Xét xử đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm kháng cáo Bản án số 330/2017/HS-ST là có căn cứ

02/05/2018 04:18 | 6 năm trước

LSVNO - Ngày 29/9/2017, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội ra Bản án số 330/2017/HS-ST tuyên án về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” có hình phạt 20 năm tù và tội “Tham ô tài sản”...

LSVNO - Ngày 29/9/2017, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội ra Bản án số 330/2017/HS-ST tuyên án về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” có hình phạt 20 năm tù và tội “Tham ô tài sản” có mức hình phạt tù chung thân đối với bị cáo Hà Văn Thắm. Ngay sau đó, bị cáo Hà Văn Thắm đã có đơn kháng cáo kêu oan. Để có một góc nhìn phản biện từ phía luật sư trong tranh tụng tại phiên tòa, LSVNO xin giới thiệu Bài bào chữa của Luật sư Đỗ Ngọc Quang cho bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa phúc thẩm của vụ án để bạn đọc và các luật sư đồng nghiệp tham khảo, thấy rõ hơn về vấn đề này.

Tôi là Đỗ Ngọc Quang, Luật sư Văn phòng Luật sư Lô – Dơ – By thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội, nhận bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm. Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án, Hà Văn Thắm đã có đơn kháng cáo kêu oan; đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có mức hình phạt 20 năm tù và tội tham ô tài sản có mức hình phạt tù chung thân. Phải nói rằng, kháng cáo của Hà Văn Thắm đối với Bản án số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017 là có căn cứ. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã áp dụng pháp luật hình sự chưa chính xác đối với bị cáo Hà Văn Thắm được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn phạm tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Do vậy, nội dung bào chữa của tôi đối với Hà Văn Thắm đi sâu vào những nội dung này như sau:

Xác định số tiền Hà Văn Thắm chuyển cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn là tài sản của ai?

Đối với những tội có liên quan đến chiếm đoạt tài sản thì việc đầu tiên phải xác định được chủ tài sản hợp pháp là ai? Điều này có nghĩa, số tiền 69.380.500.000 đồng và số tiền 246.603.989.000 mà Hà Văn Thắm đã chuyển cho PVN là tiền của ai?

Thứ nhất, theo Bản án từ trang 184 đến 188 của TAND TP. Hà Nội, nguồn gốc của số tiền 69.380.500.000 đồng được đến từ 2 nguồn: nguồn thứ nhất, Công ty BSC và Ngân hàng Oceanbank phối hợp trong việc thu phí chêch lệch lãi suất ngoài hợp đồng tín dụng thông qua 521 hợp đồng dịch vụ với tổng số tiền thu trong hoạt động của BSC là 68.935.433.810 đồng; nguồn thứ hai: số tiền 445.066.190 là tiền của Hà Văn Thắm.

Nếu cho rằng, số tiền 68.935.433.810 đồng thuộc quyền quản lý của Công ty BSC mà công ty BSC là Công ty của Hà Văn Thắm gây dựng, hoạt động theo quy định của pháp luật, thì toàn bộ số tiền 68.935.433.810 đồng và số tiền 445.066.190 đồng là tiền thuộc quyền sở hữu của Hà Văn Thắm. Do vậy, có thể khẳng định, tổng số tiền 69.380.500.000 đồng là tiền của Hà Văn Thắm.

Thứ hai, tại Bản án có nêu: trong tổng số tiền 1.576.012.242.219 đồng mà Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài. Tài liệu điều tra xác định trong số tiền này có 246.603.989.000 đồng đã được chi cho Nguyễn Xuân Sơn – Phó Tổng giám đốc PVN trong thời gian từ đầu năm 2011 đến tháng 01/2014 để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn (trang 142 Bản án). Như vậy, tổng số tiền 1.576.012.242.219 đồng mà Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài, có 246.603.989.000 đồng đã được chi cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN. Điều này không cần phải chứng minh thêm về số tiền có 246.603.989.000 đồng mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt là tiền của ai? Số tiền này là tiền được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của chính Ngân hàng Oceanbank.

