữ hoặc đầu thú.

So với pháp luật Việt Nam, pháp luật Liên bang Nga quy định những mức thời hiệu ngắn hơn và quan trọng nhất là quy định thời hiệu nêu trên không phải cho tất cả người phạm tội, mà đối với người người chưa thành niên, BLHS Liên bang Nga có quy định riêng. BLHS Liên bang Nga đã dành riêng Chương 14 để quy định các đặc điểm về TNHS và hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Về cơ bản, BLHS Liên bang Nga và BLHS Việt Nam có những điểm tương đồng khi quy định một chương riêng biệt để xử lý người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội ngoài những quy định chung. Tuy nhiên, BLHS Liên bang Nga quy định người chưa thành niên là người từ 14 đến dưới 18 tuổi. Điều 94 BLHS Liên bang Nga quy định về thời hiệu áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bằng ½ so với quy định áp dụng đối với người đã thành niên.

Như vậy, thời hiệu áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là 01 năm khi phạm tội ít nghiêm trọng, 03 năm khi phạm tội nghiêm trọng, 05 năm khi phạm tội nghiêm trọng, 07 năm 06 tháng khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Với quy định trên, người chưa thành niên phạm tội luôn được hưởng một thời hiệu ngắn hơn so với người đã thành niên là quy định có lợi theo chuẩn mực quốc tế về hướng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội có sự phân biệt đối với người đã thành niên, góp phần bảo đảm cho người chưa thành niên có điều kiện tốt nhất để mau chóng tái hòa nhập cộng đồng.

3. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Tác giả cho rằng hai điểm đặc biệt trong pháp luật Đức và Liên bang Nga nêu trên là những điểm rất tiến bộ và phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như các đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam. Quyền con người, quyền công dân được tăng cường mạnh mẽ, quy định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là trẻ em, người chưa thành niên đã và đang có những chính sách riêng bảo vệ sự phát triển toàn diện của nhóm đối tượng này. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật về thời hiệu truy cứu TNHS như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về đình chỉ thời hiệu đối với một số loại tội phạm. Theo đó, đòi hỏi pháp luật phải phân biệt rõ ràng, đưa ra các tội phạm cụ thể xâm hại người chưa đủ 18 tuổi mà cần thiết phải đình chỉ thời hiệu để bảo đảm quyền tố giác, đủ khả năng nhận thức và thực hiện các quyền bảo vệ mình. Do đó, cần bổ sung quy định vào khoản 3 Điều 27 BLHS quy định về các tội phạm cụ thể xâm hại người dưới 18 tuổi thì thời hiệu truy cứu TNHS tính từ ngày bị hại đủ 18 tuổi trở lên.

Ví dụ: Nhóm tội xâm hại tình dục như: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm, dâm ô; hành hạ người khác…

Thứ hai, bổ sung quy định về thời hiệu truy cứu TNHS áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, bổ sung thêm 01 khoản vào Điều 91 BLHS: “Thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bằng ½ mức thời hiệu quy định tại Điều 27 Bộ luật này”.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân