Việt Nam với tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền

02/03/2018 19:37 | 6 năm trước

LSVNO - Ngày 10/12/2017 đánh dấu tròn 69 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (TNNQ), Liên hợp quốc lấy ngày 10/12 hàng năm là “Ngày nhân quyền quốc t...

LSVNO - Ngày 10/12/2017 đánh dấu tròn 69 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (TNNQ), Liên hợp quốc lấy ngày 10/12 hàng năm là “Ngày nhân quyền quốc tế”. TNNQ là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng ngàn triệu trái tim nhân loại, hòa cùng nhịp sống con người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, niềm khao khát mãnh liệt độc lập, tự do và ý chí quyết tâm xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Sự trường tồn, giá trị lịch sử, văn hóa, nhân bản và pháp lý của TNNQ đã gây xúc động mạnh mẽ đối với lớp lớp thế hệ con người, thức tỉnh lương tri và cộng đồng trách nhiệm của các quốc gia trong thế giới đương đại.

Trong lịch sử, TNNQ ngày 10/12/1948 đã có gốc rễ từ thời xa xưa, nhưng đến thời kỳ phục hưng tư sản thì tự do, nhân phẩm của con người mới được nhấn mạnh và được đặc biệt đề cao. Thế kỷ XVII với hiện tượng nghiên cứu rộng rãi các giá trị lịch sử của luật La Mã tại các trường đại học ở châu Âu, với những thảo luận sôi nổi của giới trí thức về hệ thống cai trị hợp pháp, về công lý và sự tôn trọng nhân phẩm đã cổ vũ sự tranh luận liên tục về thân phận con người, về các quyền, tự do và hạnh phúc của con người. Ánh sáng tư tưởng về quyền và tự do của con người đã được rọi chiếu trong các tác phẩm vĩ đại của nhiều  tác giả như Johannes Althusius, John Locke, Jean-Jacques Rousseau, Thomas Paine và Thomas Jefferson… đóng góp quan trọng hình thành các lý thuyết về mối quan hệ giữa tự do và hạnh phúc của con người với xã hội loài người, với nhà nước.  Các lý tưởng nhân quyền ấy cũng đã tỏa ánh hào quang rực rỡ trong những văn kiện như Luật về các quyền của Anh quốc (1689), Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1789)...

Sau một thời kỳ phát triển choán ngợp quyền lực ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, sự tàn phá khủng khiếp của bạo lực và chiến tranh, đặc biệt là Thế chiến thứ II với những tội ác tàn khốc không thể tưởng tượng nổi, đã thôi thúc việc soạn thảo và thông qua TNNQ. Lương tri nhân loại toàn cầu sững sờ chấn động trước sự dã man của chính quyền phát xít Mussoloni ở Ý, cuộc tàn sát đẫm máu dưới chế độ Franco ở Tây Ban Nha, chủ nghĩa quân phiệt của phát xít Nhật Bản, nghiêm trọng nhất là sự mở rộng của Đức quốc xã với nạn diệt chủng dưới thời Hitler. Sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và phát xít đã đánh thức một sự đồng thuận về nhận thức và lương tri nhân loại rằng một trật tự pháp lý về nhân quyền cần được thiết lập trên thế giới. Các đề xuất quan trọng nhất về mong muốn loại trừ ác mộng chiến tranh và hình thành trật tự pháp lý bảo đảm quyền con người xuất hiện ngay từ tháng 01/1941 đề cập tới bốn quyền tự do như mục tiêu mà trật tự thế giới cần đạt tới, đó là các quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do tín ngưỡng, quyền không bị túng thiếu và quyền không phải sợ hãi. Những quyền này là một trong số các cơ sở tư tưởng cho sự hình thành Liên hợp quốc và là nhân tố có tầm ảnh hưởng lớn tới hình thành các tiêu chuẩn toàn cầu cho sự đối xử giữa con người với con người.

Mùa xuân năm 1945, Hiến chương Liên hợp quốc được thông qua tại San Francisco đã đề cập một cách rõ ràng và sâu sắc đến các giá trị của quyền và tự do cơ bản của con người. Căn cứ vào Hiến chương, nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy việc phải có riêng một bộ luật về các quyền. Hội nghị San Francisco đã đi đến thống nhất thành lập Ủy ban Nhân quyền với nhiệm vụ soạn thảo và trình lên Đại hội đồng một bộ luật quốc tế về quyền con người, vì thế TNNQ đã ra đời. TNNQ do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 có vị trí đặc biệt trong Bộ luật nhân quyền quốc tế  và trong hệ thống pháp luật quốc tế về nhân quyền. Tuyên ngôn là nền tảng cho hai công ước cơ bản về nhân quyền cùng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 để hình thành Bộ luật nhân quyền quốc tế (International Bill on Human Rights), tạo căn cứ vững chắc cho các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó. Từ đó đến nay, nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc, các tổ chức liên chính phủ khu vực, quốc tế và nhiều văn kiện quốc gia đã thường xuyên dẫn chiếu đến TNNQ.

TNNQ là một văn kiện lịch sử, là nguồn cảm hứng bất tận cho các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới cho đến ngày nay và vang vọng đến ngàn sau. 69 năm qua, tầm vóc của TNNQ đối với toàn xã hội, trong từng quốc gia và trong bang giao quốc tế đã mở rộng và vươn tới tất cả các lĩnh vực triết học, xã hội học, lịch sử, đạo đức, chính trị và pháp luật, trong các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Sức mạnh của sự hòa hợp, bao dung và hiểu biết, yêu chuộng hòa bình, loại trừ tội ác và chiến tranh mà bản Tuyên ngôn đã truyền tải tới mỗi con người, đối với mỗi quốc gia và toàn thể xã hội loài người có thể được xem như một dấu mốc lịch sử vàng son, một trong những bước tiến vĩ đại nhất trong quá trình phát triển văn minh, văn hóa toàn cầu.

Trên nhiều phương diện, TNNQ đã được xem là một phát kiến vĩ đại đang dần soi sáng con đường phát triển các giá trị nhân văn của cộng đồng quốc tế. 69 năm qua, chưa bao giờ trong lịch sử loài người, tiếng gọi của tự do và các quyền cơ bản của con người lại có tầm ảnh hưởng tới đời sống chính trị và dân sự mạnh mẽ, lớn lao đến thế. Những phong trào và những đổi thay xã hội đã và đang diễn ra trên thế giới 69 năm qua đã xác định rõ ràng những mục tiêu nhân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do và hạnh phúc con người. Với TNNQ, quá trình xóa bỏ ách thống trị của đế quốc, thực dân và loại trừ chủ nghĩa phát xít đã có những bước tiến dài và có nhiều thành tựu vang dội. Chủ quyền nhân dân và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã trở thành một nguyên tắc ứng xử nhà nước cơ bản, cùng với nó là một danh sách ngày càng đầy đủ các quyền con người đã được truyền cảm hứng từ TNNQ. Các cuộc bỏ phiếu dân chủ và các cuộc trưng cầu ý dân ngày càng được mở rộng, nhân dân và mỗi người có quyền xây dựng nên chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để phục vụ cho tự do và hạnh phúc của chính mình và xã hội mình đang sống. Những hiệp định ngừng bắn và các cuộc bầu cử đã được tiến hành ở nhiều quốc gia và cùng với nó là những cam kết về quyền con người đã đóng góp to lớn cho quá trình hòa giải dân tộc và tái thiết đất nước, đem lại hòa bình và thịnh vượng cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Những bước tiến lịch sử ở nhiều quốc gia đã hàm chứa rõ nét sự hiện thực hóa một số quyền ghi nhận trong TNNQ: quyền sống, quyền bình đẳng, quyền được bày tỏ ý kiến và tự do lập hội, sự tôn trọng ý chí và nguyện vọng của người dân… Mặc dù vẫn còn đó không ít bất đồng trong các ý kiến khác nhau về các vấn đề nội dung và thủ tục bảo đảm thực hiện các quyền con người hiện thực, bao gồm cả các quyền con người và trách nhiệm quốc gia đã được ghi nhận trong TNNQ, nhưng TNNQ 1948 đã thể hiện rõ sức sống mãnh liệt và sự cần thiết như không khí và ánh sáng cho sự phát triển bền vững của văn minh và công bằng xã hội. Trong nhiều thế kỷ tới, trên tất cả các lĩnh vực đạo đức, chính trị và pháp luật, TNNQ vẫn tiếp tục là một văn kiện kinh điển, đã, đang và sẽ là cầu nối hài hòa giữa các quan điểm khác nhau, vì thế nhân quyền đã trở thành “Ngôn ngữ chung của nhân loại”.

Là chuẩn mực về đạo đức, TNNQ đòi hỏi sự tôn trọng nhân phẩm của con người, quyền tự do của mỗi người, đồng thời đòi hỏi cả những nỗ lực liên tục ở mọi cấp độ để có thể hiện thực hóa việc hưởng các quyền con người của mỗi người và xã hội loài người. TNNQ không dừng lại ở việc tuyên bố về các quyền và hiệu triệu về tôn trọng nhân cách như một sự kêu gọi về đạo đức mà còn khuyến cáo sự thay đổi cách thức cai trị, không ngừng cải tiến kết cấu xã hội, đổi mới cơ chế nhân quyền quốc gia và quốc tế để các quyền và tự do của con người có thể được bảo đảm trên thực tiễn. Với ý nghĩa này, TNNQ như một “thước đo chung” cho ứng xử giữa người với người, về nhân quyền và đạo đức, về văn minh cai trị.

Trong lĩnh vực chính trị, TNNQ không chỉ tái khẳng định mà còn mở rộng các nguyên tắc về quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc. Sự mở rộng này đã được xác nhận bởi hàng loạt những văn kiện nhân quyền sau này và các cam kết quốc gia về việc xóa bỏ phân biệt đối xử trong giáo dục, tuyển dụng, sử dụng lao động, phân biệt đối xử với phụ nữ, phân biệt sắc tộc và các phân biệt đối xử khác trong xã hội để thực hiện công bằng xã hội. Hơn nữa, TNNQ còn đưa ra một hệ thống quyền cơ bản và toàn diện, đặt các quyền xã hội, kinh tế và văn hóa ngang hàng với các quyền dân sự và chính trị, các quyền con người là không thể tách rời, là phụ thuộc lẫn nhau và có mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ trong từng con người. Lời mở đầu của TNNQ xác định những căn cứ chính trị xã hội, được coi là những nguyên tắc chính trị để bảo đảm quyền con người, bao gồm:

Một là, việc thừa nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng không thể chuyển nhượng của tất cả mọi người trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình thế giới.

Hai là, việc coi thường và khinh miệt nhân quyền là nguyên nhân của những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại; việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, cần được xem là nguyện vọng cao cả nhất của con người.

Ba là, điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp quyền bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào bước đường cùng, phải nổi dậy chống lại áp bức và bạo quyền.

Bốn là, phải phát triển những quan hệ tương quan, hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện nhân quyền ở mỗi quốc gia, trong mỗi khu vực và trên toàn thế giới.

Năm là,  tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào việc thực hiện các quyền và tự do căn bản, tin vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường ngày càng tự do hơn.

Sáu là, các quốc gia thành viên đã cam kết hợp tác với Liên hiệp quốc để tôn trọng và thực thi trên toàn cầu các quyền và tự do căn bản của con người. Bảy là, sự thống nhất quan niệm chung về tự do và nhân quyền là tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết quốc tế về nhân quyền.

Về tầm quan trọng pháp lý, TNNQ đã được thông qua bởi một nghị quyết của Đại hội đồng. Mặc dù nó không phải là một công ước đòi hỏi phê chuẩn hay gia nhập như văn bản công ước hay hiệp định, nhưng TNNQ có giá trị pháp lý vượt trội so với các nghị quyết thông thường, thậm chí còn có tầm vóc vượt xa so với những tuyên ngôn khác do Đại hội đồng đưa ra. TNNQ đã mặc nhiên được thừa nhận và được sử dụng như là một bộ phận căn bản nhất của Bộ luật nhân quyền quốc tế, là căn cứ để tạo lập và duy trì những khuôn khổ pháp lý cần thiết vè nhân quyền. Nhiều quốc gia đã lấy TNNQ như một hình mẫu cho những hoạt động lập hiến và lập pháp.

Khi đưa ra phán quyết, Tòa công lý quốc tế và nhiều tòa án quốc gia trích dẫn TNNQ như một công cụ áp dụng pháp luật hoặc căn cứ vào TNNQ như tập quán quốc tế. Đối với việc thực thi nhân quyền ở các quốc gia, TNNQ luôn ở vị trí hàng đầu trong các cuộc tranh luận chính trị, ngoại giao và các hội nghị, hội thảo để công khai. Tuyên ngôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh cho việc thi hành các quyền cơ bản và chống việc vi phạm các quyền này để bảo vệ nhân quyền. Các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ như Ân xá quốc tế (Amnesty International), Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế… đều dựa vào nội dung của TNNQ trong nỗ lực thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. TNNQ với Lời mở đầu và 30 điều khoản đã, đang và sẽ là nguồn chỉ dẫn căn bản và quan trọng hàng đầu cho việc thiết lập thể chế nhân quyền và định ra những tiêu chuẩn cho các hoạt động giám sát của Liên hợp quốc về nhân quyền.

Dù sao, vai trò quan trọng nhất của TNNQ có lẽ là việc nó đã trở thành cơ sở cho nhiều cơ chế giám sát của Liên hợp quốc, hình thành một “thước đo chung” đã được chấp nhận trên thực tế. Quá trình trao đổi thông tin và các thủ tục điều tra trong lĩnh vực nhân quyền, như thủ tục 1503 được đưa ra trong một nghị quyết của Ủy ban Kinh tế xã hội, cũng dựa trên TNNQ. Các báo cáo viên đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền khi thực hiện nhiệm vụ điều tra cũng thường xuyên sử dụng TNNQ khi mà các công ước không đủ để làm rõ các hành vi vi phạm nhân quyền.

TNNQ là nghị quyết, là tuyên ngôn chứ không phải là điều ước quốc tế, nhưng cũng chính vì vậy mà TNNQ có tầm vóc và lợi thế căn bản là điều chỉnh tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, TNNQ có thể áp dụng cho toàn thế giới chứ không chỉ có hiệu lực đối với thành viên như công ước. Cũng nhờ TNNQ, không ít chính phủ đã không thể tùy tiện sử dụng những viện dẫn quốc gia cục bộ để biện minh trước cộng đồng quốc tế về những hành vi độc tài, lạm dụng quyền lực, vi phạm nhân quyền. Căn cứ nội dung TNNQ, sau này “Tuyên bố Viên và chương trình hành động” năm 1993 đã xác định rằng “việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế” (khoản 3). Xem xét cụ thể hơn thì nhiều minh chứng và kinh nghiệm lịch sử đã khiến cho nhiều chính trị gia và học giả đi đến kết luận rằng TNNQ là một văn kiện pháp lý có tính ràng buộc tương đương với quy phạm tập quán theo quy định tại Điều 38 Quy chế Tòa án Công lý quốc tế.

Dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận sự thật không thể chối cãi là TNNQ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa nhân quyền và làm căn cứ cho sự ra đời và ngày càng hoàn thiện của hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về nhân quyền. Thực tiễn sinh động trong sinh hoạt của cộng đồng quốc tế 69 năm qua cho thấy, TNNQ đã đáp ứng những hứa hẹn, những tư tưởng đã được đưa ra ở Lời mở đầu của Tuyên ngôn, đó là trở thành “một thước đo chung cho tất cả các quốc gia và các dân tộc.” Điều khoản cuối cùng của TNNQ có viết “Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này”. Lời hiệu triệu này như một mệnh lệnh được phát ra từ TNNQ, như một nguyên tắc ứng xử quốc gia và quốc tế trong thế giới hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.

Xét về thời gian, Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quảng trường Ba Đình lịch sử năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có trước TNNQ năm 1948 nhưng đã thấm đẫm những tư tưởng nhân quyền. Ngay từ đầu, Tuyên ngôn độc lập đã vang lên những tuyên bố đanh thép về những quyền và tự do của con người và của dân tộc Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Với những lời hào sản ấy, không ít nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam chính là Tuyên ngôn nhân quyền Việt Nam. TNNQ và Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam là những tiếng nói chung đồng điệu, những bản tráng ca trường tồn trong dàn hợp xướng vĩnh cửu của nhân loại vì các quyền và tự do cơ bản của con người Việt Nam và cộng đồng xã hội loài người.

Nhà nước Việt Nam công nhận TNNQ là giá trị chung của nhân loại và đã cam kết tuân thủ Bộ luật nhân quyền quốc tế bao gồm TNNQ, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và Văn hóa. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định thực thi đầy đủ các công ước đã ký. Năm 2013 Việt Nam đã chính thức được bầu với số phiếu cao nhất (với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu), trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2016. Chương II Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định mạnh mẽ các giá trị nhân quyền đã được thể hiện trong Hiến chương Liên hiệp quốc và TNNQ và thực chất Hiến pháp 2013 cũng đã trở thành Hiến pháp về nhân quyền.

Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ “nhân quyền” về hình thức nhưng những giá trị nội hàm của khái niệm đã từ lâu tồn tại với truyền thống nhân đạo, nhân văn, tình cảm yêu thương con người, tính nhân nghĩa, nhân ái. Tư tưởng nhân quyền ở Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần nhân đạo. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, cởi mở với sự đa dạng và dung hợp trong tiếp nhận giá trị mới. Đặc điểm này đã có từ rất sớm trong lịch sử thành văn của dân tộc Việt Nam và vì thế ngày nay Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các giá trị nhân quyền quốc tế đương đại. Điều này giải thích tại sao Việt Nam sớm thừa nhận giá trị phổ quát của TNNQ, sớm ra nhập các công ước quốc tế về nhân quyền và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nhân quyền của Liên hiệp quốc.

Giá trị của nhân quyền có thể nói gọn nhất, đó là tự do. Từ thực tiễn lịch sử dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định các giá trị cao quý nhất là độc lập và tự do, không có gì quý hơn độc lập và tự do, nhưng đồng thời cũng xác định rõ ràng rằng nước có độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhân quyền Việt Nam đã trở thành vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II đã ghi rõ: “Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận”. Theo Báo cáo này và theo yêu cầu thực tế, việc thực thi nhân quyền Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây nhằm tiếp tục cụ thể hóa và hiện thực hóa các nội dung đã được xác định trong TNNQ:

Hoàn thiện hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân theo quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế về nhân quyền, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, xây dựng nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ nhân dân. Xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách để tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế vào hệ thống an sinh xã hội, nghiên cứu khả năng phát triển các loại hình bảo hiểm và bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm quyền hưởng thụ nhân quyền của từng người dân và của cộng đồng. Chính phủ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục quốc dân hướng đến hai mục tiêu: Một là, tăng tỷ lệ nhập học đúng tuổi ở mọi cấp học. Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó giáo dục về quyền con người là hướng ưu tiên đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân. Xây dựng và cải thiện các chính sách và chiến lược nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, lao động và việc làm có liên quan tới bình đẳng giới. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường phối hợp với các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người; tham gia tích cực và có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các Công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người.

Mặc dù còn không ít tồn tại và thiếu sót nhưng những thành tựu về nhân quyền trong việc thực hiện TNNQ trong 69 năm qua tại Việt Nam là không thể phủ nhận. Có nhiều ý kiến của những người quan sát, các chính khách và học giả đã cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Peterson trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết, những tiến bộ đạt được của Việt Nam về nhân quyền trong 15 năm qua là rất quan trọng, nhiều cơ sở hành đạo đã được tự do hoạt động và nhiều áp lực đã được dỡ bỏ. Ông cũng bày tỏ chính kiến khi cho rằng “Không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Hoa Kỳ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia”. Thực chất TNNQ cũng chỉ có thể đưa ra các bảng giá trị và tiêu chuẩn chung về nhân quyền, trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trước hết là trách nhiệm của mỗi quốc gia với tư cách là chủ thể hàng đầu của quan hệ pháp luật quốc tế. Chính vì vậy, TNNQ đã xác định ngay trong nội dung đầu tiên của văn kiện rằng Liên hiệp quốc “Công bố bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản Tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ.” Là thành viên tích cực của Liên hiệp quốc, Việt Nam đã nhận thức rõ các yêu cầu và nội dung của TNNQ, ngày càng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

69 năm TNNQ, dòng sông cuộc đời luôn chảy xiết với biết bao nỗi thăng trầm, giá trị của TNNQ không những không bị cuốn trôi hay bị bào mòn mà còn được thử thách theo thời gian, ngày càng trở nên quan trọng vì sứ mệnh lịch sử và tính nhân văn cao cả của văn kiện quốc tế nhân quyền hàng đầu này. Thế giới hiện đại đặt nhân loại trước những cơ hội và thách thức mới, nhưng cũng chính vì vậy mà TNNQ vẫn còn nguyên giá trị soi sáng toàn cầu về các quyền và tự do cơ bản của con người. Sự nghiệp đổi mới đất nước ở Việt Nam đặt con người vào vị trí trung tâm, không có mục đích nào cao cả hơn là vì tự do và hạnh phúc của con người. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người là nguyên tắc Hiến pháp Việt Nam, đồng thời là yêu cầu cao của TNNQ. Lời hiệu triệu của TNNQ phát đi từ 69 năm trước vẫn đang dẫn dắt nhân loại và cổ vũ nhân dân Việt Nam đi tới bến bờ hạnh phúc, văn minh. Luật sư là người bảo vệ công lý, bênh vực lẽ phải, tôn trọng sự thật, vinh dự là những người đi tiên phong bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người.

PGS. TS. LS Chu Hồng Thanh