Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư Việt Nam 

22/04/2021 16:05 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong những năm qua, hoạt động hành nghề Luật sư và tư vấn pháp luật trong cả nước đã có những bước phát triển, đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật và các tổ chức hành nghề Luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật được củng cố, kiện toàn, hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động hành nghề Luật sư và tư vấn pháp luật vẫn còn một số tồn tại như: Đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng còn hạn chế; một bộ phận còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp; công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn có những vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong hành nghề; việc thực hiện nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, tư vấn pháp luật tuy đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn...

  

Ảnh minh họa. 

Để khắc phục những tồn tại này, ngày 30/3/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Luật sư. Mục tiêu của Chỉ thị là nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hành nghề Luật sư trên địa bàn cả nước, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất, đạo đức tốt, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động Luật sư và tư vấn pháp luật, nâng cao hình ảnh, uy tín của nghề Luật sư trong xã hội, đáp ứng yêu cầu dịch vụ pháp lý của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, xã hội về vị trí, vai trò của Luật sư và hành nghề luật trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế được nâng lên, từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy hoạt động của Luật sư, đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư cả về số lượng và chất lượng, năng lực, trình độ của các Luật sư ngày càng tăng lên. Nhiều tổ chức hành nghề Luật sư đã vươn ra khu vực để chiếm lĩnh thị phần liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp; chất lượng tham gia tố tụng của Luật sư cũng có tiến bộ rõ rệt, nhiều ý kiến tranh luận của Luật sư đã được hội đồng xét xử ghi nhận, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu oan sai trong hoạt động của các cơ quan tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Để tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Luật sư ở Việt Nam trong thời gian tới, cấp ủy và các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, sâu rộng các giải pháp cả về hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò của hoạt động hành nghề Luật sư, tư vấn pháp luật trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật sư là tầng lớp trí thức nên có tiếng nói quan trọng, có uy tín với nhiều người dân, vì vậy, cần quan tâm đào tạo thêm về chính trị, tổ chức thêm các buổi nghe thời sự với cả các Luật sư không phải Đảng viên. Việc này giúp nâng cao nhận thức của các Luật sư trong tuyên truyền pháp luật cho người dân. Trong thực hiện công tác kiểm tra các văn phòng Luật sư, phải tính toán kỹ để vừa thể hiện tôn trọng tổ chức hành nghề Luật sư, vừa bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Cần có quy định để xử lý nghiêm các hành vi cản trở hành nghề Luật sư khi Luật sư hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Về hoạt động của các Đảng bộ đoàn Luật sư ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cùng với việc họp chi bộ, sinh hoạt Đảng để định hướng theo tư tưởng chủ trương đường lối của Đảng, tổ chức Đảng cần gắn kết được các Luật sư với nhau và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong giới Luật sư. Với tư cách Đảng viên, các Luật sư cần có ý thức hơn về vai trò của mình khi thực hiện hành nghề Luật sư. Các Đảng viên phải có vai trò thúc đẩy, vận hành hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư ngày một tốt hơn.

Ban chủ nhiệm các đoàn Luật sư, các tổ chức chủ quản phải có kế hoạch tạo nguồn để phát triển đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; nghiên cứu, quán triệt các văn bản pháp luật về hoạt động Luật sư, tư vấn pháp luật, gắn với tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật, nhằm xây dựng đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp cao, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc hành nghề Luật sư, tư vấn pháp luật nhằm phá hoại các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kích động gây rối làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúi giục nhân dân khiếu kiện vượt cấp, đông người...

Đoàn Luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư, để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và nâng cao hoạt động quản lý, đoàn Luật sư phải tập trung nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo để đoàn Luật sư thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, thực hiện tốt vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư theo các nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và điều lệ của đoàn Luật sư; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động Luật sư trên địa bàn, bảo đảm mọi hoạt động của Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư đều phải tuân thủ pháp luật, điều lệ hoạt động và quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Luật sư, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp trong khi hành nghề Luật sư. Trong trường hợp hành vi vi phạm của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư vượt quá thẩm quyền thì ban chủ nhiệm đoàn Luật sư có trách nhiệm báo cáo và chuyển hồ sơ vi phạm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức hành nghề Luật sư chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với toàn bộ hoạt động của tổ chức; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội trong hoạt động hành nghề; đề cao tôn trọng sự thật và pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, phải có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở các địa phương. Người đứng đầu của tổ chức hành nghề Luật sư cần chú trọng và đề cao vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động hành nghề của tổ chức và Luật sư hoạt động trong tổ chức; quản lý chặt chẽ hoạt động của Luật sư và nhân viên của tổ chức; trong hoạt động hành nghề cần có biện pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín và hiệu quả hoạt động đối với khách hàng.

Luật sư LÊ ĐỨC BÍNH

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội 

Bồi dưỡng một số vấn đề về đầu tư cho Luật sư tại Hà Nội