Về chiến thắng 30/4/1975

29/04/2018 17:13 | 6 năm trước

LSVNO - Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện. Sự kiện này đánh dấu một mốc son chói lọi...

LSVNO - Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện. Sự kiện này đánh dấu một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, từ đây đất nước non sông liền một dải.

Trên cơ sở kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam (trong hai năm 1975-1976) của Bộ Tổng Tham mưu trình Bộ Chính trị và nhiệm vụ chiến đấu mùa khô 1974-1975 của Quân ủy Miền, tháng 10/1974 ta mở Chiến dịch Đường số 14 - Phước Long, nhằm mục tiêu quan trọng nhất là đánh giá khả năng phản ứng của địch.

Chiến dịch Đường số 14 – Phước Long là căn cứ thực tiễn để Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ảnh tư liệu.

Sau 25 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 13/12/1974 đến ngày 06/01/1975), ta đã tiêu diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng 50 vạn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch. Trận Phước Long có ý nghĩa như một “trận trinh sát chiến lược”. Qua đây ta hiểu địch hơn, đó là: quân ngụy Sài Gòn không còn đủ khả năng đối phó cùng một lúc với nhiều hướng tiến công của ta; không có khả năng chiếm lại một thị xã đã giải phóng; sau trận Phước Long Mĩ không dễ can thiệp trở lại miền Nam để cứu ngụy. Đây là một trong những căn cứ thực tiễn quan trọng nhất để Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Để tiến được vào sào huyệt cuối cùng của giặc, từ đầu tháng 3/1975, quân và dân ta đã tiến hành liên tiếp cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, với các Chiến dịch then chốt, quyết định như: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ tháng 3/1975) thắng lợi, ta đã phá vỡ một mảng lớn quân địch trên cao nguyên, cắt đôi thế bố trí chiến lược của quân ngụy, đẩy chúng vào nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã mở ra thời cơ để ta giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4/1975 theo quyết tâm của Bộ Chính trị tại hội nghị ngày 01/4/1975.

Đúng như dự kiến của Bộ Chính trị, chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện và giành thắng lợi hoàn toàn vào trưa ngày 30/4/1975.

Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Vào 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn công: hướng Bắc với Quân đoàn 1, hướng Tây Bắc với Quân đoàn 3, hướng Tây và Tây Nam với Đoàn 232, hướng Đông với Quân đoàn 4 và hướng Đông Nam với Quân đoàn 2.

Ngày 30/4, với sự hiệp đồng chiến đấu rất anh dũng của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định: Dinh Độc lập (tức Phủ Tổng thống ngụy), Bộ Tổng Tham mưu và Khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Biệt khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát. Phóng viên hãng UPI đã mô tả: “Quân đội Cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào phủ Tổng thống ở Sài Gòn và hô vang với những người đứng bên đường các nhà báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản”.

Nhân dân thành phố Sài Gòn hân hoan chào đón các lực lượng vũ trang, con em của mình và cùng bộ đội truy lùng địch, tước vũ khí của chúng, dẫn đường cho bộ đội, bảo vệ các cơ sở kinh tế và văn hoá. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Hãng tin AP số ra ngày 01/5/1975 đăng một bài viết có đoạn: “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân Giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này tướng trung lập Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ Cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu.

Sự kiện lịch sử này đã được báo giới nước ngoài đồng loạt đưa tin: Thời báo Los Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”; Hãng tin Pháp AFP bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Chiến sự Sài Gòn - Gia Định kết thúc. Sự kiện này ảnh hưởng to lớn đến khu vực trên thế giới trong tương lai”; Ngày 01/5/1975, cũng hãng tin AFP viết “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu”.

Trên đà chiến thắng, từ ngày 30/4/1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 01/5/1975, toàn bộ lãnh thổ đất liền miền Nam đã được giải phóng.

Phương Hạnh