Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự những vấn đề lý luận và thực tiễn

19/12/2022 09:28 | 1 năm trước

(LSVN) - Kiểm sát viên là một chủ thể quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tranh tụng, việc tăng cường vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử cần được chú trọng. Bài viết đi sâu phân tích các hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về các tội xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đối với phụ nữ, trẻ em, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự nói chung.

Ảnh minh họa. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự), thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.

Bộ luật Hình sự quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm khẳng định tính chất, nội dung pháp lý, giúp cho mọi người hiểu được thế nào là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải băn khoăn, lo sợ, biết được hành vi phạm tội của mình trong thời hạn bao lâu thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa và trường hợp nào vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn có ý nghĩa phân biệt với thời hiệu thi hành án trong Bộ luật Hình sự và các thời hiệu khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác như: thời hiệu khởi kiện dân sự, kinh tế, hành chính, lao động,…

Quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn có ý nghĩa giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần khẩn trương truy tìm, điều tra tội phạm và người phạm tội, đồng thời áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo đảm nguyên tắc mọi tội phạm đều phải được phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự, không truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua những thời hạn sau đây:

- Năm (05) năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

- Mười (10) năm đối với các tội phạm nghiêm trọng. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

- Mười lăm năm (15) đối với các tội phạm rất nghiêm trọng. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

- Hai mươi năm (20) đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Việc phân loại tội phạm không chỉ có ý nghĩa trong việc quy định các nguyên tắc xử lý, quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án và các quy định khác về điều kiện áp dụng một số loại hình phạt hoặc biện pháp tư pháp... mà còn là cơ sở để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt, bảo đảm nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ngoài ra, việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa đối với việc quy định một số chế định tạm giam, tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bộ luật Hình sự đã quy định pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội phạm, đồng thời quy định những loại hình phạt riêng cho pháp nhân thương mại phạm tội. Trong các loại hình phạt đó, chỉ có hình phạt tiền là tương tự như đối với người phạm tội, còn các hình phạt khác chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Vậy đối với pháp nhân thương mại phạm tội có phân biệt tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc bệt nghiêm trọng không?

Đây là vấn đề mới và nếu chỉ căn cứ vào quy định phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không có trường hợp nào pháp nhân thương mại phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thực tế không phải không có trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà dẫn đến chết hàng loạt người thì không thể nói rằng đó là tội phạm ít nghiêm trọng được.

Nếu không phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội sẽ ảnh hưởng đến nhiều chế định khác của Bộ luật Hình sự.

Tiếp thu ý kiến trên, ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và đã cấu tạo lại Điều 9 thành 2 khoản, trong đó khoản 2 quy định cách phân biệt tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau: “Việc phân loại tội phạm áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định tương ứng tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật Hình sự”.

Có ý kiến cho rằng, đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì làm gì có hình phạt tù mà căn cứ vào khoản 1 của Điều 9 để phân loại tội phạm.

Nếu hiểu như vậy là chưa thấy hết nội dung quy định tại khoản 2 Điều 9 mà Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Đúng là đối với pháp nhân thương mại thì không áp dụng hình phạt tù nhưng các tội phạm mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là những tội phạm mà người phạm tội có thể thực hiện và tội phạm đó cũng có khung hình phạt. Chính vì vậy mà nhà làm luật mới quy định “căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định tương ứng tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật Hình sự”. Ví dụ: Nếu pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu quy định tại Điều 188 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng, khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng, còn khoản 4 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu chỉ bị áp dụng hình phạt tiền. Chính vì thế mà nhà làm luật mới dùng thuật ngữ “tương ứng” là như vậy.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. 

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự mà người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù thì thời gian đã qua không được tính vào thời hiệu đối với tội cũ và thời hiệu được tính lại kể từ ngày phạm tội mới. Ví dụ: ngày 01/7/2010 Trần Văn H phạm tội “trộm cắp tài sản”, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự (là tội phạm nghiêm trọng) nhưng chưa bị khởi tố điều tra, đến ngày 10/6/2014 Trần Văn H lại phạm tội “cướp giật tài sản” và đến ngày 31/12/2014 cơ quan điều tra mới phát hiện hành vi phạm tội “trộm cắp tài sản” thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “trộm cắp tài sản” được tính từ ngày 10/6/2014 chứ không phải từ ngày 01/7/2010. Vì vậy, Trần Văn H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội “trộm cắp tài sản” và “cướp giật tài sản”. 

