/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vấn đề pháp lý về việc bỏ lọt tội phạm đối với tội 'Rửa tiền' quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015

Vấn đề pháp lý về việc bỏ lọt tội phạm đối với tội 'Rửa tiền' quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015

31/03/2025 06:53 |2 ngày trước

(LSVN) - Tội "Rửa tiền" là một trong những tội phạm được được quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội phạm này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và trật tự xã hội, làm suy yếu tính minh bạch của các giao dịch tài chính và làm gia tăng các hoạt động tội phạm. Do đó, luật pháp của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đều có những quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn và xử lý hành vi này, nhằm bảo vệ sự trong sạch và an ninh của hệ thống tài chính. Qua khảo sát thực tiễn xét xử tại Việt Nam, bên cạnh những trường hợp xử lý nghiêm minh những hành vi thoả mãn dấu hiệu của tội "Rửa tiền" thì vẫn còn tồn tại một số trường hợp không xử lý tội phạm này.

1. Đặt vấn đề

Rửa tiền là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định là tội phạm tại Điều 324 BLHS năm 2015. Tòa án nhân dân Tối cao đã có văn bản yêu cầu Tòa án các cấp thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến xét xử các vụ án rửa tiền. Đây là một trong các hoạt động được giao của Tòa án nhân dân Tối cao tại kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, của Thủ tướng Chính phủ (1). Theo đó, đối với những vụ án xét xử tội "Rửa tiền", cùng với tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội tham ô tài sản, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội trốn thuế, tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc… thì cần phân công các thẩm phán có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm tốt để khẩn trương nghiên cứu, xét xử nhanh chóng, đúng pháp luật (2). Bên cạnh đó, Công văn 372/TANDTC-V1 ngày 27/9/2018 yêu cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp nghiên cứu hồ sơ vụ án mà Viện Kiểm sát truy tố về tội "Rửa tiền", đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó đối với các vụ án xét xử tội "Rửa tiền" cùng tội phạm nguồn của tội "Rửa tiền", phải được báo cáo thống kê riêng và ngay sau khi xét xử ở cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm các vụ án về tội "Rửa tiền", thì phải báo cáo ngay kết quả xét xử, kèm theo bản án đến Tòa án nhân dân Tối cao để kịp thời cập nhật, tổng hợp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, từ những vụ án xảy ra trong thực tiễn, tác giả nhận thấy hầu như các cơ quan chức năng thường chú ý xử lý các hành vi phạm tội nguồn. Đối với vấn đề có hay không hành vi rửa tiền chưa được xem xét. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi có tiền, tài sản từ việc thực hiện hành vi phạm tội nguồn, người phạm tội muốn sử dụng được số tiền, tài sản đó thì cần phải xóa đi nguồn gốc bất hợp pháp của nó nên đã phát sinh thủ đoạn tẩy rửa, chuyển hóa những tài sản bất minh đó. Mặc dù, Bộ luật Hình sự đã quy định dấu hiệu pháp lý của tội "Rửa tiền", nhưng khi áp dụng quy định của pháp luật vào thực tiễn xét xử vẫn còn vướng mắc ở chỗ truy cứu trách nhiệm hình sự một người vừa phạm tội nguồn cũng vừa phạm tội "Rửa tiền". Thực tế là Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nguồn mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội "Rửa tiền".

2. Một số vấn đề lý luận và quy định của Bộ luật hình sự về dấu hiệu định tội của tội "Rửa tiền" và đồng phạm

2.1. Khái niệm tội "Rửa tiền"

Thuật ngữ “rửa tiền”, tiếng anh là “money laundering”, lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Hoa Kỳ vào năm 1973 trong vụ bê bối tài chính Watergate nổi tiếng nước Mỹ, tuy nhiên, phải đến 05 năm sau, thuật ngữ “rửa tiền” mới chính thức được sử dụng trong một số văn bản pháp lý của tòa án Hoa Kỳ (3). Về bản chất, rửa tiền là quá trình chuyển đổi, che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của “tiền” có được việc thực hiện tội phạm và tạo một lớp “vỏ bọc” bất hợp pháp cho tiền đó, nhằm làm cho “tiền có hình thức bẩn” trở thành “tiền có hình thức sạch”, “tiền có hình thức bất hợp pháp” trở thành “tiền có hình thức hợp pháp” (4). Hay nói cách khác, mục đích của hoạt động rửa tiền là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó (5). Chính vì vậy mà “rửa tiền” còn có những tên gọi khác như “rửa tài sản”, “hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có”…

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền có quy định:“Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có”. Tác giả Đinh Văn Quế nêu khái niệm: “Rửa tiền là làm cho tiền hoặc tài sản có hình thức bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác; sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác; che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản, cũng như thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó” (6). Tác giả không đồng ý với quan điểm này bởi lẽ hoạt động rửa tiền hiện nay rất đa dạng và phức tạp, các cá nhân, tổ chức có động cơ rửa tiền thường thông qua các phương thức, thủ đoạn để biến tiền, tài sản bất hợp pháp thành hợp pháp dưới hình thức rất tinh vi như thông qua ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc thông qua các giao dịch cá nhân hoặc tổ chức nhằm thu về dòng tiền hợp pháp. Tuy nhiên rửa tiền không thể làm cho tiền bất hợp pháp thành tiền hợp pháp.

Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có quy định về tội "Rửa tiền", cụ thể Điều 324 có quy định về tội "Rửa tiền" như sau:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Có thể nhận thấy, BLHS hiện hành đã liệt kê các dấu hiệu nhận biết của tội "Rửa tiền". Tuy nhiên, BLHS chưa đưa ra khái niệm về tội phạm này mà chỉ quy định theo hướng liệt kê các hành vi được xem là rửa tiền. Từ những phân tích trên, tác giả đưa ra quan điểm cá nhân về khái niệm tội "Rửa tiền" như sau: “tội "Rửa tiền" là hành vi quy định tại BLHS, do cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý và phải bị xử lý về hình sự”.

2.2. Dấu hiệu định tội của tội "Rửa tiền"

Để xác định một chủ thể có phạm tội "Rửa tiền" hay không, cần phải dựa trên dấu hiệu định tội của tội này. Theo khoa học pháp lý hình sự Việt Nam, dù tội phạm có những biểu hiện hết sức đa dạng và phong phú với những nét riêng biệt thì chúng đều có chung một cấu trúc bao gồm bốn yếu tố cấu thành, đó là khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm (7). Như vậy, tội "Rửa tiền" có những dấu hiệu cụ thể như sau:

Khách thể của tội "Rửa tiền":

Khách thể của tội "Rửa tiền" là trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình xử lý các tội phạm khác (8). Các nhà lập pháp xếp tội "Rửa tiền" vào chương XXI – Các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng bởi vì đây là nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, không những ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Có thể thấy rằng hoạt động rửa tiền ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của định chế tài chính, mặt bằng thu nhập, tạo điều kiện cho tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, làm sai lệch mặt bằng đầu tư dẫn đến mất ổn định kinh tế, làm suy yếu việc cải tổ nền kinh tế. Bên cạnh đó, tội phạm về rửa tiền còn gây khó khăn cho công tác điều tra tội phạm, thu hồi tài sản phạm pháp, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín quốc gia, gây mất niềm tin vào công lý, thậm chí là phá vỡ trật tự phát triển kinh tế lành mạnh của quốc gia và quốc tế (9).

Đối tượng tác động của tội "Rửa tiền" là tiền, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp từ các hoạt động phạm tội khác như buôn lậu, buôn bán trái phép chất ma tuý, tham ô tài sản… Những hoạt động phạm tội khác này được gọi là “tội phạm nguồn”. Đây là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội "Rửa tiền" (10). Bên cạnh đó, những đối tượng tác động này đã được mô tả chi tiết trong Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền". Cụ thể, tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó. Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây: (i) Bản án, quyết định của Tòa án; (ii) Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng...); (iii) Tài liệu, chúng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự... ) (11).

Mặt khách quan của tội "Rửa tiền":

Đối với tội "Rửa tiền", yếu tố của mặt khách quan được tập trung xem xét nhất chính là hành vi khách quan, bởi vì tội "Rửa tiền" có cấu thành tội phạm hình thức. Theo đó, chủ thể phạm tội "Rửa tiền" phải thực hiện ít nhất một trong các hành vi sau đây (12):

Thứ nhất, hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (13). Hành vi này được hiểu là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có. Sau đây là một số biểu hiện cụ thể của dạng hành vi này: (i) Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (ii) Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; (iii) Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật; (iv) Cầm cố, thế chấp tài sản; (v) Cho vay, cho thuê tài chính; (vi) Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; (vii) Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; (viii) Tham gia phát hành chứng khoán; (ix) Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng; (x) Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; (xi) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; (xii) Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác; (xiii) Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật (14).

Thứ hai, hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (15). Hành vi này được hiểu là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có. Sau đây là một số biểu hiện cụ thể của dạng hành vi này: (i) Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino; (ii) Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng; (iii) Mua bán cổ vật; (iv) Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.

Thứ ba, hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh (16). Hành vi này được biết đến là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Thứ tư, hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác (17). Hành vi này được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

Thứ năm, hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có (18). Đây là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ...).

Thứ sáu, hành vi thực hiện một trong những hành vi vừa nêu trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có (19).

Chủ thể của tội "Rửa tiền":

Chủ thể của tội "Rửa tiền" là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bao gồm trường hợp người đã thực hiện hành vi phạm tội để được tiền, tài sản một cách bất hợp pháp và “rửa” tiền, tài sản đó thành hợp pháp hay trường hợp người khác, nhưng biết đó là tiền, tài sản bất hợp pháp mà vẫn tham gia vào hoạt động hợp pháp hoá tiền, tài sản đó (20). Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện tội "Rửa tiền" có thể là pháp nhân thương mại phạm tội (21).

Mặt chủ quan của tội "Rửa tiền":

Đối với tội "Rửa tiền", người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp. Họ nhận thức rõ là mình đang thực hiện hành vi rửa tiền và mong muốn thực hiện hành vi đó (22). Điều này được thể hiện thông qua cụm từ “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” khi mô tả hành vi của tội phạm này. Cụ thể, sau đây là những trường hợp thể hiện rằng chủ thể biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (23): (i) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có); (ii) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin); (iii) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỉ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền); (iv) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó).

Qua phân tích trên, về mặt lý luận, hành vi phạm tội "Rửa tiền" cũng phải xem có thỏa mãn bốn yếu tố CTTP hay không. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định khá chi tiết về dấu hiệu nhận biết của tội "Rửa tiền" tuy nhiên, các đối tượng có hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Hiện nay, hành vi rửa tiền phổ biến có thể nhận biết qua các thủ đoạn sau (24): (i) Thành lập các công ty “vỏ bọc” mua bán khống hàng hóa; (ii) Rút “tiền bẩn” qua nền tảng đánh bạc trực tuyến; (iii) Núp bóng các dự án gây quỹ, làm từ thiện, đi du lịch…; (iv) Chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người hưởng thừa kế; (v) Nhờ người thân mua, chuyển nhượng hoặc tặng cho bất động sản; (vi) Mua cổ phiếu, trái phiếu; (vii) Cung cấp các dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo.

3. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về dấu hiệu định tội của tội "Rửa tiền" trong trường hợp có đồng phạm

Mặc dù tội "Rửa tiền" được quy định trong BLHS một khoảng thời gian không ngắn, nhưng không phải lúc nào những hành vi có dấu hiệu của tội "Rửa tiền" đều bị xử lý thích đáng. Để chứng minh cho nhận định này, tác giả sẽ lần lượt phân tích và đánh giá các vụ án hình sự sau đây:

Vụ án thứ nhất: Bản án sơ thẩm số 100/2023/HS-ST ngày 06/07/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Tóm tắt vụ án:

Ngày 07/11/2021, Văn Ngọc T10 và T11 dùng tài khoản Facebook giả để tìm người bán hàng. T11 liên hệ anh Phan Bá T18, giả vờ mua quần áo và lừa chuyển 8.400.000 đồng vào tài khoản Dương Văn T24. T10 báo cho C, C đổi tiền sang tài khoản game King-Fun thành hơn 9.800.000 điểm, rồi rút 7.900.000 đồng về ngân hàng OCB. C nhờ H3 rút tiền, đưa lại C 7.900.000 đồng, sau đó trả T10 6.300.000 đồng, giữ lại 1.600.000 đồng làm hoa hồng. T10 và T11 chia nhau 3.150.000 đồng mỗi người, số tiền còn lại C giữ, tất cả đã sử dụng hết.

Ngày 15-19/11/2021, Hoàng Vũ C và Hồ Ngọc H3 dùng tài khoản Facebook giả để lừa mua máy hút sữa từ ba người bán khác nhau. C và H3 lừa chị Trần Thị M4 (4.870.000 đồng), chị Trần Thị Phương O (92.600.000 đồng), và chị Trần Thị V (103.000.000 đồng), sau đó chuyển tiền vào tài khoản VCB Nguyễn Văn D3 do T cung cấp. Tiền được T chuyển qua nhiều tài khoản trung gian cấp 02, cấp 03 trước khi đến tài khoản ngân hàng SOB của Huỳnh Trần Anh K1. T nhờ K1 rút tiền mặt rồi chuyển lại cho T. C gặp T để nhận 90% số tiền chiếm đoạt, còn T giữ lại 10% số tiền. Nhóm này đã lừa đảo tổng cộng 200.470.000 đồng, trong đó C nhận 180.423.000 đồng, còn T hưởng 20.047.000 đồng.

Ngày 14/11/2021, Hoàng Đức M3 dùng tài khoản Facebook “L4” giả vờ mua quần áo từ chị Võ Ngọc Thảo M5. M3 lừa lấy 12.000.000 đồng từ chị M5 và chuyển số tiền này đến tài khoản ngân hàng VIB Nguyễn Trí H20. C thông báo cho H3, H3 chuyển tiền đến tài khoản MB Nguyễn Văn H17, rồi tiếp tục qua các tài khoản cấp 02, cấp 03, cuối cùng đến tài khoản SOB của Huỳnh Trần Anh K1. T nhờ K1 rút tiền mặt rồi chuyển lại cho T. C nhận 10.800.000 đồng (90%), còn T giữ 1.200.000 đồng (10%). C đưa cho M3 9.600.000 đồng (80%), còn lại giữ 1.200.000 đồng (10%).

Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Hoàng Vũ C, Hồ Ngọc H3, Văn ngọc T10, Văn Ngọc T11 và Hoàng Đức M3 phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 3, khoản 5, Điều 290 BLHS năm 2015.

Phân tích:

Tác giả cho rằng đã bỏ lọt tội “Rửa tiền” đối với các bị cáo Hoàng Vũ C, Hồ Ngọc H3, Văn Ngọc T10, Văn Ngọc T11 và Hoàng Đức M3. Bởi vì diễn biến vụ án cho thấy hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội "Rửa tiền". Cụ thể, về khách thể, quan hệ xã hội bị xâm phạm trong trường hợp này là trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình xử lý các tội phạm khác. Bên cạnh đó, đối tượng tác động trong trường hợp này là tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Về hành vi, Hoàng Vũ C, Hồ Ngọc H3, Văn Ngọc T10, Văn Ngọc T11 và Hoàng Đức M3 có hành vi sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng, rồi sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của chủ tài khoản của nhiều người. Để che giấu nguồn gốc tiền có được từ việc chiếm đoạt, các bị cáo thực hiện chuyển tiền vào một tài khoản được T (người thực hiện dịch vụ rửa tiền có hưởng %) cho từ trước. Căn cứ theo quy định điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 03/NQ-HĐTP, các bị cáo có hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, cụ thể là chuyển tiền. Về chủ thể, bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Và về mặt chủ quan, các bị cáo thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp. Vì những lẽ trên, hành vi của các bị cáo thoả mãn các yếu tố cấu thành tội "Rửa tiền" theo Điều 324 BLHS 2015.

Vụ án thứ hai: Bản án phúc thẩm 607/2022/HS-PT ngày 29/12/2022 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm tắt vụ án:

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Thái L1 là nhận thấy nhu cầu đặc biệt lớn về việc đầu tư bất động sản giá rẻ nhằm kinh doanh, xây dựng nhà ở của nhiều người dân sinh sống trên địa bàn của nhiều địa phương trên cả nước, L1 đã xây dựng phương thức kinh doanh trên các dự án không có thật, do L1 tự đặt tên và vẽ ra trên đất nông nghiệp. Qua xác minh số tiền mà L1 có được từ việc lừa đảo 4.548 bị hại là 2.446.225.846.675 đồng - đây là tiền bất hợp pháp. Tình tiết trong vụ án chứng minh L1 đã dùng phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty A đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại nhiều địa phương. Ngoài ra, L1 sử dụng số tiền bất hợp pháp vào việc mua tên miền; thuê dịch vụ máy chủ; đăng tin quảng cáo. L1 sử dụng nguồn tiền lừa đảo để mua 272 miếng kim loại vàng, nhiều xe ô tô, nhà đất… và còn rất nhiều tài sản khác mà Cơ quan điều tra chưa điều tra hết được.

Toà án phúc thẩm tuyên án: bị cáo Nguyễn Thái L1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điều 174 BLHS 2015.

Phân tích: Tác giả cho rằng đã bỏ lọt tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Nguyễn Thái L1. Bởi vì diễn biến vụ án cho thấy hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội "Rửa tiền". Cụ thể, về khách thể, quan hệ xã hội bị xâm phạm trong trường hợp này là trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình xử lý các tội phạm khác. Bên cạnh đó, đối tượng tác động trong trường hợp này là tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về hành vi, L1 sử dụng nguồn tiền lừa đảo để mua 272 miếng kim loại vàng, nhiều xe ô tô, nhà đất… và còn rất nhiều tài sản khác mà Cơ quan điều tra chưa điều tra hết được. Về chủ thể, bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Và về mặt chủ quan, bị cáo thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp. Vì những lẽ trên, hành vi của bị cáo thoả mãn các yếu tố cấu thành tội "Rửa tiền" theo Điều 324 BLHS 2015.

4. Kiến nghị hoàn thiện

Nhằm xử lý nghiêm minh những hành vi phạm tội và tránh bỏ lọt tội phạm. Tác giả kiến nghị hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam như sau:

Thứ nhất, bổ sung “khái niệm tội phạm về tội "Rửa tiền"” tại Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP. Cụ thể như sau: “Rửa tiền là quá trình được thực hiện nhằm che giấu nguồn thu bất chính từ các hành vi phạm tội, được xem là loại tội phạm phái sinh bởi hành vi rửa tiền được thực hiện với mục đích tẩy rửa nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản thu có được do các hành vi phạm tội khác”.

Thứ hai, bổ sung hướng giải quyết trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi thực hiện đồng thời tội phạm nguồn và tội "Rửa tiền". Khi đó, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với cả hai tội danh. Bởi vì, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục pháp luật, khi xét xử một người tự mình thực hiện hành vi rửa tiền đối với tài sản mà người đó có được từ hành vi phạm tội đã thực hiện trước đó thì người này phải bị xử lý cả về hai tội, xét cho cùng tất cả các tội phạm mục tiêu vẫn là vì lợi nhuận. Sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu, tiền, tài sản bất chính sau đó muốn hợp pháp hóa thì phải xóa đi dấu vết nguồn gốc của nó nên phát sinh ra thủ đoạn “tẩy rửa”. Do đó một người nếu vi phạm tội nguồn thì sẽ bị truy tố về tội đó, và sau đó lại bằng các thủ đoạn khác thực hiện rửa tiền thì chủ thể phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội "Rửa tiền".

5. Kết luận

Trong lĩnh vực hình sự, việc thấu hiểu và vận dụng chuẩn xác lý luận định tội không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là biểu hiện của sự công minh và thượng tôn pháp luật. Định tội không đơn thuần là một thao tác pháp lý, mà là nền tảng cốt lõi quyết định sự công bằng của cả quá trình tố tụng, đặt nền móng cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự một cách chính xác và khách quan. Một bản án công minh phải xuất phát từ sự nhận diện đúng đắn hành vi phạm tội, xác định chính xác điều khoản áp dụng trong Bộ luật Hình sự, từ đó đưa ra hình phạt tương xứng, phản ánh đúng bản chất hành vi vi phạm. Chính sự chặt chẽ trong định tội không chỉ bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật mà còn góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào công lý, tăng cường hiệu quả trong công cuộc phòng, chống tội phạm. Những kiến nghị được đề xuất trong bài viết này không chỉ hướng đến sự hoàn thiện của công tác định tội mà còn góp phần bảo đảm nguyên tắc “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, hạn chế tối đa tình trạng bỏ lọt tội phạm, để công lý được thực thi một cách trọn vẹn và nghiêm minh.

Danh mục tài liệu tham khảo:

1) Bộ luật hình sự năm 2015.

2) Nghị quyết Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".

3) Công văn số 182/TANDTC-V1 về việc xét xử vụ án về tội "Rửa tiền" ngày 1/7/2024.

4) Đinh Văn Quế (2012), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (tập V), NXB Lao động.

5) Nguyễn Viết Tăng (2019), “Nội luật hóa quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đối với hành vi rửa tiền”, Tạp chí Luật học, số 01/2019.

6) Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần chung, Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM.

7) Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM.

8) Giang Thị Thảo (2016), So sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam và quy định của Bộ luật Hình sự một số nước về tội "Rửa tiền", Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học quốc gia Hà Nội.

9) Trịnh Thanh Huyền, Nguyễn Thị Mai (2015), “Những thủ đoạn và phương thức rửa tiền chủ yếu”, Tạp chí Tài chính, xem tại: https://tapchitaichinh.vn/nhung-thu-doan-va-phuong-thuc-rua-tien-chu-yeu.html (truy cập ngày 17/3/2025).

10) Vũ Lê Minh (2023), “Nhận diện 7 thủ đoạn rửa tiền được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay”, nguồn: http://phaply.net.vn/nhan-dien-7-thu-doan-rua-tien-duoc-toi-pham-su-dung-trong-giai-doan-hien-nay-a5647.html, (truy cập ngày 17/3/2025).

 

  1. https://baochinhphu.vn/ (Truy cập ngày 17/3/2025)
  2. Công văn số 182/TANDTC-V1 về việc xét xử vụ án về tội "Rửa tiền" ngày 01/7/2024.
  3. Giang Thị Thảo (2016), “So sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam và quy định của Bộ luật Hình sự một số nước về tội "Rửa tiền"”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học quốc gia Hà Nội, trang 7.
  4. Nguyễn Viết Tăng (2019), “Nội luật hóa quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đối với hành vi rửa tiền”, Tạp chí Luật học, số 01/2019, trang 45.
  5. Trịnh Thanh Huyền, Nguyễn Thị Mai (2015), “Những thủ đoạn và phương thức rửa tiền chủ yếu”, Tạp chí Tài chính, xem tại: https://tapchitaichinh.vn/nhung-thu-doan-va-phuong-thuc-rua-tien-chu-yeu.html (truy cập ngày 17/3/2025).
  6. Đinh Văn Quế (2012), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (tập V), NXB Lao động, Trang 174.
  7. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần chung, Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM, trang 91.
  8. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM, trang 194.
  9. Giang Thị Thảo (2016), tlđd, trang 91.
  10. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sđd, trang 194.
  11. Khoản 1, 2, 3 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".
  12. Điều 324 BLHS 2015 và Điều 4 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".
  13. Điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  14. Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 03/2019/NĐ-CP.
  15. Điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  16. Điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  17. Điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  18. Điểm c khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  19. Điểm d khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  20. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sđd, trang 197.
  21. Khoản 6 Điều 324 BLHS 2015.
  22. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sđd, trang 198.
  23. Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".
  24. Vũ Lê Minh (2023), “Nhận diện 7 thủ đoạn rửa tiền được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay”, nguồn: http://phaply.net.vn/nhan-dien-7-thu-doan-rua-tien-duoc-toi-pham-su-dung-trong-giai-doan-hien-nay-a5647.html, (truy cập ngày 17/3/2025).

ThS TRƯƠNG GIA THI

Văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự

TRẦN PHẠM HỒNG THẢO

Công ty luật TNHH Đức Pháp

 

Các tin khác