Trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá

01/07/2024 09:55 | 2 ngày trước

(LSVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Ảnh minh họa. 

Theo đó, Thông tư này quy định rõ về xây dựng, phê duyệt và ban hành kế hoạch kiểm tra. Theo đó, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ban hành kế hoạch kiểm tra.

Chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, trên cơ sở đề xuất của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch kiểm tra. Ngay sau khi kế hoạch kiểm tra được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, báo cáo do đối tượng kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra lập dự thảo Biên bản kiểm tra trên cơ sở báo cáo của thành viên đoàn kiểm tra. Biên bản kiểm tra gồm các nội dung về đặc điểm, tình hình chung của đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra, các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn kiểm tra và thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này. Biên bản kiểm tra phải được lập trong thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Giá.

Biên bản kiểm tra phải được thống nhất với đối tượng kiểm tra hoặc có ý kiến giải trình của đối tượng kiểm tra. Trường hợp đối tượng kiểm tra vắng mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc từ chối ký biên bản kiểm tra thì phải có đại diện chính quyền cơ sở nơi tiến hành kiểm tra hoặc người chứng kiến ký, xác nhận việc lập biên bản kiểm tra và ghi rõ việc đối tượng kiểm tra không ký biên bản kiểm tra. Trường hợp không có chữ ký của những người này, biên bản vẫn được lập và ghi rõ lý do.

Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện đối tượng kiểm tra có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, thẩm định giá thì Trưởng đoàn kiểm tra hoặc thành viên đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra xây dựng báo cáo kiểm tra gửi cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá để báo cáo cơ quan ra quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra xem xét, quyết định, chỉ đạo kịp thời các cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện xử lý kiến nghị của đoàn kiểm tra theo thẩm quyền. Đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra để kịp thời khắc phục các sai phạm (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

HUYỀN TRANG

Chốt 03 luật về bất động sản có hiệu lực từ 01/8/2024

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN