/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bài 3: Nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân
Nhân dân đồng hành cùng Quốc hội và Hội đồng nhân dân:

Bài 3: Nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân

31/10/2024 06:28 |

(LSVN) - Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định rất rõ về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội và trở thành cầu nối giữ mối quan hệ mật thiết bền vững giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

1. Trong bộ máy nhà nước, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [1]. Đây là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện mọng, mong muốn của cử tri và Nhân dân cả nước. Quốc hội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ cơ chế tổ chức, vận hành, thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước. Về chức năng, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước [2]. So với các cơ quan nhà nước khác, Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, được Nhân dân giao thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước. Với vị trí, vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội, trong Nghị quyết số 27/NQ-TW, ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới vấn đề “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội” đã trở thành một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng triển khai thực hiện thời gian tới.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội. 

Là bộ phận quan trọng cấu thành nên Quốc hội, đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò là hạt nhân trung tâm, quyết định đến vị thế, uy tín, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định rất rõ về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và Nhân dân cả nước”. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội và trở thành cầu nối giữ mối quan hệ mật thiết bền vững giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đại biểu Quốc hội chịu sự giám sát của cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri cả nước và chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì: “Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách” [3]. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải bảo đảm ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Hoạt động của đại biểu Quốc hội là hoạt động của chủ thể đặc biệt, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính xã hội bởi tính đại diện và địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội [4]. Vì vậy, trong việc triển khai công việc đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực hoạt động, bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng tạo, có chính kiến độc lập đặc thù hoạt động của cơ quan dân cử. Vậy năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội được hiểu như thế nào?

Năng lực của con người bao gồm kiến thức, thái độ và kỹ năng. Năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội được hiểu là tổng hợp kiến thức, thái độ, kỹ năng thể hiện trong các hoạt động của Quốc hội.

Kiến thức là nền tảng cho việc hình thành và phát triển năng lực của con người. Kiến thức của đại biểu Quốc hội cần bao gồm: (1) Kiến thức liên quan đến lĩnh vực chuyên môn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; (2) Kiến thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; (3) Kiến thức giám sát; (4) Kiến thức về các vấn đề quan trọng của đất nước (về kinh tế - xã hội; chính sách đối ngoại; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước; về đại xá; về trưng cầu ý dân).

Hoạt động của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc biệt. Kỹ năng của đại biểu Quốc hội cần là kỹ năng giám sát, kỹ năng hùng biện, kỹ năng thảo luận, tranh luận, kỹ năng trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, kỹ năng chất vấn…

Thái độ được hiểu là: “Cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động theo một hướng nào đó trước một vấn đề, một tình hình” [5]. Thái độ có thể được rèn luyện thông qua giáo dục, sự rèn luyện của bản thân và kinh nghiệm tích lũy trong công việc và cuộc sống. Thái độ của đại biểu Quốc hội là nhận thức, ý thức chính trị, quan điểm, bản lĩnh, uy tín, cách nhìn nhận, trách nhiệm với Tổ quốc, trách nhiệm với Nhân dân trước một vấn đề cụ thể, luôn đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân, vì Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Từ những phân tích trên cho thấy nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng quyết định đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

2. Thời gian qua, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội có sự chuyển biến tích cực, đáng khích lệ. Trình độ học vấn đã được nâng lên, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí [6], tiêu cực.

Về năng lực thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội đã có sự thay đổi, cố gắng, câu hỏi chất vấn nhìn chung ngắn gọn, súc tích, nội dung rõ ràng, đề cập đến những vấn đề mang tính vĩ mô, phức tạp, phản ánh được nhiều vấn đề bức xúc, vướng mắc, bất cập trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội được Nhân dân, cử tri cả nước quan tâm. Việc đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận đã gia tăng. Thông qua tranh luận, nhiều vấn đề đã được làm sáng rõ hơn.

