1. Đề xuất bổ sung đối tượng được Nhà nước giao đất
(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013.
Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới. Trong đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất bổ sung đối tượng được giao đất không thu tiền và có thu tiền sử dụng đất.
Theo đó, bổ sung đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất là người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
So với hiện hành, tại khoản 2 Điều 54 Luật Đất đai 2013 quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Bổ sung đối tượng được giao đất có thu tiền sử dụng đất như sau:
- Tổ chức kinh tế xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất ở do được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. So với hiện hành, tại Điều 55 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất như sau: Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở; tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.)
HÀ ANH
Bàn về hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự 2015
2. Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4
(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2022.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung của dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chính phủ thống nhất với các nội dung dự án Luật; giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng:
- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2022, dự thảo Luật cần khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc xây dựng dự án Luật phải bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời với việc quy định quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền và chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của dự án Luật này với pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành chính, hình sự, dân sự. Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công thương thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
VĂN QUANG
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế
3. Quyền, nghĩa vụ của Luật sư theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
(LSVN) - Tất cả Luật sư được công nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam là thành viên của Đoàn Luật sư nơi mình gia nhập và là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Theo Điều 29 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 phê duyệt, quyền của Luật sư được quy định gồm:
- Các quyền trong hoạt động hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật;
- Được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động hành nghề;
- Tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc, Đại hội Luật sư của Đoàn Luật sư, tham gia các cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Đoàn Luật sư; được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư giới thiệu ứng cử vào các cơ quan dân cử, cơ quan của các tổ chức xã hội khác ở trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật, Điều lệ của các tổ chức;
- Tham gia các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư; đề xuất ý kiến về việc củng cố, phát triển tổ chức, hoạt động của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;
- Giám sát hoạt động của các cơ quan của Liên đoàn, Đoàn Luật sư; kiến nghị biện pháp khắc phục, kiến nghị xử lý vi phạm;
- Khiếu nại đối với quyết định của các cơ quan của Liên đoàn, Đoàn Luật sư vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
- Được Liên đoàn, Đoàn Luật sư bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Các quyền khác theo quy định của Điều lệ này và Nội quy Đoàn Luật sư.
Nghĩa vụ của Luật sư:
- Các nghĩa vụ trong hoạt động hành nghề theo quy định của pháp luật;
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn và Đoàn Luật sư mà mình là thành viên;
- Tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;
- Tham gia đầy đủ chương trình bồi dưỡng Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Liên đoàn và Đoàn Luật sư;
- Tích cực tham gia hoạt động của Liên đoàn, Đoàn Luật sư; đoàn kết, hợp tác với các Luật sư khác để thực hiện tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Tạo điều kiện cho các Luật sư thành viên trong tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu tham gia các hoạt động của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;
- Chấp hành yêu cầu của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư về việc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu;
- Hằng năm báo cáo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu; báo cáo Liên đoàn Luật sư Việt Nam về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư do mình đứng đầu theo yêu cầu của Ban Thường vụ Liên đoàn;
- Giữ gìn uy tín của Liên đoàn, Đoàn Luật sư, Luật sư Việt Nam;
- Nộp phí thành viên đầy đủ và đúng hạn;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ này và Nội quy Đoàn Luật sư.
PHƯƠNG HOA
Luật sư không đóng phí thành viên sẽ bị xử lý như thế nào theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam?
4. Hiệu trưởng mặc áo nhung, cầm quyền trượng ở lễ tốt nghiệp: Trang phục lạ nhưng không vi phạm pháp luật
(LSVN) - Lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp, tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh Hiệu trưởng mặc áo nhung, cầm quyền trượng ở lễ trao bằng tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trong lĩnh vực giáo dục hiện nay thì đổi mới, sáng tạo là chủ trương và tinh thần chung của các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín của cơ sở đào tạo, tạo ra một môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Ngoài nội dung đổi mới về nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên, chất lượng cơ sở vật chất kĩ thuật thì nhiều cơ sở giáo dục cũng chú ý đến các chương trình ngoại khóa, các thủ tục, nghi lễ để tạo ra sự khác biệt, gây ấn tượng, tạo ra tâm lý phấn khởi, tự hào của cơ sở giáo dục.
Từ trước đến nay thì việc tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên, học viên sau đại học được tổ chức trang trọng tại cơ sở giáo dục hoặc tại Văn miếu Quốc Tử Giám, trang phục sử dụng trong các buổi trao bằng ở mỗi cơ sở giáo dục có thể khác nhau nhưng cơ bản là màu xanh, màu đen và màu đỏ với những form mẫu truyền thống. Đây là những bộ lễ phục và đồng phục của sinh viên, học viên ở các cơ sở giáo dục này. Bộ trang phục này cũng có thể do cơ sở giáo dục thuê của các tổ chức cung cấp dịch vụ bên ngoài.
Vừa qua, liên quan đến hình ảnh Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ tại lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2022 của trường gây nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó nhiều người thấy lạ và cho rằng không phù hợp.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng việc mặc chuẩn lễ phục như vậy là không vi phạm pháp luật. Cụ thể theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên quy định: Lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp, tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam. Lễ phục bao gồm: áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có).
Văn bản này không quy định cụ thể về lễ phục liên quan đến các yếu tố chi tiết như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng mà chỉ quy định chung về nguyên tắc mặc đồng phục bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường; phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác; bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.
Nguyên tắc mặc lễ phục:
- Bảo đảm tính thống nhất trong từng trường hoặc từng ngành đào tạo;
- Đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp;
- Đảm bảo phân biệt người tốt nghiệp các trình độ được đào tạo: trung cấp, đại học;
- Đảm bảo tính khoa học, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam;
- Trường hợp được các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước tài trợ kinh phí thì đồng phục, lễ phục phải đảm bảo quy định tại văn bản này, không được lạm dụng việc tài trợ để quảng cáo; Khuyến khích học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục dân tộc mình trong ngày lễ, ngày tết, ngày hội và trong những ngày nhà trường không quy định mặc đồng phục.
Điều 5 Thông tư 26 quy định tiêu chuẩn lễ phục như sau: "1. áo: áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. 2. Mũ: màu của mũ phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng. 3. Biểu trưng (logo) của trường được gắn ở ngực áo bên trái. 4. Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng: bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.". |
Theo Luật sư Cường, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định chung chung, không có chi tiết cụ thể về chất liệu, màu sắc và cũng không có quy định chi tiết về nghi thức để thực hiện thủ tục trao bằng. Vì vậy không có cơ sở pháp lý để xác định cơ sở giáo dục này đã không tuân thủ pháp luật, không có căn cứ để xử phạt phải xử lý đối với việc sử dụng các trang phục này.
"Điều đáng nói là trong buổi lễ trao bằng thì lãnh đạo nhà trường có dùng thêm cờ và cây gậy. Điều này khá đặc biệt và gây tranh cãi, tuy nhiên pháp luật cũng không cấm sử dụng những vật dụng đó nên rất khó để xác định hành vi này là sai phạm để xử lý. Quan điểm, đánh giá của mỗi người có thể khác nhau đối với sự việc này, nhiều người cho rằng đây là trang phục và thủ tục không hợp lý, không phù hợp với văn hóa và chuẩn mực truyền thống. Lại có những ý kiến cho rằng cái gì không cấm thì đều được phép thực hiện, trang phục chỉ là lạ, gây ra ấn tượng mạnh chứ không có gì đáng bàn cãi...
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng đây là một buổi trao bằng ấn tượng và lạ. Có thể đại diện nhà trường sẽ giải thích lý do tại sao buổi trao bằng này lại khác thường so với những lần trước và khác với trang phục, thủ tục của các cơ sở giáo dục khác. Đổi mới về nội dung và hình thức trong giáo dục là cần thiết, tuy nhiên đổi mới theo cách nào thì cũng cần phải tính toán sao cho phù hợp với văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục", Luật sư bày tỏ quan điểm.
TIẾN HƯNG
Xử lý nghiêm hành vi trục lợi bảo hiểm để lành mạnh thị trường
5. Bộ Y tế Italy ban hành thông tư kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ
(LSVN) - Theo phóng viên tại Rome, tính đến ngày 02/8, số ca mắc đậu mùa khỉ tại Italy đã lên đến 505 trường hợp, trong đó có tới 501 trường hợp là nam giới.
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ hình bầu dục dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AP.
Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Bộ Y tế nước này đã ra thông tư hướng dẫn về kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp cách ly có thể được áp dụng dựa trên cơ sở đánh giá của cơ quan y tế.
Thông tư mới nhất cập nhật về bệnh đậu mùa khỉ nêu rõ những người tiếp xúc gần với người bệnh phải được xác định càng sớm càng tốt và được thông báo về tình trạng phơi nhiễm, cũng như nguy cơ phát triển bệnh. Đối với những người tiếp xúc có nguy cơ phơi nhiễm thấp có thể áp dụng hình thức giám sát thụ động, tự kiểm tra và thông báo cho bác sĩ gia đình. Trong khi đó, những trường hợp tiếp xúc không có triệu chứng cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và có thể tiếp tục các hoạt động thường ngày như đi làm, đi học (không cần cách ly).
Ngoài ra, những người tiếp xúc gần ca bệnh được yêu cầu nên tránh hiến máu, tế bào, mô, cơ quan, sữa mẹ hoặc tinh trùng trong khi đang được giám sát. Họ cũng được yêu cầu tiến hành tự theo dõi, kiểm tra sốt (ít nhất 2 lần/ngày), cùng các triệu chứng khác như nhức đầu, đau lưng, nổi hạch hoặc phát ban không rõ nguyên nhân trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
Những người tiếp xúc gần ca bệnh được khuyến nghị hạn chế các hoạt động tình dục trong 21 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng, vệ sinh tay và đường hô hấp (che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho, sử dụng khăn tay dùng một lần được xử lý đúng cách và rửa tay thường xuyên); tránh tiếp xúc những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai trong 21 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người bệnh; tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật, bao gồm cả vật nuôi, trong 21 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người bệnh.
Theo thông tư, việc triển khai chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ tại Italy sẽ được công bố trong thời gian tới. Trong khi đó, cùng ngày, Viện Truyền nhiễm quốc gia Spallanzani ở Rome cho biết đã sẵn sàng triển khai tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ liều đầu tiên cho người dân và mũi nhắc lại sẽ được tiêm sau khoảng thời gian 2-3 tháng. Hiện Spallanzani đang chờ chỉ dẫn từ Bộ Y tế để xác định đối tượng, nhóm tuổi tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.
THU HOA/TTXVN
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết
6. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát chi phí để giảm cước vận tải
(LSVN) - Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.
Ảnh minh họa.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế. Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải. Tháng 7/2022, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh do việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm.
Việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm....
Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng, dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như: Dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá, yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với giá cước vận tải, Bộ GTVT là cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về lĩnh vực vận tải. Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Hiện, Bộ GTVT, Sở GTVT tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá…
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.
PV
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết
SÁNG
1. Các hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản từ 15/8
(LSVN) - Nghị định 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 do Chính phủ ban hành về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể các hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Ảnh minh họa.
Tại Điều 24 Nghị định 44/2022/NĐ-CP quy định về khai thác và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các pháp luật khác có liên quan.
Các hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm:
- Qua Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn); cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng;
- Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;
- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.
Đăng ký và cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị được giao quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo các hình thức sau: Nộp trực tiếp theo hình thức văn bản cho Bên cung cấp; Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện; Đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Bên cung cấp;
- Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, Bên cung cấp xem xét cấp quyền truy cập quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản hợp lệ; trường hợp từ chối cung cấp quyền khai thác, sử dụng, Bên cung cấp phải trả lời nêu rõ lý do.
Đối tượng, phạm vi khai thác và sử dụng
- Các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được khai thác dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản ngoài phạm vi quản lý phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản;
- Các cơ quan quản lý nhà nước được yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật;
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài quy định tại điểm a, b khoản này được quyền yêu cầu chia sẻ, cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;
- Cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản không được chia sẻ, cung cấp các thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, các thông tin mang tính cá nhân trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
TIẾN ĐẠT
Các bước chuyển đổi tài khoản sang Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới
2. Những bất hợp lý trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai
(LSVN) -
Về thủ tục giải quyết
Theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khái niệm tranh chấp đất đai là khái niệm rộng bao hàm tất cả các tranh chấp phát sinh trong quan hệ đất đai như tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, tranh chấp liên quan đến địa giới… Mọi tranh chấp đất đai bao gồm cả tranh chấp tài sản gắn liền với đất và tranh chấp trong quá trình thực hiện các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho, thừa kế... đều phải qua thủ tục hòa giải và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết trước khi vụ việc được giải quyết tại tòa án hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện. Một vấn đề đặt ra trên thực tế là Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ năng lực và trình độ để đứng ra hòa giải, giải quyết mọi tranh chấp đất đai hay không? Nếu Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn không tổ chức hòa giải hoặc không hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp, thì các bên tranh chấp sẽ mất quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình cho dù về bản chất, các tranh chấp về tài sản gắn liền với đất này hoàn toàn là tranh chấp dân sự thuần túy. Mặt khác, trên thực tế hiện nay, việc Ủy ban nhân dân cấp xã đứng ra giải quyết các tranh chấp đất đai như quy định của pháp luật là hầu như không có hiệu quả và không thể giải quyết được. Trong tổ chức bộ máy nhà nước, việc các cơ quan quản lý nhà nước đứng ra giải quyết các tranh chấp về tài sản và quyền tài sản sẽ không đúng thẩm quyền và không phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Chính vì vậy, những quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã gây ra nhiều khó khăn cho các bên tranh chấp trong quá trình giải quyết, một mặt tạo ra những kẽ hở pháp lý dẫn đến việc gây nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân và là mầm mống cho các hoạt động tiêu cực của những người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Theo Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì có hai hệ thống cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp đất đai là hệ thống cơ quan xét xử (tòa án nhân dân các cấp) và hệ thống cơ quan quản lý nhà nước (Ủy ban nhân dân các cấp). Các văn bản hướng dẫn thi hành phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là giấy tờ pháp lý của đất tranh chấp mà đương sự có và tài sản gắn liền với đất.
Về giấy tờ pháp lý của đất tranh chấp
Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết; tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây…
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 lại không quy định rõ “đương sự” là những ai nên trong trường hợp này có thể hiểu là người đang sử dụng đất hoặc các bên trong tranh chấp đất đai. Trong khi đó, trước đây, Điều 160 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai năm 2003, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì lại không sử dụng khái niệm “đương sự” như Luật Đất đai năm 2013 mà quy định cụ thể các bên tranh chấp đất đai.
Như vậy, theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì có thể hiểu đương sự là người sử dụng đất và cũng có thể là các bên tham gia tranh chấp đất đai. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tức là bao gồm tất cả những người tham gia tranh chấp đất đai. Cùng với việc không quy định rõ đương sự là những ai trong quan hệ tranh chấp đất đai, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn quy định không chính xác về cơ sở để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Việc quy định không rõ ràng như trên đã gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước cũng như các bên tranh chấp trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thứ nhất, pháp luật không quy định thống nhất về cách hiểu “đương sự” trong tranh chấp đất đai nên trong thực tế có thể hiểu đương sự là người đang sử dụng đất hoặc những người trong tranh chấp đất đai. Nếu hiểu đương sự theo Điều 203 của Luật Đất đai là người sử dụng đất cũng sẽ không đúng vì bản chất của việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất là xác định chủ sử dụng thực sự của đất tranh chấp tức, là xác định chính xác ai có quyền sử dụng đất. Đối với đất đang tranh chấp thì chưa có cơ sở để xác định phần diện tích đất tranh chấp thuộc về ai, người đang có giấy tờ hay những người tham gia tranh chấp. Đồng thời, trên thực tế hiện nay người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người đang quản lý, sử dụng đất chưa chắc đã phải là chủ sử dụng đất, chẳng hạn như chủ sử dụng đất ủy quyền cho người khác đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc các đồng chủ sử dụng đất có thỏa thuận cho một người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Vì vậy, quy định này đã tạo ra kẽ hở cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thụ lý vụ án lợi dụng, gây khó khăn cho người khởi kiện và có thể phát sinh tiêu cực.
Thứ hai, bản chất của việc giải quyết tranh chấp đất đai là xác định phần diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ai, ai là chủ sử dụng hợp pháp đất đang tranh chấp, nhưng pháp luật lại quy định thẩm quyền giải quyết căn cứ theo người có giấy tờ về đất. Mặt khác, các giấy tờ về đất chỉ có một bản gốc duy nhất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thường do một bên tranh chấp giữ. Vì thế, khi phát sinh tranh chấp, các bên còn lại sẽ không thể có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nộp và yêu cầu tòa án thụ lý vụ án được. Trong trường hợp này, tòa án có thể từ chối thụ lý vụ án do viện vào quy định của pháp luật là đương sự không có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Trên thực tế, theo quy định của pháp luật, những bên còn lại trong tranh chấp đất đai chỉ có thể xin được bản sao của giấy tờ đất hoặc xin thông tin liên quan đến đất tranh chấp từ văn phòng đăng ký nhà và đất mà thôi.
Tiêu chí về tài sản
Bên cạnh tiêu chí về giấy tờ pháp lý mà đương sự có, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 còn quy định về tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết. Theo tiêu chí về tài sản có thể được hiểu, nếu các bên tranh chấp về tài sản sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bất luận tình trạng pháp lý của đất mà tài sản gắn liền như thế nào. Tuy nhiên, do tài sản gắn liền với đất nên việc giải quyết tranh chấp về tài sản vẫn phải liên quan đến giải quyết quyền sử dụng đất, chẳng hạn như giải quyết tranh chấp nhà ở trên đất hay cây ăn quả thì khi giải quyết không thể tách biệt với quyền sử dụng đất được. Vì thế, trên thực tế hiện nay, nhiều cơ quan tòa án cho rằng, việc giải quyết tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì vẫn cần phải căn cứ vào tình trạng pháp lý của đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Về mặt khoa học và chức năng nhiệm vụ trong tổ chức bộ máy nhà nước, thì việc các cơ quan quản lý nhà nước đứng ra giải quyết các tranh chấp về tài sản và quyền tài sản sẽ không đúng thẩm quyền và không phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về tài sản và đất bị tách rời nhau nên trong thực tế, có tình trạng vì trục lợi mà người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân coi giải quyết tranh chấp về tài sản của tòa án là đã có giải quyết về quyền sử dụng đất để hợp thức hóa quyền sử dụng đất và ngược lại. Đồng thời, có trường hợp cùng một vụ việc nhưng tòa án và Ủy ban nhân dân giải quyết theo các hướng cho kết quả trái ngược nhau. Thậm chí, trong nhiều trường hợp các bên trong tranh chấp không thể đưa vụ việc ra cơ quan tòa án hoặc Ủy ban nhân dân để giải quyết do các cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Quy định của Luật Đất đai năm 2003 về tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã gây ra nhiều khó khăn cho các bên tranh chấp trong quá trình giải quyết, tạo cơ sở cho việc gây nhũng nhiễu nhân dân và là mầm mống cho các hoạt động tiêu cực của những người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án Quân sự quân khu 4
Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại
3. Nâng cao vai trò của Luật sư tham gia giải quyết khiếu nại
(LSVN) – Có thể nói, Luật sư và nghề Luật sư ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có hiệu quả nhất trước các cơ quan công quyền và tại Tòa án; qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật và vụ án oan sai.
Hoạt động của Luật sư và tổ chức Luật sư thực hiện theo quy định của Luật Luật sư, ngoài ra còn được quy định cụ thể, chi tiết tại các văn bản luật khác như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ Luật Tố tụng dân sự; Luật Khiếu nại,… và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2021, người khiếu nại có quyền "b) Nhờ Luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho Luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.".
Khoản 1 Điều 16 Luật Khiếu nại năm 2011, Luật sư có các quyền sau: "tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.".
Như vậy, pháp luật đã đề cao vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; giúp người khiếu nại thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại.
Luật sư là người hiểu biết pháp luật, có kỹ năng phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ và đối chiếu với các quy định của pháp luật để định hướng cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình theo đúng trọng tâm, trọng điểm và đúng quy định của pháp luật; giúp người khiếu nại thu thập, củng cố chứng cứ và trình bày ngắn gọn, súc tích các nội dung khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Việc này sẽ góp phần tiết giảm thời gian và chi phí cho người khiếu nại; hạn chế tình trạng chuyển đơn khiếu nại lòng vòng do gửi đơn không đúng địa chỉ, làm ảnh hưởng đến thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Luật sư cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm số vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, vượt cấp do người khiếu nại không hiểu biết pháp luật; giúp cơ quan nhà nước giải quyết vụ việc khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, khi hành nghề, Luật sư còn là một kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, vì thông qua hoạt động của mình, Luật sư có thể tư vấn, giải thích pháp luật cho các đương sự, giúp họ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động thực tiễn của mình, các Luật sư có thể tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, người khiếu nại vẫn chưa chủ động liên hệ đến Luật sư để nhờ tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho Luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên nhân là nhiều người khiếu nại vẫn chưa tin tưởng vào đội ngũ Luật sư, cho rằng Luật sư sẽ không giúp ích được nhiều trong việc khiếu nại; e ngại vì chi phí phải trả cho Luật sư cao hoặc lo ngại Luật sư có thể thông đồng với cơ quan nhà nước để bác đơn khiếu nại của mình;… Sự lo ngại này của người khiếu nại đều xuất phát từ cảm tính; tuy nội dung khiếu nại không đúng pháp luật nhưng người khiếu nại lại quả quyết cho rằng khiếu nại của mình là đúng. Nhưng đối với Luật sư, sau khi họ nghiên cứu vụ việc khiếu nại thì họ sẽ tư vấn cho người khiếu nại biết nội dung khiếu nại nào là đúng, nội dung khiếu nại nào là sai. Chính vì vậy, giữa người khiếu nại và Luật sư đôi khi vẫn chưa có tiếng nói chung, nên khó có thể cộng tác hoặc ủy nhiệm Luật sư tham gia giải quyết khiếu nại.
Để nâng cao trò của Luật sư tham gia giải quyết khiếu nại, cần thiết phải hoàn thiện các chế định có liên quan để phát huy vai trò của Luật sư trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại; không chỉ dừng lại ở quy định về quyền và nghĩa vụ của Luật sư, mà còn quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để Luật sư có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan theo đề nghị của Luật sư và phải có các chế tài xử lý nếu có hành vi cản trở, gây khó khăn cho Luật sư trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc khiếu nại.
Bên cạnh đó, đội ngũ Luật sư phải thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, nâng cao đạo đức hành nghề… để củng cố niềm tin và sự tín nhiệm của người khiếu nại./.
ĐỖ VĂN NHÂN
Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại
4. Cảnh báo những thủ đoạn đối tượng mua bán người thường sử dụng để dụ dỗ và thực hiện hành vi mua bán người
Cần phải làm gì nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người?
(LSVN) - Nạn mua bán người hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng mua bán người. Vậy, những đối tượng mua bán người thường sử dụng những thủ đoạn gì để dụ dỗ và thực hiện hành vi mua bán người? Nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người thì cần phải làm gì để trở về an toàn và tái hòa nhập cộng đồng?
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an những thủ đoạn đối tượng mua bán người thường sử dụng để dụ dỗ và thực hiện hành vi mua bán người:
- Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép; lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó, bán cho những người bệnh với giá cao.
- Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động.
- Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng mua bán người đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động, khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc; xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả; dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động.
- Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó hứa hẹn rồi dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi chúng đón ép bán làm vợ, bán vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanrma.
- Ngoài ra, các đối tượng lập các trang mạng trên Facebook, Zalo để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán; hoặc cũng bằng thủ đoạn trên để tìm kiếm những người bị bệnh phải ghép tạng, môi giới cho những người muốn bán tạng để thực hiện việc mua bán mô, bộ phận cơ thể.
Theo Bộ Công an, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc), đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Bộ Công an cũng nhấn mạnh, nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, giữ thông tin bí mật không để các đối tượng nghi ngờ, tìm cách báo cho gia đình, người thân hoặc cơ quan nhà nước nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ giải cứu an toàn. Có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ.
Về việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân được quy định tại Chương IV và Chương V của Luật phòng, chống mua bán người.
TIẾN HƯNG
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự
5. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?
(LSVN) - Theo quy định của pháp luật, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì và không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào? Bạn đọc D.L. hỏi.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm sau đây:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
- Tội "Tham ô tài sản" thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội "Nhận hối lộ" thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
HỒNG HẠNH
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết