Về Đồng Tháp Mười

16/11/2017 19:39 | 6 năm trước

LSVNO - Bây giờ đi về tỉnh Đồng Tháp tưởng có vẻ thuận tiện hơn xưa, bởi có đường cao tốc ngã ba Trung Lương, nhưng rốt cuộc cũng phải mất đúng ba tiếng đồng hồ xe mới đến Cao Lãnh.

LSVNO - Bây giờ đi về tỉnh Đồng Tháp tưởng có vẻ thuận tiện hơn xưa, bởi có đường cao tốc ngã ba Trung Lương, nhưng rốt cuộc cũng phải mất đúng ba tiếng đồng hồ xe mới đến Cao Lãnh.

Sáng sớm, sương mù phủ khắp cánh đồng, tiếng tắc giáng chạy phành phạch bên dòng kênh, từng đàn chim sáo bay chập chờn theo từng cơn sóng xô vào bờ. Ngày xưa, công trình thủy lợi kênh Hồng Ngự mà cha tôi làm việc ở Viện nghiên cứu khoa học thủy lợi Nam Bộ có tham gia quy hoạch xây dựng cách đây hơn ba mươi năm, góp phần thau mặn, rửa phèn, biến cả Đồng Tháp Mười thành vựa lúa ngọt phì nhiêu của Nam Bộ. Tự nhiên, trong tôi luôn có cảm giác về một vùng đất yên bình, như đàn sếu đỏ tìm đất lành chim đậu ở Vườn quốc gia Tràm Chim nổi tiếng xứ này.

Sen, lúa trời, tràm… là những hình ảnh quen thuộc ở khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười - Ảnh: Linh Lý Thành (Mytour.vn)

Chẳng phải ngẫu nhiên hay sao mà trong căn phòng Khách sạn Hòa Bình, có treo bức ảnh với tựa đề “Đất lành” của nhà nhiếp ảnh Bùi Bé Tư. Một đàn sếu đỏ dừng chân trên cánh đồng cỏ úa vàng rực ánh hoàng hôn. Cứ nhìn vào tấm hình treo trên tường, lòng tôi lại rưng rưng nghĩ về Biển - một thân chủ trẻ tuổi của tôi đang vướng vào vòng lao lý, bị tạm giam đến nay đã hơn 6 năm, rồi tự hỏi sao nghịch lý quá thế này, giữa thiên nhiên yên bình và tố tụng khắc nghiệt? Tô, người anh trai kế của Nguyễn Cát Biển, cứ bảo em mình vốn thiệt thòi từ nhỏ, nên dường như trong tâm nó lúc nào cũng muốn bứt phá, mong muốn bước ra ngoài, vượt ra mọi khuôn khổ…

Sau ngày đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm xét xử lại lần thứ hai vụ án hình sự liên quan đến việc huy động tài chính trên trang web www.colonyinvest.net, ngồi nhìn ra cửa sông khi hoàng hôn đã ập xuống, tôi nghe Tô kể và quay trở về quá khứ của một vùng đất khác, có vẻ như chẳng ăn nhập gì với vùng đất này - đó là vùng kinh tế mới của Hà Nội được lập vào năm 1980, nay là huyện Lâm Hà thuộc tỉnh Lâm Đồng. Biển sinh năm 1979 tại huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội trong một gia đình bần nông, có truyền thống ba đời tham gia cách mạng, cha đẻ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là dũng sĩ diệt Mỹ chiến trường Nam Lào và thương binh hạng ¾, nghe theo lời kêu gọi của Nhà nước đưa toàn bộ gia đình đi tham gia xây dựng vùng kinh tế mới của Hà Nội tại vùng hẻo lánh, cách xa thủ đô hàng nghìn km, nay là huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng. Tuổi thơ của Biển gắn liền với vùng đất mới Lâm Hà, xa xôi và đầy trắc trở, rập rình nhiều hiểm nguy. Những ngày sau giải phóng, đây là vùng đất biệt lập, xung quanh rừng núi bạt ngàn, hoạt động phá hoại và thù địch của lực lượng Fulrô diễn ra vô cùng căng thẳng và phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng kinh tế mới. Cơ sở hạ tầng, điện, đường xá, trường học vô cùng thiếu thốn và khó khăn, thiếu thông tin, ảnh hưởng thiệt thòi rất nhiều đến trẻ em và tác động nhất định đến việc định hình nhân cách và tâm tính của Biển...

