/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Có hay không có hành vi xâm phạm khi chỉ sử dụng/sao chép một phần của một tác phẩm?

Có hay không có hành vi xâm phạm khi chỉ sử dụng/sao chép một phần của một tác phẩm?

03/04/2025 06:50 |2 ngày trước

(LSVN) - Một tác phẩm có thể sẽ bao gồm nhiều tác phẩm nhỏ, hoặc bao gồm nhiều phần mà có thể được tách ra để được sử dụng riêng biệt. Như vậy, khi có hành vi của một bên khác sử dụng một phần riêng biệt trong một tác phẩm, hoặc tác phẩm nhỏ trong một tác phẩm lớn thì hành vi này có bị xem là xâm phạm quyền tác giả hay không?

Trong một tác phẩm có thể sẽ là tổ hợp của nhiều tác phẩm khác, hoặc có thể bao gồm nhiều thành phần/phần có thể được tách ra để sử dụng riêng biệt ví dụ tác phẩm truyện tranh, tác phẩm hoạt hình bao gồm rất nhiều hình tượng nhân vật có thể được tách ra và sử dụng riêng biệt với nhau; hoặc một tác phẩm tuyển tập ảnh chụp, bức tranh, hình vẽ, … bao gồm nhiều tác phẩm nhỏ bên trong tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh; hoặc một tác phẩm linh vật, nhân vật ảo được tạo hình ở nhiều trạng thái khác nhau, ví dụ như trạng thái đứng yên, ngồi, đứng, hoặc ở các biểu cảm khác nhau ví dụ như vui vẻ, cười, khóc, tức giận,…

Như vậy, khi có hành vi của một bên khác chỉ sử dụng một phần trong một tác phẩm, hoặc một tác phẩm nhỏ trong một tuyển tập (bộ) tác phẩm lớn, hoặc một trạng thái/biểu cảm của một linh vật/nhân vật ảo thì hành vi này có bị xem là xâm phạm quyền tác giả hay không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vụ việc thực tế

Tóm tắt nội dung vụ việc thực tế theo Bản án phúc thẩm số 78/2022/KDTM-PT ngày 18/11/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”:

1. Ông Nguyễn Văn L. (Sau đây gọi là “ông L.”) là tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” loại hình mỹ thuật ứng dụng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013 (Sau đây gọi là “GCN QTG số 169/2013”).

2. Trong dịp tết Bính Thân năm 2016, ông L. phát hiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T. (sau đây gọi tắt “Công ty T.”) sử dụng trái phép 02 cụm hình “03 em bé vui Xuân” và hình “ông Đồ viết thư pháp cùng 02 em bé” trong tác phẩm của ông L. trên chương trình quảng cáo: “Lễ hội mua sắm Tết” tại hệ thống bán hàng của Công ty T. là Siêu thị điện máy T. thể hiện qua việc in ấn, xuất bản ấn phẩm chương trình “Lễ hội mua sắm Tết” đăng trên các trang quảng cáo trên báo Thanh Niên, Người Lao Động, Tuổi Trẻ...; in ấn banner quảng cáo chương trình “Lễ hội mua sắm Tết”. 

3. Ngày 25/01/2016 và ngày 08/3/2016, ông L. đã có thư thông báo về việc vi phạm bản quyền hình ảnh đến Công ty T.

4. Ngày 21/3/2016, Công ty T. có công văn gửi ông L. thừa nhận “đã sử dụng hình ảnh tranh Tết dân gian trong chương trình khuyến mãi “Lễ hội mua sắm Tết” và không nắm được thông tin Công ty ACCEPT (do ông Nguyễn Văn L. là đại diện theo pháp luật) đã đăng ký bản quyền hình ảnh. Công ty T. sẽ tháo gỡ tất cả các hình ảnh liên quan trên các phương tiện truyền thông, thay thế bằng hình ảnh khác và xin rút kinh nghiệm”.

5. Hành vi xâm phạm tác phẩm của Công ty T. đã gây tổn thất về thu nhập cũng uy tín trong kinh doanh của ông L. trong việc ông L. cho các đối tác thuê hình ảnh sử dụng. Do đó, ông L. khởi kiện yêu cầu Công ty T. phải bồi thường thiệt hại vật chất với số tiền 50.000.000 đồng và đăng lời xin lỗi công khai liên tiếp 03 kỳ trên 03 tờ báo giấy: Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động.

6. Tại Biên bản hòa giải thành ngày 18/4/2022 hai bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, như sau: Công ty T. sẽ thanh toán số tiền 30.000.000 đồng cho ông L. để ông L. rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với Công ty T. và thời hạn thi hành là trong 30 ngày kể từ ngày 18/4/2022.

7. Tuy nhiên, ngày 22/4/2022, Công ty T. nộp đơn đề ngày 19/4/2022 thay đổi ý kiến hòa giải như sau: Công ty T. chỉ đồng ý thanh toán cho ông L. số tiền 10.000.000 (mười triệu) đồng, để ông L. rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với Công ty T. Trường hợp ông L. không đồng ý với ý kiến thay đổi của Công ty T., thì đề nghị Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

8. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 754/2022/KDTM-ST ngày 31/5/2022 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã quyết định như sau: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L.: Buộc Công ty T. bồi thường thiệt hại cho ông L. do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền là 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng; và phải đăng lời xin lỗi công khai liên tiếp 03 kỳ trên 03 tờ báo giấy: Tuổi Trẻ; Thanh Niên; Người Lao Động.

9. Ngày 08/6/2022, Công ty T. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L.

10. Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty T. cho rằng: (i) ông L. thừa nhận rằng mình đã vẽ lại hình ảnh “ông Đồ viết thư pháp cùng hai em bé” dựa trên nét vẽ dân gian, do vậy không được bảo hộ quyền tác giả do không được sáng tạo trực tiếp từ chính tác giả là ông L.; (ii) ông L. chưa đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho từng cụm hình ảnh riêng rẽ mà chỉ được công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm cho tác phẩm "Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” (loại hình: Mỹ thuật ứng dụng, đính kèm nội dung tác phẩm là tập hợp 05 cụm hình ảnh (là những biểu tượng thuộc về văn hoá dân gian được lưu truyền lâu đời)) theo GCN QTG số 169/2013. Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm ở đây được xác định chính là bố cục sắp xếp, hình thức thể hiện trong một tổng thể thống nhất không thể tách rời ra theo từng bộ phận, từng cụm hình ảnh để xác định quyền tác giả; từ đó có thể nhận thấy quyền tác giả của ông L. đối với từng cụm hình ảnh riêng rẽ chưa được xác lập; (iii)  Bản thân mỗi cụm hình ảnh riêng rẽ không thể tự thân tạo nên tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian" của ông L.; như vậy, Công ty T. không sử dụng tác phẩm và không vi phạm quyền tác giả của ông L.

11. Ông L. tranh luận rằng ông đã được cấp GCN QTG số 169/2013 công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” trong đó có hình ảnh “03 em nhà vui Xuân” và hình ảnh “ông Đồ viết thư pháp cùng 02 em bé” và Công ty T. đã sử dụng trái phép 02 cụm hình “03 em bé vui Xuân” và “ông Đồ viết thư pháp cùng hai em bé” là vi phạm bản quyền, ảnh hưởng đến thu nhập và uy tín trong kinh doanh của ông.

12. Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty T. vì: Tại Công văn 202/BQTG-QLQTG_QLQ ngày 29/7/2014 Cục bản quyền tác giả trả lời: “…Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ tổng thể các đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục cũng như các phần riêng biệt của tác phẩm có thể tách rời để sử dụng độc lập thì quyền tác giả được áp dụng cho tổng thể cũng như từng phần tác phẩm đó…” như vậy các phần riêng biệt thì quyền tác giả vẫn được bảo hộ theo quy định. Ngày 21/3/2016 Công ty T. có công văn thừa nhận “... đã sử dụng hình ảnh tranh tết dân gian trong chương trình khuyến mãi “Lễ hội mua sắm tết” và không nắm được thông tin Công ty ACCEPT (do ông Nguyễn Văn L. là đại diện theo pháp luật) đã đăng ký bản quyền hình ảnh. Công ty T. sẽ tháo gỡ tất cả các hình ảnh liên quan trên các phương tiện truyền thông, thay thế bằng hình ảnh khác và xin rút kinh nghiệm...”. Hơn nữa, ông L. đã xuất trình hợp đồng sử dụng hình bản quyền đã ký với các đối tác để làm cơ sở bồi thường do vậy yêu cầu bồi thường của ông L. là có căn cứ pháp luật.

Phân tích vụ việc theo các quy định pháp luật hiện hành và bài học rút ra

Ở vụ việc trên thực tế như nêu trên, bên có hành vi sử dụng tác phẩm không được sự cho phép của chủ sở hữu đồng thời là tác giả của tác phẩm cho rằng hành vi sử dụng “từng cụm hình ảnh riêng rẽ” này không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả vì “quyền tác giả đối với tác phẩm ở đây được xác định chính là bố cục sắp xếp, hình thức thể hiện trong một tổng thể thống nhất không thể tách rời ra theo từng bộ phận, từng cụm hình ảnh để xác định quyền tác giả”.

Hội đồng xét xử phúc thẩm không đồng ý với ý kiến này vì theo quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm thì “các phần riêng biệt thì quyền tác giả vẫn được bảo hộ theo quy định” và do vậy hành vi sử dụng phần riêng biệt vẫn là hành vi xâm phạm quyền tác giả dựa trên ý kiến của Cục bản quyền tác giả “…Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ tổng thể các đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục cũng như các phần riêng biệt của tác phẩm có thể tách rời để sử dụng độc lập thì quyền tác giả được áp dụng cho tổng thể cũng như từng phần tác phẩm đó…”.

Tác giả hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm, và theo quan điểm của tác giả, không chỉ đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, mà đối với tất cả các loại hình tác phẩm khác đang được bảo hộ tại Việt Nam thì hành vi sao chép bất kỳ phần nào của một tác phẩm mà không thuộc các trường hợp loại trừ không phải là hành vi xâm phạm được quy định trong pháp luật sở hữu trí tuệ  Việt Nam thì vẫn bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả căn cứ vào các quy định sau đây của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam:

Điểm c khoản 1 Điều 20 Luật SHTT hiện hành: Quyền tài sản bao gồm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

Khoản 2 Điều 28 Luật SHTT hiện hành: Hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm hành vi xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Điểm g khoản 1 Điều 66 Nghị định 17/2023: Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể là hành vi Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm: Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20, các điều 25 và 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

Khoản 3 Điều 66 Nghị định 17/2023: Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm hoặc tác phẩm gốc, tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm, sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng sáng tạo tác phẩm; thời điểm hoàn thành tác phẩm; sự tiếp cận, thời gian, thời điểm tiếp cận của tác giả đối với tác phẩm đã có. Bản sao tác phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây: a) Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác; b) Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác; c) Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.

Từ vụ việc thực tế như nêu trên và các quy định hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì trong thực tế khi chủ sở hữu/tác giả thấy có hành vi sao chép/sử dụng một phần tác phẩm của mình của một cá nhân/ tổ chức khác mà không được sự cho phép thì vẫn có quyền xử lý xâm phạm tương tự như trong trường hợp sử dụng/sao chép toàn bộ tác phẩm. Hơn nữa, trong trường hợp tác phẩm là tập hợp của nhiều tác phẩm khác hay tác phẩm có nhiều phần riêng biệt với nhau, khi chủ sở hữu/tác giả quyết định đăng ký bảo hộ quyền tác giả để có bằng chứng chứng minh rằng tác phẩm đó đã được bảo hộ cho mình, thì chủ sở hữu/tác giả có thể yên tâm đăng ký cho một tác phẩm lớn bao gồm nhiều tác phẩm nhỏ bên trong, hay đăng ký cho một tác phẩm tổng thể có chứa nhiều thành phần riêng biệt bên trong (mà không cần phải đăng ký thêm cho từng tác phẩm nhỏ hay từng thành phần riêng biệt), bởi lẽ việc đăng ký cho một tác phẩm như vậy vẫn giữ nguyên phạm vi bảo hộ và hơn nữa còn giúp tiết kiệm chi phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả.

Tài liệu tham khảo:

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội,  có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: 1. Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; 2. Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019; 3. Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (“Luật SHTT hiện hành” hoặc “Luật SHTT 2022”);

- Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan số 17/2023/NĐ-CP, ngày 26 tháng 4 năm 2023, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023 (“Nghị định 17/2023”);

- https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietnguonanle?dDocName=TAND303407.

Luật sư HUỲNH ĐẶNG HOÀNG MAI

Công ty Luật TNHH Vietthink

Các tin khác

LSVN