Về một vụ án hai lần Viện Kiểm sát ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

29/11/2023 09:37 | 5 tháng trước

(LSVN) - Nếu không tình cờ gặp lại người bạn cũ làm trong ngành truyền thông thì có lẽ tôi sẽ không biết đến Công ty TNHH Kim Anh, một công ty chuyên xuất khẩu thuỷ hải sản lớn khá nổi tiếng ở Sóc Trăng và không thể biết vụ án của Công ty họ với Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Sóc Trăng kéo dài nhiều năm, qua nhiều lần xét xử xoay quanh bản hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa những người thứ ba là những người dùng tài sản thế chấp bảo đảm cho Công ty TNHH Kim Anh với một vị Phó Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Sóc Trăng mà không hề có uỷ quyền của những người có thẩm quyền ký kết hợp đồng ở Vietcombank.

Thời gian gần đây, một số tờ báo đã đăng tải về vụ án Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Sóc Trăng (Vietcombank Sóc Trăng) tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Kim Anh có trụ sở tại TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. 

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 03/10/2011, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Linh thực hiện Hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST đưa 4 tài sản cá nhân (gồm giấy tờ nhà và đất tại TP. Sóc Trăng) cho Vietcombank Sóc Trăng để tăng thêm hạn mức tín dụng từ 150 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng giữa 3 bên (ngân hàng, Công ty Kim Anh và người có tài sản). Tuy nhiên, Vietcombank Sóc Trăng không chấp nhận mà còn giảm hạn mức vay từ 150 tỉ đồng xuống 100 tỉ đồng. Vụ việc sau đó được các bên đưa ra Tòa án để giải quyết.

Ngày 23/12/2020, TAND TP. Sóc Trăng xét xử sơ thẩm, ra Bản án số 13/2020/KDTM-ST tuyên bố Hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST là vô hiệu. TAND TP. Sóc Trăng buộc ngân hàng xóa thế chấp đối với 4 tài sản của bên thứ 3 (vợ chồng bà Linh).

Tháng 01/2021, Vietcombank Sóc Trăng kháng cáo, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Sóc Trăng kháng nghị bản án sơ thẩm. Ngày 28/02/2022, TAND tỉnh Sóc Trăng ra Bản án phúc thẩm số 02/2022/KDTM-PT tuyên ngược lại đối với 4 tài sản của bên thứ 3.

Đến ngày 29/3/2022, Công ty Kim Anh và bà Mỹ Linh có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Viện KSND Cấp cao tại TP. HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 30/11/2022, toàn thể Ủy ban Thẩm phán do ông Bùi Đức Xuân, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM làm chủ tọa đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM, ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDMT-GĐT tuyên hủy Bản án phúc thẩm số 02/2022/KDTM-PT của TAND tỉnh Sóc Trăng và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 13/2020/KDTM-ST của TAND TP. Sóc Trăng.

Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm số 33, Chi cục THADS TP. Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 451/QĐ-CTHADS để thi hành quyết định giám đốc thẩm. Đến ngày 08/6/2023, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 01 và 02/QĐ-CTHADS (cùng ngày) theo đơn đề nghị của gia đình bà Linh để tiếp tục thi hành án theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Chấp hành viên đã yêu cầu Vietcombank Sóc Trăng xoá đăng ký thế chấp và giao trả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho gia đình bà Linh theo nội dung bản án đã tuyên, nhưng ngân hàng không thực hiện.

Đến ngày 31/7/2023, Chấp hành viên ban hành Quyết định số 08/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế thi hành án đối với Vietcombank Sóc Trăng. Ngày 22/8/2023, tại buổi cưỡng chế ngân hàng vẫn kiên quyết không thực hiện xoá thế chấp và giao trả giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án.

Tiếp đến ngày 26/10/2023, Chấp hành viên tiếp tục ban hành Quyết định số 01/QĐ-CTHADS và số 02/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế thi hành án đối với Vietcombank Sóc Trăng. Ngày 10/11/2023, tại buổi cưỡng chế ngân hàng vẫn tiếp tục kiên quyết không thực hiện xoá thế chấp và giao trả giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án với lý do phải xin ý kiến hội sở.

Ngày 13/11/2023, Viện trưởng Viện KSNDTC ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 04/QĐ-VKS-KDTM đối với Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDTM-GĐT ngày 30/11/2022 của TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDTM-GĐT ngày 30/11/2022 của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Xuyên suốt vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng trên xoay quanh việc ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn có thế chấp tài sản, Toà án các cấp luôn đề cập đến nội dung của hợp đồng về việc có tăng hạn mức hay không và việc không đăng ký giao dịch bảo đảm lỗi thuộc về ai đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Thiết nghĩ hợp đồng tín dụng thường là hợp đồng soạn sẵn do phía ngân hàng soạn thảo, người vay đồng ý thì ký vào để được vay tiền nên về mặt pháp lý phía ngân hàng luôn chặt chẽ vì mẫu hợp đồng đã được Hội đồng quản trị thông qua căn cứ trên quy định pháp luật hiện hành từ nội dung đến hình thức. Đi sâu về nội tình vụ án, Công ty TNHH Kim Anh là khách hàng thân thiết, lâu năm của Vietcombank Sóc Trăng từng nhiều lần thế chấp tài sản vay nhiều số tiền lớn nhỏ nhưng cuối cùng lại lôi nhau đến chốn pháp đình giải quyết chung quy chỉ nằm tại Hợp đồng thế chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở số 105/2011/VCB-ST ngày 03/10/2011 do Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung ký với ông Đỗ Ngọc Quí và bà Nguyễn Thị Mỹ Linh.

Về mặt nội dung ta sẽ đề cập sau, chỉ nói về mặt hình thức thì theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; tại Khoản 2 điều này cũng quy định hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Như vậy, điều kiện về chủ thể là một trong những điều kiện bắt buộc khi ký kết hợp đồng tín dụng, nếu vi phạm sẽ dẫn đến hợp đồng tín dụng bị vô hiệu.

Khi một Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng ký kết hợp đồng thế chấp với khách hàng nhưng không có văn bản uỷ quyền kèm theo, như vậy chủ thể trên đã có đủ thẩm quyền hay chưa? Và liệu Hợp đồng số 105/2011/VCB-ST ngày 03/10/2011 do Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung ký có vô hiệu ngay từ khi đặt bút ký hay không thì không thấy Toà án và Viện Kiểm sát các cấp đề cập đến mà chỉ xoay quanh việc thế chấp có để dùng tăng hạn mức hay có đăng ký giao dịch bảo đảm hay không và tài sản này thế chấp nhằm mục đích gì mà không xét đến việc vô hiệu của hợp đồng, vì khi hợp đồng đã vô hiệu từ khi giao kết thì tất cả những hệ lụy kéo theo đều vô hiệu.

Nên chăng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu ngay từ đầu, không cần xét đến những vấn đề khác sẽ đơn giản hơn nhiều, không mất thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng, thời gian, tiền bạc của những người tham gia tố tụng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng chi phí của Nhà nước.

(Còn tiếp)

Hai hợp đồng của Vietcombank Sóc Trăng: Hợp đồng 0109/16/HĐTL/STDN1 của Giám đốc Ngô Ngọc Tuấn ký theo Giấy uỷ quyền 12/UQ-VCB-PC; Hợp đồng 105/2011/VCB-ST do Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung ký không có uỷ quyền.

VIỆT HÙNG