Về một bản án dân sự cần Giám đốc thẩm

21/06/2022 10:59 | 1 năm trước

(LSVN) - “Dân sự xử thế nào cũng được” câu nói thẳng thắn của cố Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại Nghị trường Quốc hội vẫn còn nguyên giá trị. Thực tế đã minh chứng điều đó cho dù Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Tố tụng dân sự đang có hiệu lực và phát huy tác dụng nhưng chưa thật sự đi vào thực tế cuộc sống. Vụ kiện “tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã minh chứng cho điều này.

Đơn đề nghị Giám đốc thẩm bản án. 

Nội dung vụ án

Theo ông Lê Minh Để (nguyên đơn) trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là của cha mẹ ông chết để lại vào năm 1978 cho ông quản lý làm đất mồ mả, khi để lại di chúc. Tờ di chúc do ông là người viết, có anh em trong gia đình chứng kiến và cùng ký tên vào đi chúc. Cụ thể gồm: bà Lê Thị Nên, bà Lê Thị Vân, bà Lê Thị Hiếu, ông Lê Minh Để, ông Lê Minh Dần và bà Lê Thu Hồng. Ngoài ra, còn có ông Trịnh Phú Hên là Trưởng khóm và ông Bùi Văn Quang cùng có mặt và chứng kiến (ông Quảng và ông Hên đã chết). Năm 1983, cha ông là cụ Lê Văn An chết, cho đến năm 2003, mẹ ông là cụ Trần Thị Ba chết. Cả hai đều được chôn cất trên phần đất này. Từ năm 1978 đến năm 2003, ông là người trực tiếp quản lý và sử dụng đất. Sau khi mẹ ông chết khoảng 3, 4 năm thì ông Dần hỏi ông mượn phần đất trống phía trước để làm nơi mua bán cà phê, ông có hỏi ý bà Nên, bà Hiểu và bà Hồng thì được chị em đồng ý nên ông cho ông Dân mượn phần đất phía trước làm nơi bán cà phê. Mấy năm sau, ông Dần tiếp tục hỏi mượn thêm để che mái bên trong làm cà phê quán võng. Năm 2015, ông Dần xây dựng thêm tường và che mái giáp tới mí nhà mồ thì ông và các chị em ngăn cản và có trình báo ra Ủy ban nhân dân thị trấn Hộ Phòng thì ông Dân mới mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra lúc này ông mới biết ông Dần đã đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần đất này.

Nay ông và các chị em đồng ý cho ông Dần phần đất ngang 5m dài từ lộ đến mí nhà mồ và yêu cầu ông Dần giao trả phần đất còn lại để ông quản lý làm đất mồ mả theo di chúc của cha mẹ, đồng thời yêu cầu hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến phần đất tranh chấp.

Còn theo ông Lê Minh Dần (bị đơn) trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp do cha mẹ ông cho ông khoảng năm 1986 - 1987, khi cho không có làm giấy tờ, cho bề ngang khoảng hơn 40m, dài khoảng 300m (phần đất ông Để đang ở), nhưng ông không lấy mà ông lấy phần đất dưới mé sông và phần đất hiện đang tranh chấp. Phần đất này ông sử dụng làm nơi buôn bán trại tôm giống từ năm 1990 - 1991, bán quán cà phê từ năm 1988 - 1989 đến nay không có tranh chấp. Khi Nhà nước thi công làm Quốc lộ 1A, ông có nhận tiền đền bù vào năm 2004. Năm 2007, ông kê khai đăng ký được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về nhà mồ do ông Để xây cất cho cha mẹ nên ông không có ý kiến. Ông không có hỏi mượn đất của ông Để. Về tờ di chúc do mẹ ông không biết chữ nên không thế ký tên trong tờ di chúc. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Để.

Từ nội dung trên, Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2020/DSST ngày 09/12/2020 của TAND thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định tuyên xử:

“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Minh Để, buộc ông Lê Minh Dần có nghĩa vụ giao lại phần đất diện tích 124,42m2 thuộc thửa số 16 tờ bản đồ 60 đất tại khóm 2, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đất có vị trí như sau: Hướng Đông giáp đất ông Lê Minh Dần cạnh dài 3,48m + 11,7m + 5m + 4,9m; Hướng Tây giáp đất bà Trần Thị Ánh cạnh dài 3,50m + 16,50m; Hướng Nam giáp đất ông Lê Minh Dần cạnh dài 10m; Hướng Bắc giáp Quốc lộ 1A dài 5m.

Cho các đồng thừa kế ông Lê Minh Để, bà Lê Thị Hiếu, bà Lê Thu Hồng và bà Lê Thị Nên. Ông Lê Minh Để là người đứng tên quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Kiến nghị UBND thị xã Giá Rai thu hồi một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Minh Dần liên quan đến đất tranh chấp cụ thể như sau: Phần đất diện tích 124,42m2 thuộc thửa số 16 tờ bản đồ 60 đất tại khóm 2, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đất có vị trí như sau: Hướng Đông giáp đất ông Lê Minh Dần cạnh dài 3,48m + 11,7m + 5m+ 4,9m; Hướng Tây giáp đất bà Trần Thị Ánh cạnh dài 3,50m+ 16,50m;  Hướng Nam giáp đất ông Lê Minh Dần cạnh dài 10m; Hướng Bắc giáp Quốc lộ 1A dài 5m.

Để điều chỉnh cấp lại cho ông Lê Minh Đề, bà Lê Thị Hiếu, bà Lê Thu Hồng và bà Lê Thị Nên. Ông Lê Minh Để là người đứng tên quản lý. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Minh Để, bà Lê Thị Hiếu, bà Lê Thu Hồng, bà Lê Thị Nên giao cho ông Lê Minh Dần quản lý sử dụng riêng phần ngang 5m tới mí nhà mồ diện tích 75,5 m2 thuộc thửa số 16 tờ bản đồ 60 đất tại khóm 2, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Phần đất này ông Dần đang quản lý, ông Dần được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy định về luật đất đai.

Về công trình trên đất: Buộc ông Lê Minh Dần có nghĩa vụ tháo dỡ, di dời phần mái che thuộc phạm vi đất tranh chấp để giao lại cho ông Lê Minh Để theo quy định.”

Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, bị đơn ông Lê Minh Dần kháng cáo. Bản án phúc thẩm số 49/2021/DSPT ngày 10/6/2021 của TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Minh Dần, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Rắc rối về pháp lý

Phán quyết của TAND Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và TAND tỉnh Bạc Liêu đã dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lý khi thi hành Bản án. Phần đất mà Bản án tuyên bị đơn Lê Minh Dần trả cho nguyên đơn Lê Minh Để đã được UBND huyện Giá Rai cấp cho “Hộ gia đình” ông Dần, không cấp cho cá nhân ông Dần. Cả hai cấp Tòa  đều không đưa những người trong Hộ gia đình, bao gồm vợ con ông Dần tham gia tố tụng, đương nhiên không thể buộc họ giao đất.

Phán quyết của TAND hai cấp không hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Hộ gia đình ông Dần mà chỉ kiến nghị UBND có thẩm quyền điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nó lại gián tiếp dẫn đến một vụ kiện hành chính mới đối với những người trong “Hộ gia đình” khi Ủy ban nhân dân điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phán quyết của Tòa. Việc buộc ông Lê Minh Dần tự tháo dỡ, di dời tài sản trên phần đất tranh chấp cũng bất khả thi vì đó là tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Phát hiện những sai sót trong quá trình xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị TAND tỉnh Bạc Liêu hủy Bản án sơ thẩm. Đáng tiếc, TAND tỉnh Bạc Liêu đã không chấp nhận đề nghị xác đáng của VKSND tỉnh Bạc Liêu dẫn đến rắc rối khi thi hành Bản án vì những người trong Hộ gia đình cùng chung quyền sử dụng đất từ chối thi hành Bản án phúc thẩm.

Do đó, rất cần sự quan tâm của TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét để kháng nghị Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu theo thủ tục giám đốc thẩm, giải quyết triệt để những rắc rối pháp lý liên quan đến vụ việc, mang lại niềm tin công lý.

NGUYỄN THÀNH

Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế GTGT xuống 8%