Bàn về phương thức kiện dân sự để bảo vệ quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản

15/12/2023 22:26 | 5 tháng trước

(LSVN) - Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là các quyền dân sự cơ bản của cá nhân, tổ chức được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản xảy ra rất phổ biến. Do đó, nhà nước ta đã có các biện pháp để bảo vệ các quyền đó của chủ sở hữu tài sản thông qua các phương thức khác nhau, trong đó kiện dân sự là một trong những phương thức hữu hiệu để cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của mình. Bài viết này sẽ tập trung làm rõ các phương thức kiện khác nhau, cũng như ưu, nhược điểm của các phương thức đó và hướng hoàn thiện về kiện dân sự để bảo vệ các quyền đối với tài sản.

Ảnh minh họa.

Phương thức kiện dân sự được hiểu là phương thức để bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được áp dụng khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể tự mình bảo vệ được quyền sở hữu trước hành vi xâm hại của chủ thể khác gây ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền của của mình. Xuất phát từ tính chất đa dạng trong sự xâm phạm tới quyền sở hữu mà phương thức kiện dân sự cũng có rất nhiều loại khác nhau và được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể như: kiện đòi lại tài sản, kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.

Thứ nhất, phương thức kiện đòi lại tài sản (hay kiện vật quyền).

Theo đó, kiện đòi lại tài sản là một phương thức kiện dân sự khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản cho mình được quy định tại Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015. Kiện đòi lại tài sản được áp dụng khi đáp ứng được các điều kiện như tài sản phải hiện còn, tài sản rời khỏi chủ sở hữu không theo ý chí của họ hoặc tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của họ nhưng người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch với người không có quyền định đoạt tài sản và xác định được người đang thực tế chiếm hữu tài sản.

Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định riêng về thời hiệu khởi kiện đòi lại tài sản mà thời hiệu được áp dụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo quy định này thì kiện đòi lại tài sản là trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do vậy, khi quyền sở hữu bị xâm phạm, chủ sở hữu bị mất quyền chiếm hữu đối với tài sản của mình thì chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại tài sản bất cứ lúc nào mà không bị giới hạn về mặt thời gian, trừ trường hợp người chiếm hữu đó đã được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo thời hiệu.

Thứ hai, phương thức kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.

Trước tiên, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền chủ động yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật chấm dứt hành vi đó. Nếu không có kết quả thì mới đến Tòa án để khởi kiện theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Dân sự năm 2015. Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp được áp dụng khi đáp ứng được điều kiện như người bị kiện phải có hành vi cản trở chủ thể thực hiện quyền đối với tài sản, hành vi đó vẫn đang tồn tại hoặc chưa chấm dứt và cuối cùng hành vi đó là trái với quy định của pháp luật.

Thứ ba, phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (hay kiện trái quyền).

Kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản là việc chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu phải bồi thường thiệt hại cho mình được quy định tại Điều 170 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trước hết, kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được áp dụng khi đáp ứng được bốn điều kiện như tài sản là đối tượng của hành vi trái pháp luật mà người khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu hoặc trong một số trường hợp là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản theo quy định của pháp luật và hiện không còn tồn tại hoặc còn tồn tại nhưng bị suy giảm giá trị sử dụng; người khởi kiện phải xác định được các thiệt hại do hành vi xâm phạm đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của mình để làm cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại từ người có hành vi vi phạm; người khởi kiện phải chứng minh được khả năng bồi thường của người bị kiện và phải trong thời hiệu khởi kiện.

Chủ sở hữu trước đây của tài sản kiện bồi thường thiệt hại khi tài sản của mình đã được xác lập cho chủ thể mới theo quy định tại Điều 167, 168 và 236 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghĩa là, người chiếm hữu hợp pháp bán tài sản cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu hợp pháp phải bồi thường giá trị tài sản. Ví dụ, A cho B mượn tài sản, xong B bán cho C là người ngay tình thì A kiện B đòi bồi thường thiệt hại.

Người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với chủ thể đã có hành vi xâm phạm đến quyền chiếm hữu của mình, gây thiệt hại cho lợi ích của mình. Ví dụ, người thuê nhà hợp pháp có quyền kiện đòi bồi thường khi người hàng xóm đã có hành vi gây hư hỏng nhà thuê. Người thứ ba ngay tình được kiện đòi bồi thường thiệt hại khi tài sản được trả về cho chủ sở hữu đích thực, họ có quyền đòi người đã xác lập giao dịch với mình phải hoàn trả số tiền mà họ đã bỏ ra để có được tài sản đó theo quy định tại Điều 582 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bảo vệ quyền sở hữu bằng phương thức kiện dân sự đã mang lại cho chủ thể quyền khả năng đảm bảo về trách nhiệm chấm dứt hành vi trái pháp luật, trả lại tài sản hay bồi thường thiệt hại từ người bị kiện. Có thể khái quát những ưu điểm của phương thức kiện dân sự trong việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:

Một là, đây là phương thức mang tính thực tế rất lớn. Mục đích lớn nhất của chủ thể khi sử dụng phương thức kiện dân sự để nhằm bảo vệ quyền sở hữu của mình chính là việc khôi phục lại tình trạng ban đầu về mặt vật. Sau khi áp dụng các phương thức bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp này, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có thể khôi phục lại trạng thái tài sản ban đầu hoặc được bù đắp về mặt vật chất cho những xâm phạm đến quyền sở hữu của họ nên nó đáp ứng được lợi ích cơ bản.

Hai là, phương thức kiện dân sự được áp dụng một cách phổ biến bởi lẽ việc xâm phạm tài sản mang tính chất dân sự diễn ra rất phổ biến, các chủ thể có thể áp dụng các phương thức kiện dân sự một cách dễ dàng bằng việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu chủ thể vi phạm bồi thường thiệt hại.

Ba là, phương thức kiện dân sự tạo điều kiện rất thuận lợi và dễ dàng cho mọi chủ thể có quyền sở hữu bị xâm phạm có thể tự mình chủ động thực hiện phương thức này. Phương thức kiện dân sự tuân theo thủ tục tương đối nhanh gọn, khắc phục nhanh chóng tình trạng rườm rà, hơn nữa khi các chủ thể đã đệ đơn yêu cầu Toà án ra quyết định buộc chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu chấm dứt hành vi, bồi thường thiệt hại hoặc đòi lại tài sản cho mình nhưng vẫn có thể được quyền thoả thuận và rút lại đơn khởi kiện.

Ngoài những ưu điểm nêu trên thì phương thức kiện dân sự còn tồn tại một số hạn chế như: Khi khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền của mình, người có  quyền buộc phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung của việc khởi kiện, các bên sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn để tham gia quá trình theo kiện.  Bên cạnh đó, tâm lý các bên khi tham gia quá trình tố tụng tại Tòa dẫn đến thái độ đối kháng và thiếu thiện chí trong quá trình giải quyết vụ việc, dễ gây ra bất hòa cho các bên khi tham gia các giao dịch dân sự. Ngoài ra, quá trình thi hành án trên thực tế cũng là một vấn đề phức tạp trong việc bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp trên thực tế.

Tiếp đó, còn bất cập trong quy định người có quyền khởi kiện đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền này. Quy định như vậy là không hợp lí, cần phải quy định quyền này đối với cả người chiếm hữu hợp pháp tài sản. Mặt khác, Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật cho cả chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp. Trên tinh thần đó, nếu Điều 168 chỉ quy định quyền cho chủ sở hữu khi đối chiếu với Điều 166 sẽ thiếu thống nhất.

Cuối cùng là về quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi được yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại từ người đã trực tiếp chuyển giao tài sản cho mình. Quy định này rất logic về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế việc áp dụng không khả thi. Bởi lẽ, chỉ có thể áp dụng quy định này khi tìm được người đã chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình và người bồi thường phải có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Điều kiện thứ nhất khó thỏa mãn vì người đã chuyển giao tài sản sau khi thực hiện giao dịch xong thì đã đạt được lợi ích của họ nên thường tìm cách xóa tin tức để tránh trách nhiệm sau này, còn điều kiện thứ hai phụ thuộc vào điều kiện thứ nhất có tồn tại hay không và cũng thường gặp những phức tạp như người phải thực hiện nghĩa vụ không có khả năng bồi thường hoặc tìm cách không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế xảy ra thì cần phải có những biện pháp để hoàn thiện về phương thức kiện dân sự để bảo vệ các quyền đối với tài sản, cụ thể như: Đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự; cần đảm bảo tính thống nhất giữa Điều 166 và Điều 168 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền đòi lại tài sản đó là cho phép người chiếm hữu hợp pháp có quyền kiện đòi tài sản để bảo vệ quyền lợi cho mình và cho chủ sở hữu; cần có những quy định cụ thể để bảo vệ người thứ ba ngay tình một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhằm đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự tránh gây nhiều xáo trộn, đồng thời nhằm thúc đẩy giao dịch dân sự phát triển trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Có thể tham khảo quy định của pháp luật các nước điển hình trên thế giới, đó là trong trường hợp tài sản của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp bị mất hoặc bị lấy cắp thì có quyền đòi lại vật từ người chiếm hữu ngay tình trong một thời hạn nhất định nhưng người này có quyền kiện lại người đã chuyển giao tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.

Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là các quyền cơ bản của chủ thể được nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận và phân biệt nhiều phương thức kiện dân sự để bảo vệ các quyền đó. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, phương thức kiện dân sự vẫn tồn tại thiếu sót. Điều này gây ra nhiều khó khăn khi giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp. Do vậy, sửa đổi, bổ sung hợp lý và ngày càng hoàn thiện pháp luật, đồng thời, nâng cao hiểu biết của người dân, trình độ của hệ thống cơ quan xét xử là những biện pháp để nâng cao hiệu quả của phương thức kiện dân sự trong việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.

PHẠM VĂN PHƯƠNG

Toà án quân sự Quân khu 7

Đề nghị cân nhắc không quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong Pháp lệnh Chi phí tố tụng