Vụ "vợ lấy tiền trong ví chồng bị xử tội trộm cắp": Đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can

07/01/2018 20:09 | 6 năm trước

LSVNO – Luật sư xây dựng một bản kiến nghị hết sức khoa học, đầy đủ cơ sở dựa trên hồ sơ vụ án, thực hiện các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ. Bản kiến nghị đã phân tích toàn diện đầy đủ về cả t...

LSVNO – Luật sư xây dựng một bản kiến nghị hết sức khoa học, đầy đủ cơ sở dựa trên hồ sơ vụ án, thực hiện các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ. Bản kiến nghị đã phân tích toàn diện đầy đủ về cả tình và lý để chỉ ra rằng việc khởi tố, truy tố Hải về hành vi lấy tiền trong ví chồng như Kết luận điều tra và Cáo trạng chưa phản ánh đúng sự thật khách quan, chưa thấu đáo, thiếu tính nhân văn.

>>>Luật sư lên tiếng minh oan cho bị cáo vụ “Vợ lấy tiền trong ví chồng bị xử tội trộm cắp”

>>>Vụ "vợ lấy tiền trong ví chồng bị xử tội trộm cắp": Bước ngoặt của vụ án

Trong bản kiến nghị này, luật sư đã chỉ ra nhiều điểm bất thường, vô lý trong hoạt động giải quyết vụ án. Cụ thể, giữa bị cáo và bị hại là anh Chu Bá Minh có quan hệ vợ chồng (chưa đăng ký kết hôn) từ năm 2004. Giữa họ có hai con chung, cùng tạm trú gần Bến xe Giáp Bát. Quá trình chung sống, họ đã tạo lập được các khối tài sản chung, cùng chi phí nuôi dưỡng hai con nhỏ ăn học, cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, đây là những chức năng cơ bản của một gia đình.

Thấy các con đã lớn mà hai vợ chồng vẫn phải thuê nhà, Hải bàn với chồng về việc xây nhà để sau này các con có chỗ ở. Hải về quê xin bố mẹ đất để xây nhà và được sự đồng ý của anh Minh và anh hứa đưa cho Hải 100 triệu đồng để xây nhà. Theo đó, hành vi bị cáo Hải thực hiện thỏa mãn dấu hiệu "lén lút" của tội Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, về khách thể của tội Trộm cắp tài sản đó là xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác thì không thỏa mãn, bởi lẽ tài sản mà Hải lấy của Minh là tài sản chung giữa vợ chồng. Dù người này có thể thu nhập cao hơn người kia nhưng cần phải xét trên nguyên tắc "của chồng công vợ".  Mặt khác, mục đích việc Hải lấy tiền của chồng là nhằm trả nợ chung chứ không phải là chi tiêu cá nhân. Trong vụ án này, tình huống chưa đăng ký kết hôn giữa hai người như một cái bẫy pháp lý đối với những người làm công tác pháp luật và thực tế đã cho chúng ta thấy điều đó.

Sau khi gửi một loạt những kiến nghị này tới các cơ quan có thẩm quyền, luật sư đều nhận được những phản hồi theo hướng đồng tình với những phân tích lập luận đó. Có thể nói, kiến nghị nêu trên là “quân át chủ bài” trong cả hành trình đi tìm công lý cho Nguyễn Thị Hải. 

Trong quá trình chờ đợi thông báo về phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Hoàng Mai thì bất ngờ Hải nhận được Giấy triệu tập bị can của Công an quận Hoàng Mai tới làm việc vào đầu tháng 11. Tại buổi làm việc này, Điều tra viên có thông báo với Hải và luật sư rằng, vừa qua VKSND quận Hoàng Mai có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề, đặc biệt là về vấn đề tài sản chung giữa Hải và người bị hại, việc chi tiêu sinh hoạt để đảm bảo cuộc sống gia đình cũng như nuôi dạy các con chung ăn học. Với sự hiện diện của các luật sư trong buổi hỏi cung, Hải đã bình tĩnh trả lời mạch lạc các câu hỏi mà điều tra viên đặt ra.

Sau khoảng nửa tháng kể từ buổi triệu tập bị can đầu tiên (điều tra lại), cuối tháng 11, CQĐT tiếp tục triệu tập Hải tới làm việc. Trong tâm trạng rất lo âu, Hải tâm sự với luật sư rằng không biết tới khi nào vụ án khép lại để có thể tập trung vào các công việc khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, niềm vui khôn tả đã đến với Hải trong buổi làm việc này, theo đó CQĐT thông báo với Hải và luật sư về việc đã kết thúc quá trình điều tra lại. Do nhận thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với hành vi của Hải đã thực hiện nên CQĐT đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can đối với Hải. Như vậy, đồng nghĩa với việc từ nay vụ án đã kết thúc và Hải không bị coi là người không can án. Chúng tôi cho rằng đây là một sự sửa sai kịp thời của cơ quan thi hành tố tụng trước khi sự việc bị đẩy đi quá xa.

Quyết định đình chỉ vụ án

Sau khi được luật sư giải thích cho biết về ý nghĩa của các văn bản tố tụng kể trên, không kìm nén được cảm xúc sau khi trải qua những tháng ngày uất ức tủi hổ trong trại tạm giam, Hải đã bật khóc. Những giọt nước mắt vui sướng đã lăn dài trên gương mặt đầy vẻ khắc khổ của Hải. Rồi đây, sau khi vụ án đã chính thức khép lại, Hải sẽ thực hiện nhiều dự định mà mình đã ấp ủ, nhưng trên hết, đó là niềm vui sướng khi gỡ bỏ được cái tiếng là kẻ trộm cắp.

Chúng tôi tin với sự tận tâm, nỗ lực của mỗi người luật sư, sẽ giúp được nhiều thân phận bất hạnh, không may vướng vòng lao lý.

Luật sư Đặng Xuân Cường

(VPLS Trương Anh Tú)