Bàn về hình phạt tiền và các hình phạt, biện pháp phạt khác liên quan

26/01/2024 22:53 | 3 tháng trước

(LSVN) - Hình phạt tiền là một loại hình phạt trong hệ thống hình phạt được quy định với tính chất vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Do vậy, hình phạt này có nhiều điểm tương đồng với các biện pháp cưỡng chế hình sự khác, nhất là những biện pháp trách nhiệm pháp lý, những hình phạt và biện pháp tư pháp có những nội dung giống hình phạt tiền. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác biệt, đòi hỏi phải làm rõ, để hiểu và áp dụng đúng đắn trên thực tế.


Ảnh minh họa.

1. Hình phạt tiền với hình phạt tịch thu tài sản

Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành với nội dung là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Nếu so sánh hình phạt tiền với hình phạt tịch thu tài sản thấy rằng, hai hình phạt bổ sung này có một số điểm giống nhau cơ bản đó là:

- Đều được quy định là hình phạt bổ sung;

- Tiền và tài sản bị tước đều được nộp vào ngân sách nhà nước;

- Đều là những biện pháp tác động về đến kinh tế đối với người bị kết án để đạt được mục đích của hình phạt.

Tuy nhiên, hai hình phạt này khác nhau ở những điểm sau đây:

1.1. Về nội dung, tính chất và phạm vi áp dụng

Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của đối tượng bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước; còn hình phạt tiền là tước một khoản tiền nhất định của đối tượng bị kết án để nộp vào ngân sách Nhà nước. Như vậy, đối tượng mà nhà nước tước bỏ của người bị kết án hoặc pháp nhân thương mại bị kết án trong hình phạt tiền chỉ là một khoản tiền nhất định; còn đối tượng mà Nhà nước tước bỏ của người bị kết án trong trường hợp tịch thu tài sản là toàn bộ hay một phần tài sản của người đó. Tài sản mà Tòa án tuyên bố tịch thu không nhất thiết phải là tiền mà còn có thể là những tài sản khác như: hiện vật, giấy tờ có giá trị như tiền,... Những tài sản này có thể đang do người bị kết án trực tiếp chiếm giữ, quản lý và cũng có thể là tài sản mà người bị kết án đang cho vay, cho thuê, cầm cố, gửi ở ngân hàng, quỹ tín dụng, … trừ tài sản, đồ vật là tang vật của vụ án, bởi tang vật của vụ án đương nhiên bị tịch thu và xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành.

Tịch thu tài sản theo quy định của BLHS chỉ là hình phạt bổ sung; còn hình phạt tiền vừa được quy định là hình phạt chính vừa được quy định là hình phạt bổ sung. Điều đó có ý nghĩa là hình phạt tịch thu tài sản trong mọi trường hợp chỉ được áp dụng kèm theo một hình phạt chính khác. Trong khi đó, hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính có thể được áp dụng độc lập mà không phải kèm theo một hình phạt nào khác.

Hình phạt tịch thu tài sản theo quy định tại Điều 45 BLHS hiện hành chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác mà BLHS quy định. Trong khi đó hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định; hoặc người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác (khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015). Hình phạt tiền áp dụng đối với hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tham nhũng, ma túy, những tội phạm khác trong BLHS quy định (khoản 2 Điều 35 BLHS), không phụ thuộc vào những tội phạm này thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghĩa là có thể áp dụng đối với cả tội ít nghiêm trọng. Như vậy, phạm vi tội phạm được áp dụng hình phạt tiền rộng hơn nhiều hơn so với hình phạt tịch thu tài sản.

1.2. Về căn cứ; định lượng tiền, tài sản khi áp dụng 

Khi quyết định hình phạt tiền, Tòa án sẽ chọn một mức tiền nhất định để tuyên bố tước của đối tượng bị kết án sung công quỹ nhà nước tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, tình hình tài sản, thu nhập, tài chính, hoàn cảnh của đối tượng bị kết án, có xét đến biến động của giá cả. Trong khi đó, mức tài sản mà tòa án tuyên bố tịch thu của người bị kết án có thể chỉ là một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu riêng của người bị kết án tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, tình hình tài sản của người bị kết án, nhất là những tài sản bất hợp pháp do phạm tội mà có. BLHS không quy định mức tối thiểu cũng như mức tối đa tài sản bị tịch thu như mức phạt tiền. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc nhân đạo, khi quyết định tịch thu toàn bộ tài sản của người bị kết án, Tòa án vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

1.3. Về đối tượng bị áp dụng hình phạt

Đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền bao gồm cá nhân người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án. Còn đối tượng bị áp dụng hình phạt tịch thu tài sản chỉ có thể là cá nhân người bị kết án (Điều 45 BLHS).

2. Hình phạt tiền với biện pháp tịch thu vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm 

Hình phạt tiền và biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm đều là những biện pháp mang tính cưỡng chế được quy định trong BLHS. Đối tượng bị áp dụng có thể là cá nhân phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Tuy nhiên, hình phạt tiền và biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm có một số điểm khác nhau sau:

Một là, về tính chất và hậu quả pháp lý: Hình phạt tiền là một trong những hình phạt được quy định trong BLHS, do vậy khi đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền sẽ để lại án tích trong một thời hạn nhất định (điểm a, khoản 2 Điều 70 BLHS). Còn biện pháp tịch thu vật, tiền không phải là hình phạt mà chỉ là một trong những biện pháp tư pháp, do vậy không để lại án tích đối với đối tượng bị áp dụng.

Hai là, về đối tượng áp dụng: Hình phạt tiền áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân bị kết án. Còn biện pháp tịch thu tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm được áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân phạm tội, không đòi hỏi đã bị kết án.

Ba là, về thẩm quyền áp dụng: Hình phạt tiền chỉ do Tòa án áp dụng, còn biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm thì ngoài Tòa án, còn có thể do các cơ quan tiến hành tố tụng khác áp dụng.

Bốn là, về khoản tiền, vật bị tước hoặc tịch thu: Khoản tiền phạt bị Tòa án tuyên bố tước bỏ của đối tượng bị kết án sung công quỹ nhà nước là khoản tiền bất kỳ; còn tiền, vật bị các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tịch thu phải là tiền, đồ vật trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Theo quy định tại Điều 47 BLHS hiện hành thì khoản tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm bao gồm:

- Công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội; 

- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán đổi chác những thứ ấy mà có, hoặc thu lợi bất chính từ việc phạm tội; 

- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

Năm là, về mục đích áp dụng: Khoản tiền phạt bị Tòa án tuyên bố tước của đối tượng bị kết án là để để sung công quỹ nhà nước. Còn tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm bị các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tịch thu là ngoài để sung công quỹ nhà nước (nếu là tiền hoặc tài sản), hoặc còn để tiêu hủy (nếu là vật không có giá trị hoặc không sử dụng được).

Thứ sáu, về thời điểm áp dụng: Hình phạt tiền được tòa án quyết định áp dụng đối với đối tượng bị kết án ở giai đoạn xét xử vụ án hình sự; còn biện pháp tịch thu tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm được các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào khi có căn cứ luật định.

3. Hình phạt tiền với biện pháp phạt tiền với tính chất là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính 

Hình phạt tiền với phạt tiền là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính có những điểm giống nhau: Đều là chế tài pháp lý áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật; chủ thể vi phạm đều phải nộp một khoản tiền để sung vào công quỹ nhà nước. Tuy nhiên, hai biện pháp phạt tiền này còn có những điểm khác nhau sau đây:

Một là, về tính chất: Hình phạt tiền là chế tài hình sự được quy định trong BLHS, còn phạt tiền với tính chất là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, đối tượng áp dụng: Hình phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại bị kết án theo quy định của pháp luật hình sự; còn phạt tiền với tính chất là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì phải xử phạt vi phạm hành chính.

Ba là, về chủ thể có thẩm quyền áp dụng: Hình phạt tiền là do Tòa án quyết định áp dụng đối với những đối tượng bị kết án trong giai đoạn xét xử, còn phạt tiền với tính chất là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là do nhiều cơ quan, tổ chức quyết định áp dụng tùy theo từng lĩnh vực, vi phạm cụ thể như: Công an, Ủy ban nhân dân, Thanh tra chuyên ngành, Hải quan, Thuế,...

Bốn là, về mức tiền phạt áp dụng: Đối với hình phạt, mức tiền phạt được quy định tại BLHS tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhưng thấp nhất không dưới 1.000.000 đồng đối với cá nhân bị kết án (khoản 3 Điều 35 BLHS) hoặc thấp nhất không dưới 50.000.000 đồng đối với pháp nhân thương mại bị kết án (khoản 2 Điều 77 BLHS). Còn đối với phạt tiền với tính chất là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành có liên quan. 

Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản giữa hình phạt tiền với các loại hình phạt và các biện pháp phạt tiền khác có liên quan. Nắm vững những điểm giống và khác nhau cơ bản này, cơ quan và người có thẩm quyền mới có căn cứ, cơ sở thể áp dụng một cách đúng đắn các biện pháp xử phạt xảy ra trong thực tiễn đối với đối tượng có hành vi vi phạm.

HỒ QUÂN

Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin

Từ khoá : lsvn.vn LSVN hình phạt