Thực trạng áp dụng pháp luật về rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm hiện nay

11/10/2024 22:44 | 1 ngày trước

(LSVN) - Theo quy định của Bộ Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, tại Điều 218 BLTTDS 2015 có quy định như sau: nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì có quyền khởi kiện lại vụ án dân sự, nguyên đơn được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp (nếu nguyên đơn có nộp tiền tạm ứng án phí và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó thì tại Mẫu số 45-DS được Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án:” có hướng dẫn như sau: “Tùy vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của BLTTDS, (kể cả về tiền tạm ứng án phí)”. Như vậy, đối chiếu lại quy định tại Điều 218 của BLTTDS 2015 thì trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thuộc trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015) phải ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án những nội dung sau: một là, cho người khởi kiện quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự (theo khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015); hai là, hoàn trả lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn nếu nguyên đơn có nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Toà án.

Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự ở các Toà án hiện nay thấy rằng việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tại các Toà án cấp sơ thẩm hiện nay vẫn còn khác nhau, nhất là việc áp dụng quy định giải quyết hậu quả pháp lý trong trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện. Một số trường hợp cụ thể sẽ được dẫn chứng dưới đây:

1. Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án không có nội dung cho nguyên đơn quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự

Ví dụ 1: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân huyện VT, Thành phố CT đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 05/2024/QĐST-DS ngày 22 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: “Trả lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc T số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số: 0006965 ngày 09/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VT, thành phố CT”[1]

Đối chiếu quy định tại Điều 218 của BLTTDS 2015 thì thấy rằng Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 05/2024/QĐST-DS ngày 22 tháng 3 năm 2024 của Toà án nhân dân huyện VT, Thành phố CT còn thiếu nội dung cho nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án dân sự và nội dung xử lý tiền tạm ứng án phí. Trường hợp nguyên đơn đã được Toà án miễn nộp tiền tạm ứng án phí thì quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cũng cần phải thể hiện rõ nội dung nguyên đơn đã được Toà án xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí nên phần tiền tạm ứng án phí Toà án không giải quyết khi đình chỉ giải quyết vụ án.

Ví dụ 2: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân huyện B, Thành phố HN đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 57/2024/QĐST-DS ngày 26 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: “Về án phí: Hoàn trả nguyên đơn - Ngân hàng TMCP SGTT số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai nộp tiền số 0005071 ngày 22/3/2024 của Chi cục thi hành án dân sự quận B, thành phố HN.”[2]

Đối chiếu quy định tại Điều 218 của BLTTDS 2015 và hướng dẫn tại Biểu mẫu 45-DS được Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì thấy rằng Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 57/2024/QĐST-DS ngày 26 tháng 3 năm 2024 của Toà án nhân dân huyện B, Thành phố HN cũng còn thiếu nội dung cho nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án dân sự. Riêng về phần xử lý tiền tạm ứng án phí do nguyên đơn đã nộp nhưng quyết định lại ghi “về án phí” là chưa đúng quy định. Vì hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là nguyên đơn được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí chứ pháp luật không quy định về án phí. Do đó, nội dung của quyết định phải sửa lại như sau: “Về tiền tạm ứng án phí: Hoàn trả nguyên đơn - Ngân hàng TMCP SGTT số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai nộp tiền số 0005071 ngày 22/3/2024 của Chi cục thi hành án dân sự quận B, thành phố HN”.

Ví dụ 3: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân huyện YT, tỉnh HB đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 03/2024/QĐST-DS ngày 18 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: “Ngân hàng thương mại cổ phần QĐ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 11.800.000 đồng (Mười một triệu tám trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0001556 ngày 23/01/2024 của Chi cục thi hành án dân sự huyện YT, tỉnh HB. Ngân hàng thương mại cổ phần QĐ được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.”[3]

Đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 03/2024/QĐST-DS ngày 18 tháng 3 năm 2024 của Toà án nhân dân huyện YT, tỉnh HB về phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án thì đảm bảo các nội dung theo quy định của pháp luật.

So sánh các ví dụ trên cho thấy thực hiện có Toà án vẫn còn nhận thức chưa đúng quy định pháp luật dẫn đến việc áp dụng quy định pháp luật chưa đúng về quyền khởi kiện lại vụ án dân sự trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS năm 2015. Quan điểm tác giả cho rằng khi ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì tại mục “Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định bắt buộc phải có nội dung cho nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án dân sự.

2. Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án có Toà án cho nguyên đơn quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự nhưng có Toà án không cho nguyên đơn quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự

Ví dụ 1: Do nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đ rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với bị đơn với lý do bị đơn đã hoàn thành nghĩa vụ trả hết nợ gốc và lãi cho Ngân hàng thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh TTH đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 56/2024/QĐST-DS ngày 15 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: “2.1 Về án phí: Trả lại cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đ số tiền tạm ứng án phí 5.934.000 đồng (Năm triệu chín trăm ba mươi tư nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001103 ngày 19/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố H, tỉnh TTH. 2.2 Trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu.”[4]

Ví dụ 2: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện với lý do bị đơn thoả thuận thực hiện xong nghĩa vụ với nguyên đơn thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân thành phố DH, tỉnh QT đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 08/2024/QĐST-DS ngày 26 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: Bà Nguyễn Thị Mỹ N có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định của pháp luật. Trả lại bà Nguyễn Thị Mỹ N yêu cầu khởi kiện và tài liệu kèm theo yêu cầu nếu có yêu cầu.”[5]

Sự khác nhau trong hai hướng xử lý nêu trên xuất phát từ hai luồng quan điểm sau: Quan điểm thứ nhất, cho rằng theo Mẫu số 45-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) và tại mục (9) của “Hướng dẫn sử dụng mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” có hướng dẫn như sau: Tùy vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của BLTTDS, (kể cả về tiền tạm ứng án phí). Từ hướng dẫn này, Thẩm phán căn cứ vào khoản 1 Điều 218 của BLTTDS bắt buộc phải ghi vào phần hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là nguyên đơn được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Còn nếu sau đó, nguyên đơn có khởi kiện lại vụ án thì tòa án xem xét giải quyết theo thủ tục chung là thông báo trả lại yêu cầu khởi kiện (nếu chưa thụ lý vụ án) hoặc đình chỉ giải quyết vụ án (nếu đã thụ lý vụ án) do nguyên đơn không có quyền khởi kiện hoặc đưa vụ án ra xét xử và xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời buộc nguyên đơn chịu toàn bộ án phí, chi phí tố tụng khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Quan điểm thứ hai, cho rằng mặc dù tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS 2015 có quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nếu nguyên đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 thì nguyên đơn có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đây là quy định pháp luật chung. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần linh hoạt vận dụng quy định của pháp luật và từng trường hợp cụ thể trong thực tiễn.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Do đó, khi nguyên đơn gửi cho Tòa án yêu cầu yêu cầu rút lại yêu cầu khởi kiện, nếu trong yêu cầu họ không nêu rõ lý do rút lại yêu cầu khởi kiện thì Thẩm phán cần tiến hành lấy lời khai làm rõ việc họ rút yêu cầu khởi kiện có tự nguyện không và làm rõ lý do rút lại yêu cầu khởi kiện. Nếu họ trình bày hoặc cung cấp cho tòa án chứng cứ thể hiện rõ nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện là do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn thì trong trường hợp này, Thẩm phán khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không phải ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nguyên đơn được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Bởi vì việc không ghi hậu quả pháp lý như trên là phù hợp với bản chất của vụ án và tránh được sự phản ứng của phía bị đơn (có thể là kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án), khi họ cho rằng họ đã thực hiện xong nghĩa vụ với nguyên đơn, tại sao Tòa án vẫn cho nguyên đơn quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án. Điều này cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật vào trong thực tiễn của Thẩm phán.

3. Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án có Toà án xử lý tiền tạm ứng phí nhưng có Toà án không xử lý tiền tạm ứng án phí

Ví dụ 1: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân thành phố HT, tỉnh HT đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 03/2024/QĐST-DS ngày 02 tháng 4 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: “Các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án này theo thủ tục chung.”[6]

Ví dụ 2: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân huyện DT, tỉnh LD đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 18/2024/QĐST-DS ngày 08 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” của quyết định này chỉ có nội dung sau: “2.1 Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS. 2.2 Về án phí: Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Ánh T số tiền 662.500đ (Sáu trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí Tòa án số 0003601 ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện DT, tỉnh LD.”[7]

Qua hai ví dụ trên thấy rằng vẫn còn Toà án áp dụng quy định pháp luật về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chưa đúng quy định của pháp luật quy định tại Điều 218 BLTTDS năm 2015. Cụ thể, theo quy định thì khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì Toà án nêu giải quyết cả phần tiền tạm ứng án phí (quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn). Việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án không có quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn là không đúng quy định.

4. Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án có nội dung quyết định cho nguyên đơn không chịu án phí

Ví dụ 1: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh TTH đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 47/2024/QĐST-DS ngày 29 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2.1 Về án phí: Bà Ngô Thị H không phải chịu án phí. (Do bà Ngô Thị H là người cao tuổi và có yêu cầu xin miễn án phí. Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thuộc trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm). 2.2 Trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu. 2.3 Về quyền yêu cầu giải quyết lại vụ án: Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định pháp luật.”[8]

Ví dụ 2: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân huyện DX, tỉnh PY đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 16/2023/QĐST-DS ngày 12 tháng 11 năm 2023. Tại mục “2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị X là đối tượng người cao tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 nên không phải chịu tạm ứng án phí, án phí DSST.”[9]

Việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng trong phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án có nội dung cho nguyên đơn không phải chị án phí là không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể tại khoản 3 Điều 218 BLTTDS 2015 quy định như sau: “3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ”. Từ quy định này này có thể hiểu trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 thì Toà án phải trả lại tiền tạm ứng án mà nguyên đơn đã nộp. Trường hợp nguyên đơn được Toà án xét miễn nộp tiềm tạm ứng án phí thì ghi rõ nguyên đơn đã được xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí trong quyết định chứ pháp luật không quy định nguyên đơn phải chịu hay không phải chịu tiền án phí khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

5. Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án có Toà án có nội dung trả lại tài liệu, chứng cứ cho nguyên đơn khi có yêu cầu nhưng có Toà án không có nội dung trả lại tài liệu, chứng cứ cho nguyên đơn

Ví dụ 1: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh TTH đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 286/2023/QĐST-DS ngày 29 tháng 9 năm 2023. Tại mục “2.Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” có nội dung sau: “2.1 Về án phí: Trả lại cho Ngân hàng TMCP B số tiền tạm ứng án phí 533.000 đồng (Năm trăm ba mươi ba nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0005857 ngày 21/4/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố H, tỉnh TTH. 2.2 Trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu. 2.3 Về quyền yêu cầu giải quyết lại vụ án: Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định pháp luật.”[10]

Ví dụ 2: Do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nên Toà án nhân dân huyện LH, tỉnh LD đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số: 25/2024/QĐST-DS ngày 26 tháng 3 năm 2024. Tại mục “2.Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án” có nội dung sau: “Về án phí: Hoàn trả cho bà Nguyễn Kim Hương số tiền tạm ứng án phí là 1.400.000đồng (Một triệu bốn trăm nghìn đồng) mà bà Nguyễn Kim Hương đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004332 ngày 29/11/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện LH, tỉnh LD. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.”[11]

Vấn đề khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Toà án có bắt buộc phải ghi trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu” hay không thì thực tế các Toà án hiện nay vẫn còn áp dụng pháp luật khác nhau. Việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu” là căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 217 BLTTDS năm 2015. Cụ thể quy định như sau: “3. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại yêu cầu khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu…”. Qua công tác kiểm tra nghiệp vụ của Toà án nhân dân tối cao năm 2023 tại dự thảo thông báo kết quả kiểm tra cũng có nội dung đề cập đến việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng quyết định không có nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu” là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Quan điểm của tác giả cho rằng vấn đề khi Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì quyết định có nhất thiết phải có nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu” hay không thì cần xem xét lại. Bởi vì quy định tại Điều 218 BLTTDS 2015 về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án không có nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu”. Tại Mẫu số 45-DS được Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng không hướng dẫn nội dung này. Mặc khác quy định tại khoản 3 Điều 217 của BLTTDS 2015 chỉ quy định Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại yêu cầu khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự khi mà đương sự có nếu có. Còn trường hợp đương sự không yêu cầu trả lại yêu cầu khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo yêu cầu khởi kiện thì Toà án không bắt buộc phải trả. Cho nên bắt buộc việc ghi trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu” là chưa đúng quy định của pháp luật và không cần thiết phải ghi trong quyết định nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu”. Bởi vì cho dù Toà án có ghi hay không có ghi nội dung “trả lại các giấy tờ kèm theo yêu cầu khởi kiện cho đương sự nếu có yêu cầu” trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà nếu đương sự có yêu cầu nhận lại yêu cầu khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo yêu cầu khởi kiện thì Toà án có nghĩa vụ phải trả theo yêu cầu chứ không có lý do gì phải từ chối không thực hiện yêu cầu này của đương sự.

Tóm lại, mặc dù vấn đề ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã được quy định khá rõ trong Bộ luật tố tụng dân sự và biểu mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cũng đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết nhưng việc áp dụng quy định của pháp luật tại các Toà án hiện nay còn khác nhau. Do đó, các Thẩm phán khi ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cần tuân thủ đúng quy định pháp luật. Một số vấn đề còn vướng mắc hay có nhận thức còn khác nhau thì đề nghị Toà án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn hoặc giải đáp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong thời gian tới.

[1] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1468658t1cvn/chi-tiet-ban-an

[2] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1460050t1cvn/chi-tiet-ban-an

[3] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1450727t1cvn/chi-tiet-ban-an

[4] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1467996t1cvn/chi-tiet-ban-an

[5] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1470723t1cvn/chi-tiet-ban-an

[6] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1466537t1cvn/chi-tiet-ban-an

[7] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1457813t1cvn/chi-tiet-ban-an

[8] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1468027t1cvn/chi-tiet-ban-an

[9] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1372937t1cvn/chi-tiet-ban-an

[10] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1468033t1cvn/chi-tiet-ban-an

[11] Xem https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1464994t1cvn/chi-tiet-ban-an

DƯƠNG TẤN THANH 

Phó Chánh án TAND Thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Luật sư trong thời đại chuyển đổi số: Thách thức và hy vọng