Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước vì các quyền và tự do cơ bản của con người

02/09/2023 05:22 | 8 tháng trước

(LSVN) - Nhà nước Việt Nam kể từ ngày 02/9/1945 đến nay (1945-2023) trải qua 78 năm thử thách, được xác định là một nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc: nhà nước của dân, do dân, vì dân. Sự khác nhau căn bản và quan trọng nhất giữa nhà nước kiểu mới với tất cả các nhà nước trong lịch sử trước đó ở chỗ: các nhà nước trong lịch sử thì dân phục vụ nhà nước, còn nhà nước kiểu mới là nhà nước phục vụ nhân dân. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân; nhà nước “liêm chính, kiến thiết quốc gia và phục vụ nhân dân”(1); nhà nước vì các quyền và tự do cơ bản của con người. Bài viết đi sâu phân tích, làm rõ những nội dung này.

Ảnh minh họa.

Trong toàn bộ lịch sử nhân loại, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, việc giành chính quyền luôn đồng nghĩa với yêu cầu xây dựng chính quyền mới phải phục vụ nhu cầu chung của quảng đại quần chúng, của xã hội. Không phải mọi chính quyền đều đáp ứng được nhu cầu ấy của dân chúng mà phần lớn các chính quyền nhà nước trước đây được thiết lập có thể có những thỏa mãn ban đầu, nhưng khi đã nắm giữ và củng cố được quyền lực thống trị thì các nhà nước thống trị thường quay lại bắt dân chúng phải phục vụ cho mình, củng cố quyền lực cho chính mình. Như vậy, khi đã giành được chính quyền thì vấn đề cơ bản của mọi chính quyền nhà nước lại là ở chỗ sử dụng quyền lực như thế nào, chính quyền đó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai?

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ về sứ mệnh của cách mạng, mục đích và động cơ của cánh mạng Việt Nam không phải chỉ để giành được chính quyền, cũng không phải là để tập trung cao quyền lực về tay mà là để bảo đảm quyền lực ấy thực sự là của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng: Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền là thuộc về dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.

Sau khi cách mạng thành công thành lập nên chính quyền nhà nước kiểu mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ làng xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra… Nói tóm lại, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân mà ra, để phục vụ nhân dân. Nhà nước kiểu mới là của dân, do dân và vì dân, hành động vì các quyền và tự do cho con người trên đất nước Việt Nam. Điều 1 Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”(2). Hiến pháp năm 1946 xác định rõ như một nguyên tắc hiến định cho nhà nước kiểu mới: “Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm một cách rõ ràng và nhất quán rằng dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ, đó cũng là điểm khác nhau về bản chất giữa nhà nước của nhân dân, nhà nước mới khác hẳn với các nhà nước đã từng tồn tại trước đó. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ trong lĩnh vực chính trị là dân làm chủ nhà nước, mọi quyền lực là thuộc về nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều là của nhân dân. Sau khi giành được chính quyền, chính quyền nhà nước mới có nhiệm vụ tôn trọng và củng cố quyền lực của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân, nhân dân lập ra nhà nước của mình và ủy quyền cho nhà nước để phục vụ nhân dân, đồng thời nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu của nhân dân, có quyền “đuổi chính phủ” để thành lập chính phủ phù hợp nếu những đại biểu do dân bầu ra và chính phủ đương nhiệm không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nội dung này cũng hoàn toàn phù hợp với tư tưởng và học thuyết về pháp quyền trong xã hội hiện đại.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một xã hội pháp quyền, thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của nhân loại trong lịch sử hiện đại về những nguyên tắc pháp quyền Rule of Law, bảo đảm được việc thực thi quyền lực của nhân dân. Nhà nước kiểu mới là nhà nước có hiến pháp công bằng do nhân dân phúc quyết, trong một xã hội, “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh có công lớn trong sự nghiệp lập hiến, lập pháp và xây dựng một xã hội pháp quyền ở nước ta. Người luôn chăm lo hoàn thiện hệ thống pháp luật vì quyền con người. Là Chủ tịch nước, đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh đồng thời đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và 1959), đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác, thu hút được nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, các nhân sỹ yêu nước soạn thảo Hiến pháp năm 1946, ghi nhận chủ quyền nhân dân và các quyền, tự do của con người.

