Vụ bảo vệ tổ dân phố đánh 02 thiếu niên: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi

04/04/2021 05:01 | 3 năm trước

(LSVN) - Luật sư nhận định, hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của 02 em học sinh và hành vi đánh đập tàn nhẫn 02 em học sinh đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, nếu hành vi của những người này gây tổn hại sức khỏe cho cả 02 em học sinh dù chỉ từ 1% thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi. Còn trong trường hợp nếu hành vi không gây thương tích, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài chế tài xử lý nêu trên thì người vi phạm còn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm sức khỏe người khác, bao gồm chi phí điều trị hợp lý, tổn thất tinh thần,…. cho người bị hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Hình ảnh nam thanh niên mặc đồng phục của lực lượng dân phòng lên gối, xuống chỏ vào người hai thiếu niên. Ảnh: Cắt từ clip.

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao, bức xúc với một đoạn clip được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại hình ảnh hai thiếu niên bị bảo vệ tổ dân phố đánh, đạp vào mặt, đầu vô cùng thô bạo, trong khi đó, có rất nhiều người xung quanh đứng nhìn nhưng không một ai có động thái ngăn cản khiến dư luận càng phẫn nộ.

Theo báo cáo ban đầu của lực lượng chức năng, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (phường 14, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) nhiều lần bị trộm đột nhập lấy tài sản. Nhà trường đã trình báo với địa phương để tăng cường phối hợp tuần tra địa bàn, giữ an ninh chung. Khoảng 23 giờ ngày 31/3, qua camera giám sát, bảo vệ phát hiện 02 người leo rào đột nhập vào trường nên tri hô.

Tổ bảo vệ dân phố phường 14 (Quận 10) làm nhiệm vụ tuần tra nghe thấy nên đến hỗ trợ bắt giữ, đưa hai em N.P.H.T và N.D.T.A (cùng 14 tuổi, ngụ Quận 10) vào phòng bảo vệ của trường để chờ lực lượng công an đến giải quyết. Tại đây, bảo vệ dân phố tên T.Q.H đã có hành vi đánh 02 thiếu niên gây bức xúc dư luận.

Hiện Công an phường 14, Quận 10 đã làm việc với những người liên quan. Trong đó, N.P.H.T và N.D.T.A (có người giám hộ) khai nhận từng là học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Quận 10) nhưng bỏ học từ tháng 02/2021. Hai em thừa nhận đã đột nhập nhiều lần (N.P.H.T đột nhập 03 lần, N.D.T.A 05 lần) vào Trường Nguyễn Văn Tố để lấy trộm tài sản. Liên quan vụ việc trên, UBND phường 14, Quận 10 đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 04 người bảo vệ của Tổ bảo vệ tổ dân phố trong đó có bảo vệ T.Q.H.

Nhiều khả năng hành vi sẽ bị xử lý hình sự

“Nhiều khả năng hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” dù có thể thương tích là nhỏ hơn 11% nhưng đây là hành vi côn đồ. Cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ và nếu cần thiết thì bắt tạm giam kẻ đánh người dã man này", Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm khẳng định.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết, dù là vì bất kỳ lý do gì, vi phạm gì của hai em nhỏ trong clip thì việc đánh đập các em như vậy là không thể chấp nhận được. Có thể thương tích là nhỏ hơn 11% nhưng đây là hành vi côn đồ và người bị hại là trẻ em.

Ngoài ra, không chỉ người trực tiếp hành hung mà những người xung quanh chứng kiến thậm chí có cái thái độ cổ vũ cho những đối tượng này đánh người cũng cần bị xử lý hình sự.              

"Tôi thiết nghĩ, cơ quan điều tra cần nhanh chóng xác minh làm rõ và nếu cần thiết thì bắt tạm giam. Việc tạm giam chính là để bảo vệ tính mạng sức khỏe cho những đối tượng này trước sự phẫn nộ của gia đình và xã hội", Luật sư Trương Anh Tú đề nghị.

Đồng quan điểm với Luật sư Trương Anh Tú, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp cho biết, qua hình ảnh, diễn biến sự việc trong clip cho thấy 02 người của lực lượng bảo vệ dân phố đã vung chân đá thẳng vào mặt, vào người 02 em học sinh này nhiều lần với hành động rất tàn nhẫn và hoàn toàn có thể gây thương tích cho các em.

