Vấn đề ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can

21/04/2022 16:05 | 2 năm trước

(LSVN) - Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra, do cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự, làm cơ sở cho việc xác định có hay không hành vi phạm tội và các tình tiết có liên quan đến vụ án.

  Ảnh minh họa.

Khi tiến hành hỏi cung bị can, điều tra viên hoặc kiểm sát viên cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định về hỏi cung bị can theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động hỏi cung bị can chủ yếu diễn ra tại trụ sở cơ quan điều tra hoặc trong các nhà tạm giữ, trại tam giam, thiếu tính công khai nên “… do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn xảy ra các trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp; bên cạnh đó thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án tại tòa, bị cáo thay đổi lời khai vì lý do bị bức cung trong quá trình hỏi cung hoặc chối tội, thay đổi lời khai dẫn đến khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đây là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”(1).

Do đó, để góp phần công khai, minh bạch hóa hoạt động hỏi cung bị can, góp phần “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”(2) đã được Hiến pháp quy định, theo đó “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20 Hiến pháp năm 2013), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã lần đầu tiên quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, là điểm mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là hết sức cần thiết, là cách thức giám sát hoạt động hỏi cung bị can, buộc các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải cẩn trọng, khách quan, không lạm quyền, hạn chế việc bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự. Các nội dung ghi âm, ghi hình viêc hỏi cung bị can cũng là nguồn chứng cứ quan trọng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thể xác định sự thật khách quan của vụ án, chứng minh một cách khách quan và đầy đủ các tình tiết của vụ án, hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, đây cũng là những căn cứ xác thực, giúp làm rõ có hay không việc mớm cung, bức cung hoặc dùng nhục hình, để kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích hơp pháp cho bị can, bị cáo và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); hoặc phản bác lại việc phản cung, chối tội, thay đổi lời khai không đúng sự thật, hoặc bịa đặt, tố cáo sai sự thật rằng mình bị bức cung, nhục hình của bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.

Khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Để thực hiện các quy định nêu trên, ngày 01/02/2018 Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã có Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 về việc ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1172/QĐ-TTg ngày 11/9/2019 phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo đó, chậm nhất đến ngày 01/01/2020 thì thực hiện thống nhất ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Như vậy, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh quá trình hỏi cung bị can là bắt buộc và đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực hiện trên thực tế. Do đó, nếu không thực hiện sẽ là vi phạm thủ tục tố tụng trong hoạt động điều tra, giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau (như không có phòng hỏi cung cho việc ghi âm, ghi hình; chưa được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm, ghi hình có âm than; kiến thức chuyên môn của những người thực hiện việc ghi âm, ghi hình, công tác lưu trữ chưa được chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng…) nên hoạt động ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can đến nay vẫn chưa thể được thực hiện thống nhất và đầy đủ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, vẫn còn các ý kiến chưa coi trọng đúng mức việc ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung bị can, cho rằng việc này sẽ gây nhiều khó khăn, làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án, hoặc chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. 

Vì vậy, thực tiễn hiện nay, số lượng các vụ án có thực hiện ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can chưa nhiều, chỉ tập trung ở một số ít vụ án phạm tội có tổ chức, phức tạp, phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; vụ án truy xét hoặc bị can không thành khẩn, quanh co, chối tội. Do đó, sức lan tỏa và hiệu quả của việc thực hiện quy định ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can chưa thể đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Từ thực tiễn hiện nay, để việc ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung bị can có thể được áp dụng thống nhất và hiệu quả trên thực tế, theo chúng tôi cần phải có nhiều giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Phải nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng về tầm quan trọng của việc ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can; cố gắng tự học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, phương pháp, kỹ năng ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. Cần xác định việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can không chỉ là trách nhiệm pháp lý của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng mà còn là biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động hỏi cung bị can, góp phần bảo vệ công lý và quyền con người, cũng như bảo vệ uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Thứ hai: Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh hơn nữa việc đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can cho những người tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức có liên quan; kịp thời tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động này. Qua đó, nhanh chóng đưa hoạt động ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can vào áp dụng thống nhất trên toàn quốc, loại bỏ việc luật đã quy định nhưng không thể thực hiện trên thực tế như hiện nay.

Thứ ba: Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị cần thiết cho việc thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung như: hoàn thiện các phòng hỏi cung, máy quay, máy ghi âm, thiết bị lưu trữ và quản lý dữ liệu… Thực tế, việc thực hiện công tác này sẽ gặp phải những khó khăn không nhỏ về kinh phí, cũng như những phức tạp trong các thủ tục pháp lý có liên quan. Tuy nhiên, Nhà nước ta cũng dành những sự quan tâm rất lớn đến vấn đề này, thể hiện ở các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Trên cơ sở đó, các bộ,  ngành, cơ quan và người có trách nhiệm cần chủ động, quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong công tác thực hiện, để sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để tiếp diễn tình trạng chậm trễ kéo dài như hiện nay.

Có thể thấy, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là quy định mới nên việc áp dụng trong thực tiễn khó có thể tránh được những khó khăn và vướng mắc. Tuy nhiên, đây là quy định mang tính chất đột phá, sẽ góp phần minh bạch hóa và bảo vệ hiệu quả quyền con người, phòng chống được việc bức cung, nhục hình trong việc hỏi cung bị can - một trong những biện pháp điều tra quan trọng, phổ biến và cơ bản nhất trong tố tụng hình sự. Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật như hiện nay thì việc ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung bị can, cũng như việc lưu trữ và quản lý các dữ liệu này là có thể được thực hiện một cách dễ dàng, không có nhiều khó khăn nào về mặt kỹ thuật và công nghệ. Các lý do dẫn đến tình trạng trì hoãn, chậm trễ việc thực hiện ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can là rất đáng tiếc và cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt, để các quy định tiến bộ này có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy được hết ý nghĩa và hiệu quả của chúng; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự.            

===============

(1) Quyết định số 1172/QĐ-TTg ngày 11/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. 

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Công ty Luật TNHH TGS

Hoàn thiện quy định về tội ‘Cưỡng bức lao động’ theo Điều 297 BLHS 2015