Bàn về quy định liên quan người bào chữa tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự

01/12/2023 23:03 | 5 tháng trước

(LSVN) - Quyền được bào chữa là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc gắn liền với quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp quy định, nhà nước có trách nhiệm phải bảo đảm cho người bị buộc tội khi tham gia hoạt động tố tụng. Trong thực tiễn, người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa bằng cách tự bào chữa hoặc nhờ người khác theo quy định của luật để bào chữa cho mình và có thể kết hợp cả hai. Thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự không chỉ góp phần bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, toàn diện, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm mà còn góp phần bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì người bào chữa có thể là:

“a. Luật sư;

b. Người đại diện của người bị buộc tội

c. Bào chữa viên nhân dân;

d. Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS, những người có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa đã được mở rộng hơn so với trước đây. Theo đó, bên cạnh Luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì trợ giúp viên pháp lý cũng có thể trở thành người bào chữa miễn phí cho các đối tượng chính sách được trợ giúp pháp lý. Đây là một điểm mới, nhằm bảo đảm tốt nhất về việc bào chữa cho người phạm tội, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, xung quanh nội dung này còn có các quan điểm: 

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc mở rộng quy định về người bào chữa như trên là một quy định mới phù hợp để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người bị buộc tội và cần mở rộng đối tượng người bào chữa quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS. Điểm b khoản 2, Điều 72 BLTTHS mới chỉ quy định người bào chữa có thể là “người đại diện của người bị buộc tội”.

Xem xét trong điều kiện xã hội hiện nay, không phải bị cáo nào cũng có điều kiện kinh tế để nhờ luật sư bào chữa cho mình. Trong khi nhiều trường hợp ông, bà, bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng, bạn bè thân thích của bị cáo có đủ trình độ hiểu biết pháp luật; không thuộc trường hợp cấm không được làm người bào chữa và được bị cáo nhờ bào chữa thì những người này có được làm người bào chữa cho bị cáo không thì chưa có quy định và cần được cấp có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời.

Theo đó, quan điểm này cho rằng cần mở rộng phạm vi người có quyền bào chữa. Ghi nhận những người thân thích của bị cáo như: Ông, bà, bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng, bạn bè thân thích của bị cáo có đủ trình độ hiểu biết pháp luật; không thuộc trường hợp cấm không được làm người bào chữa và được bị cáo nhờ bào chữa được làm người bào chữa cho bị cáo và có thể mở rộng hơn.

Quan điểm thứ hai cho rằng, vấn đề chủ thể người bào chữa cần được xem xét và đánh giá về kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để tham gia thực hiện việc bào chữa một cách tốt nhất và đi đến sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động tranh tụng cũng như bào chữa cho người bị buộc tội tại phiên tòa.

Quan điểm này cho rằng, nên thu hẹp phạm vi người bào chữa, bởi vì trong thực tiễn, người đại diện của người bị buộc tội thường là bố mẹ đẻ, anh chị em ruột,… những người này thường chỉ dừng lại ở vai trò giám hộ, còn khả năng thực hiện việc bào chữa rất hạn chế. Có tình trạng người tiến hành tố tụng có thể lợi dụng điểm này yêu cầu người đại diện từ chối Luật sư mà vẫn đúng với quy định của pháp luật, dẫn đến người bị buộc tội không được hưởng quyền hỗ trợ pháp lý một cách tốt nhất.

Tương tự như vậy, bào chữa viên nhân dân là một chế định lịch sử do đó có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện bào chữa cho người bị buộc tội. Đối với trợ giúp viên pháp lý (điểm d, khoản 2, Điều 72) là những người thuộc biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong nhiều trường hợp cũng chưa có trình độ chuyên môn pháp luật phù hợp, thiếu kỹ năng hành nghề bào chữa nên rất hạn chế trong tranh tụng.

Mặt khác, do hiện nay số lượng Luật sư đã rất nhiều đáp ứng đủ nhu cầu của bười bị buộc tội trong các trường hợp quy định.

Do đó, nên xem xét thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng năng cao tính chuyên nghiệp, chỉ Luật sư mới đủ tư cách và điều kiện để thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự. 

Quan điểm này nêu ý kiến cần xem xét bỏ điểm b, c, khoản 2 Điều 72 BLTTHS 2015 nhằm bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội một cách tốt nhất theo hướng có lợi cho người bị buộc tội đồng thời nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt của BLTTHS.

Quan điểm thứ ba cho rằng, cần tiếp tục đảm bảo và mở rộng diện người bào chữa quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS. Ghi nhận những người thân thích của bị cáo như: Ông, bà, bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng, bạn bè thân thích của bị cáo có đủ trình độ hiểu biết pháp luật; không thuộc trường hợp cấm không được làm người bào chữa và được bị cáo nhờ bào chữa được làm người bào chữa cho bị cáo.

Nhưng xuất phát từ thực tiễn cũng nên bỏ quy định về bào chữa viên nhân dân vì đây là quy định có tính lịch sử và hiện nay không còn phù hợp và cần tiếp tục ghi nhận quy định về trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa vì trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm là những người am hiểu pháp luật và để bảo vệ tốt hơn quyền của người bị buộc tội trong những trường hợp được bào chữa miễn phí.

Các quan điểm nêu trên, quan điểm nào cũng có những căn cứ lý giải và thực tiễn nhất định, về mặt thực tiễn xét xử cũng như về mặt hoàn thiện pháp luật, tác giả đồng ý với quan điểm thứ ba, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.

HỒ NGUYỄN QUÂN

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản