Bảo vệ người làm chứng: Cần có quy định nghiêm khắc hơn

04/11/2020 16:13 | 3 năm trước

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người...

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ quy định những vấn đề chung, cơ bản nên cần có sự giải thích hướng dẫn áp dụng cụ thể để phát huy được hiệu quả, không để xảy ra tình trạng trả thù người đứng ra làm chứng.

Ảnh minh họa.

Mới đây, một vụ việc giết người liên quan đến người làm chứng đã diễn ra tại Hà Giang. Cụ thể, Giàng Chẩn Diu và 3 con trai vì bực tức người làm chứng trong phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai của gia đình mình nên đến nhà trả thù. Tuy nhiên, người này đi vắng nên 4 cha con đã giết em trai ruột và con trai của người này.

Theo điều tra ban đầu, gia đình ông Diu có tranh chấp nương trồng ngô với một hộ gia đình khác trong thôn. Tòa án nhân dân huyện Xín Mần đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai.

Tại phiên xử, bố của anh Thào Seo Sì (30 tuổi) là ông Thào Chính Dí có mặt với tư cách người làm chứng đã xác nhận khu vực nương trồng không thuộc tài sản của nhà ông Diu. Từ đó ông Diu bực tức và nảy sinh ý định trả thù.

Khoảng 22h ngày 30/10, ông Diu rủ ba con trai cầm theo búa, dây thừng đến nhà ông Dí, nhưng nhà khóa cửa. Thấy vậy bốn bố con Diu sang nhà ông Thào Seo Sáng (em ruột của ông Dí, ở sát nhà) trút giận.

Tại đây, bố con Diu dùng dây thừng mang theo siết cổ ông Sáng cùng anh Sì đến chết. Gây án xong, Dìu và các con cùng nhau treo cổ hai nạn nhân lên xà nhà rồi bỏ về nhà.

Ông Giàng Chẩn Diu tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một chương (Chương XXXIV) trong phần thứ bảy (thủ tục đặc biệt) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Đối với các quy định về cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; chấm dứt bảo vệ; hồ sơ bảo vệ… bộ luật đã quy định cụ thể.

Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về người được bảo vệ gồm: “Người tố giác tội phạm; người làm chứng; bị hại; người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại”.

Điều 486 về các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác bao gồm:

Điều 486. Các biện pháp bảo vệ
1. Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ:
a) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;
b) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;
c) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
d) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;
đ) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;
e) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

Điều 487 về việc đề nghị, yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ: “1. Người được bảo vệ có quyền làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ”.

Điều 488 về quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ: "… Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người yêu cầu bảo vệ, người được bảo vệ, Viện kiểm sát, Tòa án đã đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc bảo vệ...".

Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể về người làm chứng, họ được các cơ quan chức trách bảo vệ không chỉ chính bản thân họ mà cả người thân cũng là đối tượng được quan tâm, Tuy nhiên, đối với những trường hợp người làm chứng hoặc người thân của họ sau khi bị đe dọa đến tính mạng nhằm trả thù vì đã đứng ra làm chứng thì vẫn chưa được quy định cụ thể cách xử lý với những trường hợp như này thế nào. Quy định pháp luật vẫn chưa đủ tính răn đe, điều này dẫn tới, các đối tượng vẫn ấp ủ ý định trả thù các nhân chứng, dẫn đến sự việc đáng thương tiếc như vụ giết người ở Hà Giang mới đây. Do đó, pháp luật cần có quy định riêng, cụ thể về cách xử lý đối với trường hợp trả thù người làm chứng nhằm nâng cao tính nghiêm khắc, răn đe, tạo sự an tâm cho người dân khi quyết định đứng ra làm chứng, tố giác tội phạm.

PHẠM HƯƠNG

/mot-so-diem-chua-hop-ly-ve-tham-quyen-cua-hoi-dong-xet-xu-phuc-tham-doi-voi-viec-sua-ban-an-hinh-su-so-tham.html