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng có không ít trường hợp khó xác định còn hay hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Do nhận thức không đúng về giá trị pháp lý của quyết định “truy tìm” không phải là quyết định tố tụng, mà chỉ là một quyết định của cơ quan điều tra trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hiện nay hầu hết cơ quan điều tra ở các địa phương trước khi quyết định khởi tố vụ án đã ra quyết định “truy tìm”. Có nơi truy tìm mà không thấy thì lập tức khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã, nhưng không phải nơi nào cũng làm như vậy mà có không ít trường hợp sau khi quyết định truy tìm mà không thấy thì “xếp hồ sơ vụ án”, tạm đình chỉ vụ án, nhiều trường hợp khi bắt được người thực hiện phạm tội thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết, vì chỉ có quyết định “truy tìm” chứ không quyết định “truy nã”, vì Bộ luật Hình sự quy định “người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã”. Nếu người phạm tội bỏ trốn và phạm tội mới mà cả tội cũ và tội mới đều hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời gian bỏ trốn được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, quyết định “truy tìm” không phải là căn cứ để “coi như” lệnh “truy nã” để buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong thời gian bỏ trốn, cơ quan điều tra không ra lệnh truy nã mà người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm mới, cần phân biệt:

- Nếu tội phạm mới không phải là tội kéo dài thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cũ được tính từ ngày phạm tội mới. Ví dụ: Ngày 01/01/1990, Nguyễn Vi D thực hiện hành vi cố ý gây thương tích thuộc trường quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng. Sau khi phạm tội “cố ý gây thương tích”, Nguyễn Vi D bỏ trốn nhưng cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Vi D mà chỉ Thông báo “truy tìm”. Đến ngày 15/02/2005 Nguyễn V D lại phạm tội cướp giật tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 và bị bắt quả tang. Sau khi bị bắt, cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện ngày 01/01/1990 Nguyễn Vi D phạm tội “cố ý gây thương tích”. Nếu căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Vi D về tội “cố ý gây thương tích” được tính lại từ ngày 15/02/2005. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra không ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Vi D về tội “cố ý gây thương tích” nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Vi D về tội này hết từ ngày 01/01/2005. Quyết định truy nã đối với người phạm tội bỏ trốn là điều kiện cần và đủ để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bỏ trốn. 

- Nếu tội phạm mới là tội kéo dài thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cũ được tính từ ngày người phạm tội bị bắt lại.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là “tội phạm kéo dài”, nhưng theo khoa học luật hình sự thì tội kéo dài là tội phạm mà hành vi khách quan diễn ra không gián đoạn trong khoảng thời gian dài. Đặc điểm của tội kéo dài là hành vi phạm tội chỉ chấm dứt khi tội phạm bị phát hiện hoặc khi người phạm tội tự thú. Ví dụ: tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tội tàng trữ vũ khí quân dụng, tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, tội che giấu tội phạm… Việc xác định tội phạm nào là tội phạm kéo dài có ý nghĩa quyết định đến việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nói chung đối với hành vi “tàng trữ”, đối tượng phạm tội đều là tội phạm kéo dài, kể cả việc sử dụng giấy tờ giả để lừa dối cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp thực tế dưới đây là một ví dụ:

Ngày 31/7/1980 tỉnh T.H xảy ra vụ án giết người, cướp của, nạn nhân là bà Phan Thị K. Sau khi thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản, thủ phạm bị tình nghi là Trương Đình Ch bỏ trốn. Cơ quan cảnh sát điều tra không ra lệnh “truy nã” mà ban hành Thông báo “truy tìm” (số 206 ngày 04/4/1999). Đây không phải là quyết định truy nã và cũng không thể “coi như” quyết định truy nã, vì nó không phải là quyết định tố tụng hình sự và cũng không được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Thông báo truy tìm chỉ là một văn bản tiền tố tụng (là quyết định hành chính) do cơ quan cảnh sát điều tra ban hành, cho dù nội dung của nó đã hàm chứa yếu tố giống với nội dung, trình tự và thủ tục về truy nã được quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã.

Sau khi phạm tội giết người và cướp tài sản, Trương Đình Ch đã bỏ trốn và làm lại chứng minh nhân dân (CMND) mang tên Trương Đình K; khi bị thu CMND mang tên Trương Đình K thì Trương Đình Ch tiếp tục giả mạo giấy tờ, hồ sơ để làm cho mình CMND mang tên mới là Lê Minh S cho đến khi bị bắt. Hành vi làm giả CMND và sử dụng CMND để lừa dối cơ quan nhà nước mà trực tiếp là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà đó là hành vi phạm tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, vì CMND là tài liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho công dân; việc Trương Đình Ch tự mình làm giả CMND hay nhờ người khác làm thì cũng là hành vi làm giả CMND. Lẽ ra, ngay sau khi bắt được Trương Đình Ch, cơ quan cảnh sát điều tra cần xúc tiến ngay việc điều tra xác minh hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức của Trương Đình Ch thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015); phạm tội có tổ chức không? Ai là người đã giúp Trương Đình Ch làm lại CMND? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Trương Đình Ch đã phạm tội 02 lần trở lên, thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là điểm b khoản 2 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015), còn các trường hợp phạm tội khác quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì phải điều tra, xác định mới biết được.

Về lý luận, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là tội phạm “kéo dài”, tức là kể từ ngày Ch làm giả CMND cho đến khi Ch bị bắt lại, Ch luôn ở trong tình trạng phạm tội. Vì vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trương Đình Ch về tội “giết người, cướp tài sản” được tính lại kể từ ngày Trương Đình Ch bị bắt chứ không phải từ khi Trương Đình Ch làm giả CMND và sử dụng CMND đó để lừa dối cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ở vụ án nói trên, việc cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là không đúng với quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015.                  

THẠC SĨ ĐINH VĂN QUẾ

Nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao

Những quy định mới về học và thi sát hạch bằng lái xe ôtô năm 2023