/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thực phẩm chức năng tăng giá theo Công văn của Bộ Y tế: Cần xử lý triệt để

Thực phẩm chức năng tăng giá theo Công văn của Bộ Y tế: Cần xử lý triệt để

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mặc dù Bộ Y tế đã thu hồi Công văn số 5944/BYT-YHCT ngày 24/7/2021, nhưng những ngày qua một số sản phẩm "ăn theo" Công văn này đã đột ngột tăng giá một cách bất thường, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động xấu đến dư luận xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay.

Quảng cáo “nổ” công dụng của một số sản phẩm có chứa Xuyên tâm liên.

Thực phẩm chức năng tăng giá "ăn theo"

Sau vụ việc Bộ Y tế thu hồi Công văn 5944/BYT-YDCT, mặc dù đã rút lại Công văn và đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo không có bất kỳ sản phẩm nào chữa hay kháng được Covid-19, nhưng những ngày qua, các sản phẩm Xuyên tâm liên (một trong những sản phẩm được nêu tại Công văn 5944) vẫn được rất nhiều người săn lùng khiến mặt hàng này có dấu hiệu bị "thổi giá".

Trao đổi với báo chí, một chủ cửa hàng thuốc ở chợ thuốc Hapulico (quận Thanh Xuân) cho biết, những ngày gần đây, có rất nhiều người hỏi mua về loại sản phẩm tên Xuyên tâm liên và các Công ty dược cũng đồng loạt gửi bán, nhưng giá thành bỗng chốc tăng vọt.

Theo khảo sát trên thị trường, có tới hàng chục các sản phẩm xuyên tâm liên khác nhau. Không chỉ dạng viên nén, mà còn thực phẩm chức năng dạng viên nang, siro, trà túi lọc, dạng xịt… Giá thuốc dạng viên từ 50.000 - 250.000 đồng/hộp, cốm 145.000 - 150.000 đồng/hộp, xịt xuyên tâm liên 99.000 đồng, trà gừng xuyên tâm liên 150.000 đồng/hộp, viên sủi xuyên tâm liên 180.000 đồng/hộp, siro 180.000 đồng/hộp…

Có thể thấy, nhu cầu thị trường tăng nhanh, nên giá thành sản phẩm cũng "mỗi nơi một giá khác".

Các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… thì chào nhiều loại sản phẩm xuyên tâm liên, nhưng giá thành rất cao. Thậm chí, một số loại trên bao bì còn quảng cáo tăng cường đề kháng, ức chế virus Covid-19. Trên mạng xã hội, chợ mua bán các sản phẩm xuyên tâm liên trong đại dịch Covid-19 mới được lập ra đã mua bán rất sôi động, nhưng rất ít người bán thông tin rõ về giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép đăng ký do cơ quan chức năng cấp.

Không chỉ đối với Xuyên tâm liên mà một trong những sản phẩm được nhắc tới tại Công văn 5944 cũng đang gây xôn xao không kém đó là sản phẩm viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, trong phần giới thiệu của sản phẩm này, dù công ty không nhắc tới Covid-19 nhưng lại ghi công dụng: Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Sau khi những thông tin này đưa ra, người tiêu dùng đã đổ xô đi mua bất chấp việc công ty tăng giá cả chục lần.

Ngoài các sản phẩm trên, giá thành các dòng về thuốc chữa trị về dạ dày, các bệnh lý liên quan đến não bộ, tuần hoàn não, dầu gừng và các sản phẩm hỗ trợ sinh lý như Rocket, Rocket+, Rocket 1h, Manup… của công ty này cũng đột nhiên tăng giá trong mùa dịch Covid-19.

Phải xử lý triệt để

Mặc dù, Bộ Y tế đã thu hồi Công văn số 5944/BYT-YHCT ngày 24/7/2021 nhưng trong những ngày qua, một số sản phẩm “ăn theo” Công văn này đã đột ngột tăng giá một cách bất thường, có dấu hiệu lợi dụng Công văn số 5944/BYT-YHCT của Bộ Y tế để trục lợi, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động xấu đến dư luận xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Bùi Văn Xuyền.

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Bùi Văn Xuyền cho biết, là một Bộ lớn Bộ Y tế cần nhìn nhận lại về vấn đề ban hành văn bản hành chính của mình.