Tô kể, ngoài thời gian đến lớp, Biển chỉ biết vui đùa với chim chóc, thú rừng, chạm mặt với luống cày, cái cuốc, phụ giúp cha mẹ làm nông nghiệp. Rừng âm u bao bọc Biển lớn lên, đến năm 1998 tốt nghiệp trung học phổ thông, cố gắng thi đậu vào Đại học Bưu chính viễn thông. Xa gia đình lên thành phố, Biển gồng mình vượt qua những khó khăn của thời sinh viên chủ yếu ở trong ký túc xá, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài. Khi tốt nghiệp đại học, cha mẹ, anh em thương, ráng xin cho Biển vào làm việc ở Công ty Bưu chính viễn thông tỉnh Lâm Đồng, cho gần nhà, nhưng chỉ được ít tháng, Biển theo bạn bè từ Lâm Đồng xuống thành phố Hồ Chí Minh, xin vào làm việc tại các công ty bán hàng đa cấp. Chính thời gian này Biển đã được bạn bè giới thiệu vào mạng Colony... Dòng đời bỗng chốc cuốn Biển đi, xa mãi bến bờ, không quay đầu nhìn lại, cứ tưởng cánh buồm đưa ra biển lớn, ai dè... Cứ nghĩ đến đây, gia đình Biển quặn đau, vì ai cũng hiểu vì sao Biển mắc cạn, không phải chỉ là sự nông cạn, thiếu hiểu biết, mà có thể đơn giản chỉ là cái sự nông nổi muốn ra khơi xa, nóng lòng muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo, lam lũ của vùng đất Lâm Hà âm u.

Đồng Tháp Mười mùa nước nổi là dịp để bạn ngắm sếu đầu đỏ. Ảnh: vea.gov

Tội danh mà tòa án áp vào cho Biển thật sự như một tai họa trên trời rơi xuống, bởi lẽ khi tham gia mua bán điểm trên mạng Colony, Biển và những người liên quan tin tưởng phương thức huy động tài chính trên mạng là có thật, thuận mua vừa bán. Biển đóng vai trò người trung gian, nhận tiền bao nhiêu, chuyển cho người phân phối điểm bấy nhiêu, không ai thưa kiện Biển lừa đảo, bản thân chỉ hưởng phần hoa hồng nhỏ. Đặc biệt, vụ án lừa đảo mà không có người bị hại cụ thể được xác định, bị cáo trong vụ án này là bị hại trong vụ án kia, mớ bòng bong tố tụng quay đầu làm cho vụ án kéo dài đến nay đã hơn 6 năm. Tôi không biết nói gì với Biển sau mức án nặng nề ở phiên tòa sơ thẩm, khi nỗi đau và ẩn ức cứ giằng xé trong lòng. Chỉ thấy thương Biển quá chừng, thương cho quá khứ trong lành và một con tim tràn đầy sinh lực tuổi trẻ, đang phải gánh chịu những ngày tù đày.

Trong bức tranh treo ở trong phòng khách sạn, mô tả đôi bạn tình chim sếu chụm đầu vào nhau, phía xa xa có những con sếu bay lượn chấp chới, xòe cánh múa nhịp nhàng, cất lên những tiếng kêu lảnh lót cùng khung cảnh huyền hoặc trong ánh hoàng hôn của buổi chiều tà, đôi cánh chứa đầy năng lượng tự nhiên và hình thể mang đầy tính thẩm mỹ. Có ai biết rằng, khi những con sếu đỏ đã bắt đầu quay về Vườn quốc gia Tràm Chim sau một mùa di cư hoang mang mỏi mệt, hệt như vòng xoay sinh tử của đời người, quay quắt mưu sinh...

LS Phan Trung Hoài