/ Trao đổi - Ý kiến
/ Thu thập, sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án 'Trộm cắp tài sản'

Thu thập, sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án 'Trộm cắp tài sản'

09/04/2021 16:32 |

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 lần đầu tiên bổ sung dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ có giá trị là một chứng cứ vật chất chứng minh làm rõ hành vi phạm tội trong vụ án hình sự. Dữ liệu điện tử được quy định tại Điều 99 BLTTHS theo đó “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”. Việc sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án hình sự ngày càng tăng trong đó có các vụ án trộm cắp tài sản. Trong bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu, trao đổi về những khó khăn trong việc thu thập và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án trộm cắp tài sản và một vài kiến nghị giải quyết những khó khăn vướng mắc nêu trên.

Cũng như các loại chứng cứ khác dữ liệu điện tử để đáp ứng là chứng cứ chứng minh trong vụ án hình sự phải là những gì có thật và được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đáp ứng đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ là tình khách quan, liên quan và hợp pháp. Đối với các tội "Trộm cắp tài sản" sử dụng dữ liệu điện tử để làm chứng cứ  phổ biến hiện nay là dữ liệu điện tử được thể hiện dưới dạng hình ảnh được ghi nhận qua hệ thống camera an ninh tại gia đình hoặc tổ chức, cơ quan. Dữ liệu điện tử là một trong những chứng cứ vật chất quan trọng trong vụ án trộm cắp tài sản vì trong nhiều trường hợp không có các chứng cứ khác như không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến, không thu được dấu vân tay của tội phạm tại hiện trường, không thu được vật chứng… 

1. Thu thập, bảo quản dữ liệu điện tử trong các vụ án trộm cắp tài sản

Thu thập dữ liệu điện tử được quy định tại Điều 107, 196 BLTTHS và Điều 5 Thông tư số liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/09/2012  hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Trong các quy định này đều yêu cầu phải thu giữ phương tiện điện tử trường hợp không thể thu giữ phương tiện điện tử thì cơ quan tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu đó vào phương tiện điện tử bảo quản như đối với vật chứng đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo quản nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan  có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật...

Luật chưa quy định cụ thể các trường hợp nào là trường hợp không thể thu giữ phương tiện điện tử. Trong phần lớn các trường hợp ở tội trộm cắp tài sản, dữ liệu điện tử được lưu trữ trong hệ thống camera an ninh giám sát tại gia đình hoặc tổ chức, cơ quan. Có cần thiết phải thu giữ hệ thống camera an ninh giám sát này không. Đối với hộ gia đình có thể thực hiện thu giữ được. Còn đối tổ chức, cơ quan như hệ thống bệnh viện, trường học, cơ quan nhà nước, khách sạn… việc thu giữ hệ thống giám sát này gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện do hệ thống phương tiện điện tử được xây dựng thành trung tâm dữ liệu có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Đối với trường hợp người bị hại tự sao lưu dữ liệu điện tử nộp cho Cơ quan điều tra thì Cơ quan điều tra có phải thu phương tiện điện tử chứa dữ liệu gốc hay không. 

Đối với trường hợp dữ liệu gốc bị mất do hệ thống camera tự xóa do dung lượng lưu trữ đầy, trước đó người bị hại tự sao lưu dữ liệu điện tử nộp cho Cơ quan điều tra thì trường hợp này xử lý như thế nào.

Các quy định trên cần có hướng dẫn chi tiết của Liên ngành trung ương để tạo thuận lợi khi áp dụng trong việc thu thập dữ liệu điện tử đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc bảo quản dữ liệu điện tử trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được bảo quản như đối với vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 90 BLTTHS. Trong giai đoạn điều tra, truy tố là Cơ quan điều tra Công an, Quân đội, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong giai đoạn xét xử và thi hành án là Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp chứng cứ cần xem xét tại phiên tòa thì được thực hiện thế nào khi đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự bảo quản, trường hợp khi đã xét xử xong do là chứng cứ của vụ án cơ quan nào phụ trách lưu trữ. Luật chưa quy định rõ về vấn đề này. Do đó, cần có hướng dẫn chi tiết về việc giao nhận và lưu giữ chứng cứ là dữ liệu điện tử.

Giám định chứng cứ là dữ liệu điện tử: Tất cả chứng cứ điện tử có bắt buộc phải giám định hay không, các trường hợp nào cần giám định đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử. Việc giám định đảm bảo một trong các thuộc tính của chứng cứ là những gì có thật. Do đó, cần có quy định chi tiết về các trường hợp bắt buộc phải giám định đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết vụ án.

2. Sử dụng Dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án trộm cắp tài sản

Sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án trộm cắp tài sản bên cạnh việc sử dụng các biên bản tố tụng được lập trong quá trình thu thập dữ liệu điện tử. 

Một nội dung khá quan trọng khi sử dụng chứng cứ điện tử cho bị can xác nhận chứng cứ là dữ liệu điện tử để đảm bảo tính chính xác, khách quan của chứng cứ. Quy định này được thực hiện như thế nào vẫn chưa được quy định cụ thể như cho bị can xem vào thời điểm nào, địa điểm ở đâu, cho xem trực tiếp dữ liệu điện tử gốc hay bản sao lưu. Khi cho bị can xem và cần có sự tham gia của người chứng kiến, Kiểm sát viên. 

Trong quá trình xét xử tại phiên tòa hiện nay việc trực tiếp sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử để đấu tranh với người phạm tội còn hạn chế do cơ sở vật chất tại phòng xét xử không được trang bị phương tiện điện tử để lưu dữ và mở dữ liệu điện tử. Trong thời gian tới bên cạnh việc thực hiện số hóa tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cần trang bị đầy đủ các phương tiện điện tử phục vụ việc sử dụng dữ liệu điện tử tại phiên tòa là chứng cứ đấu tranh đối với người phạm tội.

Thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cũng đất nước. Bên cạnh đó, các loại tội phạm liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao như trộm cắp, lừa đảo… trên không gian mạng ngày càng tăng. Việc sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án hình sự về trộm cắp tài sản nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung ngày càng nhiều. Trong khi đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật đặc biệt là ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết về việc thu thập, sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử cùng với tập huấn chuyên sâu về việc thu thập, sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử của liên ngành tư pháp có ý nghĩa hết quan trọng, giúp giải quyết triệt để các khó khăn vướng mắc trong việc thu thập và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong vụ án hình sự.

HOÀNG NGUYÊN THẮNG

Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 1

Khắc phục tình trạng 'luật ở trên trời, cuộc đời ở dưới đất'

Lê Minh Hoàng