Vì vậy, Luật sư Cường cho biết, dù bất cứ lý do gì thì hành vi đánh người như vậy là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, nếu đánh vào chỗ hiểm đối với trẻ em thì có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Bên cạnh đó, hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của 02 em học sinh và hành vi đánh đập tàn nhẫn 02 em học sinh đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, nếu hành vi của những người này gây tổn hại sức khỏe cho cả 02 em học sinh dù chỉ từ 1% thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Còn trong trường hợp nếu hành vi không gây thương tích, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài chế tài xử lý nêu trên thì người vi phạm còn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm sức khỏe người khác, bao gồm chi phí điều trị hợp lý, tổn thất tinh thần,…. cho người bị hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

“Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ những đối tượng đã đánh cho em đồng thời xác định làm rõ nguyên nhân, hành vi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật”, Trưởng VPLS Chính Pháp cho hay.

Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể

Theo Luật sư Cường, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Do đó, dù vì bất cứ nguyên nhân gì mà người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà không nhằm mục đích phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết,… thì hành vi này là trái quy định pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với người có chức vụ quyền hạn, người hỗ trợ giúp việc cho cơ quan tiến hành tố tụng bắt giữ người phạm tội, thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì càng phải có ý thức tôn trọng quyền con người, tôn trọng tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của công dân, chỉ được phép thực hiện những công việc mà pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, hành vi bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự cũng là hành vi vi phạm pháp luật và người nào vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho biết, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường) nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do UBND phường quyết định thành lập.

Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng, bảo vệ an ninh tổ quốc, thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.

Theo Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP về Bảo vệ dân phố, thì Quyền hạn của bảo vệ dân phố bao gồm:

1. Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.

3. Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.

Ngoài ra, quyền hạn của Bảo vệ dân phố được hướng dẫn tại mục III Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐ-BTC hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động và chế độ chính sách đối với Bảo vệ dân phố.

Cụ thể, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐ-BTC hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động và chế độ chính sách đối với Bảo vệ dân phố như sau:

1. Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm pháp quả tang, người đang bị truy nã trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo đúng quy định của pháp luật:

Bảo vệ dân phố chỉ được bắt người khi xác định đúng người đó đang phạm pháp quả tang hoặc đang có lệnh truy nã của cơ quan công an. Việc tước bỏ hung khí phải đi liền với việc bắt đối tượng nếu thấy đối tượng có sử dụng hung khí và phải áp giải ngay đối tượng đến công an phường để xử lý.

2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định về an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự an toàn xã hội.

Khi thực hiện quyền hạn này, bảo vệ dân phố phải có sự phối hợp với các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, thanh tra giao thông công chính, thanh tra xây dựng, thanh tra y tế…

Trong trường hợp không có các lực lượng trên, bảo vệ dân phố có quyền nhắc nhở, yêu cầu cá nhân, tổ chức có vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, pháp luật quy định rất rõ ràng chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của bảo vệ dân phố. Trong đó Hiến pháp và pháp luật Việt Nam không cho phép lực lượng này cũng như lực lượng bảo vệ pháp luật khác, lực lượng vũ trang được phép sử dụng vũ lực ngoài các tình huống mà pháp luật đã quy định cụ thể”, Luật sư Cường nhận định.

Còn đối với người quay clip và đăng tải lên mạng xã hội, cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ mục đích là gì, nếu nhầm xúc phạm danh dự nhân phẩm của hai em học sinh này thì người này cũng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục người khác. Vấn đề này cần phải xác minh làm rõ để giải quyết triệt để các vấn đề theo nguyên tắc ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó, để đảm bảo xã hội công bằng, văn minh.

Còn đối với hai em học sinh, nếu có căn cứ xác định các em có hành vi trộm cắp tài sản thì cần xem xét độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, giá trị tài sản bị trộm cắp thì mới có căn cứ xử lý theo quy định.

Cụ thể, nếu các em học sinh chưa đủ 14 tuổi thì không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Trong trường hợp các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự.

Do đó, trong trường hợp này cần xác định hành vi cụ thể và giá trị tài sản bị trộm cắp thì mới có căn cứ xử lý hình sự đối với các em học sinh này.

“Vụ việc này các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ các đối tượng đã đánh hai em học sinh, làm rõ trách nhiệm pháp lý có liên quan, nếu đến mức có thể xem xét xử lý hình sự thì cần xử lý hình sự để đảm bảo dân ta, phòng ngừa chung cho xã hội. Với các đơn vị, tổ chức sử dụng lực lượng này thì cũng phải xem xét đến trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng lực lượng, trong thi hành công vụ”, Trưởng VPLS Chính Pháp nhận định.

LÂM HOÀNG 

Lừa đảo ‘chạy án’: Vì sao nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin đến mức bị lừa?