Thế thì tại sao Hà Văn Thắm lại đưa tiền của mình, và của ngân hàng Oceanbank cho Nguyễn Xuân Sơn để Sơn chiếm đoạt số tiền này của mình (Hà Văn Thắm). Đây là điều vô lý không thể có trong thực tế. Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa này, Hà Văn Thắm đều khai, do có chủ trương chi lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, Hà Văn Thắm và các cán bộ nhân viên của Hà Văn Thắm chi tiền lãi ngoài cho các khách hàng đã gửi tiền tại Oceanbank,  là một trong các khách hàng này nên cũng được Oceanbank chi tiền lãi ngoài hợp đồng để các khách hàng này tiếp tục gửi tiền tại Oceanbank.

Về Hà Văn Thắm đồng phạm giúp sức Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tài sản

Luật sư Đỗ Ngọc Quang bào chữa cho bị cáo tại tòa. Ảnh: Infernet

Trong trường hợp kết tội Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức bị động cho Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” cần thỏa mãn những dấu hiệu về đồng phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo khoản 1 Điều 20 BLHS, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy, để xác định Hà Văn Thắm có đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” thì phải xác định được giữa Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn phải cùng cố ý phạm tội, cùng có ý chí, cùng chung hành động phạm tội hay không.

Thứ nhất, Điều 9 BLHS năm 1999 quy định, cố ý phạm tội là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, và mong muốn hậu quả xẩy ra; hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Vận dụng quy định này, trong trường hợp cố ý phạm tội, Hà Văn Thắm phải nhận thức rõ hành vi chuyển tiền của Oceanbank cho Nguyễn Xuân Sơn để mong muốn Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền của Oceanbank; Hoặc là, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền của Oceanbank.

Tuy nhiên, khi chuyển tiền của Oceanbank cho Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm hoàn toàn không nhận thức được và không thể nhận thức được hành vi chuyển tiền của Oceanbank cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn là để giúp cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này. Khi quyết định chuyển tiền, Hà Văn Thắm chỉ nghĩ rằng, việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng, chi tiền chăm sóc khách hàng cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn để Nguyễn Xuân Sơn chuyển cho PVN sử dụng. Đây là số tiền bổ sung thêm phần lãi suất theo giá thị trường, ngoài hợp đồng gửi tiền đã ký với PVN. Hà Văn Thắm hướng đến mục đích cuối cùng là để PVN tiếp tục gửi tiền tại Oceanbank.

Thứ hai, theo quy định tại điểm 1 Mục I Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trường hợp đồng phạm  đều phải có từ 2 người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm. Nếu cùng thực hiện tội phạm mà không có sự nhất trí thì không phải là đồng phạm (thí dụ: nhiều người cùng vào hôi của ở một nhà bị cháy, nhưng không có bàn bạc trước hoặc xúi giục nhau phạm tội). Theo hướng dẫn tại Nghị quyết này, cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm được thể hiện ở chỗ, những người đồng phạm phải biết được hành vi của nhau từ trước khi thực hiện tội phạm, nên họ đã hỗ trợ lẫn nhau để hành vi phạm tội được thực hiện như mong muốn.

Vận dụng quy định này về trường hợp Hà Văn Thắm cho thấy, hành vi của Hà Văn Thắm không thỏa mãn những quy định về đồng phạm theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hà Văn Thắm không biết được hành vi chuyển tiền lãi ngoài hợp đồng, tiền chăm sóc khách hàng cho PVN đã bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt; Hà Văn Thắm hoàn toàn không mong muốn và không nhất trí để cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền của Oceanbank chuyển cho PVN. Bởi vì, nếu Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này thì chính Hà Văn Thắm bị thiệt hại nhiều nhất, không chỉ thiệt hại về tiền, mà còn mất khách hàng gửi tiền tạo Oceanbank. Trong ý thức chủ quan, Hà Văn Thắm chỉ mong muốn Nguyễn Xuân Sơn chuyển tiền chăm sóc khách hàng đến PVN để PVN tiếp tục gửi tiền vào Oceanbank. Việc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này là nằm ngoài  ý thức chủ quan của Hà Văn Thắm, hay nói cách khác, hành vi chiếm đoạt tiền của Nguyễn Xuân Sơn là hành vi vượt quá ý thức chủ quan của Hà Văn Thắm. Ngay tại khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015 cũng quy định dù có trường hợp đồng phạm đi chăng nữa thì, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Cho nên, Hà Văn Thắm không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tiền của Nguyễn Xuân Sơn có liên quan đến số tiền chăm sóc khách hàng mà Hà Văn Thắm chuyển cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn.

Thứ ba, việc kết tội Hà Văn Thắm đồng phạm với vai trò giúp sức bị động với Nguyễn Xuân Sơn phạm tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng hoàn toàn không đúng ở chỗ. Tại Bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bản án của TAND TP. Hà Nội đều cho rằng,  do PVN là loại hình doanh nghiệp với 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước; theo tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu thì trong số tiền 246.603.989.000 đồng  Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt nói trên ít nhất là 49.320.797.800 đồng (tương đương 20% vốn góp của PVN vào Oceanbank) là tiền của Nhà nước mà Sơn là một trong những người đại diện.

Nhận định và kết luận như vậy thì chính Hà Văn Thắm còn bị thiệt hại nhiều hơn. Nếu cho rằng, trong số tiền 246.603.989.000 đồng mà Oceanbank chi lãi ngoài cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn có 20% vốn cổ phần đóng góp của PVN (tương đương  49.320.797.800 đồng), thì số tiền của chính Hà Văn Thắm trong tổng số tiền này sẽ là: 155.113.909.081 đồng, tương đương 62,9% cổ phần của Hà Văn Thắm tại Oceanbank. Như vậy, Hà Văn Thắm là người sở hữu 62,9% cổ phần tại Oceanbank, nên Hà Văn Thắm không thể giúp sức cho ông Sơn chiếm đoạt, tham ô của Oceanbank, cũng có nghĩa của chính mình với số tiền 155.113.909.081 đồng trong tổng số 246.603.989.000 đồng. Tương tự như vậy, đối với số tiền 69.380.500.000 đồng của Công ty BSC và của Hà Văn Thắm chi chăm sóc khách hàng PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn giai đoạn 2009 – 2010, Hà Văn Thắm cũng không có ý thức, không mong muốn Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này.

Có thể nói, việc Hà Văn Thắm quyết định chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn số tiền 69.380.500.000 đồng, và 246.603.989.000 đồng là có thật. Lý do chuyển số tiền trên cho Nguyễn Xuân Sơn, tại các bản khai có trong hồ sơ vụ án, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, và ngay tại phiên tòa phúc thẩm này, Hà Văn Thắm đều khai rõ mang tính khẳng định rằng, đây là tiền ngân hàng Oceanbank chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, là tiền chăm sóc khách hàng của Oceanbank cho PVN vì PVN là đối tác chiến lược có số lượng tiền gửi rất lớn tại Oceanbank. Do PVN chiếm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank nên Nguyễn Xuân Sơn là người của PVN cử sang làm Tổng giám đốc Oceanbank, nên Hà Văn Thắm tin tưởng và chuyển cho PVN số tiền trên thông qua Nguyễn Xuân Sơn để Sơn chuyển cho PVN. Việc Nguyễn Xuân Sơn có chuyển cho PVN hay không, chuyển bao nhiêu, thông qua ai tại PVN hay Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này, Hà Văn Thắm hoàn toàn không biết. Cho nên không những không thể kết luận buộc tội Hà Văn Thắm đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn trong tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, mà còn phải coi Hà Văn Thắm là người bị hại trong vụ việc này. Để hiểu rõ trường hợp này có thể nêu ví dụ tương tự: Anh A đưa 20 triệu đồng của mình nhờ anh B đi mua một chiếc xe Honda. Anh B không mua Honda mà dùng 20 triệu đồng này đi mua ma túy. Trong trường hợp này, liệu có thể buộc tội anh A đồng phạm với anh B trong tội mua bán các chất ma túy được không, hay phải xác định anh A chính là người bị hại.

