Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

30/12/2022 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Luật Luật sư quy định quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư của tổ chức mình theo quy định của Luật này, Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Thực hiện chức năng tự quản nghề Luật sư, ngày 21/7/2022, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Quyết định số 141/QĐ-BTV Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý (gọi tắt là Ủy ban).

Ảnh minh họa.

Về  chức năng, Ủy ban là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc của Liên đoàn trong hoạt động về tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, hướng dẫn và giám sát hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư.

Ủy Ban có hai nhóm nhiệm vụ, quyền hạn chính là về xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý. Trong đó, nhóm nhiệm vụ về xây dựng pháp luật tập trung các nhiệm vụ chính như:  

- Tham mưu, đề xuất với Liên đoàn trong việc đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật theo đề nghị của các cơ quan hữu quan về các nội dung, vấn đề có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Luật sư, kể cả các buổi họp, trao đổi hoặc hội thảo, với các cơ quan hữu quan về các vấn đề này, nếu cần thiết; kiến nghị về những vấn đề bất cập, vướng mắc của pháp luật và thi hành pháp luật liên quan đến Luật sư và hoạt động hành nghề của Luật sư. 

- Dự thảo văn bản đóng góp ý kiến của Liên đoàn đối với các dự thảo văn bản  pháp luật được đề nghị cho ý kiến trình Thường trực Liên đoàn xem xét, quyết định. Đối với những dự thảo văn bản pháp luật quan trọng (như Hiến pháp, các bộ luật, luật) vượt quá khả năng của Ủy ban thì đề xuất nhân sự để thành lập tiểu ban nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo trình Thường trực Liên đoàn xem xét, quyết định.

- Phối hợp và hỗ trợ các Tiểu ban, Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động liên quan đến xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý; tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản của tiểu ban góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật trước khi trình Thường trực Liên đoàn xem xét, quyết định.

- Tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật của các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn, các Đoàn Luật sư địa phương và các cơ quan khác có liên quan trình Thường trực Liên đoàn ký gửi cơ quan có thẩm quyền.

- Đóng góp ý kiến, rà soát về hình thức và tính phù hợp, thống nhất của các quy chế, quy định nội bộ do các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn soạn thảo trước khi trình Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn xem xét, quyết định.

Về trợ giúp pháp lý, Ủy ban có nhiệm hạn, quyền hạn chính gồm:

- Xây dựng, tham gia xây dựng văn bản của Liên đoàn hướng dẫn về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư trình Ban Thường vụ xem xét quyết định.

- Phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật, Đoàn Luật sư, và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý hàng năm của Liên đoàn; Phối hợp với Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng và các Đoàn Luật sư tổ chức bồi dưỡng kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho Luật sư; Phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn, Đoàn Luật sư địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hoạt động tuyên truyền pháp luật theo kế hoạch đã được phê duyệt.

- Theo dõi, đôn đốc các Đoàn Luật sư trong việc tổ chức cho các Luật sư thành viên thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp báo cáo Thường trực Liên đoàn về tình hình, kết quả thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Trung tâm Tư vấn pháp luật, các Đoàn Luật sư trong cả nước trên cơ sở báo cáo của Trung tâm tư vấn pháp luật và các Đoàn Luật sư.

- Tham mưu cho Liên đoàn trong công tác hướng dẫn, theo dõi, giám sát, tổng kết, đánh giá về việc thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư trên phạm vi toàn quốc. Phối hợp với các Ủy ban, đơn vị, các Đoàn Luật sư và các cơ quan có liên quan khác trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư. 

Ủy ban được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, phát huy trí tuệ tập thể thành viên Ủy ban, đồng thời xác định trách nhiệm cá nhân của Chủ nhiệm và các thành viên Ủy ban. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban bao gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, và bộ phận giúp việc. Chủ nhiệm Ủy ban lãnh đạo các hoạt động của Ủy ban và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn về hoạt động của Ủy ban. 

Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Ủy viên Ban Thường vụ đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III bầu giữ chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam