Xung quanh việc 2.000 công nhân Công ty GFT Việt Nam dừng việc tập thể để đòi quyền lợi

22/11/2017 23:22 | 6 năm trước

LSVNO - Luật sư Việt Nam Online nhận được phản ánh của nhiều công nhân đang làm việc tại Công ty GFT Việt Nam về tình trạng công nhân đi vệ sinh khi không có thẻ bị phạt tiền 200 – 500 nghìn đồng; l...

LSVNO - Luật sư Việt Nam Online nhận được phản ánh của nhiều công nhân đang làm việc tại Công ty GFT Việt Nam về tình trạng công nhân đi vệ sinh khi không có thẻ bị phạt tiền 200 – 500 nghìn đồng; làm tăng ca đến 22h hàng ngày mà không đủ sản lượng thì chỉ được hưởng tiền tính tới 16h.

Nhận được thông tin phản ánh, PV có mặt tại Công ty GFT Việt Nam tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, bảo vệ của công ty này không cho PV vào với lý do không có lãnh đạo nào làm việc ở trong Công ty.

Trụ sở Công ty GFT Việt Nam tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, ngày 17/11/2017, khoảng 2.000 công nhân tại 03 tổ sản xuất của Công ty GFT Việt Nam dừng việc tập thể để đề nghị Công ty giải quyết một số việc như sau: Đề nghị công ty trả 20.000 đồng cho công nhân làm vượt giờ trong tháng 10/2017; Công nhân làm không đạt sản lượng không bị trừ, làm giờ nào thì hưởng giờ đó; Nếu công nhân vi phạm sẽ xử lý theo quy định của công ty thì sẽ xử lý như thế nào? Mỗi chuyền cấp 05 thẻ đi vệ sinh; Công ty tổ chức làm việc và tăng ca không quá 20h hàng ngày; Nước cho công nhân uống phải đảm bảo vệ sinh; Công nhân đi làm muộn không được khóa máy dập thẻ; Bộ phận không được tự ý trừ tiền hay phạt tiền của cán bộ công nhân viên; Toàn thể công nhân trong công ty phải có tháng lương thứ 13.

Hiện, Công ty GFT Việt Nam được UBND tỉnh Hải Dương cho phép hoạt động với Giấy phép kinh doanh số 041043000119 ngày 04/10/2012 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2013. Công ty sản xuất sản phẩm đồ chơi trẻ em, với khoảng 7.000 công nhân, chủ yếu là phụ nữ.

Theo nguồn tin được biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đây là lần thứ 2 công nhân làm việc tại Công ty GFT Việt Nam phải dừng việc tập thể để đòi quyền lợi cho mình. Việc này ảnh hưởng tới rất nhiều công nhân vì không làm việc thì công nhân không có lương và gây hoang mang, lo lắng cho những công nhân khác trong công ty.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sẫm (Chủ tịch huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “Về vấn đề này, chúng tôi đã giao cho Liên đoàn Lao động rồi thì Phòng Lao động Thương binh và Xã hội xuống trực tiếp để giải thích và cũng là trực tiếp với công ty. Còn công an huyện sẽ đảm nhiệm việc an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các khu vực đấy, không để xảy ra đối tượng lợi dụng để gây rối trật tự công cộng. Sau khi doanh nghiệp tiếp thu thì công nhân lại vào làm việc rồi ”.

Phóng viên đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Tuyết (Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tứ Kỳ). Bà Tuyết thừa nhận việc công nhân của Công ty GFT Việt Nam dừng việc tập thể để đề nghị công ty giải quyết một số vấn đề, thắc mắc là có thật.

Do những người quản lý ở 03 tổ A, B và E có khoảng 2.000 công nhân đã xảy ra tình trạng “phạt công nhân, phạt nóng nên người ta mới điên tiết người ta đình công chứ không phải cả công ty người ta đình công và cũng không phải công nhân tự nhiên đình công. Ngoài ra, bên Liên đoàn Lao động huyện đã đề nghị tăng tiền ăn thêm cho công nhân và một số phúc lợi khác như chỉ được làm tăng ca đến 20h hàng ngày (mọi ngày công nhân phải làm từ 7h30–22h -PV)”. – bà Tuyết cho biết thêm.

Thế nhưng, theo anh Khá (đại diện phụ trách công ty) cho hay: Hôm đó, công nhân dừng việc tập thể chỉ có mấy trăm công nhân và chỉ rơi vào 01 bộ phận.

Báo cáo số 30/BC-LĐTBXH do ông Vũ Văn Quân – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tứ Kỳ ký ngày 21/11/2017.

Theo Báo cáo gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, số 30/BC-LĐTBXH do ông Vũ Văn Quân (Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tứ Kỳ) ký ngày 21/11/2017 thì thấy: Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động huyện đã làm việc với lãnh đạo công ty, tham gia đối thoại giữa đại diện công ty và công nhân.

Tại buổi đối thoại, đại diện công ty đã cam kết thực hiện ngay (gần hết) các đề nghị của công nhân. Còn vấn đề lương thứ 13, Công ty sẽ căn cứ vào lợi nhuận kinh doanh cuối năm để có kế hoạch thưởng lương thứ 13 cho công nhân và sẽ có thông báo cụ thể để người lao động nắm được.

 Điều 106 Luật Lao động

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

 

Như vậy, việc công nhân dừng việc tập thể để đòi công ty cam kết, thực hiện vì những vấn đề trên là do sự quản lý và những chính sách đãi ngộ của công ty đối với người lao động chưa được thỏa đáng. Ngoài ra, môi trường làm việc của công nhân làm việc trong khoảng thời gian dài hàng ngày với điều kiện ra sao?

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

 

Đoàn Vĩnh