Xác định Hà Văn Thắm không phải là đồng phạm với vai trò người giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tài phù hợp với hướng dẫn trong Nghị quyết số 02/HĐTP/NQ ngày 16/11/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Nếu cùng thực hiện tội phạm mà không có sự nhất trí thì không phải là đồng phạm

Thứ tư, đối với Nguyễn Xuân Sơn, tại phiên tòa sơ thẩm và tại đơn kháng cáo, đều không thừa nhận mình phạm tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Việc này do Hội đồng xét xử xem xét. Tuy nhiên, liên quan đến nhận khoản tiền từ Oceanbank trong vụ án này, tại các bản khai trong hồ sơ vụ án, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, và ngay tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Xuân Sơn cũng khai rõ số tiền nhận từ Oceanbank chuyển cho PVN  từ Hà Văn Thắm chỉ là tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng, hay còn gọi là tiền chăm sóc nhóm khách hàng Dầu khí và Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển đúng địa chỉ theo yêu cầu của Hà Văn Thắm. Chính Nguyễn Xuân Sơn cũng không thừa nhận mình phạm tội chiếm đoạt tài sản. Thế thì làm sao lại có thể kết luận Hà Văn Thắm đồng phạm giúp sức Nguyễn Xuân Sơn chiếm  đoạt tài sản.

Giữa Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn không có bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan đến Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này. Do vậy, dù Nguyễn Xuân Sơn có chiếm đoạt số tiền chăm sóc khách hàng Dầu khí mà Hà Văn Thắm chuyển sang cho PVN thì Hà Văn Thắm cũng không thể có vai trò đồng phạm giúp sức nào cho Nguyễn Xuân Sơn trong vụ việc này. Cần xác định đúng Hà Văn Thắm là người bị hại đối với hành vi chiếm đoạt của Nguyễn Xuân Sơn.

Thứ năm, đối với số tiền 1.576.012.242.219 đồng mà Hà Văn Thắm cùng một số lãnh đạo Oceanbank quyết định sử dụng để chi lãi ngoài với mục đích chăm sóc khách hàng, nhằm giữ chân khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, TAND TP. Hà Nội đã xác định là hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vì hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật về trần lãi suất huy động trong từng thời kỳ, vi phạm quy định nội bộ về chế độ tài chính do Oceanbank ban hành. Hậu quả của hành vi vi phạm này là tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường tài chính, làm nguy cơ tăng lạm phát, gây tổn hại đến chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì hậu quả như trên mà Hà Văn Thắm bị kết tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, số tiền 246.603.989.000 đồng được chuyển cho PVN nằm trong tổng số tiền 1.576.012.242.219 đồng mà tổng số tiền này đã bị xử lý về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” rồi thì tại sao lại xác định số tiền 246.603.989.000 đồng được chuyển cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn, và do Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt thì Hà Văn Thắm lại còn bị buộc tội đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền này. Đây là điều vô lý vì cùng một hành vi có cùng hậu quả lại bị buộc phạm thêm một tội khác cũng do chính hành vi và hậu quả này được gây nên. Điều này vi phạm Điều 31 Hiến pháp 2013: Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. Do vậy, Hà Văn Thắm lại bị kết ở hai tội danh về một hành vi (chuyển tiền chăm sóc khách hàng) là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật hình sự.

Về nhân thân Hà Văn Thắm và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa. Ảnh: Internet

Hà Văn Thắm sinh 1972 tại tỉnh Bắc Giang trong một gia đình có truyền thống cách mạng, luôn chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo. Từ năm 1965 đến 1975, bố đẻ của Hà Văn Thắm là ông Hà Hữu Chương tham gia đội dân quân cơ động của xã, chiến đấu chống lại không quân Mỹ ném bom sân bay Kép và phục vụ chiến đấu để máy bay của không quân Việt Nam cất cánh và hạ cánh đánh trả không quân Mỹ. Anh trai của Hà Văn Thắm là Hà Trọng Bắc tham gia quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu khu vực biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc giai đoạn 1979 – 1989 để bảo vệ Tổ quốc. Chú ruột của Hà Văn Thắm là ông Hà Minh Quân tham gia quân đội, chiến đấu tại chiến trường Miền Nam chống Mỹ cứu nước, bị thương hạng 2/4. Hiện đang sinh sống tại tỉnh Bắc Giang. Cậu ruột (em ruột mẹ của Hà Văn Thắm) là ông Tô Quang Thụ, tham gia quân đội, chiến đấu chống Mỹ cứu nước và đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Bản thân Hà Văn Thắm tốt nghiệp Đại học Thương mại năm 1993; nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành tài chính ngân hàng năm 2006; tốt nghiệp lớp chính trị cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc năm 2011. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1993, Hà Văn Thắm làm việc trong doanh nghiệp thương mại; và từ năm 2003 đến nay giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Cổ phần Đại Dương. Trong suốt quá trình làm việc, Hà Văn Thắm được bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ: Ủy viên Ban chấp hành Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thành viên Hội đồng quản trị Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ tịch Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội; Đại sứ nước Cộng hòa Iceland tại Việt Nam…

Anh Hà Văn Thắm được nhận nhiều giải thưởng của Nhà nước và được phong các danh hiệu cao quý như: Doanh nhân văn hóa (năm 2009); Doanh nhân đất Việt (2010); giải thưởng Sao đỏ (2011). Hà Văn Thắm đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ngân hàng Nhà nước; Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương và rất nhiều giấy khen của nhiều cấp, nhiều ngành trong cả nước.

Trong cả quá trình hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp do Hà Văn Thắm lãnh  đạo, điều hành được xếp trong nhóm 100 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất cho Nhà nước Việt Nam như Tập đoàn Đại Dương; Công ty Khách sạn Đại Dương, Ngân hàng Đại Dương… Tổng số thuế các doanh nghiệp của Hà Văn Thắm đóng  vào ngân sách nhà nước ước chừng khoảng trên 3.000 tỷ đồng.

Do kinh doanh có hiệu quả nên các doanh nghiệp của Hà Văn Thắm đã có nhiều đóng góp cho xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong nhiều năm liên tục, mỗi năm Hà Văn Thắm đã trích quỹ của mình mua khoảng 10.000 gói quà tết tặng cho các hộ nghèo các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An…; xây khoảng hơn 1.000 nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, nhưng đang gặp khó khăn; góp 3 tỷ đồng xây tượng đài 10 nữ liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc; góp 3 tỷ đồng xây Trạm xá tại huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An; góp 3 tỷ đồng xây Trường Trung học cơ sở tại quê hương Bác Hồ - huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; chăm sóc, nhận nuôi dưỡng một số Mẹ Việt Nam Anh Hùng tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương… Phải công nhận rằng, Hà Văn Thắm đã có rất nhiều đóng góp cho xã hội. Do vậy, có thể coi đây là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt được quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015: Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Cũng cần nói thêm rằng, do chưa có thời gian chuẩn bị nên điều này chưa được trình bày tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, nên Bản án của TAND TP. Hà Nội chưa ghi nhận tình tiết này là tính tiết giảm nhẹ cho Hà Văn Thắm.

Khi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Hà Văn Thắm đã khai báo thành khẩn, tỏ rõ sự ăn năn hối cải của mình (quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015). Điều này được ghi nhận rất rõ trong Bản kết luận điều tra, trong bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát và trong Bản án số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017 của TAND TP. Hà Nội.

Việc phạm tội của Hà Văn Thắm cũng là do hoàn cảnh khách quan tạo nên, khi mà  trong giai đoạn từ 2009 đến 2014, toàn thế giới nói chung và nước ta nói riêng gặp phải cuộc khủng hoảng tài chính. Các ngân hàng  thương mại ở nước ta  giai đoạn đó rất khó huy động tiền gửi do lạm phát trong nước tăng quá cao (khoảng từ 20% đến 24%/năm), trong khi đó lãi suất ngân hàng, theo quyết định trong Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước mức trần lãi suất không được vượt quá 14%/năm. Các khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có xu hướng rút hết tiền gửi. Điều này đã buộc toàn bộ các ngân hàng thương mại trong nước phải lách luật bằng các biện pháp khác nhau để giữ khách hàng tiếp tục gửi tiền tại ngân hàng của mình như: tặng quà bằng các chỉ vàng, cây vàng khi gửi tiền; trả thêm lãi suất ngoài lãi suất ghi trong hợp đồng; chi tiền lãi ngoài hợp đồng; chi tiền chăm sóc khách hàng… Ngân hàng Oceanbank cũng bắt buộc phải thực hiện điều này nếu muốn tồn tại. Cho nên, lãnh đạo Ngân hàng Oceanbank, trong đó có Hà Văn Thắm cũng phải đưa ra quyết định chi lãi ngoài hợp đồng, chi chăm sóc khách hàng cho các khách hàng gửi tiền tại Oceanbank. Tất nhiên việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cũng như chi tiền chăm sóc khách hàng vượt lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định là vi phạm pháp luật. Nhưng hoàn cảnh  khách quan của đất nước buộc Hà Văn Thắm và một số bị cáo khác phạm tội trong vụ án này có liên quan đến việc trả thêm lãi suất ngoài lãi suất ghi trong hợp đồng; chi tiền lãi ngoài hợp đồng; chi tiền chăm sóc khách hàng. Hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm trong vụ án này có thể được coi là phạm tội trong hoàn cảnh khách quan gây nên. Đây cần được coi là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015: Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra. Tình tiết giảm nhẹ này cũng chưa được vận dụng khi kết tội Hà Văn Thắm tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Hà Văn Thắm bị điều tra, truy tố, xét xử lần này là lần đầu tiên, phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự.

Với những tình tiết nêu trên, theo quan điểm của tôi với tư cách luật sư bào chữa, kính đề nghị Hội đồng xét xử  vận dụng những quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự để đánh giá đúng tính chất và mức độ phạm tội của Hà Văn Thắm. Những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và những chứng cứ được thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy, Hà Văn Thắm không đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trong kháng cáo của mình, Hà Văn Thắm có nêu, trong trường hợp Hội đồng xét xử vẫn cho rằng, Hà Văn Thắm đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn trong một số tội có tính chiếm đoạt thì kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét 6 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhất là tình tiết “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra” để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Hà Văn Thắm. Vì dù có đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn trong tội có tính chiếm đoạt, nhưng Hà Văn Thắm không hề được hưởng lợi gì, mà chỉ có mất tiền của mình (mất 69.380.500.000 đồng từ Công ty BSC và bị thiệt hại gián tiếp từ thiệt hại của Oceanbank mà Oceanbank do Hà Văn Thắm là cổ đông chi phối).

Kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Hà Văn Thắm, nhất là các tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, đã có những đóng góp lớn cho xã hội trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra. Nếu là đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm cũng chỉ giữ vai trò đồng phạm bị động, có nghĩa không chủ động đồng phạm, hay có thể  gọi là không mong muốn đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn trong các tội về chiếm đoạt tài sản. Do vậy, nếu áp dụng hình phạt trong các tội này, kính đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt tù chung thân với Hà Văn Thắm.

Luật sư Đỗ Ngọc Quang