/ Luật sư - Bạn đọc
/ Quy định của pháp luật về tiền điện tử và kiến nghị hoàn thiện

Quy định của pháp luật về tiền điện tử và kiến nghị hoàn thiện

30/12/2024 06:29 |

(LSVN) - Xây dựng môi trường pháp lý phù hợp với tiền mã hóa là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa nghiên cứu sâu rộng, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và áp dụng sáng tạo vào bối cảnh Việt Nam. Các giải pháp trên nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp Việt Nam không chỉ quản lý tốt hơn tiền mã hóa mà còn tận dụng được những cơ hội mà công nghệ này mang lại.

Hiện nay, tiền mã hóa chưa được công nhận là tài sản hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (Điều 105). Luật Thương mại năm 2005 quy định hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai (Khoản 2 Điều 3). Luật Chứng khoán năm 2019 quy định chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; c) Chứng khoán phái sinh; và d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định (Khoản 1 Điều 4).

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đều chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng hoặc phân loại tiền mã hóa thuộc loại hình pháp lý nào, chẳng hạn như chứng khoán, hàng hóa, hay tài sản. Do đó, hiện tại, tiền mã hóa không được coi là tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng không được coi là hàng hóa theo quy định của pháp luật thương mại. Bản thân các loại tiền mã hóa và các hoạt động liên quan như đầu tư, kinh doanh, hoặc giao dịch tiền mã hóa không làm phát sinh nghĩa vụ thuế đi với các chủ thể tham gia.

Thực trạng này dẫn đến việc nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư, mua bán, trao đổi tiền mã hóa, thu được lợi nhuận đáng kể nhưng không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thuế nào với Nhà nước, vì pháp luật chưa có cơ chế quản lý thuế đối với hoạt động này.

Nhiều rủi ro cho nhà đầu tư

Việc thiếu khung pháp lý rõ ràng về tiền mã hóa ở Việt Nam gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng cho người dùng và nhà đầu tư. Cụ thể:

Thứ nhất, tiền mã hóa chưa được định danh rõ ràng là tài sản, hàng hóa, hay chứng khoán theo pháp luật hiện hành. Điều này khiến quyền lợi của người sở hữu và nhà đầu tư không được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản phải được xác định rõ ràng để làm cơ sở cho việc giải quyết các quan hệ pháp lý, nhưng tiền mã hóa hiện không đáp ứng tiêu chí này, dẫn đến việc các tranh chấp liên quan khó được tòa án công nhận hoặc xử lý hiệu quả.

Thứ hai, việc không có cơ chế quản lý cụ thể tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa đảo qua hình thức đầu tư tiền mã hóa hoặc huy động vốn thông qua phát hành tài sản mã hóa (ICO). Do không có quy định kiểm soát, các nhà đầu tư dễ trở thành nạn nhân của các mô hình đa cấp hoặc các hoạt động rửa tiền, vi phạm pháp luật hình sự, nhưng khó có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện.

Thứ ba, thiếu cơ chế định danh và quản lý các giao dịch tiền mã hóa làm gia tăng nguy cơ về an ninh tài chính và kinh tế. Theo pháp luật hiện hành, việc định danh chủ thể trong các giao dịch tài chính là bắt buộc để ngăn ngừa các hành vi trốn thuế, tài trợ khủng bố hoặc chuyển tiền bất hợp pháp. Tuy nhiên, các giao dịch tiền mã hóa thường ẩn danh, khiến cơ quan chức năng khó giám sát và xử lý khi cần thiết.

Bên cạnh đó, người dùng và nhà đầu tư không có nghĩa vụ pháp lý rõ ràng liên quan đến tiền mã hóa, như việc nộp thuế hoặc báo cáo giao dịch. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin vào hệ thống tài chính.

Trong trường hợp nhà đầu tư bị lừa đảo hoặc mất tiền mã hóa, việc yêu cầu bồi thường gặp nhiều khó khăn do tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản hoặc hàng hóa. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, nhà đầu tư có thể dựa vào một số cơ sở pháp lý hiện hành. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường nếu có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu tranh chấp phát sinh trong bối cảnh hợp đồng, nhà đầu tư có thể yêu cầu bồi thường theo các quy định về vi phạm hợp đồng tại Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, nếu hành vi lừa đảo liên quan đến giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có thể được viện dẫn. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn nhiều hạn chế do tiền mã hóa chưa được pháp luật điều chỉnh rõ ràng. Việc xác định danh tính kẻ gian và giá trị bồi thường cũng gặp nhiều trở ngại do tính ẩn danh và biến động giá trị của tiền mã hóa. Trong bối cảnh pháp lý hiện tại, nhà đầu tư cần lưu giữ đầy đủ bằng chứng, nhanh chóng báo cáo cơ quan chức năng, và ưu tiên giao dịch trên các sàn uy tín có đăng ký, đồng thời kêu gọi xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn để bảo vệ quyền lợi trước các rủi ro liên quan.

Một số giải pháp

Để xây dựng một môi trường pháp lý phù hợp với sự phát triển của tiền mã hóa, Việt Nam cần triển khai một loạt các biện pháp mang tính chiến lược, đồng bộ và lâu dài. Trước tiên, cần nhanh chóng ban hành chính sách rõ ràng, chính thức và toàn diện về tiền mã hóa, trong đó định nghĩa cụ thể các khái niệm liên quan như tiền mã hóa, tài sản mã hóa, và tiền ảo. Việc thiếu một định nghĩa thống nhất không chỉ gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật mà còn tạo ra rủi ro bất ổn cho thị trường. Để làm được điều này, các nhà lập pháp có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo tính thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Song song với việc định nghĩa, cần xác định bản chất pháp lý của tiền mã hóa, xem nó thuộc loại tài sản nào theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc biệt là Điều 105 liên quan đến khái niệm tài sản. Đây là bước quan trọng để đưa tiền mã hóa vào khung pháp lý hiện hành, từ đó có cơ sở để điều chỉnh các vấn đề liên quan như quyền sở hữu, quyền giao dịch, và nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO) và quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hóa. Các quy định này không chỉ cần tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế mà còn phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Việc quản lý chặt chẽ ICO và các sàn giao dịch sẽ giảm thiểu nguy cơ lừa đảo, tham nhũng, và rửa tiền, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra, các quy định này cũng cần tính đến sự phát triển của công nghệ và các loại hình đầu tư mới để tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững, ổn định.

Tóm lại, xây dựng môi trường pháp lý phù hợp với tiền mã hóa là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa nghiên cứu sâu rộng, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và áp dụng sáng tạo vào bối cảnh Việt Nam. Các giải pháp trên nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp Việt Nam không chỉ quản lý tốt hơn tiền mã hóa mà còn tận dụng được những cơ hội mà công nghệ này mang lại.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ

Chủ tịch Công ty luật SBLAW

Các tin khác