Về năng lực tham gia hoạt động giám sát khác: Nhìn chung các đại biểu Quốc hội nước ta đã rất cố gắng, nỗ lực, chủ động trong hoạt động giám sát. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia hoạt động của các Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn đại biểu của Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri, từ đó có điều kiện thực hiện tốt hơn quyền chất vấn và giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội. Đối với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cho đến nay Quốc hội đã trải qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm (tại nhiệm kỳ khóa XIII và nhiệm kỳ khóa XIV). Kết quả mức độ tín nhiệm của từng chức danh đã phản ánh khách quan ý chí của Quốc hội trong việc đánh giá năng lực, phẩm chất, việc hoàn thành nhiệm vụ đối với các cá nhân được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Về năng lực tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Các đại biểu Quốc hội ngày càng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, đưa ra các quyết định theo hướng thực chất hơn, dựa trên những luận cứ, luận chứng khoa học nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo ra những tác động tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về năng lực tham gia hoạt động lập pháp: Tại các hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, các đại biểu Quốc hội nói chung, đặc biệt là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng đã chủ động nghiên cứu, phát huy vai trò, nòng cốt của Đoàn đại biểu trong việc thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Gần đây, tại Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 ngày 03/4/2023 quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được năng lực của đại biểu Quốc hội nước ta cũng bộc lộ không ít hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ, điển hình:

Về năng lực tham gia thực hiện chất vấn: Hiện nay, năng lực chất vấn của các đại biểu còn bộc lộ hạn chế. Quỹ thời gian đại biểu Quốc hội dành cho tự nghiên cứu mở rộng sự hiểu biết của bản thân sang các lĩnh vực chưa biết, chưa được đào tạo còn chưa nhiều. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn trên nghị trường còn eo hẹp, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Kỹ năng tranh luận làm sáng tỏ vấn đề, khả năng phát hiện các vấn đề trong quá trình chất vấn của đại biểu chưa được như mong muốn. Tình trạng nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn hoặc đã được chất vấn nhưng câu trả lời nhận được còn chung chung, chưa thỏa đáng. Tình trạng đã đăng ký chất vấn nhưng không có thời gian trả lời trực tiếp, phải trả lời bằng văn bản còn tồn tại. Điển hình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai có 07 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn; Kỳ họp thứ ba có 65 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn; Kỳ họp thứ tư có 51 đại biểu đăng ký những không đủ thời gian chất vấn; Kỳ họp thứ năm có 17 đại biểu đăng ký những không đủ thời gian chất vấn; Kỳ họp thứ bảy có 54 đại biểu đăng ký những không đủ thời gian chất vấn; Kỳ họp thứ tám có 98 đại biểu đăng ký những không đủ thời gian chất vấn [7]. Tình trạng đại biểu phát biểu như đọc tham luận còn tồn tại trong khi chúng ta hướng tới chuyển từ Quốc hội tham luận sang xây dựng Quốc hội thảo luận và tranh luận.

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hiện nay vẫn chưa bảo đảm được ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội được đề ra tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020. Số lượng đại biểu kiêm nhiệm của Quốc hội nước ta còn nhiều. Sự kiêm nhiệm này là cần thiết nhưng chỉ nên dừng ở một mức độ, tỷ lệ phù hợp mới có thể khắc phục được sự “chồng chéo” trong vai trò “ đại biểu và “quan chức”, “vừa đá bóng”, vừa “thổi còi” [8]. Tỷ lệ tái trúng cử của đại biểu Quốc hội  ở Việt Nam còn thấp, đa phần là đại biểu hoạt động lần đầu (Quốc hội khóa XV có 60% đại biểu trúng cử lần đầu [9]). Việc quá tập trung vào cơ cấu, thành phần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu.

Về năng lực tham gia thực hiện quyền kiến nghị: trên thực tế đối với các nội dung làm hiến pháp, sửa đổi hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội,… các đại biểu hầu như không có kiến nghị.

Về năng lực tham gia hoạt động lập pháp: Hiện nay, năng lực tham gia hoạt động lập pháp của các đại biểu Quốc hội còn một số vấn đề cần luận bàn. Ý thức, trách nhiệm của một số đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động lập pháp còn chưa cao. Số lần đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh và trình dự án luật còn rất khiêm tốn. Từ năm 2013 đến năm 2022, chỉ có 02 lần đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh và trình dự án luật [10]. Bên cạnh đó, các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn,trên thực tế kinh phí hỗ trợ còn thấp.

Về năng lực tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Một số vấn đề phức tạp, mang tầm vĩ mô, mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan đến trách nhiệm theo dõi, quản lý của nhiều cơ quan nhà nước đang là thách thức với các đại biểu trong việc cho ý kiến phản biện chất lượng. Sự tham gia của đại biểu trong thảo luận quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn chưa đồng đều. Chất lượng ý kiến phát biểu của một số đại biểu còn chưa cao. Còn tình trạng nể nang, né tránh vấn đề nhạy cảm. Theo thống kê từ dữ liệu do Vụ tin học đối với các vấn đề như tài chính, ngân sách nhà nước, điều ước quốc tế… còn ít ý kiến phát biểu, trung bình chỉ có khoảng 15 đến 20 lượt ý kiến/ một kỳ họp.

Cùng với đó, một số quy định hiện hành của Luật Hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tổ chức Quốc hội... bộc lộ hạn chế, vướng mắc. Điển hình như các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội chuyển đến; quy định về phạm vi giám sát và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định liên quan chế độ, phụ cấp, khen thưởng cho đại biểu Quốc hội; quy định liên quan đến việc thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc... Những hạn chế này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động thì việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội là tất yếu khách quan, cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nước ta thời gian tới.

3. Để góp phần nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội xứng đáng là đại biểu của Nhân dân trong thời gian tới nên tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 ngày 03/4/2023 quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể, phù hợp, bảo đảm trang bị kịp thời các vấn đề mới hoặc phức tạp được đề cập trong chính sách. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho đại biểu (kỹ năng đặt câu hỏi và trình bày câu hỏi chất vấn, kỹ năng tranh luận, kỹ năng tạo sức ép dư luận đối với vấn đề chất vấn, kỹ năng giám sát việc thực hiện các vấn đề đã được làm sáng tỏ tại phiên chất vấn [11], kỹ năng phản biện, kỹ năng đánh giá tác động của chính sách, kỹ năng phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, ngân sách, khoa học và công nghệ). Chú trọng tập trung vào nhóm đại biểu tham gia lần đầu và đại biểu chuyên trách ở địa phương, phải phân loại để có những lớp, những chuyên đề phù hợp [12], thiết thực, hiệu quả.

Hai là, mỗi đại biểu Quốc hội cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trước Nhân dân, tự chấn chỉnh lề lối làm việc, dành thời gian tự nghiên cứu mở rộng kiến thức của bản thân sang các lĩnh vực chưa biết, chưa được đào tạo.

Để đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân thiết nghĩ mỗi cá nhân đại biểu phải luôn nêu cao ý thức một lòng, một dạ vì Tổ quốc, vì Nhân dân , dám dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu. Liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với Nhân dân, gần dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, chịu sự giám sát của cử tri, nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, các phiên họp của Quốc hội.  Thực hiện tốt chức năng đại diện, làm tròn trách nhiệm phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc tăng số lượng, chất lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp [13].

Tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đồng thời giảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hơn nữa, thay vì bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu như hiện nay nên nâng lên khoảng 45% đến 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Quan tâm, thu hút đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giỏi, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật ra ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bốn là, nghiên cứu điều chỉnh tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, nỗ lực, quyết tâm chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận.

Tăng số lượng kỳ họp Quốc hội [14] sẽ là giải pháp khả thi để có thể giải quyết được bài toán tăng thời gian thảo luận, tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, hạn chế tối đa tình trạng nhiều đại biểu đăng ký nhưng không được chất vấn do không đủ thời gian trả lời trực tiếp. Khuyến khích đại biểu Quốc hội tích cực thảo luận, giơ biển tranh luận tại nghị trường, thể hiện rõ quan điểm, thái độ, kỹ năng, không né tránh các nội dung nhạy cảm, phức tạp.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy phục vụ, hỗ trợ đại biểu Quốc hội.

Thực tiễn hiện nay ở nước ta đa số các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho nhiệm vụ đại biểu hạn hẹp. Do đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy phục vụ, hỗ trợ đại biểu Quốc hội là rất quan trọng, khả thi.

Đối với Văn phòng Quốc hội: Cần quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Văn phòng Quốc hội, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội [15].

Đối với Ban công tác đại biểu: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện, làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của Ban công tác đại biểu giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đích thực.

Đối với Ban Dân Nguyện: Nghiên cứu, cân nhắc nâng cấp Ban Dân nguyện, Ban công tác đại biểu thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Cụ thể có thể nâng cấp Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội.

Đối với Viện nghiên cứu lập pháp: Cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cung cấp thông tin, dữ liệu, nghiên cứu độc lập phục vụ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội nói chung, chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nói riêng.

Rà soát sửa đổi Luật Hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân bảo đảm bám sát thực tiễn, khắc phục hạn chế, bất cập, thiếu xót, chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Cụ thể nên chú ý một số vấn đề như: (1) Quy định cụ thể hơn phạm vi giám sát và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; (2) sửa đổi, bổ sung tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn; (3) bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng cách thức thực hiện của đại biểu Quốc hội trong việc kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm…

Nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đặc biệt các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội chuyển đến và quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân [16].  

Hoàn thiện quy trình, thủ tục; bảo đảm điều kiện kinh phí để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án luật, pháp lệnh. Nghiên cứu các quy định bảo đảm tăng phụ cấp, khuyến khích đại biểu Quốc hội tiếp tục tái cử và bảo đảm các điều kiện khác cho các đại biểu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Bảy là, tăng cường ngoại giao nghị viện, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, sáng kiến hay của các nước trên thế giới trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho các đại biểu (nghị sĩ; Nhân đại toàn quốc).

Thông qua ngoại giao nghị viện (Quốc hội) các nước có thể chia sẻ thông tin, tài liệu chuyên gia, báo cáo viên quốc tế chất lượng... cho nhau. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm hay trong bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho các đại biểu của một số nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...  để có sự điều chỉnh, vận dụng sáng tạo phù hợp vào bối cảnh thực tiễn của đất nước./.

[1] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Hà Nội.

[2] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Hà Nội.

[3] Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Hà Nội.

[4] Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa, đổi mới và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 77.

[5] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2011.

[6] Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa, đổi mới và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 24.

[7] Đỗ Phú Hải, Tăng cường năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, Tạp chí Khoa học chính trị, số 4/ 2023, tr. 41.

[8] Lê Minh Thông, Quốc hội và việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Kỷ yếu hội thảo cấp quốc gia “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”, Hà Nội ngày 08/12/2015.

[9] Phan Phương, Nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu, http:baotyintuc, đăng ngày 08/10/2021, truy cập ngày 20/9/2024.

[10] Đỗ Phú Hải, Tăng cường năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, Tạp chí Khoa học chính trị, số 4/ 2023, tr. 35.

[11] Vũ Thị Hồng Trang, Cao Thị Thu Trang, Năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay, http://mattran.org.vn, đăng ngày 02/11/2018, truy cập ngày 15/9/2024.

[12] Bảo Yến, Không ngừng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội thông qua chuyên nghiệp hóa hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm, https://quochoi.vn, đăng ngày 16/12/2022, truy cập ngày 15/9/2024.

[13] Ban chấp hành trung ương Đảng, Nghị quyết số 27/NQ-TW, ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Hà Nội.

[14] Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, Báo cáo kết quả Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Hà Nội, tháng 9/2022.

[15] Nâng cao chất lượng công tác phục vụ kỳ họp Quốc hội, hướng tới kỳ họp không văn bản giấy, https://quochoi.vn, đăng ngày 20/08/2022, truy cập ngày 14/9/2024.

 [16] Nguyễn Vũ, Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, https://daibieunhandan.vn, đăng ngày 28/03/2023, truy cập ngày 12/9/2024.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THANH NGA

Khoa Luật, Học viện Chính trị Công an nhân dân

Các tin khác