Ngày 20/4, TAND quận 5 (TP. HCM) mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) và bị đơn là Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo đơn kiện, đầu tháng 9/2018, ông Du mua một két bia nhãn hiệu Sài Gòn đỏ về uống thì khui phải một chai chỉ có khoảng 1/2 lượng chất lỏng bên trong và có mùi lạ. Tiếp đó, ông Du phát hiện một chai bia khác còn nguyên nắp, nguyên tem nhưng bên trong chỉ có 1/4 chất lỏng dù hạn sử dụng đến năm 2019.
Theo ông Du, phía Sabeco không thực hiện lời hứa cùng ông mang chai bia đi kiểm định xem chai bia này là của Sabeco hay là bia giả và chất lỏng trong chai là bia hay nước hoặc hóa chất gì.
Do đó, ông khởi kiện đề nghị Tòa buộc Sabeco bồi thường giá trị chai bia nhãn hiệu Sài Gòn là 10.500 đồng; tổn thất tinh thần tương đương 10 tháng lương tối thiểu tại khu vực TP. HCM là 39,8 triệu đồng; buộc Sabeco đăng xin lỗi công khai ông với tư cách người tiêu dùng trên 03 số báo liên tục, với bốn tờ báo là: Đời sống Pháp luật, Tuổi trẻ, Công an TP. HCM và Người đưa tin.
Đến ngày 19/8/2019, ông Du làm “Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện”. Ngoài yêu cầu như nội dung đơn khởi kiện ngày 28/10/2018, ông Du bổ sung thêm yêu cầu buộc Công ty Sabeco bồi thường thiệt hại 23 tỉ đồng, tương đương 1 triệu USD.
Tại phiên tòa, sau khi nghị án, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát về việc tạm dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ.
Theo HĐXX, kết quả giám định hiện có chưa đủ cơ sở xác định chai bia làm vật chứng là của Sabeco. Do đó, cần làm rõ nguồn gốc chai bia dùng làm vật chứng có phải của Sabeco hay không, đồng thời tìm hiểu cách dán nhãn, gắn mã trên chai bia của Sabeco.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Tâm và Luật sư Hoàng Hữu Nhân, Đoàn Luật sư TP. HCM - người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn Sabeco kiến nghị Tòa án đưa ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; xem xét đánh giá các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nguyên đơn và những người có liên quan trong vụ án để chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra xác minh làm rõ, xử lý theo pháp luật.
Chai bia mà nguyên đơn xuất trình làm “vật chứng” là không có giá trị chứng cứ
Theo các Luật sư, vật chứng mà nguyên đơn nộp cho Tòa án không thể xem là chứng cứ hợp pháp của vụ án, bởi nó không được thu thập một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật. Việc chai bia mà nguyên đơn cho rằng bị lỗi và là sản phẩm của Sabeco chỉ dựa theo thông tin phản ánh một chiều của ông Nguyễn Phương Du. Không có bất cứ một chứng cứ nào chứng minh “chai bia bị lỗi” đó được phát hiện ở đâu? Vào thời gian nào? Có ai làm chứng? Chai bia đó có phải là sản phẩm của Sabeco hay không?…
Trên thực tế, chai bia mà nguyên đơn dùng làm “vật chứng” lại không hề có Biên bản thu giữ vật chứng theo một trình tự hợp pháp tại thời điểm và nơi xảy ra vụ việc. Chai bia này không bảo đảm quy định về vật chứng theo khoản 4 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc”. Và như vậy, chai bia này không có giá trị là chứng cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Mặt khác, kết quả “Kết luận giám định” số 2839-2/C09B của Viện Khoa học hình sự, Phân viện KHHS tại TP. HCM ngày 5/7/2019, theo Quyết định trưng cầu giám định của TAND quận 5, TP. HCM “Yêu cầu giám định nhãn mác” thì: Các lớp in trên nhãn mác của 01 chai bia nhãn hiệu Sài Gòn Export phần cổ chai có số và chữ: 08.38-100618/I-HSD100619 (ký hiệu A) so với các lớp in trên nhãn mác của 01 chai bia nhãn hiệu Sài Gòn EXPORT phần cổ chai có số và chữ 2007-280419/HSD28042020 (ký hiệu M) là không phải được in ra từ cùng một bản in.
Nhiều mâu thuẫn trong chính lời khai của nguyên đơn
Luật sư của bị đơn phân tích, trong đơn khởi kiện ngày 28/10/2018 nguyên đơn nêu: "Tôi có mua một két bia nhãn hiệu Sài Gòn đỏ loại chai về sử dụng. Gia đình tôi khui ra uống tôi phát hiện chai bia chỉ có khoảng ½ lượng nước bia bên trong và có mùi hôi nồng nặc. Trong két bia này còn có một chai bia khác nữa cũng chỉ có một phần nước bia bên trong nên tôi giữ lại…".
Nhưng đến “Bản tự khai” đề ngày 26/01/2019 nguyên đơn lại khai rằng: "Ngày 05/9/2018 nhân một sự kiện của Công ty tôi, tôi có mời một số bạn bè về quận Gò Vấp uống bia. Chúng tôi đến quán Hòn Thơm trên đường Nguyễn Văn Lượng và gọi nhiều loại bia trong đó có một két bia Sài Gòn đỏ ngâm lạnh để uống. Bình thường tửu lượng của anh em đều không tệ, nhưng lần này chỉ uống vài chai bia là anh em có người đã có biểu hiện thấm mệt, ngà ngà say. Lúc này chúng tôi mới kiểm tra lại bia đang ngâm lạnh thì thấy có một vài chai có hiện tượng không đầy đủ nước trong chai. Chúng tôi lo sợ mình uống phải thứ nước gì đó không phải là bia nên trong số những người đi cùng có người phải móc họng cho ói ra… Chúng tôi kiểm tra kỹ lại thì thấy rõ ràng chai bia chưa khui, hạn sử dụng còn đến tháng 6 năm 2019 nhưng nước trong chai thì không còn đầy, lúc này chúng tôi phản ảnh cho quản lý quán thì quản lý quán chỉ đạo nhân viên đưa bia đi cất hết. Chúng tôi chỉ giữ lại được một chai có khoảng 1/3 nước trong chai nhưng vẫn nguyên đai nguyên kiện để làm bằng chứng hiện tại… Chúng tôi hết sức hoảng loạn khi gặp phải vấn đề như thế bởi từ nhiều năm nay chúng tôi cũng hay dùng sản phẩm Sài Gòn đỏ do Công ty Bia Sài Gòn sản xuất. Tôi không rõ sức khỏe của mình có ảnh hưởng gì không".
Còn tại Biên bản lấy lời khai của đương sự, do TAND quận 5 thực hiện vào lúc 10h30 ngày 09/4/2019, ông Du lại khai: “Trong cuộc nhậu tôi uống Tiger bạc những người khác uống Tiger và Heniken, chỉ có ông Trần Quang Tiến uống bia Sài Gòn đỏ. Khi đang uống, tôi phát hiện ra trong thùng bia ướp lạnh có một chai bia Sài Gòn đỏ nguyên nút đóng, chưa khui nhưng bên trong chỉ còn khoảng 1/3 nước”.
Luật sư nhận định, chỉ với hai lần khai và một lần làm đơn khởi kiện thì nội dung 3 lần khác nhau: Đơn khởi kiện thì nói mua về nhà để gia đình uống thì phát hiện và có tới hai chai bị lỗi; Bản tự khai làm ở nhà đề ngày 26/01/19, mang đến nộp cho Tòa án ngày 28/01/19 thì lại trình bày cùng bạn bè đến quán Hòn Thơm Gò Vấp uống bia, đang uống thấy mệt và khác lạ nên kiểm tra lại bia đang ngâm lạnh thì thấy có chai có hiện tượng không đầy đủ nước trong chai”; Đến lời khai thứ 3 thì lại: Khi đang uống, tôi phát hiện ra trong thùng bia ướp lạnh có một chai bia Sài Gòn đỏ nguyên nút đóng, chưa khui nhưng bên trong chỉ còn khoảng 1/3 nước.
Ông Du không có tư cách “người tiêu dùng"?
Theo Luật sư, khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17/11/2016 thì “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Trong vụ án này, ông Du không phải là khách hàng mua, sử dụng sản phẩm của Sabeco, nên không có tư cách “người tiêu dùng” bị thiệt hại trong vụ án này.
Tại Biên bản lấy lời khai của người làm chứng do TAND quận 5 thực hiện lúc 14h30 ngày 02/8/2019, ông Trần Quang Tiến khai: … "tôi phát hiện ra chai bia chưa khui nhưng chỉ có một phần nước… ông Du nhất định mua chai bia đó… Tuy nhiên, tôi thấy báo chí đăng những lời phát biểu của ông Du linh tinh, không đúng sự thật nên tôi có liên hệ với ông Du xin lại chai bia nhưng ông Du nhất quyết không cho… Tôi xác nhận trong các lần nhậu với nhau ông Du chưa bao giờ uống bia Sài Gòn".
Pháp luật luôn đề cao ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng. Song, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nghiêm cấm (khoản 6 Điều 10): “Người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”.
Từ những phân tích trên, căn cứ điểm g, khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự về “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”, với tư cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Công ty Sabeco, Luật sư đề nghị Tóa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đồng thời, xem xét đánh giá các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nguyên đơn và những người có liên quan trong vụ án để chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra xác minh làm rõ, xử lý theo pháp luật.
PV
Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ khách hàng đòi Sabeco bồi thường 1 triệu USD