/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ khách hàng đòi Sabeco bồi thường 1 triệu USD

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ khách hàng đòi Sabeco bồi thường 1 triệu USD

21/04/2021 10:26 |

(LSVN) - Số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại, cách thức yêu cầu bồi thường thiệt hại và nhận thức của người yêu cầu bồi thường thiệt hại là những yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên có liên quan theo quy định pháp luật. Bởi vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo và có hiểu biết pháp luật để tránh trường hợp vì lòng tham mà có thể vướng vào vòng lao lý.

Ảnh minh họa.

Ngày 20/4, TAND quận 5 (TP. HCM) mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) và bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo đơn kiện, đầu tháng 9/2018, ông Du mua một két bia nhãn hiệu Sài Gòn đỏ về uống thì khui phải một chai chỉ có khoảng 1/2 lượng chất lỏng bên trong và có mùi lạ. Tiếp đó, ông Du phát hiện một chai bia khác còn nguyên nắp, nguyên tem nhưng bên trong chỉ có 1/4 chất lỏng dù hạn sử dụng đến năm 2019.

Theo ông Du, phía Sabeco không thực hiện lời hứa cùng ông mang chai bia đi kiểm định xem chai bia này là của Sabeco hay là bia giả và chất lỏng trong chai là bia hay nước hoặc hóa chất gì.

Do đó, ông khởi kiện đề nghị tòa buộc Sabeco bồi thường giá trị chai bia nhãn hiệu Sài Gòn là 10.500 đồng; tổn thất tinh thần tương đương 10 tháng lương tối thiểu tại khu vực TP.HCM là 39,8 triệu đồng; buộc Sabeco đăng xin lỗi công khai ông với tư cách người tiêu dùng trên ba số báo liên tục của bốn tờ báo, bồi thường thiệt hại đối với người tiêu dùng 1 triệu USD (tương đương 23 tỉ đồng). Ông Du tuyên bố nếu tòa chấp nhận số tiền 23 tỉ đồng này thì ông Du sẽ chuyển giao cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. HCM để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tại phiên tòa, sau khi nghị án, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của VKS về việc tạm dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ.

Theo HĐXX, kết quả giám định hiện có chưa đủ cơ sở xác định chai bia làm vật chứng là của Sabeco. Do đó cần làm rõ nguồn gốc chai bia dùng làm vật chứng có phải của Sabeco hay không, đồng thời tìm hiểu cách dán nhãn, gắn mã trên chai bia của Sabeco. 

Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng vụ án này có nhiều vấn đề cần phải làm rõ thì mới có thể giải quyết vụ án một cách triệt để, công bằng, đúng pháp luật.

Theo Luật sư, vụ kiện dân sự này sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng mua bán tài sản, về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng và đặc biệt là các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xác định căn cứ bồi thường thiệt hại và trách nhiệm pháp lý của mỗi bên.

Tại Điều 4, Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác. 

Bởi vậy, việc bảo vệ người tiêu dùng phải căn cứ vào pháp luật trên cơ sở các quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc lợi dụng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân. Trường hợp người tiêu dùng lợi dụng khiếm khuyết, sơ suất của đơn vị kinh doanh, dịch vụ để đe dọa, uy hiếp tinh thần của họ nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.”. 

Cơ quan tố tụng sẽ làm rõ chai bia này đã bị bật nắp hay chưa, có phải là sản phẩm của Sabeco sản xuất hay không, khi quan sát bằng mắt thường thì có phát hiện được là chai bia này bất thường, không đủ dung tích bia trong chai hay không, người mua có phát hiện ra khiếm khuyết lúc mua hay không và mục đích mua để làm gì là những yếu tố quan trọng quyết định đến việc giải quyết vụ án.

Chai bia được xác định là tài sản, việc mua bán chai bia theo quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng mua bán tài sản, theo đó “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”.

Điều 439. Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại. Theo đó, trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây: 

- Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận; 

- Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;

- Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

Điều 445 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bảo đảm chất lượng vật mua bán. Cụ thể, bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:
    
- Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

- Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;

- Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.”   

Theo các quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nguyên đơn trong vụ án này chỉ có thể được xác định là “người tiêu dùng” được pháp luật bảo vệ nếu như mục đích mua là để tiêu dùng và không biết là sản phẩm có lỗi, sau khi mua về mới phát hiện ra chai bia có lỗi và yêu cầu đơn vị bán sản phẩm phải giảm giá bán so với sản phẩm thông thường, yêu cầu đổi chai bia khác theo quy định tại Điều 445 Bộ luật Dân sự nhưng không được chấp nhận thì mới có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế do việc mua bán đó phát sinh ra những thiệt hại. 

Còn trường hợp người mua chai bia đó biết rõ chai bia không bình thường, hàng hóa, sản phẩm có lỗi nhưng vẫn chấp nhận mua với giá thỏa thuận, mục đích mua chai bia là để yêu cầu đơn vị sản xuất phải trả một khoản tiền vượt quá giá trị thiệt hại thực tế thì yêu cầu này chỉ thể hiện lòng tham, động cơ cá nhân nên sẽ không được tòa án chấp nhận và tòa án có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản. 

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

“Trong tình huống này thì số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại, cách thức yêu cầu bồi thường thiệt hại và nhận thức của người yêu cầu bồi thường thiệt hại là những yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên có liên quan theo quy định pháp luật. Bởi vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo và có hiểu biết pháp luật để tránh trường hợp vì lòng tham mà có thể vướng vào vòng lao lý", Luật sư Cường nói.

Theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng được hưởng các quyền sau:

“1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.”.

THANH THANH

Trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021

Trần Mạnh Quyết