TRỰC 8/2

07/02/2022 13:34 |3 năm trước

(LSVN) -

1. Một số vướng mắc khi áp dụng Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015

(LSVN) - Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là những đối tượng được Nhà nước quản lý đặc biệt và chặt chẽ. Mọi trường hợp chế tạo, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển hoặc mua bán những đối tượng này không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều bị coi là trái phép. Trong đó, tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự (BLHS) khi áp dụng còn bộc lộ một số vấn đề cần phải trao đổi và có hướng dẫn. 

1. Quy định Điều 304 theo BLHS 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có giải thích “Vũ khí quân dụng” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm:

a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

đ) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a, b, c, d khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ.

Điều 304 BLHS quy định tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” như sau: 

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm…”

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm gồm:

- Chủ thể của tội phạm:

+ Người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đạt độ tuổi theo luật định. 

+ Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm này khi có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 304 BLHS (tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm an toàn xã hội bằng việc vi phạm quy định của Nhà nước về sản xuất, quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

- Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở các loại hành vi phạm tội sau: 

+ Hành vi chế tạo trái phép: là hành vi làm ra hoặc sửa chữa, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

+ Hành vi tàng trữ trái phép: là cất giấu, lưu trữ vũ khí quân dụng,  phương tiện kỹ thuật quân sự ở một địa điểm, một vị trí như ở nhà; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách…không được phép của cơ quan có thẩm quyền mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác hoặc vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Thời gian cất giữ dài hay ngắn không có ý nghĩa đối với việc định tội.

+ Hành vi vận chuyển trái phép: là chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ địa điểm này đến các địa điểm khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền và không nhằm mục đích mua bán, đối với các đối tượng đó.

+ Hành vi sử dụng trái phép: là kích hoạt các tính năng của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

+ Hành vi mua bán trái phép: là dùng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là đối tượng mua bán, trao đổi bằng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

+ Hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự: là bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm hữu trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo…

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên.

2. Một số trường hợp vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 304 BLHS

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Có cả bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng và bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội phạm vũ khí quân dụng theo Điều 304 BLHS hay tội phạm liên quan đến vật liệu nổ theo Điều 305 BLHS?

Trong hướng dẫn tại khoản 11, Điều 6 Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nêu hai hướng xử lý, cụ thể: 

- Trường hợp bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định phạm tội về vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 BLHS; 

- Trường hợp bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định phạm tội về vật liệu nổ quy định tại Điều 305 BLHS.

Riêng đối với trường hợp có cả bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng và bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo quan điểm của tác giả, nếu hai hành vi phạm tội của A có liên quan chặt chẽ với nhau thì A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội và cơ quan điều tra phải xác định đúng bản chất hành vi phạm tội của A, từ đó lựa chọn tội danh cho phù hợp. Ngược lại, nếu A thực hiện hai hành vi này độc lập với nhau thì sẽ bị truy cứu cả hai tội về vũ khí quân dụng và vật liệu nổ và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS để quyết định hình phạt.

Ví dụ 2: Trong quá trình điều tra, khám xét trong một số vụ án "Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy" do Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành giải quyết đã phát hiện thu giữ các loại tang vật, như: Súng tự chế; đạn thể thao; 01 viên đạn AK (kết luận giám định dùng cho súng quân dụng). 

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển xử lý hành chính hành vi tàng trữ đối với các loại súng tự chế, đạn thể thao. Tuy nhiên, đối với hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng, còn có các quan điểm: 

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ Điều 304 BLHS và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thì hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 304 BLHS. 

Quan điểm thứ hai: Vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 thì hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 304 BLHS, Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 là để hướng dẫn Điều 95, 96 Bộ luật Hình sự năm 1985. Như vậy việc vận dụng Thông tư liên ngành trên áp dụng cho Điều 304 BLHS năm 2015 có còn phù hợp không? Theo quan điểm tác giả, trường hợp trên đã thoả mãn viên đạn thuộc Vũ khí quân dụng theo điểm d, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Điều 304 BLHS không quy định mức định lượng tối thiểu của các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; vì vậy, hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Khoản 1 Điều 304 BLHS. 

Ví dụ 3: Phạm Đức V. có hành vi vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng qua biên giới thì định tội danh như thế nào? 

Quan điểm thứ nhất: Phạm Đức V. thực hiện hành vi vận chuyển vũ khí quân dụng qua biên giới nhằm thực hiện mua bán vũ khí nên bị truy cứu TNHS về một tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 BLHS.

Quan điểm thứ hai: Phạm Đức V. vừa thực hiện hành vi vận chuyển vũ khí quân dụng, vừa thực hiện hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, các hành vi có thể thực hiện độc lập đã cấu thành từng tội độc lập. Phạm Đức V. phải truy tố theo 02 tội danh “Vận chuyển vũ khí quân dụng” và “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” tại Điều 304 BLHS theo nguyên tắc phạm nhiều tội.

 Theo quan điểm của tác giả, hành vi vận chuyển và hành vi mua bán là các hành vi có quan hệ biện chứng với nhau, hành vi vận chuyển làm tiền đề cho hành vi mua bán, hành vi mua bán là hệ quả cho hành vi vận chuyển thì truy cứu TNHS Phạm Đức V. về một tội “Vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 BLHS.

3. Kiến nghị

Hiện nay, quá trình áp dụng Điều 304 BLHS đã bộc lộ một số vướng mắc trong việc xử lý đối với tội danh này mà chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn thay thế cho Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ. Do vậy, khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995, mặc dù thông tư liên ngành này quy định còn chưa đầy đủ và có nhiều hạn chế. Tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, một trong những yếu tố được sử dụng làm căn cứ để định khung hình phạt là số lượng, tuy nhiên trong điều luật không trực tiếp quy định số lượng tối thiểu là bao nhiêu gây khó khăn trong xử lý hình sự. Để khắc phục, cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thay thế Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995, trong đó phải hướng dẫn cụ thể số lượng tối thiểu để xử lý hình sự, thế nào là“vật phạm pháp có số lượng lớn”,“vật phạm pháp có số lượng rất lớn”, “vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn” (điểm g khoản 2 Điều 304 BLHS) để làm căn cứ định khung hình phạt.

Thứ hai, Điều 304 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau đối với nhiều loại đối tượng khác nhau. Vì vậy trong trường hợp bị can, bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS để quyết định hình phạt chung, cụ thể như sau:

- Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng, thì chỉ bị truy cứu TNHS về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện. 

- Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu TNHS về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS để quyết định hình phạt chung. 

Trong quá trình xét xử tội phạm về “vũ khí quân dụng” ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật hình sự về tội “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” được quy định tại Điều 304 BLHS còn phải nghiên cứu thêm văn bản pháp lý liên quan trực tiếp như Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 và Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95 (nay là Điều 304 BLHS), Điều 96 BLHS năm 1985. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đối chiếu các văn bản pháp lý nêu trên, cho thấy hiện tại đã bộc lộ những điểm “lạc hậu”, mang tính “tùy nghi” làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xử lý loại tội phạm này, đòi hỏi cần phải nhanh chóng bổ sung, chỉnh sửa và hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới để phù hợp với chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, góp phần đấu tranh phòng chống có hiệu quả loại tội phạm này.

ĐẶNG THẾ THANH    

Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5

Vai trò của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng trong nền kinh tế thị trường

2. Thủ tục áp giải người vi phạm theo quy định mới nhất

(LSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục xuất cảnh. Trong đó quy định cụ thể về thủ tục áp giải người vi phạm.

Cụ thể, người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền mà không phải do trở ngại khách quan hoặc trường hợp bất khả kháng thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:

- Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

- Đưa vào hoặc đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 124 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Những người sau đây đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính:

- Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, cơ quan thuế, Quản lý thị trường, Cơ quan thanh tra, Thi hành án dân sự, Kiểm lâm, Thuế, Kiểm ngư, Quản lý thị trường, Thanh tra.

- Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Về thủ tục áp giải, theo Điều 32 Nghị định, trước khi áp giải người vi phạm, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích cho người bị áp giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị áp giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị áp giải.

Trong khi áp giải, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải và cho người bị áp giải. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi áp dụng biện pháp áp giải phải bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Nghị định này.

Trường hợp người bị áp giải có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ, người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải báo cáo ngay người có thẩm quyền để ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đó.

Người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải giám sát, quản lý chặt chẽ người bị áp giải, cảnh giác, chủ động, kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; không được tùy tiện giải quyết các yêu cầu của người bị áp giải trong khi đang tiến hành áp giải.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

DUY ANH

Quy định về xử lý một số tình huống trong khi áp giải

3. 05 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực công chức, viên chức hết hiệu lực

(LSVN) - Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định 67/QĐ-BNV ngày 29/01/2022 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước 2021.

Theo Quyết định này, có 05 văn bản liên quan đến công chức, viên chức hết hiệu lực toàn bộ. Cụ thể:

- Thông tư 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 Quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính;

- Thông tư 14/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 Quy định chức danh, mã số ngạch, chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành văn thư;

- Thông tư 10/2019/TT-BNV ngày 02/8/2019 Hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư;

03 Thông tư này hết hiệu lực theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 18 Thông tư 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

- Quyết định 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 Ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Quyết định 83/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 Ban hành tiêu chuẩn Vụ trưởng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

02 Quyết định này được bãi bỏ tại Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BNV ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.

Ngoài ra, còn 02 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực tổ chức – biên chế hết hiệu lực toàn bộ từ 01/10/2021, bao gồm:

- Thông tư 15/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Thông tư 02/2010/TT-BNV ngày 28/4/2010 Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức văn thư, lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.