Trong xã hội pháp quyền, nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ và tự do, nghĩa là dân có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm, nhà nước chỉ được thực hiện những gì mà pháp luật cho phép. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền của người dân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Cũng với ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời nhắc nhở rằng, trong thực tế có những “vị đại diện” của dân đã nhận thức rất nhầm lẫn, coi sự ủy quyền của dân là sở hữu quyền lực cá nhân, từ đó sinh ra chuyên quyền, lạm quyền, lộng quyền, cửa quyền, lợi dụng quyền lực và chức vụ để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, để “vinh thân phì gia”… Và cơn khát quyền lực của các “quan cách mạng”, trong mỗi quan chức và trong xã hội đã đẻ ra biết bao chuyện đau lòng mà Bác Hồ từng phê phán: Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, bộ nọ bộ kia… rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, xem thường pháp luật, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế, cậy quyền với dân. Nhà nước kiểu mới không phải là nhà nước cai trị hoặc thống trị mà là nhà nước phục vụ nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Quyền lực nhà nước do nhân dân giao cho, quyền lực ấy phải được kiểm soát, phải bị giới hạn, phải được “nhốt trong lồng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã từng khẳng định. Nếu cán bộ nhà nước và các cơ quan nhà nước làm hại dân, không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không mang lại hạnh phúc cho nhân dân thì sẽ bị nhân dân bãi miễn. Vấn đề hiện nay là rất cần có cơ chế hữu hiệu để nhân dân thực hiện chủ quyền đó, bởi vì nhân dân nắm giữ quyền lực gốc, chủ quyền thuộc về nhân dân không thể chỉ là khẩu hiệu giáo điều mà phải là hành động thực tế của các cấp chính quyền. Theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trên thực tế mới có thể là nhà nước kiểu mới. Nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, nhà nước không có đặc quyền đặc lợi, nhà nước phải thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính thì mới xứng đáng với nhân dân, với đất nước. Ngay từ khi thành lập nước 78 năm trước và trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở rằng toàn bộ bộ máy nhà nước và cán bộ từ Chủ tịch nước đến từng làng, xã, thôn, bản… đều là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì hại đến dân thì phải hết sức tránh; khi còn một người dân nghèo khổ thì Đảng và Nhà nước còn khuyết điểm, còn có lỗi. Hơn nữa, chính quyền kiểu mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân phải là chính quyền chăm lo cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì các quyền và tự do cho con người, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền và tự do của con người. Trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cấp chính quyền: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(4).

Nhân quyền và tự do cho con người Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1925 Hồ Chí Minh đã dịch và phổ thơ Quốc tế ca:

“...Công nông mình cứu lấy mình,

Sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”(5).

Những nội dung cụ thể của quyền con người mãi đến năm 1948 mới được thể hiện trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền và đến năm 1966 mới chính thức ra đời Bộ luật Nhân quyền quốc tế (International Bill of Human Right). Tuy nhiên, những tư tưởng về nhân quyền và văn hóa nhân quyền của thời kỳ khai sáng đã được Hồ Chí Minh thấm nhuần rất sâu sắc, về các quyền sống tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nhân quyền, nói tóm lại là tự do của con người trong một xã hội dân chủ, tự do. Tự do cho con người là một giá trị cao quý nhất. Khát vọng tự do là động lực thúc giục con người đoàn kết phấn đấu, làm nên chiến thắng. Nhà nước Việt Nam kiểu mới có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền và tự do cho con người: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do đi lại, cư trú, tự do và bình đẳng về hôn nhân và gia đình... Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất đúng đắn rằng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”(6).

