Trong một số phiên thảo luận chuyên đề về pháp luật, có ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm cho rằng, có không ít dự án luật chưa đạt chất lượng, luật vừa mới ban hành 1-2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung; có tình trạng luật lúc đầu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng sau đó lại thành luật sửa đổi; có luật dự kiến thông qua 2 kỳ họp, sau đó phải kéo dài sang 3 kỳ...
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 21/11/20219, đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải, Đoàn Hải Phòng đặt vấn đề khi thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông đặt vấn đề "Đang có tình trạng luật mới ban hành 1-2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung. Luật thường xuyên phải thay đổi như vậy là do cuộc sống thay đổi quá nhanh hay do chất lượng xây dựng luật". Ông cũng nêu tình trạng nhiều dự thảo luật khi thông qua đã rất khác so với nội dung trình ban đầu. Có luật lúc đầu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng sau đó lại thành luật sửa đổi. Có luật dự kiến thông qua 2 kỳ họp sau đó phải kéo dài sang 3 kỳ... "Đây là tình trạng "vừa thiết kế, vừa thi công" trong lập pháp", ông Hải nhận định. |
Luật chỉ ban hành khi thật sư cần thiết
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc làm luật phải khi nào thấy thực sự cần thiết, thấy bất đắc dĩ không còn cách nào khác mới phải làm luật. Còn không khi cuộc sống chưa cần thì không nhất thiết phải làm, sẽ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc.
Đánh giá thực trạng hiện nay, ông nhận định, các nhà làm luật hiện nay vẫn “theo quy trình” vài năm lại sửa luật một vài lần, thực ra cuộc sống vẫn vận hành tốt nên không cần thiết phải sửa luật.
Một lý do quan trọng khiến luật sau khi ban hành phải sửa đổi, theo Giáo sư Dung đó là việc người làm chính sách không đưa “hơi thở” cuộc sống vào trong xây dựng luật, khiến nhiều văn bản ban hành không có tính khả thi hay còn gọi là thực trạng “làm luật trong phòng máy lạnh”.
"Điều này không chỉ gây ra lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước mà còn khiến chính những người làm luật tự đánh mất đi sự tin tưởng của nhân dân", Giáo sư Dung nêu quan điểm.
Ông cũng đưa ra dẫn chứng việc ban hành luật còn nhiều bất cập dẫn đến việc luật cứ đưa ra là phải sửa đổi, bổ sung liên tục. "Thậm chí có bộ luật vừa mới ban hành đã có đến trăm lỗi sai về mặt lập pháp nên phải kéo dài thời gian có hiệu lực thi hành đến 3 năm sau đó", ông nói.
Người dân cần thay đổi tư duy về xây dựng luật
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “luật ở trên trời, cuộc đời ở dưới đất”, luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung ngay tức thời theo ông Dung trong đó một phần trách nhiệm cũng thuộc về người dân. "Ngay từ đầu người dân đã không quá để ý đến quy trình đóng góp ý kiến trong xây dựng luật, họ cho rằng việc làm luật là của Nhà nước; chỉ khi nào xuất hiện kiện cáo thì khi đó họ mới thực sự quan tâm đến luật - thứ mà vốn dĩ ngay từ đầu phải dành nhiều sự ưu tiên".
Người dân cũng cần thay đổi tư duy về việc làm luật, thay vì suy nghĩ “để Nhà nước làm luật” thì cần suy nghĩ “làm luật vì quyền lợi hợp pháp của mình”. Khi có quy trình lấy đóng góp ý kiến của người dân đối với các dự án luật thì chính họ phải hăng hái hưởng ứng, nhiệt liệt bàn bạc, trước hết vì luật làm ra là để bảo vệ quyền lợi của chính họ, sau đó mới là lợi ích quốc gia dân tộc. Chính sự giám sát, phản biện ngay từ khâu đầu vào của người dân là một giải pháp quan trọng để luật mới ban hành mang hơi thở của cuộc sống.
Gắn chặt trách nhiệm người làm luật
Để giải quyết thực trạng về cách làm luật hiện nay, Giáo sư Dung cho rằng đây không phải câu chuyện một sớm một chiều, không phải câu chuyện chỉ có vài cá nhân cùng nhau làm chính sách.
Theo ông, trước hết, người làm chính sách phải hình thành cho mình tư duy làm luật, tư duy đó phải xuất phát từ vấn đề cuộc sống đặt ra chứ không chỉ nhìn vào hiện tượng, hiện tượng chỉ là “bề nổi” ở phía trên còn nguyên nhân mới là gốc rễ của vấn đề. Để nhìn ra được vấn đề phải làm thì người làm chính sách cần có chất xám, thực tiễn kinh nghiệm nghề nghiệp, cần đưa cuộc sống vào trong luật chứ không phải đưa luật vào cuộc sống.
Luật pháp phải xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của người dân chứ không phải “theo quy trình” vài năm lại đưa ra để bàn bạc. Đồng thời, việc làm luật cũng đòi hỏi sự liêm chính của chính người xây dựng.
"Vì nếu không có liêm chính sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều “khuyết tật”, biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo “hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có những lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác”, Giáo sư Dung nói.
Đồng thời, ông cũng khẳng định cần thiết phải đặt ra trách nhiệm của người làm chính sách, vấn đề trách nhiệm ở đây không phải là đè nặng áp lực mà khiến họ phải có ý thức hơn trong việc xây dựng luật. Để tình trạng “vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng luật” chấm dứt thì chính người dân cũng cần thay đổi tư duy về việc làm luật, thay vì suy nghĩ “để Nhà nước làm luật” thì cần suy nghĩ “làm luật vì quyền lợi hợp pháp của mình”. Khi có quy trình lấy đóng góp ý kiến của người dân đối với các dự án luật thì chính họ phải hăng hái hưởng ứng, nhiệt liệt bàn bạc, trước hết vì luật làm ra là để bảo vệ quyền lợi của chính họ, sau đó mới là lợi ích quốc gia dân tộc. Chính sự giám sát, phản biện ngay từ khâu đầu vào của người dân là một giải pháp quan trọng để luật mới ban hành mang hơi thở của cuộc sống.
Cuối cùng, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) về hy vọng mong một ngày không xa người dân vào Hội trường Diên Hồng không những được tham quan mà còn được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội. Và tình trạng “vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng luật” sẽ chấm dứt để ngân sách Nhà nước không phải tốn kém cho những khoản chi này.
VŨ THỦY