TIẾN HƯNG

Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

4. Đất bị Nhà nước thu hồi được tính tiền bồi thường như thế nào?

(LSVN) - Diện tích đất của giađình tôi đang sử dụng vừa bị Nhà nước thu hồi sử dụng cho mục đích khác. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì gia đình tôi sẽ được tính tiền bồi thường như thế nào? Bạn đọc K.Y. hỏi.

Ảnh minh họa.

Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với từng đối tượng người sử dụng đất.

Trong đó, quy định rõ điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân là:

- Đất đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

- Đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai 2013 nhưng chưa được cấp.

Ngoài ra, một trường hợp dù không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được bồi thường về đất là: Đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004, mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi được tính theo giá đất cụ thể: Theo quy định của Luật Đất đai 2013, giá đất cụ thể được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh, thành phố xác định giá đất cụ thể.

Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất, thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, thành phố trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định.

Cách tính tiền bồi thường đất khi bị thu hồi

Theo điểm đ Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Khoản 5 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, giá đất cụ thể được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh. Giá đất áp dụng đối với trường hợp tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi được tính như sau:

Giá trị của thửa đất cần định giá (m2) = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất.

Trong đó:

- Giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ban hành áp dụng theo từng giai đoạn 05 năm. Muốn biết chính xác người dân phải xem đúng địa chỉ, vị trí thửa đất (vị trí 1, vị trí 2, vị trí 3, vị trí 4),…

- Hệ số điều chỉnh giá đất khi tính tiền bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định hệ số điều chỉnh giá đất cho từng dự án tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất. Nói cách khác, hệ số điều chỉnh giá đất sẽ không công bố trước và áp dụng theo từng năm như đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất khi cấp Sổ đỏ, Sổ hồng cho diện tích vượt hạn mức.

Căn cứ vào quy định trên, người dân có thể nắm rõ cách tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để tự tính được số tiền bồi thường nhận được/m2.

HỒNG HẠNH

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án thu phí tự động không dừng

5. Kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết

(LSVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 08/02/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó Thủ tướng yêu cầu kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, nhất là các khu vực đang vào đà phục hồi, khôi phục và phát triển.

Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án tuyển chọn, đào tạo nguồn để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi các nước mở cửa trở lại; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cho học sinh, sinh viên trở lại học tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình thời tiết, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp, có giải pháp đề phòng rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, bảo đảm đạt mục tiêu đã đề ra của năm 2022; tổ chức thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh trồng rừng tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành kế hoạch lấy nước theo yêu cầu phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân, cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản; đồng thời tăng cường các biện pháp để giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. 

Phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, các hiệp hội ngành hàng liên quan theo dõi tình hình cung cầu vật tư nông nghiệp thiết yếu và các mặt hàng nông sản; chủ động có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc ùn ứ vật tư, nông sản; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, trục lợi bất chính.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo hiệu quả, khả thi, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội và pháp luật liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 20/02/2022. 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là năng lượng ngay từ đầu năm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.

Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp… để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây bất ổn thị trường. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế bảo đảm nguồn cung ô xy y tế.

Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường truyền thống, các thị trường đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật, bảo đảm tiến độ thông quan hàng hóa qua biên giới, nhất là hàng nông sản; bám sát và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trong tháng 02/2022.

THU HƯƠNG

Một số tồn tại, vướng mắc trong việc định tội danh đối với tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

6. Xếp lương công chức Quản lý thị trường theo 4 ngạch

(LSVN) - Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BCT quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức Quản lý thị trường.

Thông tư quy định rõ, mã số ngạch công chức Quản lý thị trường gồm: 1. Kiểm soát viên cao cấp thị trường; 2. Kiểm soát viên chính thị trường; 3. Kiểm soát viên thị trường; 4. Kiểm soát viên trung cấp thị trường.                    

Các ngạch công chức Quản lý thị trường quy định tại Thông tư này áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:

Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21.187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mã số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Việc chuyển xếp lương từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức Quản lý thị trường quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức Quản lý thị trường quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức.

Khi chuyển xếp từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức Quản lý thị trường theo quy định tại Thông tư này không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022.

MAI HUỆ

Một số tồn tại, vướng mắc trong việc định tội danh đối với tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

7. Ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình

(LSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình Việt Nam là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.

Theo đó, bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, thực hiện nguyên tắc “Tôn trọng”, các thành viên trong gia đình cần đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

Thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng”, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Thực hiện các nguyên tắc “Yêu thương” và “Chia sẻ”, các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Các thành viên thuộc nhóm vợ chồng; ông bà, cha mẹ và con, cháu; anh, chị, em trong gia đình ngoài thực hiện tiêu chí ứng xử chung, có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí cụ thể được quy định tại bộ tiêu chí này.

Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình.

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương.

Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép.

Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em trong gia đình là hòa thuận, chia sẻ.

HÀ ANH

Thích nghi để nỗ lực góp phần bảo vệ công lý

8.

 

 

 

 

Tăng giờ làm thêm của người lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng

 Nhà nước pháp quyền Cộng hòa liên bang Đức

(LSVN) - Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là hình mẫu lý tưởng mà nhiều nước trên thế giới hướng tới, bởi đó là kết quả phát triển của nền văn minh nhân loại khi pháp luật được tôn vinh và thực thi hiệu quả…

Cách đây gần hai thế kỷ, khái niệm NNPQ đã ra đời ở Đức. Nhà tư tưởng, nhà triết học nổi tiếng người Đức thời kỳ Phục hưng Immanuel Kant (1724-1804), đã góp phần to lớn trong việc hoàn thiện và phát triển khái niệm này. Theo đó, chỉ có thông qua phân chia quyền lực thì các quyền của công dân mới được thực thi; trường hợp cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền vi phạm quyền tự do của người dân thì phải đối mặt với chế tài (trừng phạt)…

Cơ chế bảo hiến đáng tin cậy của CHLB Đức - một trong những yếu tố quan trọng của NNPQ được Luật Cơ bản (LCB) 1949 quy định, đặc biệt với sự kiểm tra, giám sát, phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang và tòa án hiến pháp 16 bang được duy trì và phát triển vững chắc.

Cấu trúc mô hình của Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Có thể nói, cấu trúc NNPQ của Đức được thể hiện trên một bức tranh “bảy sắc cầu vòng” phong phú, đa dạng của hệ thống chính trị được mệnh danh là “nhà nước của các đảng phái” với nhiều ý nghĩa từ cấp liên bang đến các bang trên cơ sở quy định trong 102 điều, từ Điều 20 đến Điều 104 LCB 1949.

Tầm quan trọng được ưu tiên hàng đầu về tổ chức nhà nước là 7 cơ quan hiến pháp (Quốc hội liên bang; Hội đồng liên bang; Ủy ban hỗn hợp; Hội nghị liên bang; Tổng thống liên bang; Chính phủ liên bang; Tòa án Hiến pháp liên bang) được thành lập có ý nghĩa to lớn, thiết yếu, cơ bản, với những đặc điểm sau:

Cộng hòa liên bang Đức là nhà nước dân chủ

Điểm qua về nền dân chủ, tự do trong lịch sử nước Đức: Nhà nước cộng hòa Weimar (1918-1933) đánh dấu sự nổi tiếng với nền dân chủ nghị viện (mặc dù do hạn chế về mặt lịch sử nên không hoàn toàn thành công), Hiến pháp Weimar 1919 và “Tòa án nhà nước” để giải quyết các “tranh chấp hiến pháp” của Vương quốc Đức. Trong Nghị viện cộng hòa thời đó đã có tới 6 đảng phái chính trị khác nhau. Những truyền thống quý báu được kế thừa và phát triển kể cả khi thành lập nước CHLB Đức vào năm 1949, vốn được khẳng định tại khoản 1 Điều 20 LCB cho đến ngày nay.

Nền dân chủ được thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong hệ thống và phương thức bầu cử, trong các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền và các tổ chức, hiệp hội, cơ quan khác, trường học…

Có thể lấy một trong nhiều ví dụ để minh họa: theo quy định của pháp luật về thi hành án của CHLB Đức thì tù nhân cũng có chế độ nghỉ phép hàng năm và có tài khoản để tích lũy khoản tiền trong thời gian lao động, cải tạo để khi ra tù tái hòa nhập tốt vào đời sống xã hội.

Cộng hòa liên bang Đức là nhà nước liên bang

Nhà nước liên bang được quy định tại khoản 1 Điều 20 LCB.

Từ năm 1949 đến 03/10/1990, CHLB Đức gồm 11 bang. Sau sự kiện lịch sử đáng nhớ - ngày 03/10/1990 nước Đức tái thống nhất một cách nhanh chóng trong hòa bình, dẫn tới lãnh thổ CHDC Đức trước đó nay hình thành 5 bang mới. Mỗi bang trở thành “một nhà nước địa phương” với cơ cấu, tổ chức gần như cấp liên bang, tuy mức độ, quy mô và thẩm quyền giới hạn: Quốc hội bang, chính phủ bang gồm nhiều bộ, hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực về trật tự an toàn xã hội, giáo dục phổ thông, đại học, hành chính, tòa án hiến pháp bang…

Để bảo đảm ý nghĩa về mặt xã hội, sự công bằng, bình đẳng trên nguyên tắc “phân chia và kiểm soát tốt quyền lực” giữa cơ quan nhà nước cấp trung ương cũng như địa phương, các bang đều có đại diện tại Hội đồng liên bang, Ủy ban hỗn hợp, Tòa án tối cao liên bang…

Cộng hòa liên bang Đức là nhà nước xã hội

Khoản 1 Điều 20 LCB cũng khẳng định CHLB Đức là nhà nước xã hội, vì lẽ đó nhân phẩm con người được đặt lên hàng đầu và quy định tại khoản 1 Điều 1, tiếp theo là các quy định về quyền cơ bản của công dân.

Chúng ta nghe nói nhiều về thuật ngữ “quyền lực nhà nước”, thế nhưng trong NNPQ thì “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” (khoản 2 Điều 20 LCB) hay còn gọi là “nhà nước dân sự”, vì vậy nhân dân phải là “đối tượng điều chỉnh đầu tiên của pháp luật” (từ Điều 1 đến Điều 19 LCB) mà “hiến pháp của hiến pháp” lần lượt thể hiện: bảo vệ nhân phẩm, tự do cá nhân, tự do ngôn luận, bảo vệ hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền sở hữu…

Cộng hòa liên ban Đức bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tốt nổi tiếng thế giới, trong đó nguyên tắc công bằng xã hội là tâm điểm, mục đích của NNPQ, không bị thay đổi và có hiệu lực vô thời hạn. Nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà nước thật lớn lao trong nhiều lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em (khoản 4 Điều 6 LCB); bình đẳng nam nữ trong việc làm và tiền lương; chế độ bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế ưu việt, tôn trọng, giúp đỡ người tàn tật, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội, trợ cấp tiền nhà ở; các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo vệ môi trường, thực hiện tốt mục tiêu cải thiện, nâng cao điều kiện sống của người dân.

Quốc hội liên bang

Quốc hội CHLB Đức khóa XX (2021-2025) vừa được kiện toàn sau cuộc bầu cử ngày 26/9/2021 có 736 nghị sĩ (số lượng lớn nhất từ trước đến nay, đứng thứ hai thế giới) do Đảng Xã hội dân chủ đứng đầu, liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do để có đa số tuyệt đối nhằm thành lập Chính phủ liên bang.

Vốn duy trì và phát triển truyền thống đa nguyên, cởi mở, Quốc hội liên bang hiện tại có 8 đảng phái chính trị: Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) 152 ghế, Đảng Xã hội dân chủ (SPD) 206 ghế; Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) 83 ghế; Đảng Dân chủ tự do (FDP) 92 ghế; Đảng Cánh tả (Die Linke) 39 ghế; Đảng Xanh (Gruenen) 118 ghế; Đảng Liên minh xã hội thiên chúa giáo Đức (CSU) 45 ghế và Đảng Dân tộc ít người gốc Đan Mạch (SSW) 1 ghế.

Cơ sở của bức tranh đa màu sắc trên đây là truyền thống dân chủ như đã nêu trên và quy định tại khoản 1 Điều 22 LCB khi Hiến pháp liên bang khẳng định việc thành lập một đảng phái chính trị là quyền tự do của mỗi người; tuy nhiên, điều lệ, nội dung hoạt động phải phù hợp với nguyên tắc dân chủ, phải công khai tài chính  tài sản của đảng; ngược lại, nếu vi hiến, đảng phái chính trị đó sẽ bị Tòa án Hiến pháp liên bang tuyên bố cấm hoạt động vĩnh viễn.

Ở CHLB Đức, nguyên tắc cơ cấu, tổ chức các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền ở trung ương và địa phương luôn gắn với phương châm quyền lực không được tập trung vào một cá nhân, cơ quan, tổ chức “quá mức cho phép”. Đây là kết quả của bài học quý báu được đúc kết sau khi nước Đức trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội liên bang thuộc Đảng Xã hội dân chủ, nhưng 1 trong 2 người đại diện thuộc Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo; 3 phó chủ tịch quốc hội thuộc 3 đảng phái chính trị khác nhau: Đảng Xanh, Đảng Cánh tả và Đảng Dân chủ tự do.

Một tiêu chí đặt ra trong khi thực hiện nhiệm vụ lập pháp là Quốc hội liên bang phải luôn gắn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành vào trật tự pháp luật thống nhất, phù hợp vời hiến pháp; kỹ thuật lập pháp phải bảo đảm tính khúc chiết, nội dung phải minh bạch, rõ ràng; các quy định phải “nhìn xa, trông rộng”, thực tế, dễ áp dụng, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều.

Trong quá trình hoạt động, Quốc hội liên bang thực hiện “chức năng kép” không kém phần quan trọng là kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ liên bang, kể cả việc sử dụng Ủy ban điều tra của Quốc hội (Điều 44 LCB) - một công cụ hữu hiệu trong trường hợp thành viên Chính phủ liên bang vi phạm pháp luật. Tương ứng, quốc hội 16 bang trên toàn nước Đức kiểm soát quyền lực chính phủ của các bang.

Để giúp Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, năm 2021 Quốc hội liên bang Đức biên chế đến 4.500 cán bộ đảm nhận công việc thư ký, kỹ thuật, phục vụ cùng với 1.700 cộng tác viên khoa học; như vậy, số lượng này gần gấp 10 lần số nghị sĩ quốc hội!

Tại CHLB Đức, vốn từ lâu đã thành thông lệ: đảng đối lập trong Quốc hội liên bang thực hiện công bố kết quả kiểm tra, giám sát Chính phủ liên bang trước công luận. Phương thức này thể hiện tính chất dân chủ, công khai và minh bạch.

Hội đồng liên bang

Hội đồng liên bang có 69 thành viên, là “quốc hội của chính phủ các bang” đại diện cho vhính phủ 16 bang trên toàn nước Đức; có quyền tham gia vào quy trình lập pháp liên bang và các công việc của Liên minh châu Âu. Số lượng thành viên mỗi bang tỷ lệ thuận với dân số của bang, dựa trên nguyên tắc “phân chia và kiểm soát tốt quyền lực” để tất cả các bang đều có đại diện.

Ủy ban hỗn hợp

Ủy ban hỗn hợp giữa Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang gồm 48 thành viên (tỷ lệ 2/3 và 1/3) theo quy định tại Điều 53 LCB. Ủy ban hỗn hợp có vai trò và ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp cả nước có chiến tranh và Quốc hội liên bang không thể nhóm họp kịp thời. Việc thành lập và thủ tục của Ủy ban hỗn hợp được quy định trong Quy chế làm việc do Quốc hội liên bang ban hành, tuy nhiên cần được sự đồng thuận của Hội đồng liên bang.

Chính phủ liên bang

Ngày 08/12/2021, Chính phủ CHLB Đức gồm Thủ tướng Chính phủ và 16 bộ được thành lập, trong đó có 7 nữ bộ trưởng, được cơ cấu từ liên minh 3 đảng phái chính trị: Đảng Dân chủ xã hội (trong đó có Thủ tướng Chính phủ), Đảng Xanh (trong đó có Phó Thủ tướng) và Đảng Dân chủ tự do. Qua đó cho thấy năng lực, vai trò của phụ nữ trong chính phủ mới tiếp tục được kế thừa và phát huy, sự bình đẳng giới được thể hiện rõ nét. Thủ tướng Chính phủ là người thuộc Đảng Xã hội dân chủ, nhưng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lại là thành viên thuộc Đảng Xanh…

Một số nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Ở CHLB Đức, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong LCB là “bất di bất dịch”, có hiệu lực vĩnh viễn, không bị thay đổi, cho dù có sửa đổi Hiến pháp hoặc các đạo luật có liên quan.

Nguyên tắc phân chia quyền lực

Với CHLB Đức, phân chia quyền lực theo nghĩa rộng ở nhà nước liên bang và nghĩa hẹp ở nhà nước các bang là nguyên tắc được đề cao. Vấn đề là ở chỗ, phân chia như thế nào để phù hợp, sử dụng và kiểm soát tốt quyền lực, tránh vượt quyền, lạm quyền, tham nhũng, nửa vời, qua đó tập trung sức mạnh quyền lực nhà nước để xây dựng, phát triển đất nước, xã hội văn minh, giàu đẹp.

Nhà nước pháp quyền phải là thiết chế được phân chia quyền lực theo quy định tại khoản 2 Điều 20 LCB: lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong đó gắn lập pháp vào trật tự pháp luật phù hợp với Hiến pháp, gắn hành pháp và tư pháp vào các đạo luật và các quy định pháp luật khác (khoản 3 Điều 20 LCB).

Ngoài ra, CHLB Đức là Nhà nước liên bang nên sự phân chia quyền lực cũng trải đều từ trung ương (cấp liên bang) đến 16 bang với những yếu tố tự nhiên, xã hội, môi trường… không giống nhau. Tòa án Hiến pháp liên bang giải quyết các vụ tranh chấp hiến pháp để bảo vệ sự phân cấp, phân chia quyền lực giữa liên bang và các bang đã được LCB (Điều 30) bảo đảm.

Điều 20 và Điều 28 LCB 1949 quy định một số nguyên tắc cơ bản của NNPQ CHLB Đức. Hiến pháp của 16 bang nước Đức cũng quy định các nguyên tắc hiến định tương ứng. Cho dù có sửa đổi, bổ sung LCB và hiến pháp các bang thì những nguyên tắc cơ bản đó cũng không bị xóa bỏ, không được thay đổi (khoản 3 Điều 79 LCB).

Có thể nói, việc phân chia quyền lực nêu trên là phương thức hữu hiệu nhất để kiểm soát tốt quyền lực lẫn nhau giữa ba “trụ cột” trong một NNPQ và cũng là phương thức tối ưu nhất để bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả, đưa ra những quyết định đúng đắn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật… cho đất nước.

CHLB Đức duy trì “chiến lược nhìn xa, trông rộng”: ngay trong các cơ quan hiến pháp ở cấp cao nhất liên bang thì việc phân chia quyền lực là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cơ cấu, tổ chức. Phân chia quyền lực tạo điều kiện cho cân bằng và kiểm soát tốt quyền lực; xin nêu ví dụ: trong Quốc hội liên bang, tuy Đảng Xã hội dân chủ có số lượng nghị sĩ đông nhất nhưng không vì thế mà đảng này độc quyền lãnh đạo.

Bộ máy nhà nước cũng cần được tinh giản: Phó Tổng thống liên bang do thủ hiến 16 bang thay đổi luân phiên hàng năm (nhiệm kỳ 1 năm) sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng liên bang; Phó Thủ tướng Chính phủ liên bang cũng vậy, chỉ có một mà thôi.

Bình đẳng trước pháp luật

Nguyên tắc xuyên suốt của NNPQ liên bang, dân chủ và xã hội CHLB Đức là các cơ quan quyền lực nhà nước phải bảo vệ quyền cơ bản của công dân. Chính phủ liên bang cũng như chính phủ các bang cũng là những chủ thể pháp luật; trong trường hợp vi phạm, bị khởi kiện trước tòa án cũng chỉ là “đương sự”. Người dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật; được trao các cơ hội ngang bằng trong đời sống xã hội là quy định mang nhiều ý nghĩa (Điều 33 LCB).

Trong trường hợp quyền cơ bản của người dân bị cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền vi phạm, người đó có thể khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp liên bang hoặc tòa án hiến pháp bang để được bảo vệ theo khoản 1 Điều 1 và khoản 4 Điều 19 LCB.

Trong nền kinh tế thị trường xã hội cần được tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh lành mạnh, tự do thương mại, bảo đảm sở hữu tư nhân, bình đẳng giữa các hãng, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, không có sự can thiệp của nhà nước; tuy nhiên, nhà nước phải hoàn thiện khung pháp luật để tạo điều kiện tốt cho kinh tế phát triển.

Xây dựng trật tự pháp luật thống nhất, hợp hiến và có hiệu quả

Trong NNPQ, khi pháp luật giữ vị trí độc tôn, thì việc xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất trên cơ sở tôn trọng và phù hợp hiến pháp (LCB) và trật tự pháp luật nói chung, đầy đủ, đồng bộ cả về luật nội dung và luật thủ tục là yếu tố quan trọng, hơn nữa hệ thống pháp luật phải được bảo đảm thực thi có hiệu quả. Ở trung ương - Bộ Tư pháp liên bang, ở địa phương - Bộ Tư pháp các bang được giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ này. Trong cùng một vấn đề cần giải quyết thì ưu tiên áp dụng luật liên bang (Điều 31 LCB).

Tính độc lập của tư pháp

Tính độc lập tuyệt đối của các cơ quan tư pháp là mắt xích quan trọng trong guồng máy hoạt động nhịp nhàng của nhà nước pháp quyền CHLB Đức, đặc biệt là tòa án phải đặt nhiệm vụ bảo vệ người dân trước các hành vi vi phạm của cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền lên hàng đầu. LCB, các luật tổ chức tòa án là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết những vi phạm do cơ quan nhà nước gây ra (khoản 4 Điều 19 LCB). Thẩm phán có quyền giải thích luật, độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật (Điều 97 LCB), cơ chế tổ chức hoạt động tự do, độc lập và tự quản của các đoàn luật sư. 

Cái hay của quy trình đào tạo thống nhất thẩm phán, luật sư, công tố viên, công chứng viên từ 8 đến 9 năm của CHLB Đức đã tạo nên một đội ngũ cử nhân luật “đa năng”, có thể đảm nhận được công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hoạt động Chính phủ liên bang gắn liền với pháp luật  

Định hướng, hoạch định chính sách đúng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Trước Quốc hội liên bang, các nghị sĩ phải được thông tin đầy đủ về các quyết định đó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm soát Chính phủ (khoản 1 Điều 43 LCB).

Một số thành quả của Nhà nước pháp quyền CHLB Đức

Về kinh tế

Với mô hình kinh tế thị trường xã hội đã trải qua nhiều thập kỷ, CHLB Đức là một cường quốc kinh tế vững mạnh, luôn được nhìn nhận là “đầu tàu” kể từ khi thành lập Liên minh châu Âu (01/11/1993), hiện xếp thứ tư thế giới, nhiều năm là nước xuất khẩu hàng hóa thuộc loại lớn nhất và thứ ba thế giới, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Chất lượng hàng hóa, sản phẩm xuất xứ từ CHLB Đức là chủ đề mà người tiêu dùng trên toàn thế giới quan tâm. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Viện nghiên cứu đánh giá quan điểm YouGov thuộc Trường Đại học tổng hợp Cambrige (Anh) của người tiêu dùng tại 23 quốc gia trên thế giới thì chất lượng sản phẩm, hàng hóa “Made in Germany” vẫn là số 1 thế giới, trên cả Ý, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về chính trị, ngoại giao

Mô hình NNPQ liên bang dân chủ và xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 LCB 1949 được xây dựng, phát triển toàn diện và hiệu quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp.

Là 1 trong 7 nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng Euro (Eurozone), thành viên của Liên hợp quốc (UNO), Khối Bắc đại tây dương (NATO), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Ngân hàng thế giới (WB), Qũy tiền tệ quốc tế (IMF). CHLB Đức là nhà tài trợ lớn; “gánh” 20% tài chính cho Liên minh châu Âu, đứng thứ 3 thế giới về đóng góp cho Liên hợp quốc.

CHLB Đức được nhiều nước thừa nhận có tầm ảnh hưởng lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế gay cấn; có hệ thống chính trị được đánh giá là vững mạnh, trong sạch; chính vì vậy, tham ô, tham nhũng, lạm dụng quyền lực ít có cơ hội phát sinh.

Về khoa học kỹ thuật, công nghệ

Cộng hòa liên bang Đức là xứ sở của phát minh và các kỹ thuật nổi tiếng “Land of Ideas”, đứng đầu thế giới trong một số lĩnh vực công nghiệp và công nghệ; là nơi phát minh ô tô và là quê hương của ô tô hiện đại, sang trọng. Như chúng ta thường thấy, hầu hết các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều ưa chuộng sử dụng xe Mercedes hoặc BMW chống đạn. Hàng năm, hàng triệu fan “say tốc độ” trên khắp thế giới sẽ đến Đức để thử nghiệm “tay lái lụa” vì đây là nơi duy nhất không hạn chế tốc độ trên đường cao tốc.

Về giáo dục, đào tạo

Hệ thống giáo dục phổ thông, đại học của CHLB Đức có uy tín trên thế giới.

Theo US - New and World Report năm 2021, Trường Đại học tổng hợp Humboldt Berlin là trường được thành lập khá sớm (1810), là hình mẫu cho các nước châu Âu và phương Tây, có hiệu quả nghiên cứu học thuật và danh tiếng xếp thứ 4 ở Đức, nơi đào tạo ra nhiều thiên tài và nhà tư tưởng vĩ đại của Đức và thế giới như Albert Eínstein, Karl Marx, Johann Gotlieb Fichte, Robert Koch… Theo thời gian, các nhà khoa học trưởng thành từ Trường này đã giành được 55 giải thưởng Nobel về các lĩnh vực vật lý, hóa học và y học.

Là nước có chế độ học tập miễn phí từ cấp phổ thông cơ sở đến đại học, CHLB Đức thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh từ nhiều nước trên thế giới đến học tập, nghiên cứu.

Theo Tổ chức thống kê Mikrozensur của CHLB Đức, năm 2019 nước Đức có 862.000 người (chiếm 1,2% dân số cả nước) có học vị tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học, trong đó bao gồm cả đội ngũ giáo sư hùng hậu, phần lớn giảng dạy trong 426 trường đại học tổng hợp, đại học và đại học chuyên ngành, hàng ngàn viện nghiên cứu cũng như làm việc tại Tòa án Hiến pháp liên bang và Tòa án Hiến pháp của 16 bang trên cả nước với cương vị thẩm phán.

Về truyền thông, báo chí

Cộng hòa liên bang Đức, với vị thế đứng thứ 5 thế giới (báo và báo điện tử có lượng lưu hành lớn nhất thế giới) có 340 nhật báo, 17 tuần báo và 1.600 tạp chí các loại nên hầu hết các cơ quan đều có trung tâm báo chí công khai (đất nước của tự do báo chí) nên dư luận công chúng mạnh mẽ, góp phần xây dựng tinh thần trong đời sống xã hội.

Về thể thao, du lịch

Cộng hòa liên bang Đức là cường quốc thể thao, 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch châu Âu về bóng đá nam; 2 lần vô địch thế giới, 8 lần vô địch châu Âu về bóng đá nữ, có hơn 24 triệu thành viên, trong đó 3 triệu cầu thủ bóng đá (170.000 đội bóng) chơi trong 24.000 câu lạc bộ.

Đất nước này với những “lâu đài cổ tích” tuyệt đẹp (Neuschwanstein, Sanssouci, Hohenschwangau, Moritzburg…), nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được xếp hạng thứ 9 thế giới về du lịch là điểm cuốn hút gần 38 triệu du khách mỗi năm.

Hàng năm, “Lễ hội bia tháng Mười” nổi tiếng tại thành phố Muenchen cuốn hút 8 đến 10 triệu du khách trong nước và quốc tế. Đức là nước sản xuất hơn 5.000 loại bia và nhiều năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu thức uống yêu thích này.

NGUYỄN QUANG DU

Tòa án Hiến pháp của Cộng hòa liên bang Đức

Admin