Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng

25/02/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Quy tắc 6 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư quy định: “Luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý trên cơ sở yêu cầu hợp pháp của khách hàng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng”.

Ảnh minh họa.

Để đánh giá yêu cầu của khách hàng có hợp pháp hay không, Luật sư cần tìm hiểu về vụ việc và yêu cầu của khách hàng trên tinh thần chia sẻ hiểu biết thấu đáo bản chất vụ việc. Yêu cầu hợp pháp là những yêu cầu gắn liền với quyền và lợi ích của khách hàng, được xác định dựa trên những căn cứ pháp luật được quy định hoặc hợp với đạo lý, lẽ công bằng. Thông thường, những thông tin, tài liệu, hồ sơ ban đầu, khách hàng có thể chưa nắm hoặc chưa rõ hết tình tiết, diễn biến sự việc nên có thể Luật sư đánh giá hết những cơ sở đường dẫn hướng đến kế hoạch bước đi sau này. Lúc này, Luật sư cần dựa vào trình độ chuyên môn cũng như những kinh nghiệm của bản thân để đưa ra những đánh giá khách quan tránh trường hợp ngộ nhận yêu cầu của khách hàng hay bị khách hàng “dẫn dắt” mà “chạy theo” những yêu cầu không chính đáng không hợp pháp của khách hàng.

Tôn trọng khách hàng là việc Luật sư có sự đánh giá đúng mực, coi trọng phẩm giá, danh dự của khách hàng, thể hiện thái độ đúng mực có văn hóa khi hành nghề Luật sư. Tôn trọng khách hàng còn được hiểu là sự tôn trọng của Luật sư đối với bản thân cá nhân con người của khách hàng, hiểu thấu đáo hoàn cảnh xuất thân, nguyên nhân, bối cảnh nảy sinh vụ việc dẫn đến nhu cầu phải nhờ Luật sư. Có những trường hợp khách hàng là bị can, bị cáo trong những vụ án có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội như con giết bố mẹ, anh giết em, vợ giết chồng… nhưng khi nhận trách nhiệm bào chữa, với trái tim và tấm lòng trắc ẩn Luật sư nhận ra được những góc khuất trong thân phận con người, nguyên nhân hoàn cảnh, các yếu tố tác động đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Do vậy, lời bào chữa của Luật sư tại phiên tòa không chỉ đưa ra các lập luận, ý kiến pháp lý mà còn thẫm đẫm tình người mang tính nhân văn, hướng đến và khơi dậy cái thiện trong xã hội.

Sự tôn trọng đối với khách hàng của Luật sư còn được thể hiện trong việc Luật sư tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng. Sự lựa chọn của khách hàng được thể hiện qua các mặt, bao gồm: Lựa chọn Luật sư tư vấn, trợ giúp pháp lý, sự phù hợp về định hướng giải quyết vụ việc, sự thống nhất về cách thức, phương pháp tiến độ giải quyết và trao đổi thống nhất về mức thù lao Luật sư,…

Trên thực tế, nhu cầu và sự lựa chọn của khách hàng rất đa dạng, đôi khi sẽ dẫn đến việc xảy ra mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa Luật sư và khách hàng, Luật sư cần phải cẩn trọng cân nhắc đến các khía cạnh phát sinh trong mối quan hệ với khách hàng để tránh làm mất lòng tin của khách hàng với Luật sư. Trong trường hợp Luật sư với khách hàng không thống nhất được ý kiến giải quyết vụ việc, Luật sư có thể thỏa thuận với khách hàng về việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Trong mọi trường hợp Luật sư không chống lại khách hàng, không đưa ra lời bào chữa, bảo vệ chống lại khách hàng, mâu thuẫn quan điểm của khách hàng. 

THIÊN AN

Luật sư không được sử dụng các chức danh khác ngoài danh xưng Luật sư để mưu cầu lợi ích