Bạc Liêu: Một bản án tranh chấp đất đai cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm

04/07/2023 14:15 | 10 tháng trước

(LSVN) - Ngày 31/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Đào Vĩnh Bạch và bị đơn là ông Nguyễn Thanh Tuấn đối với tài sản tranh chấp là quyền sử dụng đất tọa lạc ấp 2, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Nội dung vụ án

Vào năm 1989, ông Bạch có chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Ưa (đã chết) phần đất trồng lúa với diện tích khoảng 1000m với giá 3 dạ lúa, việc chuyển nhượng hai bên có làm giấy tay và có người chứng kiến là bà Nguyễn Thị Út con gái của ông Ưa cùng ký tên. Sau khi chuyển nhượng ông Bạch là người trực tiếp canh tác, tuy nhiên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có kê khai tại sổ địa chính của UBND xã Tân Phong vào năm 2008.

Năm 1991 vợ chồng ông Tuấn, bà Thủy (bà Thủy là con ruột của ông Bạch) không có chỗ ở nên có hỏi mượn ông 01 phần đất ngang 4m, dài khoảng 20m để cất nhà ở tạm, hai bên thỏa thuận khi nào ông Bạch có nhu cầu sử dụng thì lấy lại. Tuy nhiên đến năm 2003 khi Nhà nước có chủ trương mở rộng Quốc lộ 1A, ông Bạch lấy lại đất thì ông Tuấn bà Thủy không đồng ý. Ông Bạch khởi kiện lên Tòa án nhân dân thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu ông Tuấn, bà Thủy trả lại phần đất có diện tích nêu trên. Trong quá trình khởi kiện, ông Tuấn, bà Thủy có đơn yêu cầu phản tố đề nghị ông Bạch và những người liên quan sinh sống trên đất phải trả lại phần diện tích 780,5m.

Tại Bản án số 75/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đào Vĩnh Bạch, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn buộc ông Bạch và những người liên quan di dời tháo dỡ để giao trả cho ông Tuấn, bà Thủy. Ông Bạch có kháng cáo bản án nêu trên.

Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, theo đó, Bản án phúc thẩm số 68/2023/DS-PT ngày 31/3/2023 tuyên bác không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Bạch, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vì sao phải giám đốc thẩm?

Về tố tụng

Một là, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ lời khai của bà Nguyễn Thị Út để làm căn cứ giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục. Đồng thời, lời khai của bà Út trong suốt quá trình tố tụng cũng còn nhiều điểm mâu thuẫn, lúc thì bà Út xác định trả nhiều lần, lúc thì xác định trả một lần. Việc có mâu thuẫn giữa lời khai của đương sự mà Tòa án nhân dân thị xã Giá Rai không tiến hành hoạt động tố tụng đối chất theo Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là chưa khách quan trong giải quyết vụ án.

Hai là, Tòa án nhân dân thị xã Giá Rai chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, cụ thể theo Công văn số 272 ngày 27/12/2021 của Tòa án nhân dân thị xã Giá Rai yêu cầu cơ quan chuyên môn Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Giá Rai xác định phần diện tích đất tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa, tuy nhiên tính đến ngày xét xử sơ thẩm 28/9/2022 chưa có văn bản trả lời mà Tòa án thị xã Giá Rai vẫn đưa vụ án ra xét xử. 

Mặt khác, tại trang số 9 bản án sơ thẩm có đoạn: “Xác định ngày 28/9/2022 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Giá Rai thì phần đất hiện các đương sự cất nhà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”. Như vậy, phiên tòa diễn ra ngày 28/9/2022, tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát đã xác nhận chưa có văn bản trả lời mà Tòa án nhận định như vậy là chưa đúng, chưa có cơ sở.

