/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xử lý tài sản liên quan tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Xử lý tài sản liên quan tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

15/09/2023 07:36 |

(LSVN) - Bài viết nghiên cứu khái quát các quy định của pháp luật về chế tài do áp dụng lãi suất cao, vượt quá mức pháp luật cho phép. Nghiên cứu cũng làm rõ những chính sách và quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với hành vi cho vay lãi nặng xâm phạm trật tự xã hội, quyền tiếp cận tín dụng và tài sản của các cá nhân. Hành vi này bị pháp luật hình sự trừng phạt nghiêm khắc kể cả bằng biện pháp xử lý tiền vay.

Ảnh minh họa.

Quy định về chủ thể, hình thức và đối tượng cho vay trong giao dịch dân sự

Chủ thể, hình thức cho vay

Hoạt động cho vay của các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự. Các tổ chức tín dụng được phép thực hiện các nghiệp vụ cho vay bên cạnh các nghiệp vụ khác (chiết khấu, bao thanh toán, bảo lãnh, cho thuê tài chính). Theo đó, cơ chế lãi suất của các tổ chức tín dụng theo luật định được xây dựng theo hướng tự do thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay. Mặc dù vậy, các quy định về lãi suất trong lĩnh vực này (tín dụng ngân hàng) vẫn được duy trì, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ thông qua các quy định minh bạch lãi suất tiền gửi với các hoạt động giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.

Hoạt động cho vay của các tổ chức, cá nhân (không phải là các tổ chức tín dụng) được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự và các quy định liên quan dưới hình thức pháp lý là các hợp đồng vay tài sản(1). Theo quy định này thì tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật và năng lực hành vi, có tài sản hợp pháp (dưới hình thức vật, tiền) đều được phép cho vay có lãi hoặc không có lãi. Nhìn chung, các nhà làm luật dân sự không hạn chế chủ thể và số tiền cho vay, không đặt ra các điều kiện ràng buộc chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro tương tự như hoạt động cho vay trong lĩnh vực ngân hàng. Các bên tự do thỏa thuận lãi suất và số tiền, phương thức hoàn trả trong khuôn khổ cho phép nhằm bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế bên cạnh nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Song các quy định cho vay trong lĩnh vực này (dân sự) có khống chế lãi suất (trần lãi suất) được phép áp dụng. Vượt quá mức lãi suất pháp luật cho phép tùy vào từng trường hợp, người cho vay phải chịu các biện pháp chế tài khác nhau.

Đối tượng cho vay

Trên lý thuyết, đối tượng của giao dịch vay là những tài sản được pháp luật cho phép lưu thông trên thị trường. Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng…”.

Ngoại trừ một số quy định giới hạn đối với vàng, ngoại tệ chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, để bảo đảm an toàn cho thị trường tiền tệ. Các nghiên cứu trong khoa học pháp lý vẫn thường đề cập đến tài sản khác ngoài vốn tiền tệ, được định danh là vật nhằm khái quát hóa đặc tính vốn có của tài sản. Khi tính toán lãi suất bắt buộc phải quy đổi giá trị của vật sang tiền để tính theo đúng quy định(2).

Quy định về cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Hoạt động cho vay với lãi suất cao khá phổ biến trong giao dịch dân sự ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, sự an toàn, hiệu quả của hệ thống tín dụng ngân hàng. Đặc biệt với sự xuất hiện các hình thức cho vay trực tuyến buộc người vay chấp nhận lãi suất cao hơn các khoản vay qua kênh truyền thống nhằm kịp thời giải quyết các nhu cầu vốn cấp bách với các điều khoản cam kết phức tạp. Chẳng hạn, pháp luật hiện hành quy định trần lãi suất không được vượt quá 20%/năm(3). Ngay cả hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước quản lý, mức lãi cao nhất dao động từ 50-70%/năm(4). Qua đó cũng cho thấy rằng, lãi suất cho vay qua các ứng dụng của các công ty fintech (công nghệ tài chính) hiện nay thường cao hơn rất nhiều lần so với các quy định của luật. Điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc lãi suất phải bảo đảm hợp lý, không vì đơn giản thủ tục, người vay phải gánh chịu các thiệt hại như đã nêu. Các quan điểm chung hiện nay cho rằng đây là hình thức “tín dụng đen” phải bị trừng phạt, song đến nay khoa học pháp lý vẫn chưa có khái niệm chuẩn về “tín dụng đen”, cũng như chưa có nghiên cứu đầy đủ các mức độ của hành vi cho vay lãi suất cao vượt quá quy định trong lĩnh vực này. Duy nhất chỉ có Bộ luật Hình sự trước đây cũng như hiện nay có đề cập đến tội “cho vay lãi nặng”, theo đó bên cạnh cho vay lãi suất cao hơn quy định, người phạm tội phải hội đủ các điều kiện để xác định hành vi sai phạm đó cấu thành tội phạm thể hiện qua khoản thu lợi bất chính từ các giao dịch vay dân sự này.

Như vậy, yếu tố cho vay lãi suất cao hơn quy định pháp luật cho phép vẫn là điều kiện tiên quyết để xác định hành vi “cho vay lãi nặng”. Theo giải thích về từ ngữ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự(5). Tuy nhiên, để cấu thành tội phạm, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Thực tiễn hoạt động lập pháp cho thấy, việc định lượng mức lãi cao thấp như thế nào để từ đó áp dụng các biện pháp xử lý hành vi này cho phù hợp. Đây là vấn đề khá khó, vì việc xác định mức độ sai phạm trong lĩnh vực này không tránh những xung đột giữa các hành vi, biện pháp xử phạt được áp dụng. Nếu đơn thuần chỉ ấn định mức lãi giao dịch các bên không được phép thực hiện từ đó quy kết mọi hành vi cho vay với lãi suất cao hơn quy định cho phép đều là cho vay lãi nặng là chưa thuyết phục, mà cần phải xét đến nhiều yếu tố khác, kể cả mức độ sai phạm và hậu quả nguy hiểm cho xã hội đến đâu để áp dụng các biện pháp xử lý tương ứng.

Dựa vào các quy định theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì có ba biện pháp xử lý cho vay với lãi suất cao như sau:

Biện pháp bồi hoàn trong dân sự

Trong việc xác định phần lãi suất vượt quá mức quy định, Điều 468 Bộ luật Dân năm 2015 chỉ quy định chung chung “lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn... thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về thỏa thuận về lãi, lãi suất trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức pháp luật quy định thì “… mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay”.

Biện pháp xử phạt hành chính

Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tại thời điểm cho vay”. Quy định có hiệu lực trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 ban hành. Thời điểm ban hành Nghị định, lãi suất cho vay dựa theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định(6). Bên cạnh đó, với việc đặt ra các căn cứ xác định hành vi vi phạm pháp luật hành chính dựa trên tài sản cầm cố và lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, quy định này bộc lộ những hạn chế sau: lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố để điều hành chính sách tiền tệ và chống lại các hành vi cho vay nặng lãi(7). Quy định lúc bấy giờ (tại thời điểm ban hành Nghị định) phù hợp với pháp luật về lãi suất giao dịch dân sự trong quan hệ với lãi suất cấp tín dụng của các ngân hàng. Song quy định về sau (theo Bộ luật Dân sự năm 2015) đã bỏ tham chiếu lãi suất cơ bản, thay vào đó là trần lãi suất làm căn cứ xác định phạm vi giao dịch hợp pháp hoặc trái pháp luật. Ngân hàng Nhà nước cũng không còn ban hành lãi suất cơ bản từ năm 2010 đến nay. Nghị định này theo tác giả không còn hiệu lực áp dụng, cần sửa đổi bổ sung phù hợp với lãi suất theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015.

Biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ luật Hình sự năm 1999 có đề cập đến dạng tội phạm này, song chỉ cấu thành khi cho vay với “mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột”(8). Quy định không lượng hóa các khoản thu lợi bất chính trên thực tế. Pháp luật hình sự khi đó cũng không cụ thể hóa một mức lãi suất cao nhất làm căn cứ xử lý, vô hình trung gây không ít khó khăn trong việc phát hiện, cũng như xử lý tội phạm theo đúng các quy định. Ở giai đoạn này, các quy định về lãi, lãi suất vẫn dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự có đề cập lãi suất cơ bản. Theo đó, khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” (thống kê từ năm 1999 Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều mức lãi cơ bản khác nhau. Cụ thể, Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010, đến nay Ngân hàng Nhà nước không còn ban hành mức lãi suất cơ bản theo định kỳ).

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định (luôn thay đổi) ở giai đoạn này người cho vay có thể vi phạm pháp luật hình sự nhưng ở giai đoạn khác thì không vi phạm, qua đó cũng khó xác định khoản tiền thu lợi bất chính để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự. Kinh nghiệm cho thấy, quan niệm về xử lý tội phạm cho vay lãi nặng còn xuất phát từ nguy cơ xâm phạm an toàn chính sách quản lý tiền tệ, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, cương quyết sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn, Điều 175 Bộ luật Hình sự của Trung Quốc có đề cập đến hành vi này như sau: “Người nào nhận bất hợp pháp tín dụng từ các tổ chức tiền tệ rồi cho người khác vay với lãi suất cao để kiếm lời với số lượng tương đối lớn thì bị phạt tù đến 3 năm hoặc cải tạo lao động và bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền bất chính; nếu số lượng lớn, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm và bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền lời bất chính. Đơn vị nào phạm tội nói trên, thì bị phạt tiền, người trực tiếp phụ trách hoặc người chịu trách nhiệm trực tiếp khác thì bị phạt tù đến 3 năm hoặc cải tạo lao động”. Theo những viện dẫn trên, nếu nguồn tiền là những khoản vay từ ngân hàng không được bên vay sử dụng đúng mục đích mà đi cho vay lại kiếm lợi khoản chênh lệch lãi suất sẽ bị xử lý nghiêm, thay vì các quy định chỉ áp dụng đối với khoản vay trong giao dịch dân sự như theo pháp luật Việt Nam.

Những hạn chế trên được khắc phục triệt để tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Các nhà làm luật hình sự còn không dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định mà căn cứ mức trần lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2015 không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015) làm căn cứ xác định hành vi cho vay lãi nặng.

Như vậy, lãi suất cho vay vượt quá mức quy định là phạm pháp, song trong từng trường hợp hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chỉ xử lý trong khuôn khổ của quan hệ hợp đồng vay tài sản (dân sự). Điều này cũng dễ gây nhầm lẫn khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như viện dẫn trên. Cốt lõi vấn đề vẫn là xác định khoản thu lợi bất chính gồm cả số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất pháp luật cho phép và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Từ quan hệ vay tài sản qua đó đối chiếu quy định của pháp luật để xác định cấu thành tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Do đó, trách nhiệm điều tra, xác minh làm rõ khoản vay gốc, lãi suất, lãi suất vượt quá mức pháp luật cho phép để xác định các khoản thu lợi bất chính bắt buộc phải được thực hiện, tránh những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ tài chính (fintech)(9) so với giao dịch tuyền thống, cho vay qua phương thức này (ứng dụng trực tuyến) đã có những thay đổi cơ bản. Theo đó, xác lập giao dịch vay được thực hiện qua các ứng dụng lập trình, cài đặt sẵn trong các thiết bị điện tử cá nhân, bất kỳ ai cũng có quyền tìm hiểu, lựa chọn chấp thuận. Để được giải ngân tiền vay, người đi vay sau khi cài đặt ứng dụng, chỉ cần cung cấp số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và hình ảnh nhận dạng, đồng ý cho phép bên cho vay được truy cập thông tin cá nhân, chấp thuận các điều kiện vay theo mẫu. Điều này phần nào đã khẳng định các giá trị tích cực của hình thức giao dịch vay trực tuyến qua việc tương tác cao với người vay, nhanh chóng hoàn thành thủ tục để giải ngân, trở thành kênh dẫn vốn không thể thiếu được trong bối cảnh công nghệ nói chung, công nghệ tài chính nói riêng phát triển mạnh mẽ. Song giao dịch vay dưới hình thức này cũng có nhiều tồn tại, tác động đến các hoạt động vay truyền thống, hơn thế nữa nó bộc lộ những sai phạm đáng quan ngại, phần lớn là cho vay lãi nặng trái pháp luật. Hành vi này cần được nhận diện và kịp thời đề ra những giải pháp pháp lý khắc phục, mang đến những hiệu quả thiết thực.

Xử lý tài sản liên quan tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với các công cụ phương tiện thực hiện tội phạm và các khoản sinh lợi bất chính là một trong các biện pháp tư pháp được phép áp dụng. Trong quan hệ tín dụng lãi nặng, đó là: khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay; tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay; tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác. Theo các quy định này, việc phân định tài sản cho vay, lãi suất vay được pháp luật cho phép áp dụng; các khoản thu lợi bất chính là phù hợp. Qua đó, việc áp dụng các biện pháp tư pháp sẽ rõ ràng, hiệu quả cao hơn.

Tịch thu tiền lãi vay và xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý tịch thu hoặc hoàn trả cho người vay

Hành vi cho vay lãi nặng đi kèm theo đó là các khoản “thu lợi bất chính” được diễn giải “là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay”(10). Việc xác định số tiền thu lợi bất chính là yêu cầu bắt buộc nhằm đánh giá tội phạm và xử lý phần trách nhiệm dân sự. Qua đó xác định các khoản lãi suất pháp luật cho phép để xử lý dựa trên các nguyên tắc chung đối với lợi nhuận phát sinh từ giao dịch liên quan đến tội phạm. Đối với khoản tiền thu lợi bất chính theo quy định sẽ trả lại cho người vay khoản tiền người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...) thì khoản tiền thu lợi bất chính cũng bị tịch thu sung quỹ Nhà nước(11).

Hầu hết các bản án hình sự xét xử tội phạm đều tách khoản thu lợi bất chính và khoản lãi suất pháp luật cho phép các bên giao dịch. Song vấn đề đặt ra là khoản thu lợi bất chính này được tính trên cơ sở pháp lý nào trong điều kiện khoản vay có thể chưa hết hoặc đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận:

(1) Điều 6 Nghị quyết số 01/2021/ NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự về việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có nêu các trường hợp xác định số tiền thu lợi bất chính theo thời hạn vay như sau:

Trường hợp thứ nhất: Cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

Trường hợp thứ hai: Cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn. Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ở trường hợp này, cần phân định rõ giữa khoản lãi đã trả trước hạn với khoản lãi chậm trả theo các quy định của Bộ luật Dân sự(12) theo nguyên tắc tính lãi trên nợ gốc và bên vay chỉ trả lãi trên số nợ gốc đó. Quy định nhằm duy trì trật tự trong các giao dịch dân sự, tránh những rủi ro thiệt hại cho các bên. Pháp luật các nước cũng có những quy định tương tự, cụ thể, theo Điều 1895 Bộ luật Dân sự Pháp thì “Nghĩa vụ phát sinh từ việc vay tiền bao giờ cũng chỉ là số tiền ghi trong hợp đồng. Nếu tiền tăng giá hay sụt giá trước thời kỳ trả nợ, thì người nợ phải trả đúng số tiền đã ghi trong hợp đồng và chỉ phải trả số tiền đó bằng loại tiền đang lưu hành vào lúc trả nợ”. Quy định không áp dụng đối với hợp đồng cho vay vàng bạc. Nếu cho vay vàng bạc hoặc thực phẩm thì dù giá những thứ đó tăng hay giảm, người nợ bao giờ cũng phải trả đúng số lượng và chất lượng và chỉ phải trả như thế (Điều 1896, Điều 1897 Bộ luật Dân sự Pháp). Người vay phải trả lại vật đã vay đúng số lượng, chất lượng và thời hạn đã định nếu không trả được đúng như trên thì người vay phải trả một số tiền tương đương với giá trị của vật, có tính đến thời điểm và địa điểm phải trả vật căn cứ theo hợp đồng (Điều 1902, Điều 1903 Bộ luật Dân sự Pháp).

Thực tiễn nhiều trường hợp do không trả nợ lãi nên bên cho vay tính gộp lãi trả trước hạn vào nợ gốc, sau đó tiếp tục tính lãi (dân gian thường dùng thuật ngữ “lãi mẹ đẻ lãi con”, hoặc “lãi chồng lãi”). Do đó, qua kinh nghiệm cho thấy, quá trình điều tra, cần phải làm rõ khoản nợ gốc và khoản tiền lãi bên vay phải trả theo đúng quy định.

(2)  Nghị quyết số 01/2021/NQ- HĐTP còn đặt ra một số trường hợp được xem là cho vay lãi nặng sau đây(13):

(i) Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

(ii) Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ

30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

(iii) Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

(iv) Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

(v) Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.

Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tác động lớn đến trật tự tài chính, hoạt động kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng và trật tự an toàn xã hội. Tình trạng này khó có thể giải quyết dứt điểm, song với quyết tâm cao của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tác giả cho rằng việc ngăn chặn và xử lý tội phạm này theo Nghị quyết nói trên là khá nghiêm khắc, mặc dù văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân vẫn còn những tranh cãi qua thực tiễn xét xử, song đã góp phần có hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm này.

Tịch thu tiền cho vay (tiền gốc)

Việc tịch thu tiền cho vay (tiền gốc) khi xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xóa bỏ quan niệm cho rằng đây là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người cho vay nên phải hoàn trả lại cho họ. Các quy định nhìn chung xem vật, tiền dùng vào việc phạm tội chỉ hoàn trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp khi không biết việc thực hiện tội phạm và không tiếp tay thực hiện tội phạm. Do đó, cho dù tiền vay thuộc sở hữu của người cho vay được sử dụng để cho vay lãi nặng trái pháp luật bị xử lý hình sự bắt buộc phải tịch thu toàn bộ số tiền này để sung quỹ Nhà nước.

Kết luận

Mặc dù còn nhiều quan điểm khi áp dụng, song có thể thấy với việc trao quyền cho tòa án ban hành các quy định thống nhất pháp luật, cụ thể là Nghị quyết số 01/2021/NQ- HĐTP đã hướng dẫn kịp thời trong bối cảnh tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đang diễn biến phức tạp và ngày càng biến tướng, núp bóng dưới các công ty cho thuê tài chính, cho vay với tần suất cao. Nghị quyết cũng cho thấy sự quyết liệt trừng phạt thu hồi tài sản áp dụng cho cả tài sản vay có nguồn gốc hợp pháp và lãi suất tương ứng với quy định của pháp luật cho phép, song vẫn hướng đến bảo vệ quyền lợi của người vay yếu thế qua việc hoàn trả phần lãi suất cao hơn mức pháp luật quy định, thay vì tịch thu sung quỹ Nhà nước phần lãi suất trái pháp luật này. Về lâu dài, với các nhu cầu tín dụng càng tăng, nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, việc mở rộng phát triển các công ty công nghệ tài chính là cần thiết, đáp ứng nhu cầu vốn, đồng thời bảo đảm quản lý của nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

 

(1)       Xem Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(2)       Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự về xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định: “1… Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay”.

(3)       Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(4)       Xem thêm: Lương Khải Ân, Nhiều rủi ro khi lạm dụng chức năng “cho vay tiêu dùng” (https://www.thesaigontimes.vn/294438/ nhieu-rui-ro-khi-lam-dung-chuc-nang-cho-vay-tieu-dung.hdun, ngày 20/6/2022).

(5)       Xem khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP.

(6)       Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về lãi suất như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

(7)       Xem khoản 1 Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.

(8)       Theo Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999.

(9)       Fintech là viết tắt của cụm từ “financial technology” công nghệ tài chính. Fintech được hiểu chính xác là ứng dụng những cải tiến sáng tạo, thông minh của công nghệ thông tin vào trong các hoạt động dịch vụ tài chính (Finfan, Công nghệ tài chính Fintech là gì? Fintech Việt Nam 2020/FinFan, https://finfan.vn/News/cong-nghe-tai-chinh-fintech-la-gi-fintech-viet-nam-2020-finfan-1fin., ngày 25/3/2021).

(10)     Xem khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP.

(11)     Xem Điều 5 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP.

(12)     Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.

(13)      Xem Điều 7 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP.

 TS.LS LƯƠNG KHẢI ÂN

Đoàn Luật sư TP. HCM

Nguyễn Mỹ Linh