Viết báo gắn liền với cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác Hồ

20/06/2021 03:43 | 2 năm trước

(LSVN) - Nét tiêu biểu các tác phẩm báo chí của Bác Hồ tùy theo từng đối tượng mà có văn phong, cách viết khác nhau. Đối với kẻ thù thì thái độ dứt khoát. Đối với nhân dân thì lời văn ngắn gọn, mộc mạc dễ hiểu, nhiều lúc như tâm tình, nhưng có sức thuyết phục rất lớn. Phê bình thì nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý, sâu sắc, người bị phê bình thấy thoải mái, quyết tâm khắc phục, sửa chữa.

Bác Hồ cho rằng làm báo là hoạt động chính trị - xã hội có mục đích rõ ràng, đó là phục vụ sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Do đó, viết báo là công việc gắn liền với cuộc đời hoạt động Cách mạng của Người. Bác đã viết nhiều bài báo với bút danh khác nhau. Bác dùng báo chí để tấn công kẻ thù ngay giữa sào huyệt của chúng. Năm 1922, giữa Pari – Thủ đô nước Pháp, Hội liên hiệp thuộc địa do Bác và một số người hoạt động Cách mạng sáng lập tờ Báo "Người cùng khổ" (Le Pria). Ngày 01/4/1922, Báo "Người cùng khổ" ra số đầu tiên, in ba thứ tiếng: Pháp – Trung - Ả rập. Bác là linh hồn của tờ Báo, Người làm biên tập, in ấn và phát hành. Báo "Người cùng khổ" hoạt động được 04 năm, ra 38 số. 

Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Giữa năm 1923, Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản Đảng đề nghị với Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc sang nước Nga Xô Viết làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Ngày 30/6/1923 Nguyễn Ái Quốc làm việc tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đảm nhiệm thảo thư từ, văn kiện cho Chủ tịch đoàn Quốc tế Cộng sản về những vấn đề giải phóng dân tộc ở Đông Dương. Ở đây, Người là một cộng tác viên tích cực nhất của Tạp chí Thư tín Quốc tế (Cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản) và viết nhiều bài cho cho các báo Xô Viết như: Pravđa ( Sự thật), Tiếng còi. Các bài báo của Bác có tiếng vang lớn. Nhất là bài Bác viết khi V.I Lê nin mất đăng trên báo Pravda.

Cuối năm 1924, Bác Hồ bí mật về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động. Tại đây, Bác tập hợp những người Việt Nam yêu nước hướng dẫn họ hoạt động, mở Trường huấn luyện chính trị tại 131 đường Văn Minh. Mặc dù công việc bề bộn, Người vẫn tích cực viết báo. Bác viết nhiều bài báo bằng tiếng Trung cho nhiều tờ báo nước này.

Với bút danh Lý Thụy, Vương, Người sáng lập ra tờ Báo Thanh Niên. Cơ quan của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tờ báo Cách mạng đầu tiên ra mắt bạn đọc trong nước ngày 21/6/1925. Ngày đó trở thành mốc lịch sử chói lọi: Ngày báo chí Việt Nam. Báo Thanh Niên được bí mật đưa về Việt Nam, sang Xiêm và Pháp, những nơi có nhiều Việt kiều ta sinh sống. Những tên cầm đầu chính quyền thuộc địa ở nước ta lúc đó phải thừa nhận, những lời kêu gọi nồng nhiệt đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trên Báo Thanh Niên nó có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các tầng lớp người Việt Nam. Số báo 61 có một dòng tít lớn chạy suốt cả trang: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể đem lại cho Nhân dân Việt Nam tự do hạnh phúc”. Số báo này làm cho bọn mật thám thuộc địa vô cùng hoảng sợ.

Hướng cho Nhân dân bước vào con đường đấu tranh với kẻ thù, năm 1927 Bác cho xuất bản tờ Lửa Cách Mệnh. Tránh sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, báo in khổ nhỏ thành từng tập để dễ phổ biến. Tờ báo đã cho người hoạt động Cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý, chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa vũ trang.

Sau hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu, tháng 02/1941 Bác về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Bác đã tổ chức những Ban huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ, mở lớp dạy chiến thuật du kích, phát triển tổ chức Việt Minh và cơ sở Đảng, đặt kế hoạch chống Pháp, chống Nhật. Ngày 01/8/1941 Bác thành lập tờ Báo "Việt Nam độc lập". Báo "Việt Nam độc lập" góp phần đẩy mạnh công tác cổ động, tuyên truyền, tổ chức nhân dân vào đoàn thể cứu quốc trong mặt trận Việt Minh.  

Từ khi Báo "Nhân dân" – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Bác đã viết hơn 1200 bài với nhiều bút danh. Bài báo Bác viết đăng trên Báo "Nhân dân" đầu tiên là bài: “Phẩm chất, đạo đức người đảng viên”. Bài cuối cùng Bác viết trên Báo "Nhân dân", vào ngày 10/5/1969: “Toàn dân chăm sóc thiếu nhi”. Trong 18 năm Bác viết cho Báo "Nhân dân" đề tài bao quát là con người. Bài nào của Bác cũng xoay quanh con người mà chủ yếu cán bộ, đảng viên. Các bài báo của Bác có tính giáo dục, thuyết phục rất cao, đóng góp không nhỏ vào nâng cao, phẩm chất, đạo đức, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Bác Hồ với các nhà báo. Ảnh tư liệu.

Nét tiêu biểu của các tác phẩm báo chí Bác Hồ, tùy theo từng đối tượng mà có văn phong, cách viết khác nhau. Đối với kẻ thù thì thái độ dứt khoát. Đối với Nhân dân thì lời văn ngắn gọn, mộc mạc dễ hiểu, nhiều lúc như tâm tình, nhưng có sức thuyết phục rất lớn. Phê bình thì nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý, sâu sắc, người bị phê bình thấy thoải mái, quyết tâm khắc phục, sửa chữa.

Đặc biệt, Bác có nhiều bài báo đề cập đến lý luận, thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau như bài: “Dân vận” chỉ có 600 chữ nhưng có tính lý luận rất cao, khái quát được nhiều vấn đề thực tiễn: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Theo quan điểm của Bác vấn đề cốt lõi của dân vận là dân chủ”.

Các bài viết của Bác đều có định hướng cụ thể. Trong mỗi thời kỳ Cách mạng Bác đều hướng cho quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, phải làm gì, hành động như thế nào, đấu tranh với ai, phương pháp đấu tranh như thế nào.

Viết báo như một công cụ, phương tiện, hoạt động Cách mạng của Bác. Trong 50 năm làm báo và viết báo Bác đã viết 1.541 bài báo. Chưa kể đến nhiều bài báo Người không ghi bút danh.

Học tập phong cách làm báo của Bác, mỗi nhà báo không ngừng học tập, trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện bản thân, để có những tác phẩm báo chí phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm lành mạnh xã hội.

HẢI HƯNG

Làm báo là dạy người làm người