Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán

17/01/2023 22:35 | 1 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, tổ chức không phải ngân hàng ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến tỷ lệ mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu trong các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã dẫn đến nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc vừa phải đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn trong hệ thống thanh toán khi quản lý giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, song vẫn bảo đảm cơ chế rõ ràng, minh bạch để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tận dụng được tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng pháp luật và những bất cập về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.

Thực trạng pháp luật và những bất cập về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán

Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 định nghĩa về dịch vụ trung gian thanh toán như sau: “Dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động làm trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán”. 

Kể từ thời điểm tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) đầu tiên được cấp phép vào năm 2008, tính đến thời điểm tháng 11/2021 Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép cung ứng dịch vụ TGTT cho 46 tổ chức không phải ngân hàng tại Việt Nam(1). Có thể nói, dịch vụ này là lĩnh vực kinh doanh còn khá mới mẻ tại Việt Nam và còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Với số lượng người dùng điện thoại thông minh (smart phone) lớn, đứng trong top 10 toàn cầu với hơn 61,3 triệu smart phone, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng để phát triển các dịch vụ TGTT(2). Vì vậy, TGTT đã và đang là ngành nghề nhận được sự quan tâm cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn từ nước ngoài. 

Trung gian thanh toán là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, cung ứng dịch vụ TGTT và cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện(3). Các chủ thể phải đáp ứng các điều kiện nhất định trước khi được phép tiến hành cung ứng dịch vụ TGTT. Cụ thể, các tổ chức không phải ngân hàng muốn cung cấp dịch vụ TGTT phải có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT do Ngân hàng Nhà nước cấp; có phương án kinh doanh dịch vụ TGTT được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức; có vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ động; người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức xin phép phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách đội ngũ cán bộ thực hiện dịch vụ TGTT có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm; có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT; hệ thống kỹ thuật dự phòng xây dựng độc lập với hệ thống chính bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố và tuân thủ các quy định khác về bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng(4). Điều kiện trên không đặt ra đối với chủ thế là các ngân hàng thương mại, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép cung ứng ví điện tử cho khách hàng.

Nhiều đơn vị trung gian thanh toán có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khá cao

Từ đặc thù của ngành nghề kinh doanh dẫn đến ban đầu, số lượng các đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT có nguồn vốn ở Việt Nam chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các đơn vị này, đến nay đã có hơn 20 đơn vị thực hiện chuyển đổi vốn chủ sở hữu sau khi Ngân hàng Nhà nước được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ TGTT, có thể kể đến một số tổ chức TGTT sở hữu ví điện tử Momo, Payoo, Moca…(5)  có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khá cao. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm tháng 11/2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại M_Service (Công ty sở hữu ví điện tử Momo) đã tăng lên 63,8% từ mức 47,27%. Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào M_Service đều là các quỹ đầu tư. Tại thời điểm tháng 11/2018, vốn điều lệ của M_Service là 112,2 tỉ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại Fintech này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%, hiện tại Momo vẫn tiếp tục các vòng gọi vốn để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài(6). 

Theo thông tin mới nhất trên trang chủ của website Momo.vn, Momo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management(7).

Điều 25 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài như sau: 

Một là, nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức: mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp nêu trên.

Hai là, nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức: mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp nêu trên.

Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế là một trong những điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư năm 2020. Như vậy, một trong những điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.

Hiện nay, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực TGTT thông qua việc thành lập pháp nhân sở hữu 100% vốn mà đầu tư gián tiếp thông qua việc mua vốn góp hoặc cổ phần trong tổ chức không phải ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ TGTT nhằm từng bước thâm nhập thị trường TGTT tại Việt Nam. Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt ban hành ngày 22/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 26/3/2013 hiện nay là văn bản điều chỉnh trực tiếp hoạt động TGTT, song Nghị định này lại không quy định cụ thể tỷ lệ mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu trong tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT là bao nhiêu, cũng như chưa có quy định về điều kiện tham gia đầu tư vào lĩnh vực TGTT. Điều này đã dẫn đến trong thực tiễn, do chưa có quy định về điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực TGTT cũng như tỷ lệ được phép sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nên cơ quan đăng ký kinh doanh đã chấp thuận đề nghị của một số tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT về việc chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỷ lệ khác nhau chủ yếu dựa trên đề xuất của các đơn vị này. Do đó, chính việc này đã và đang tạo ra sự không đồng đều về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT. 

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực trung gian thanh toán là một tín hiệu tốt, đồng thời tiềm ẩn những rủi ro lớn cho hệ thống

Với một dịch vụ đặc thù như TGTT, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công nghệ thông tin, viễn thông, việc thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này là rất cần thiết để tăng cường và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ nước ngoài. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn là cầu nối trung gian mở ra các cơ hội hợp tác với các cá nhân và tổ chức nước ngoài có chuyên môn, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh để giúp các tổ chức kinh doanh TGTT trong nước đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuẩn hóa các quy trình về mặt nghiệp vụ, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, việc tham gia của các tổ chức nước ngoài sẽ giúp Việt Nam tận dụng được những thành tựu của khoa học và công nghệ trên thế giới, rút ngắn khoảng cách chênh lệnh về công nghệ của Việt Nam so với thế giới, đồng thời mang đến những dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng các dịch vụ TGTT tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực trên, cũng sẽ phát sinh những vấn đề tiêu cực từ việc những tổ chức nước ngoài này có ưu thế về nguồn vốn, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ chiếm lĩnh thị trường TGTT ở Việt Nam. Việc chiếm lĩnh thị trường, hoạt động với mạng lưới mở rộng nhanh chóng có thể dẫn đến các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ TGTT chỉ có vốn trong nước không đủ khả năng cạnh tranh và tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ TGTT. Mặt khác, dịch vụ TGTT là hoạt động kinh doanh có điều kiện, hoạt động có liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng(8),tài chính - một nghiệp vụ mang tính rủi ro cao, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ; ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống thanh toán cũng như chính sách tiền tệ của quốc gia. 

Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu trên cơ sở tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực TGTT. Việt Nam nên chấp nhận chủ trương tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ TGTT song cần có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT. Việc quy định về góp vốn, đầu tư nước ngoài là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành các chính sách phù hợp, trong đó có quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ TGTT, hướng dẫn cụ thể các điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào thị trường kinh doanh TGTT hoặc nêu rõ quan điểm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. 

Mức giới hạn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo nghị định mới nhằm thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 và Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019), trong đó có nội dung quy định về tỷ lệ sở hữu được phép của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT. Dự thảo nghị định mới quy định tỷ lệ vốn tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu là 49%(9). Việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài này cũng nhận được nhiều luồng quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra tỷ lệ 49% là chưa hợp lý và vi phạm cam kết WTO về mở cửa thị trường, đồng thời sẽ hạn chế việc thu hút đầu tư nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhất là đối với những nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu tỷ lệ vốn trên 49% tại các tổ chức TGTT tại Việt Nam sẽ phải thoái vốn theo đúng tỷ lệ tối đa nếu nghị định mới được ban hành. Có những nhà đầu tư mới đầu tư vào các tổ chức TGTT nên nếu thoái vốn ngay sẽ khó bảo đảm khả năng thu hồi vốn, gây sụt giảm niềm tin và động lực của nhà đầu tư. Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã giải thích rằng, việc quy định tỷ lệ rằng nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài những vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Mặt khác, đây là loại hình hoạt động mới, dự báo thị trường tiềm năng, vì vậy việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết. Do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. 

Thứ hai, với WTO, Việt Nam đã có cam kết chung về hiện diện thương mại đối với các ngành và phân ngành trong biểu cam kết, trong đó “Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp này, tổng mức vốn cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong một doanh nghiệp không vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó. Một năm sau khi gia nhập, hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được bãi bỏ, ngoại trừ đối với việc góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần với những ngành không cam kết trong Biểu cam kết…”(10). Tuy nhiên, dịch vụ TGTT chưa cam kết trong Biểu cam kết với WTO và CPTPP, do vậy không có căn cứ khẳng định việc quy định tỷ lệ 49% của Việt Nam là vi phạm cam kết. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực liên quan đến việc quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực TGTT. Kinh nghiệm của Indonesia liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức chủ trì vận hành hệ thống, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng; văn bản pháp lý của Ngân hàng Trung ương Indonesia có quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân trong nước tối thiểu chiếm 80% vốn sở hữu. Do đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 20% vốn chủ sở hữu. 

Bên cạnh đó, với những băn khoăn của nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu vốn nước ngoài lớn hơn tỷ lệ 49%, dự thảo nghị định mới có quy định về điều khoản chuyển tiếp nhằm giải quyết vấn đề này. Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được cấp phép trước ngày nghị định mới có hiệu lực thi hành có tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn tỷ lệ quy định là 49% thì được tiếp tục duy trì cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn giấy phép.

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán

Thứ nhất, sớm ban hành quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán

Dịch vụ TGTT ở Việt Nam mới chỉ được đánh giá ở mức độ trung bình do trình độ phát triển công nghệ thông tin vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ TGTT vẫn còn chưa thực sự bảo đảm an toàn giao dịch cho người dùng. Mặt khác, dịch vụ TGTT ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ 2008, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hiện nay đa phần là những doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ nên kinh nghiệm vận hành cũng như công nghệ còn kém xa với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực TGTT sẽ giúp các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ TGTT ở Việt Nam kéo gần khoảng cách chênh lệch, cũng như tận dụng được công nghệ, kinh nghiệm vào việc vận hành hệ thống TGTT; qua đó bảo đảm an toàn trong các giao dịch của người dùng. Một số giải pháp đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức TGTT như sau:

Tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiện mặt tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới. Do vậy, việc hướng dẫn cụ thể điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư về Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ TGTT là thực sự cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện. 

Theo quan điểm cá nhân của tác giả, việc quy định tỷ lệ sở hữu tối đa 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện tại là hợp lý. Có thể trong tương lai Việt Nam sẽ xem xét chấp thuận tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT ở một tỷ lệ cao hơn, thậm chí là 100% như nhiều ngành nghề khác song việc này cần có lộ trình cụ thể, chúng ta có thể đưa ra nhiều chính sách thu hút nguồn vốn nước ngoài để hội nhập, song hòa nhập không có nghĩa là hòa tan mà phải tính toán dựa trên tình hình thực tế. Như vậy, việc sớm ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và việc ban hành các quy định cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ TGTT trong bối cảnh hiện tại là vô cùng cần thiết. 

Thứ hai, cần ban hành các quy định cụ thể điều kiện đầu tư cũng như về hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT

Việc này sẽ giúp tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tận dụng, nắm bắt cơ hội trong hoạt động kinh doanh của mình, vừa bảo đảm thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, tận dụng được các công nghệ hiện đại nhưng vẫn bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch trong hoạt động thanh toán, bảo đảm nguyên tắc giữ gìn chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống tiền tệ quốc gia, góp phần phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền. Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã ban hành được 10 năm, đã có nhiều quy định không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, trong đó có việc pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TGTT cũng như hướng dẫn cụ thể những điều kiện tham gia lĩnh vực TGTT đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Như vậy, hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về tỷ lệ sở hữu và các điều kiện đầu tư khác của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT tại Việt Nam là cần thiết. Hy vọng rằng, sau khi nghị định mới được ban hành và có hiệu lực, sẽ góp phần khắc phục được những thiếu sót, hạn chế hiện tại, tạo hành lang pháp lý vững chắc cũng như có các quy định cụ thể và rõ ràng hơn để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào thị trường TGTT đầy tiềm năng tại Việt Nam.

(1) https://www.sbv.gov.vn/

(2) https://vov.vn/

(3) Quy định tại Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2020.

(4) Điều 15 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP  của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

(5) Danh sách các đơn vị TGTT được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép tính đến ngày 16/11/2021.

(6) https://vneconomy.vn/

(7) https://momo.vn/

(8) Cung ứng dịch vụ thanh toán là một nghiệp vụ ngân hàng (khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010).

(9) Xem thêm chi tiết về dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt tại https://www.sbv.gov.vn/

(10) Phần II Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với thành viên WTO.

Thạc sĩ NGUYỄN MAI ANH

Trường Đại học Luật Hà Nội

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN TRUNG

Công ty Luật TNHH Trí Minh

Công an TP. Hà Nội cảnh báo tội phạm trộm đột nhập nhà dân dịp cuối năm