“Bộ Y tế ban hành một văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc không chuẩn, phải thu hồi lại có nghĩa là có vấn đề, tôi cho rằng Bộ Y tế cần phải xem xét lại, đánh giá lại toàn bộ quy trình văn bản của mình. Nếu như có vấn đề về yếu tố chủ quan, cá nhân không phải là yếu tố khách quan như năng lực trình độ, thì phải xử lý triệt để, tránh dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho xã hội”, Đại biểu Bùi Văn Xuyên nói.

Về mặt pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, các hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

Trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 50.000.000 đồng hoặc trường hợp tái phạm thì thời hạn tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động là từ 12 tháng đến 24 tháng (khoản 4 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

Bên cạnh đó, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch. Trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật (khoản 5 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

Có thể truy cứu xử lý hình sự

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nếu cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thuốc, các sản phẩm y tế... bất hợp lý có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu có hành vi cố tình tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình dịch bệnh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá thì có thể xử lý hình sự theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Đầu cơ”.

Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Đầu cơ" như sau:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này149, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm150 hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

“Như vậy tùy vào mức độ vi phạm, nếu bị xử lý hình sự về tội "Đầu cơ", cá nhân có thể bị phạt tiền đến 05 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 15 năm, pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 09 tỉ đồng”, Luật sư Bình cho hay.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, theo Điều 10 Luật Giá 2012, hành vi định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý là hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá.

Cụ thể, Điều 10, Luật Giá 2012 quy định về "Hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá" như sau:

1. Đối với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; cán bộ, công chức thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá: 

a) Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giá;

b) Ban hành văn bản không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục;

c) Tiết lộ, sử dụng thông tin do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để vụ lợi.

2. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: 

a) Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;

b) Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;

c) Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý;

d) Các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi.

3. Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá:

a) Tranh giành khách hàng dưới hình thức ngăn cản, đe dọa, lôi kéo, mua chuộc, thông đồng với khách hàng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác; thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá;

b) Thông đồng với khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá;

c) Nhận hoặc yêu cầu bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích khác từ khách hàng thẩm định giá ngoài mức giá dịch vụ đã được thoả thuận trong hợp đồng;

d) Giả mạo, cho thuê, cho mượn; sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định của pháp luật về giá;

đ) Tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc pháp luật cho phép;

e) Gây trở ngại hoặc can thiệp vào công việc điều hành của tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá khi họ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

4. Đối với thẩm định viên về giá hành nghề, ngoài các quy định tại khoản 3 Điều này, không được thực hiện các hành vi sau:

a) Hành nghề thẩm định giá với tư cách cá nhân;

b) Đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên;

c) Thực hiện thẩm định giá cho đơn vị được thẩm định giá mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của đơn vị được thẩm định giá.

5. Đối với tổ chức, cá nhân có tài sản được thẩm định giá và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá:

a) Chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá để ký hợp đồng thẩm định giá;

b) Cung cấp không chính xác, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá;

c) Mua chuộc, hối lộ, thông đồng với thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá.

Bên cạnh đó, tại Điều 17, Nghị Định 109/2013/NĐ-CP quy định về hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý cũng được quy định như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Ngoài ra, căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP này, mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt là gấp 02 lần đối với cá nhân.

“Nếu có hành vi tăng giá thuốc bất hợp lý trong mùa dịch, ngoài bị xử lý hình sự, sẽ bị phạt hành chính đến 30 triệu đồng nếu là cá nhân, bị phạt đến 60 triệu đồng nếu là tổ chức”, Luật sư Bình nói.

Qua vụ việc này có thể thấy, việc Bộ Y tế ban hành văn bản không phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, đã gây ra những hệ quả rất tiêu cực, làm bất ổn thị trường, gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, sự việc này còn tạo ra những dư luận xã hội không tốt về động cơ và mục đích của việc ban hành văn bản này, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Bộ Y tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ các nội dung này, để kịp thời giải đáp các thắc mắc, hoài nghi của dự luận xã hội, cũng như xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan, người có thẩm quyền và các cá nhân hữu quan cũng cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, có sự thận trọng, nghiên cứu, xem xét và đánh giá chi tiết và toàn diện tất cả các căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc ban hành văn bản, đảm bảo tốt nhất tính khoa học, hợp lý, chính xác và hợp pháp của văn bản. Đồng thời, pháp luật cũng cần phải có các quy định chặt chẽ hơn nữa để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, soạn thảo và ban hành các văn bản, cũng như hoàn thiện hơn nữa các quy định về việc xử lý vi phạm, có các chế tài riêng biệt, phù hợp đối với các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực này.

HUY HOÀNG

Vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng: Không đơn giản chỉ là quan hệ dân sự

Lê Minh Hoàng