/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ người chồng bị khởi tố vì ném hỏng điện thoại của vợ: Nhìn từ góc độ pháp lý và nhân văn

Vụ người chồng bị khởi tố vì ném hỏng điện thoại của vợ: Nhìn từ góc độ pháp lý và nhân văn

03/01/2025 06:52 |

(LSVN) - Vừa qua, vụ việc người chồng ở Quảng Ninh bị khởi tố vì ném hỏng chiếc điện thoại của vợ đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mối quan hệ gia đình đối mặt với nhiều thách thức, việc hình sự hóa những tranh chấp nhỏ trong gia đình đang đặt ra câu hỏi lớn về sự cân bằng giữa pháp luật và nhân văn.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho biết, theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tất cả tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng, trừ khi có chứng minh hoặc sự thừa nhận rõ ràng rằng đó là tài sản riêng.

Như vậy, nếu không chứng minh được rằng chiếc điện thoại là tài sản riêng của vợ, thì mặc nhiên nó sẽ được coi là tài sản chung. Trong trường hợp này, hành vi ném hỏng tài sản chung không thể bị coi là “hủy hoại tài sản” theo quy định của pháp luật hình sự. Việc khởi tố cần phải làm rõ và chứng minh nguồn gốc tài sản trước khi đi đến kết luận. Hơn nữa, giá trị thực tế của tài sản cũng là yếu tố cần xem xét. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luật sư Tú bày tỏ quan điểm: "Hành vi ném hỏng tài sản trong một mâu thuẫn bộc phát gia đình cũng không gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Đây là những tình huống mang tính cá nhân, có thể giải quyết bằng các biện pháp hòa giải thay vì hình sự hóa. Pháp luật cần ưu tiên các biện pháp giữ gìn hòa khí gia đình, thay vì áp dụng các biện pháp cứng rắn trong những trường hợp không thực sự cần thiết".

Ngoài ra, việc hình sự hóa những tranh chấp nhỏ trong gia đình không chỉ làm phức tạp hóa các mối quan hệ, mà còn tiêu tốn nguồn lực của cơ quan tố tụng. Chi phí xử lý một vụ án hình sự, từ điều tra, truy tố đến xét xử, thường rất lớn, trong khi giá trị tranh chấp trong vụ việc này lại không đáng kể. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả sử dụng nguồn lực công, cũng như mục tiêu cuối cùng mà pháp luật hướng tới.

Pháp luật luôn có vai trò duy trì trật tự và bảo vệ công lý, nhưng đồng thời cũng cần mang tính nhân văn, linh hoạt, đặc biệt trong các mối quan hệ gia đình. Các tranh chấp như vụ việc này nên được giải quyết qua các biện pháp phi hình sự, vừa giữ gìn hòa khí gia đình, vừa tránh lãng phí nguồn lực. Việc hình sự hóa các vụ việc nhỏ nhặt có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào pháp luật và tạo ra tiền lệ không mong muốn.

Luật sư Trương Anh Tú kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng bản chất pháp lý của vụ án, ưu tiên giải pháp hòa giải và phi hình sự hóa trong các mâu thuẫn gia đình tương tự. Pháp luật cần hướng tới việc bảo vệ các giá trị nhân văn, giúp gia đình vượt qua mâu thuẫn thay vì làm trầm trọng thêm vấn đề. Điều này không chỉ giữ gìn sự ổn định cho xã hội, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật gần gũi, linh hoạt và thực sự phục vụ con người.

DUY ANH

Các tin khác