'Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định' trong Bộ luật Hình sự - Một số vướng mắc và đề xuất

01/07/2024 22:11 | 2 ngày trước

(LSVN) - Theo Bộ luật Hình sự hiện hành (BLHS), hình phạt là một chế tài nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội. Hình phạt có hai loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo đó, người phạm tội có thể bị tuyên cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tùy vào tính chất, mức độ, lĩnh vực, chủ thể bị xâm phạm… người phạm tội sẽ bị tuyên hình phạt bổ sung tương ứng gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính. Phạm vi của chuyên đề nghiên cứu, phân tích hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định” và một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng hình phạt này.

Ảnh minh họa.

Khái quát chung về hình phạt bổ sung

Khái niệm hình phạt

Theo quy định tại Điều 30, 31, 32 BLHS thì: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.

“Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.

Theo đó, BLHS đã phân loại hình phạt thành 02 loại là: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

Đặc điểm của hình phạt bổ sung

Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt chính đối với những tội phạm nhất định nhằm tăng cường, củng cố tác dụng của hình phạt chính (bổ sung cho hình phạt chính). Nếu người bị kết án không bị áp dụng hình phạt chính thì tòa án không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.

Mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính, nhưng lại có thể bị áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung (khoản 3 Điều 32 BLHS). Trong trường hợp một người bị kết án về nhiều tội, thì hình phạt bổ sung của tội nào chỉ áp dụng đối với tội ấy, không áp dụng hình phạt bổ sung chung cho tất cả các tội.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 6 Điều 91 BLHS).

Hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 của BLHS: “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo”.

Như vậy, đây là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người bị kết án khi Tòa án xét thấy sau khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính mà để họ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây ra nguy hại cho xã hội hoặc họ lại có điều kiện phạm tội mới.

Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là không cho người bị kết án làm những nghề này hay những công việc mà họ có thể tiếp tục phạm tội. Việc áp dụng cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có ý nghĩa nhằm tăng cường hiệu quả của hình phạt chính và nhằm mục đích phòng ngừa người bị kết án tiếp tục phạm tội. Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Một số vướng mắc khi áp dụng hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” và đề xuất

Quy định “gây nguy hại cho xã hội”

Theo quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, hình phạt bổ sung này được quy định tại các tội phạm cụ thể mà người phạm tội lợi dụng chức vụ, danh nghĩa cơ quan, tổ chức, nghề nghiệp hoặc công việc nhất định để phạm tội hoặc do thiếu trách nhiệm trong khi thực hiện công vụ, vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc hành chính gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tập thể hoặc của công. Khi áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tòa án tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể vừa tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định nhưng cũng có thể chỉ tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định hoặc tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản.

Hình phạt bổ sung này được áp dụng khi Toa án xét thấy nếu để người bị kết án tiếp tục đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định nào đó sau khi chấp hành hình phạt tù hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu là hình phạt chính khác thì họ có thể lại có điều kiện phạm tội mới.

Tuy nhiên, việc để Toà án xét thấy trong tương lai họ có thể hoặc không thể gây nguy hại cho xã hội, nếu vẫn để cho họ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì vấn đề này chưa được hướng dẫn cụ thể phải căn cứ vào yếu tố nào để xác định.

Đề xuất: Đây là quy định mang tính chất tùy nghi, đánh giá dành cho Toà án. Do vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về mức độ “gây nguy hại cho xã hội” thì phải hoặc không phải áp dụng hình phạt bổ sung này.

Quy định “còn phải” áp dụng hình phạt bổ sung “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”

Quy định tại các tội danh như “Tham ô tài sản” (Điều 353), “Nhận hối lộ” (Điều 354), “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (Điều 355), “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356), “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (Điều 357), “Giả mạo trong công tác” (Điều 359), “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 360)… đều có quy định về hình phạt bổ sung đối với người phạm tội “… Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ…”.

Theo quy định trên, có quan điểm cho rằng hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ”, “cấm hành nghề”, hoặc “cấm làm công việc nhất định” là hình phạt bắt buộc phải áp dụng đối với người bị kết án về các tội danh nêu trên.

Theo tác giả, quan điểm bắt buộc phải áp dụng hình phạt bổ sung như trên là không phù hợp với bản chất, ý nghĩa, mục đích của hình phạt bổ sung. Hình phạt bổ sung nhằm mục đích “bổ sung” cho hình phạt chính và chỉ áp dụng khi xét thấy cần thiết, không mang tính bắt buộc. Nếu quy định bắt buộc phải áp dụng hình phạt bổ sung thì lúc này tính “bổ sung” không còn mà thay vào đó vô hình chung hình phạt lúc này đã trở thành hình phạt chính.

Tại Điều 41 BLHS cũng đã quy định rõ: “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội”. Như vậy, xuất phát từ quy định chung, có thể thấy ngay từ ban đầu, mục đích các nhà làm luật cho rằng việc áp dụng hình phạt bổ sung này là tùy nghi, không có tính bắt buộc.

Tác giả cho rằng, việc xem xét tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có thể hoặc không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung cho là phù hợp hơn cả. Điều này để đảm bảo cho người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù thì vẫn có thể tìm được công việc ổn định để không là gánh nặng cho xã hội và có cơ hội trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đề xuất: Đối với các quy định về tội phạm cụ thể nói trên, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung “còn phải áp dụng hình phạt bổ sung” để tránh gây nhầm lẫn và khó áp dụng pháp luật.

THANH THỊNH

Tòa án Quân sự khu vực Quân chủng Hải quân

Cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài thương mại trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng: Bất cập và hướng hoàn thiện