Thực tế, tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã cung cấp cho Tòa án bản sao chứng thực tờ cớ mất giấy tờ ngày 15/12/2002 và đề nghị Tòa án ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ về giấy sang nhượng giữa ông Bạch và ông Ưa, đồng thời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Giá Rai cũng đề nghị tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để thu thập thêm tài liệu chứng cứ mới đủ căn cứ đưa vụ án ra xét xử, đảm bảo quyền lợi cho các đương sự trong vụ án nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã không tiến hành tạm ngừng mà tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Ba là, khi sang nhượng diện tích đất nêu trên giữa ông Bạch và ông Ưa, có ông Nguyễn Văn Hương là con của ông Ưa chứng kiến nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm việc với những người con của ông Bạch, ông Ưa để làm rõ việc sang bán đất là chưa giải quyết toàn diện. Đồng thời, tất cả các người con của ông Bạch ngoài bà Thủy đều xác nhận phần đất tranh chấp là của ông Đào Vĩnh Bạch nhận chuyển nhượng của ông Ưa và cho vợ chồng bà Thủy ở nhờ.

Bốn là, ông Bạch khởi kiện lên Tòa án buộc ông Tuấn, bà Thủy trả lại phần đất có diện tích 86m (ngang khoảng 4m, dài 20m) nhưng Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm, phúc thẩm lại tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Tuấn, buộc ông Bạch và những người có liên quan trả lại phần diện tích 780,5m (theo đo đạc thực tế là 1.000,1m chưa trừ bảo lưu lộ giới) là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu theo khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung

Một là, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xem xét hết các chứng cứ trong vụ án, đối với phần diện tích tranh chấp mà ông Tuấn cho rằng nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Ưa, bà Nguyễn Thị Út với giá chuyển nhượng là 4 dạ lúa, quy ra là 20.000 đồng. Việc chuyển nhượng này có làm giấy tay với nhau và có vợ chồng ông Tuấn, ông Ưa, bà Út ký tên, ngoài ra không còn ai khác. Giấy chuyển nhượng do ông Tuấn giữ, tuy nhiên do thời gian quá lâu nên bị thất lạc hiện không còn.

Như vậy, cùng một thửa đất tranh chấp nhưng phía ông Bạch có cung cấp “Tờ nhượng đất ruộng” ngày 05/02/1989, còn phía ông Tuấn không cung cấp được giấy tờ gì chứng minh. Theo đó, tại tờ nhượng đất ruộng ngày 05/02/1989 thể hiện ông Nguyễn Văn Ưa có đồng ý chuyển nhượng cho ông Đào Vĩnh Bạch phần đất ruộng dài 100m ngang 60m trong đó có diện tích đất tranh chấp.

Hai là, phần đất tranh chấp nêu trên nằm trong khối diện tích mà ông Bạch đã sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay, tuy chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã được ông Bạch kê khai tại sổ địa chính của Ủy ban nhân dân xã Tân Phong vào năm 2008. 

Ba là, trong suốt quá trình trước và trong tố tụng, ông Tuấn cũng nhiều lần xác định ông Bạch là người mua và đứng tên trên giấy sang nhượng, cụ thể tại đơn khiếu nại ngày 30/11/2006, đơn tường thuật của ông tuấn ngày 02/6/2005, ngày 30/11/2006,….

Bốn là, nguồn gốc đất đã được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính pháp lý thông qua các văn bản như Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 09/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; Báo cáo số 141/BC-TTT ngày 21/12/2015 của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu xác minh ông Đào Vĩnh Bạch là người nhượng đất của ông Nguyễn Văn Ưa; Báo cáo số 93/BC-TTT ngày 25/9/2014 của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cũng xác định ông Bạch là người đứng tên trên giấy mua đất; Tờ trình số 14/TTr-TTT ngày 23/02/2016 của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, Tờ trình số 97/TTr-TTT ngày 02/7/2018,…

Từ những căn cứ trên, có thể thấy, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã chưa xét toàn diện khía cạnh của vụ án, đồng thời có nhiều vi phạm tố tụng không thể khắc phục được, cần thiết được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam, ông Bạch cho biết đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hy vọng vụ việc sẽ sớm được giải quyết dứt điểm đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

NGUYỄN THÀNH - NGỌC OANH