Để xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, vì các quyền và tự do cơ bản của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhà nước liêm chính, kiến thiết quốc gia và phục vụ nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân tham gia các hoạt động của Nhà nước… Trong đó, người thường nhấn mạnh những nội dung cơ bản: Tăng cường pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, thực hiện những nguyên tắc pháp quyền; kết hợp hài hòa “nhân trị”, “đức trị” và “pháp trị”’, kiên quyết chống “giặc nội xâm” là tham ô, lãng phí, quan liêu, tham nhũng. Người cho rằng: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, tham nhũng… là bạn đồng minh của thực dân phong kiến…, nó làm hỏng, làm tha hóa đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước; nó phá hoại đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… Thậm chí, Người cho rằng tội lỗi ấy cũng chẳng khác gì tội lỗi Việt gian, mật thám, gián điệp, phản bội Tổ quốc trong chống giặc ngoại xâm. Về nguyên nhân của các căn bệnh ấy trong tổ chức bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, tham nhũng thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu ý thức phục vụ nhân dân, thiếu dân chủ, chuyên quyền, lạm dụng và lợi dụng quyền lực, không tôn trọng các quyền và tự do của con người. Không thể nói đến một nhà nước trong sạch, vững mạnh, nếu như không kiên quyết, thường xuyên, kiên trì đấu tranh chặn đứng, tiến tới tiêu diệt tận gốc những nguyên nhân đã gây ra nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân”, nhân dân thật sự là ông chủ tối cao của chế độ mới, chỉ có như vậy mới có một nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân, xứng đáng với sự ủy quyền và tín nhiệm, với lòng tin của dân.

Ngày nay không thể nói đến một nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, một nhà nước quản trị tốt nếu như không kiên quyết, thường xuyên đẩy mạnh cuộc đấu tranh để chặn đứng, tiến tới tiêu diệt tận gốc những nguyên nhân đã gây ra nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, phục vụ nhân dân, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh và kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sự nghiệp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước với những nhiệm vụ, giải pháp và hành động cụ thể đã đem lại những kết quả thiết thực, đáng được ghi nhận, đem lại niềm tin và hy vọng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý, vai trò điều hành của cơ quan nhà nước. Sự nghiệp ấy cần được tiếp tục đẩy mạnh và phát huy. Đồng thời cần nhận thức lại để khẳng định đậm nét về bản chất của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam đã được xác định từ cách đây 78 năm và trong suốt quá trình phát triển nhà nước Việt Nam là một nhà nước kiểu mới, của dân, do dân và vì dân, vì các quyền và tự do của con người. Theo đó, hoạt động lập pháp phải xây dựng được hệ thống quy phạm pháp luật vì các quyền, tự do và hạnh phúc của con người. Đó phải là pháp luật bình đẳng; pháp luật là công cụ của tự do chứ không phải là công cụ thống trị. Hệ thống hành pháp phải là hệ thống cung cấp các dịch vụ công; hệ thống bộ máy thuận tiện phục vụ nhân dân; hệ thống cán bộ công chức liêm chính thực sự mẫn cán, tận tụy với nhân dân, là công bộc của dân. Hệ thống tư pháp độc lập, khách quan, vô tư, bảo đảm công lý được thực thi. Toàn bộ hệ thống bộ máy nhà nước, hệ thống quyền lực phải được kiểm soát, không thể để quyền lực mà không có kiểm soát, không thể để có những hiện tượng sống trên pháp luật, sống ngoài vòng pháp luật hoặc bất chấp pháp luật. Có thể thấy những tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nhà nước của dân, do dân, vì dân, vì các quyền và tự do cho con người không chỉ là tư tưởng chỉ đạo ngay từ khi thành lập nhà nước mới Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà còn là ánh sáng soi đường suốt 78 năm qua và có giá trị chiến lược trong nhiều năm sắp tới.

(1) Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tháng 11/1946.

(2) Điều 32 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946.

(3) Điều 6 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, T.4, tr.64.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, T.2, tr.502.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, T.10, tr.378.

PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH 

Nguyên Giảng viên cao cấp Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Quy định pháp luật về tội ‘Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’: Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện