Xử lý tình trạng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật

23/04/2024 05:31 | 1 tuần trước

(LSVN) - Theo báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể, trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; trong đó văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng. Ngoài ra, có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 01 pháp lệnh, 05 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản…

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, chiều ngày 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nhìn chung, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, qua đó đã phát hiện văn bản chậm hoặc chưa được ban hành, chỉ ra một số văn bản có nội dung chưa phù hợp, chưa khả thi trên thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, từ đó đã đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản khắc phục.

So với các kỳ giám sát trước đây, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2023 đã có sự chuyển biến tích cực, đạt những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan còn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan ban hành văn bản khắc phục những thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành văn bản và báo cáo kết quả khắc phục đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng vẫn còn tồn tại. Vẫn còn nợ đọng văn bản, văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đã được kết luận, kiến nghị hướng xử lý cụ thể trong kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Trong kỳ giám sát, vẫn tiếp tục phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc rà soát và ban hành văn bản công bố danh mục văn bản hết hiệu lực còn chậm hoặc không sửa đổi các văn bản quy định chi tiết đã hết hiệu lực thi hành. Việc đăng Công báo và gửi văn bản ban hành đến các cơ quan của Quốc hội để giám sát theo quy định chưa được thực hiện nghiêm.

Theo đó, vẫn còn 33 nội dung phải quy định chi tiết thi hành của 09 Luật, 01 pháp lệnh chưa được ban hành và 05 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung; chưa bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế 11 văn bản đã hết hiệu lực.

Về cơ bản, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 07 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là: Một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản còn thiếu sự chủ động, chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết; Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu ban hành chính sách vẫn còn nhiều bất cập; Một số nội dung quy định là những vấn đề mới, khó, phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá, cần phải xin ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản và xin ý kiến chuyên gia; Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản có nội dung trái luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp thời, nghiêm minh.

Trên cơ sở kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh; tăng cường quy định trực tiếp trong các luật, nghị quyết, pháp lệnh, hạn chế thấp nhất việc phải giao quy định chi tiết.

Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: Tăng cường kiểm soát nội dung giao quy định chi tiết trong các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh được giao chủ trì thẩm tra; trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cần xác định rõ phạm vi, nội dung giao quy định chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;  chủ động giám sát, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện đúng tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Đẩy mạnh công tác rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, có dấu hiệu trái pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành và chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung còn nợ và xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản bản quy phạm pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc tiến hành giám sát một số cơ quan vẫn còn hạn chế. Do vậy, trên cơ sở kết quả giám sát lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Phát huy vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội trong việc giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cần xác định rõ nội dung phạm vi được giao quy định chi tiết theo đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật; xem xét đánh giá số lượng và chất lượng của dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo hồ sơ, tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết để hạn chế việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, chủ động giám sát, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng thực hiện đúng tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Kết hợp hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát khác như giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình, xem xét đơn thư, khiếu nại tố cáo và công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nội dung văn bản, đặc biệt là tính khả thi, cũng như tác động về kinh tế-xã hội việc chậm ban hành các văn bản hoặc ban hành các văn bản không hợp hiến, không đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan có liên quan, trao đổi ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan có liên quan về các vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh, làm rõ để xây dựng báo cáo đồng bộ, thống nhất, đầy đủ thông tin của các cơ quan, gửi Đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan thực hiện. Đối với các lĩnh vực phát hiện có sai sót, mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi, các cơ quan phát hiện cần trực tiếp làm việc với các cơ quan để xử lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

TRẦN VINH (t/h)

Cần giải quyết những vướng mắc khi xây dựng Luật QHĐT&NT