Luật sư, giảng viên Đại học có thể được bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao

03/07/2024 14:35 | 2 ngày trước

(LSVN) - Theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2024, Luật sư, giảng viên Đại học có thể được bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán được tái bổ nhiệm sẽ kéo dài nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

Ảnh minh họa.

Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2024 vừa được Quốc hội thông qua với hàng loạt quy định mới liên quan đến chức danh Thẩm phán. Theo đó, chức danh Thẩm phán chỉ còn có hai ngạch là Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán TAND. Nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND Tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm; trường hợp được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Trường hợp Thẩm phán TAND được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án thì khi được phân công lại làm Thẩm phán TAND thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán TAND và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Như vậy, so với quy định hiện hành, ngạch của Thẩm phán đã giảm xuống từ 04 ngạch (Thẩm phán TAND Tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp) xuống còn hai ngạch. Đồng thời, nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng đã thay đổi.

Ngoài nội dung trên, tại khoản 2, Điều 96, Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2024 còn nêu rõ, người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có đủ tiêu chuẩn như là công dân Việt Nam, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm (có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc) thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao khi thuộc một trong những trường hợp sau:

- Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao;

- Chuyên gia, Luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Số lượng Thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo diện này là không quá 02 người.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2024 cũng quy định, HĐXX, Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác thuộc đối tượng được bảo vệ. Theo đó, HĐXX, Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác được lực lượng cảnh sát nhân dân bảo vệ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo yêu cầu của Tòa án.

Thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết. Luật cũng nghiêm cấm các hành vi đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của Thẩm phán, thân nhân của Thẩm phán khi Thẩm phán thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; Cản trở Thẩm phán thi hành công vụ; Gây ảnh hưởng đến Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…

QUÝ TRẦN

Kiểm toán Nhà nước chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan điều tra