Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ
Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự là các cơ quan Nhà nước, cá nhân được giao thẩm quyền thực hiện các chức năng tố tụng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Theo phân tích ở trên và quy định của Bộ luật Hình sự “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án” (1) thì chủ thể có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Điều tra viên, cán bộ Điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư Ký Tòa án và Thẩm tra viên (2). Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan trên. Theo những phân tích trên thì chúng ta hiểu rằng chủ thể thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ chính là người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phù hợp với từng giai đoạn tố tụng.
Việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ đã được quan tâm ngay sau khi thu thập chứng cứ nên việc kiểm tra, đánh giá cũng đã xuất hiện từ khi có tin tố giác về tội phạm. Kiểm tra, đánh giá là hoạt động để làm sáng tỏ sự thật vụ án nên sẽ tồn tại đến khi vụ án đã được chứng minh xong. Vì vậy, kiểm tra đánh giá chứng cứ sẽ xuất hiện và tồn tại xuyên suốt quá trình chứng minh sự thật vụ án cụ thể trước khi khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Qua đó, chủ thể có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ ở giai đoạn nào thì trong phạm vi quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá chứng cứ ở giai đoạn đó.
Việc quy định người có thẩm quyền tiến hành thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ đem đến sự tin cậy của pháp luật, nên người thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ phải là người có kiến thức và kinh nghiệm trong việc chứng minh vụ án thuộc các lĩnh vực khác nhau. Theo phân tích ở trên chủ thể thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ chính là người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phù hợp với từng giai đoạn tố tụng. Vì vậy, việc quy định những chủ thể này thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ để đảm bảo thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhanh chóng, kịp thời, đúng chuyên môn, đặc điểm của chứng cứ.
Chủ thể tham gia tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ
Chủ thể tham gia tố tụng là những chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án, những chủ thể có nghĩa vụ pháp lý phải tham gia vào việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và những người tham gia tố tụng để hỗ trợ pháp lý cho những người tham gia tố tụng khác. Khi tham gia vào quan hệ tố tụng sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách cá nhân hoặc tổ chức không mang quyền lực Nhà nước.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của một số chủ thể tham gia tố tụng đối với hoạt đông kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Cụ thể có một số chủ thể tham gia tố tụng nhất định được quy định về quyền yêu cầu kiểm tra, đánh giá chứng cứ và quyền được kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đó là Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự;… (3). Việc quy định về quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 qua quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể.
Các chủ thể tham gia tố tụng có quyền yêu kiểm tra, đánh giá chứng cứ chính là nhóm chủ thể tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lý liên quan đến vụ án và nhóm chủ thể tham gia tố tụng để hỗ trợ pháp lý cho những chủ thể tham gia tố tụng khác. Đây là những chủ thể không mang quyền lực Nhà nước, bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, họ còn là một trong đối tượng trực tiếp liên quan đến những chứng cứ hay họ là những người đại diện giúp bảo vệ quyền lợi pháp lý liên quan đến người cần họ đứng ra bảo vệ trên pháp luật.
Việc quy định quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ rất cần thiết đảm bảo thể hiện sự bình đẳng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng giữa các bên, nhưng đảm bảo mục đích chính là chứng minh được sự thật vụ án một cách chính xác, không dựa vào phán đoán hay những áp đặt dựa trên kinh nghiệm, định kiến hoặc vụ lợi của người trực tiếp thực hiện kiểm tra, đánh giá chứng cứ.
Việc quy định về quyền của chủ thể tham gia tố tụng có quyền thực hiện hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ còn nhiều bất cập và phản đối từ nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhưng trên thực tế quy định về quyền được thực hiện của chủ thể này là cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của bên yếu thế không mang quyền lực Nhà nước, cũng như trước sự buộc tội của bên có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Pháp luật Tố tụng Hình sự quy định những người bị buộc tội có quyền được nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước pháp luật. Nếu không quy định về thẩm quyền của chủ thể tham gia tố tụng này thì sẽ dẫn đến quyền lợi của người tham gia tố tụng bị hạn chế, không đảm bảo được sự khách quan, minh bạch, công khai trước những chứng cứ gây bất lợi cho người bị buộc tội và một trong những quyền lợi của bên yếu thế bị xâm phạm đó chính là quyền được bào chữa trước pháp luật. Do vậy, việc quy định về quyền được kiểm tra, đánh giá chứng cứ của những chủ thể tham gia tố tụng là cần thiết thể hiện sự bảo vệ quyền và lợi ích pháp lý của bên yếu thế trước pháp luật. Tuy nhiên, chủ thể tham gia tố tụng vẫn còn bị hạn chế hoặc không thực hiện được quyền này.
Bất cập và giải pháp hoàn thiện quy định chủ thể có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có quy định về chủ thể có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại khoản 2 Điều 108 “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án”. Theo giải thích từ ngữ ở điểm b khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.
Tuy nhiên, cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người tham tố tụng cũng được quy định về quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ, cụ thể như: (điểm i khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, có quyền “Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”; (điểm b khoản 3 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền “Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”; (điểm b khoản 3 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền “Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”.
Từ những quy định nêu trên xét theo thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đều có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhưng việc quy định thẩm quyền tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự gây khó khăn trong việc người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp kiểm tra, đánh giá chứng cứ từ đó gây bất lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bi cáo, bị hại hoặc đương sự. Từ những phân tích trên dễ nhận thấy quy định này vẫn chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất, gây bất lợi cho những chủ thể có quyền và lợi ích pháp lý liên quan, dẫn đến việc áp dụng vào thực tiễn khác nhau.
Theo quan điểm của người viết, cần quy định rõ thẩm quyền của từng chủ thể đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Cụ thể là đối với chủ thể tham gia tố tụng để hỗ trợ pháp lý cho những chủ thể tham gia tố tụng khác cần được bổ sung vào để điều chỉnh thống nhất. Theo đó khoản 2 Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự nên quy định cụ thể như sau: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo quy định pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án”.
Có thể hiểu rằng, chủ thể nào được quy định có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ thì có thẩm quyền thực hiện hoạt động này. Quy định này sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận ra được thẩm quyền của hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ thuộc về chủ thể nào. Những ai thuộc hai nhóm chủ thể trên được quy định có quyền thì sẽ được kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Để hạn chế các tranh chấp về thẩm quyền thì cần quy định bổ sung, chi tiết hơn về quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể theo từng giai đoạn tố tụng. Quy định này thể hiện tính công bằng vì vừa có nhóm chủ thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho người tham gia tố tụng và nhóm chủ thể có quyền và lợi ích pháp lý liên quan, vừa có nhóm chủ thể là người tiến hành tố tụng. Qua đó, cũng thể hiện sự bảo vệ công lý trong quá trình Tố tụng Hình sự nói chung, cũng như hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ nói riêng.
___________________________ (1) khoản 2 Điều 108 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. (2) khoản 2 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. (3) Điều 73, 83, 84 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. |
PHẠM MINH HIẾU
Tòa án Quân sự Quân khu 9