/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ việc nhóm vệ sĩ phân luồng giao thông cho đoàn xe đám cưới: Xử lý thế nào?

Vụ việc nhóm vệ sĩ phân luồng giao thông cho đoàn xe đám cưới: Xử lý thế nào?

30/11/2024 12:44 |

(LSVN) - Theo Luật sư, mặc dù chỉ là người làm thuê, thực hiện công việc theo sự phân công, chỉ đạo của Công ty nhưng các vệ sĩ vẫn buộc phải biết hành vi của mình là trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, các vệ sĩ trực tiếp thực hiện hành vi vẫn phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, những người lãnh đạo, quản lý, điều hành của Công ty vệ sĩ, người thuê dịch vụ của Công ty vệ sĩ và những người có liên quan khác cũng có thể tham gia với vai trò đồng phạm (nếu họ có các hành vi chỉ đạo, phân công, giúp sức hoặc thuê Công ty vệ sĩ thực hiện các hành vi trái pháp luật nêu trên).

Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại cảnh một đoàn xe đám cưới ở TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa được một nhóm người mặc quần áo như vệ sĩ ra giữa đại lộ Lê Lợi chặn các phương tiện giao thông để cho đoàn xe đám cưới đi qua.

Sự việc đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, để lại nhiều bình luận trái chiều, trong đó đa số các ý kiến đều bất bình trước hành động trên của nhóm người mặc quần áo vệ sĩ, bởi nhóm người này không phải CSGT, không có nghiệp vụ để thực hiện hành động trên.

Hình ảnh nhóm vệ sĩ chặn các phương tiện trên đại lộ Lê Lợi để đám cưới đi qua.

Hình ảnh nhóm vệ sĩ chặn các phương tiện trên đại lộ Lê Lợi để đám cưới đi qua.

Nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp về an ninh trật tự, tạo ra những phản ứng tiêu cực trái chiều trong dư luận và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 29/11/2024, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã tạm giữ hình sự 04 đối tượng liên quan đến vụ việc để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Xử lý thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, các đối tượng được gọi là vệ sĩ nêu trên đã có hành vi tự ý phân luồng giao thông, chỉ dẫn cho đoàn xe đám cưới lưu thông, bất chấp theo tín hiệu đèn giao thông, ngăn cản các phương tiện của người dân lưu thông bình thường là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu của hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Do đó, có thể tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thì các đối tượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu hành vi tự ý dẹp đường, phân luồng, điều khiển giao thông gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội danh này có loại và mức hình phạt quy định là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến cao nhất là 07 năm tù.

Bên cạnh đó, sẽ xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ đối với hành vi “Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương”. Đồng thời, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. 

Ai chịu trách nhiệm?

Theo Luật sư, thông thường thì các vệ sĩ chỉ là nhân viên, thực hiện hành vi dẹp đường, điều khiển, hướng dẫn giao thông trên cơ sở sự chỉ đạo, phân công của Công ty vệ sĩ, còn Công ty vệ sĩ sẽ có hợp đồng dịch vụ với người thuê thực hiện các công việc này.

Trong trường hợp này, mặc dù chỉ là người làm thuê, thực hiện công việc theo sự phân công, chỉ đạo của Công ty nhưng các vệ sĩ vẫn buộc phải biết hành vi của mình là trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, các vệ sĩ trực tiếp thực hiện hành vi vẫn phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, những người lãnh đạo, quản lý, điều hành của Công ty vệ sĩ, người thuê dịch vụ của Công ty vệ sĩ và những người có liên quan khác cũng có thể tham gia với vai trò đồng phạm (nếu họ có các hành vi chỉ đạo, phân công, giúp sức hoặc thuê Công ty vệ sĩ thực hiện các hành vi trái pháp luật nêu trên).

Do đó, trong vụ việc này thì các cơ quan chức năng cũng cần điều tra, làm rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Công ty vệ sĩ nói chung, của những người lãnh đạo, quản lý của Công ty vệ sĩ nói riêng, người thuê dịch vụ của Công ty vệ sĩ và những người có liên quan khác, để xử lý (nếu có vi phạm) theo đúng quy định của pháp luật.   

"Việc tự ý dẹp đường, phân luồng, điều khiển giao thông không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn giao thông, an toàn xã hội, tạo sự bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, các hành vi này cần phải được xử lý nghiêm, để đảm bảo sự nghiêm minh của của pháp luật, cũng như tăng cường tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai", Luật sư Hùng cho biết.

VŨ TRẦN

Các tin khác