(LSVN) - Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người đã thiếu trách nhiệm trong vụ việc này là ai, hành vi được thể hiện như thế nào để tiến hành khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp tố tụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây thiệt hại đến tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hai ông bà Hợp, An (thứ nhất và thứ ba, từ trái qua) cùng người thân và Luật sư tại phiên toà xử vụ con dâu "khai tử" bố mẹ chồng để hợp thức bán nhà. Ảnh: Việt Hoàng.
Ngày 19/7, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống.
Quyết định trên được đưa ra sau khi vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng 89 tuổi, ở quận Tây Hồ) có đơn tố cáo một số cán bộ UBND phường Nhật Tân và cán bộ văn phòng công chứng làm giả hồ sơ, thực hiện hành vi gian dối nhằm khai tử 2 cụ dù họ còn sống.
Trong đơn tố cáo, vợ chồng cụ Hợp còn cho rằng nhóm người trên đã tạo điều kiện cho bà Viễn (64 tuổi, con dâu cụ Hợp) chiếm đoạt tài sản nhà, đất và tước đoạt quyền thừa kế.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ An và cụ Hợp - Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp) đánh giá, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án cho thấy vụ tranh chấp dân sự có dấu hiệu tội phạm. Đây cũng là lý do TAND TP. Hà Nội trả hồ sơ ngày 18/9/2020 để đề nghị Công an quận Tây Hồ làm rõ. Vụ án này không đơn giản chỉ là quan hệ dân sự, không đơn giản chỉ là gian dối, sai phạm thủ tục làm giao dịch dân sự vô hiệu mà vụ việc còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Luật sư, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ. Nhà chức trách sẽ tiếp tục điều tra làm rõ ai đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi thể hiện như thế nào và hậu quả đã gây ra đối với xã hội, với tổ chức, cá nhân ra sao để xử lý.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người đã thiếu trách nhiệm trong vụ việc này là ai, hành vi được thể hiện như thế nào để tiến hành khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp tố tụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây thiệt hại đến tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Ai chịu trách nhiệm?
Luật sư cho biết trong vụ việc này, để xảy ra chuyện bà Viễn kê khai bố mẹ chồng đã chết và được chấp thuận trên văn bản nhận di sản thừa kế, là có một phần trách nhiệm của cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân thời điểm đó.
Tìm hiểu sâu vụ việc, Luật sư Cường nhận thấy văn bản nhường quyền di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế được lập và công chứng ngày 11/8/2008. Nhưng thông báo niêm yết công khai tại phường Nhật Tân lại từ ngày 04/7 đến ngày 04/8/2006, nghĩa là trước cả thời gian có văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Do vậy, Luật sư đánh giá việc này trái quy định về trình tự, thủ tục niêm yết công khai văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại khoản 3, Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.
"Điều đó cho thấy cán bộ tư pháp phường đã có sai sót trong việc niêm yết công khai văn bản thừa kế, từ đó làm cơ sở để bà Viễn đăng ký sang tên nhà đất và chuyển nhượng sở hữu cho người khác", Luật sư nhấn mạnh.
Luật sư cho biết thêm, năm 2000, bà Viễn và chồng là ông Tiến được cơ quan chức năng ở Hà Nội cấp sổ đỏ cho nhà và đất. Trong khi đó, bố mẹ chồng bà Viễn cho rằng họ chưa chia thừa kế các tài sản này. Việc cấp sổ đổ cho vợ chồng ông Tiến là không đúng đối tượng và sai trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bố mẹ chồng bà Viễn.
Đối với thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông Tiến (đã mất), Luật sư Cường phân tích trong nội dung văn bản thể hiện ông Tiến không còn người thừa kế nào khác, trong khi đó bố mẹ đẻ của ông là cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An còn sống. Do đó, Luật sư cho rằng đây là thiếu sót của công chứng viên, khi làm mất đi quyền thừa kế của những người thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 672 Bộ luật Dân sự 1995.
Sáng 23/7, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên xử vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch mua bán nhà đất liên quan vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống để bán nhà đất xảy ra ở quận Tây Hồ. Tuy nhiên, do vắng nhiều thành phần nên tòa hoãn làm việc. Luật sư Đặng Văn Cường, cho rằng vụ án kéo dài từ năm 2017, nguyên đơn và vợ chồng cụ Hợp đều có hàng loạt yêu cầu độc lập cần được tòa xem xét. Với việc nguyên đơn và bị đơn vắng mặt dù tòa đã triệu tập trên 2 lần, Luật sư kiến nghị tòa xem xét đình chỉ giải quyết khiếu nại của nguyên đơn và xem xét yêu cầu của người liên quan trong vụ án, chuyển họ thành nguyên đơn. Vụ tranh chấp nêu trên kéo dài từ năm 2015. Sau 5 lần mở phiên tòa, TAND TP. Hà Nội chưa thể đưa ra phán quyết. “Đây là vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cụ An và phù Hợp, gây bức xúc trong dư luận. Hành vi khai tử hai cụ nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe và tài sản của hai cụ. Bởi vậy, có thể cơ quan điều tra sẽ tích cực giải quyết để sớm làm sáng tỏ vụ án này, đảm bảo quyền lợi của hai cụ, hủy bỏ các văn bản trái pháp luật, buộc những người vi phạm pháp luật phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để trả lại nhà và đất cho hai cụ theo đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Cường cho biết. |
THANH THANH
Giải quyết vụ án có đồng phạm: Một số lưu ý và sai sót thường gặp