Tiểu đội cảm tử (còn gọi Tiểu đội thép) Đại đội 317 đang làm nhiệm vụ ở Truông Bồn. Ảnh tư liệu: Phùng Triệu.
Thế hiểm Truông Bồn
Tiếng xứ Nghệ “truông” chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km, nằm trên đường chiến lược 15A, thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ở đây đồi núi trùng điệp liên kết với nhau như: núi Voi, núi Mồng Gà, núi Cột Cờ, núi Diêu Sét, đồi Phòng Không. Truông Bồn đi qua thung lũng các dãy núi này, cây cối xanh tốt che phủ quanh năm, đây là thế rất hiểm trở thành chỗ dựa cho các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Thời hậu Lê, quân Lê Lợi vào miền Tây Nghệ An xây dựng lực lượng, nhiều lần bí mật ém quân ở đây tiến đánh quân Minh ở núi Lam Thành. Thời Cần Vương các ông Trần Tấn, Đặng Như Mai chiêu tập nghĩa sĩ về đây rèn đúc vũ khí, luyện quân đánh Pháp, đánh quân Nam triều ở Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu.
Vào những năm 1930-1931, các chiễn sĩ Cộng sản dựa vào trại khai hoang ở các dãy núi, vận động dân che giấu cán bộ, cất giấu truyền đơn, xây dựng cơ sở cách mạng ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, góp phần tạo nên cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng nơi nối các huyết mạch giao thông km số 0 đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 chi viện cho chiến trường miền Nam. Vào những thời điểm chiến tranh ác liệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên đều căn dặn cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây: “Truông Bồn là một trọng điểm giao thông, ở đây nó cũng như dòng máu chảy trong một cơ thể thống nhất quyết không thể để ngừng chảy”.
Truông Bồn một huyền thoại
Để bảo vệ vị trí chiến lược Truông Bồn, giữ vững mạch máu giao thông ta tập trung một lực lượng lớn gồm: 1 Tiểu đoàn công binh Quân Khu IV, 1 Đại đội công binh tỉnh đội Nghệ An, 1 Tiểu đoàn tên lửa đất đối không, 1 Tiểu đoàn tên lửa A72, 1 Tiểu đoàn và 4 Đại đội pháo phòng không. Các Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 304, 307, 316, 317, 318, 327, 332, 333, 340 tỉnh Nghệ An. Một binh trạm làm nhiệm vụ vận tải.
Truông Bồn được mệnh danh “Tọa độ lửa” suốt trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đặc biệt trong thời gian phà Bến Thủy bị bom từ trường, máy bay, tàu chiến phong tỏa, cầu Hoàng Mai, Cầu Bùng, Cầu Cấm trên đường quốc lộ 1A bị đánh sập, thì đường chiến lược 15A là huyết mạch duy nhất vận chuyển ra chiến trường. Kẻ địch tinh quái đánh cho Truông Bồn trở thành “Tọa độ chết”. Chúng đánh phá khốc liệt ở đây suốt ngày đêm. Chỉ tính riêng từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1968, Truông Bồn hứng chịu 2.692 quả bom, đạn các loại. Có hơn 200 bộ đội, TNXP và dân quân hy sinh, bị thương. Mặc dù ác liệt như vậy, các đơn vị TNXP ở đây quyết không để mạch máu giao thông ngừng chảy, với khẩu hiệu: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Ngoài lấp hố bom, phá bom nổ chậm, đêm đêm anh chị em TNXP mặc quần áo trắng làm cọc tiêu cho xe qua trọng điểm. Ở đây xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Bích Cớn, chiến sĩ TNXP C317 dưới trời nắng như đổ lửa, máy báy Mỹ thay nhau bắn phá, anh bình tĩnh nối mối dây từng quả bom, phá thành công 30 quả bom nổ chậm một lúc. Chiến công của đồng chí Cớn thông đường nhanh nhất. Việc làm cao cả của đồng chí Nguyễn Văn Phúc trong đội phá bom dân quân xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Trong một lần đồng chí Sáu được giao nhiệm vụ đi đặt thuốc nổ phá 1 quả bom tấn. Biết đồng chí Sáu đi làm nhiệm vụ lần này sẽ hy sinh, đồng chí Phúc xung phong đi thay đồng chí Sáu, vì mình chưa có vợ con, có hy sinh chưa gánh nặng về gia đình. Lần đó, đồng chí Phúc hy sinh. Đặc biệt, đêm 30 rạng ngày 31/10/1968, Đại đội TNXP 317 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho đoàn xe quân sự vượt Truông Bồn vào Nam. 06 giờ 10 phút ngày 31, chiếc xe cuối cùng rời khỏi Truông Bồn thì máy bay ập đến đánh phá, 13 trong 14 đồng chí trong tiểu đội cảm tử hy sinh. Các anh, các chị hy sinh trong lúc tuổi đời còn trẻ từ 17 đến 22 tuổi. Đồng chí mới 17 tuổi là Nguyễn Thị Hoài quê xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên.
Các đồng chí hy sinh có 11 nữ, 2 nam, gồm: Cao Ngọc Hòa, Trần Văn Hạp, Đoàn Thị Bốn, Phan Thị Dung, Hà Thị Đang, Vũ Thị Hiên, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Thị Vinh, Nguyễn Thị Tâm, Trần Thị Doãn, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Văn. Đồng chí duy nhất còn sống là Trần Thị Thông. Các đồng chí hy sinh trong lúc đây là trận bom cuối cùng, trên toàn miền Bắc ngừng bắn, kẻ thù ngồi vào bàn đàm phán với ta.
Sự hy sinh và chiến thắng oanh liệt của bộ đội, TNXP, dân quân đã làm nên một huyền thoại Truông Bồn. Nơi đây nay đã trở thành một khu di tích lịch sử, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Truông Bồn trở thành một điểm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử.
HẢI HƯNG
Xây dựng nhà nước pháp quyền: Tạo thói quen sử dụng cơ chế đại diện, ủy quyền