/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vấn đề pháp lý về dấu hiệu định tội của tội 'Rửa tiền' và áp dụng trong trường hợp có đồng phạm

Vấn đề pháp lý về dấu hiệu định tội của tội 'Rửa tiền' và áp dụng trong trường hợp có đồng phạm

28/03/2025 06:14 |3 ngày trước

(LSVN) - Về nguyên tắc xử lý trong luật hình sự Việt Nam mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử vừa qua phát sinh vấn đề khi xử lý các vụ án về rửa tiền có đồng phạm, cơ quan tiến hành tố tụng chưa áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về dấu hiệu định tội của tội này và các quy định về đồng phạm. Do vậy, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nguồn mà không truy cứu thêm tội rửa tiền. Nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng bỏ lọt tội phạm rửa tiền là những người đang thực thi pháp luật xác định chưa đúng dấu hiệu định tội của tội rửa tiền và áp dụng vào trường hợp đồng phạm. Hậu quả bỏ lọt tội tạo nên sự không công bằng và làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, đề án này sẽ đào sâu cũng như phân tích để tìm nguyên nhân và đưa ra đề xuất giải pháp.

1. Dấu hiệu định tội của tội "Rửa tiền"

Để xác định một chủ thể có phạm tội "Rửa tiền" hay không, cần phải dựa trên dấu hiệu định tội của tội này. Cụ thể, tội "Rửa tiền" có những dấu hiệu như sau:

Khách thể của tội "Rửa tiền"

Nếu như khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể được pháp luật hình sự bảo vệ và bị một tội phạm cụ thể trực tiếp xâm hại (1), thì khách thể của tội "Rửa tiền" là trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình xử lý các tội phạm khác (2). Các nhà lập pháp xếp tội "Rửa tiền" vào chương XXI – Các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng bởi vì đây là nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, không những ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Có thể thấy rằng hoạt động rửa tiền ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của định chế tài chính, mặt bằng thu nhập, tạo điều kiện cho tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, làm sai lệch mặt bằng đầu tư dẫn đến mất ổn định kinh tế, làm suy yếu việc cải tổ nền kinh tế. Bên cạnh đó, tội phạm về rửa tiền còn gây khó khăn cho công tác điều tra tội phạm, thu hồi tài sản phạm pháp, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín quốc gia, gây mất niềm tin vào công lý, thậm chí là phá vỡ trật tự phát triển kinh tế lành mạnh của quốc gia và quốc tế (3).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của Luật hình sự (4). Cụ thể, đối tượng tác động của tội "Rửa tiền" là tiền, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp từ các hoạt động phạm tội khác như buôn lậu, buôn bán trái phép chất ma tuý, tham ô tài sản… Những hoạt động phạm tội khác này được gọi là “tội phạm nguồn”. Đây là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội "Rửa tiền" (5). Bên cạnh đó, những đối tượng tác động này đã được mô tả chi tiết trong Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền". Cụ thể, tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó. Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây: (i) Bản án, quyết định của Tòa án; (ii) Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng...); (iii) Tài liệu, chúng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự... ) (6).

Mặt khách quan của tội "Rửa tiền"

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan (7). Và đối với tội "Rửa tiền", yếu tố của mặt khách quan được tập trung xem xét nhất chính là hành vi khách quan, bởi vì tội "Rửa tiền" có cấu thành tội phạm hình thức. Theo đó, chủ thể phạm tội "Rửa tiền" phải thực hiện ít nhất một trong các hành vi sau đây (8):

Thứ nhất, hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (9). Hành vi này được hiểu là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có. Sau đây là một số biểu hiện cụ thể của dạng hành vi này: (i) Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (ii) Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; (iii) Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật; (iv) Cầm cố, thế chấp tài sản; (v) Cho vay, cho thuê tài chính; (vi) Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; (vii) Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; (viii) Tham gia phát hành chứng khoán; (ix) Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng; (x) Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; (xi) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; (xii) Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác; (xiii) Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật (10).

Thứ hai, hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (11). Hành vi này được hiểu là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có. Sau đây là một số biểu hiện cụ thể của dạng hành vi này: (i) Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino; (ii) Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng; (iii) Mua bán cổ vật; (iv) Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.

Thứ ba, hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh (12). Hành vi này được biết đến là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Thứ tư, hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác (13). Hành vi này được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

Thứ năm, hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có (14). Đây là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ...).

Thứ sáu, hành vi thực hiện một trong những hành vi vừa nêu trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có (15).

Chủ thể của tội "Rửa tiền"

Chủ thể của tội "Rửa tiền" là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bao gồm trường hợp người đã thực hiện hành vi phạm tội để được tiền, tài sản một cách bất hợp pháp và “rửa” tiền, tài sản đó thành hợp pháp hay trường hợp người khác, nhưng biết đó là tiền, tài sản bất hợp pháp mà vẫn tham gia vào hoạt động hợp pháp hoá tiền, tài sản đó (16). Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện tội "Rửa tiền" có thể là pháp nhân thương mại phạm tội (17).

Mặt chủ quan của tội "Rửa tiền"

Mặt chủ quan của tội phạm do người phạm tội thực hiện là mặt bên trong của tội phạm (18). Đối với tội "Rửa tiền", người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp. Họ nhận thức rõ là mình đang thực hiện hành vi rửa tiền và mong muốn thực hiện hành vi đó (19). Điều này được thể hiện thông qua cụm từ “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” khi mô tả hành vi của tội phạm này. Cụ thể, sau đây là những trường hợp thể hiện rằng chủ thể biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (20): (i) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có); (ii) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin); (iii) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A. vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỉ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền); (iv) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A. mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó).

Vấn đề đồng phạm trong thực hiện tội "Rửa tiền"

Khoản 1 Điều 17 BLHS năm 2015 quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Hành vi phạm tội trong trường hợp đồng phạm cũng phải thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương tự như trong trường hợp phạm tội đơn lẻ. Tuy nhiên, đồng phạm là một hình thức phạm tội đặc biệt nên cũng có các dấu hiệu riêng biệt nhất định so với phạm tội đơn lẻ. Do đó, khi định tội danh tội "Rửa tiền" trong trường hợp đồng phạm ngoài yếu tố khách thể, đối tượng tác động như trường hợp phạm tội đơn lẻ thì cần xem xét, kiểm tra các dấu hiệu riêng biệt mang tính đặc thù của trường hợp đồng phạm sau đây:

Một là, dấu hiệu về số lượng người tham gia: Khi định tội danh tội "Rửa tiền" trong trường hợp đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người trở lên cùng tham gia vào việc thực hiện tội "Rửa tiền". Những người này phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về chủ thể của tội phạm. Theo đó, tội "Rửa tiền" có dấu hiệu chủ thể thường cho nên từ hai người trở lên này chỉ cần có đủ tuổi chịu TNHS theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 và không rơi vào tình trạng không có năng lực TNHS theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015.

Hai là, dấu hiệu hành vi phạm tội: Các chủ thể của tội phạm trong trường hợp đồng phạm về tội "Rửa tiền" phải có hành vi “cùng thực hiện một tội phạm”. Điều này có nghĩa là các chủ thể của tội phạm phải có hoạt động chung, hành vi của mỗi người đồng phạm phải được thực hiện trong sự liên kết, hỗ trợ, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi của người đồng phạm khác. Hành vi của mỗi người đồng phạm là một khâu cần thiết cho hoạt động phạm tội chung và luôn có ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau, làm cho hoạt động phạm tội chung hiệu quả hơn và nguy hiểm hơn. Từ đó có thể thấy rằng, những người đồng phạm cùng cố ý thực hiện tội "Rửa tiền". Có nghĩa là họ có thể tham gia với tư cách là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức hoặc người thực hành thực hiện hành vi rửa tiền (21).

Ba là, dấu hiệu lỗi: Những người đồng phạm về tội "Rửa tiền" phải có sự “cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không những nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, mà còn biết được mình đang hoạt động chung với người khác, đồng thời, mỗi người đồng phạm cũng nhận thức được hành vi của những người đồng phạm khác cũng nguy hiểm cho xã hội. Đối với tội "Rửa tiền", lỗi của những người đồng phạm phải là lỗi cố ý trực tiếp.

Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về dấu hiệu định tội của tội "Rửa tiền" trong trường hợp có đồng phạm

Mặc dù tội "Rửa tiền" được quy định trong BLHS một khoảng thời gian không ngắn, nhưng không phải lúc nào những hành vi có dấu hiệu của tội "Rửa tiền" đều bị xử lý thích đáng. Để chứng minh cho nhận định này, tác giả sẽ lần lượt phân tích và đánh giá các vụ án hình sự sau đây:

Vụ án thứ nhất

Ngày 07/07/2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 210/2022/TLPT-HS ngày 26/05/2022 đối với bị cáo Lê Minh H cùng đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 28/2022/HS-ST ngày 22/04/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tóm tắt vụ án

Lê Minh H. thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách hack tài khoản Facebook, giả mạo chủ tài khoản để mượn tiền từ người thân. H. đã mua một đường link giả mạo chương trình truyền hình, khiến nạn nhân nhập thông tin đăng nhập, từ đó kiểm soát tài khoản Facebook. Sau khi hack được tài khoản, H xóa thông tin gốc, giả danh chủ tài khoản để mượn tiền rồi chiếm đoạt. Ngày 21/7/2020, H. chiếm đoạt tài khoản Facebook của ông Vương Thúy U., sau đó nhắn tin cho bà Vương Thúy T. để mượn tiền. Tin tưởng em trai, bà T. đã chuyển ba lần với tổng số 390 triệu đồng vào tài khoản của Bùi Văn Tr.. Sau khi nhận tiền, H. liên hệ với các tài khoản Facebook ảo để rửa tiền theo tỉ lệ 70-30%. Trong hai ngày, H. hai lần nhận tiền mặt từ một người phụ nữ lạ mặt, tổng cộng 273 triệu đồng. Ngoài H., Đỗ Tư Tr., Hoàng Như L., Đoàn Quang Đ. tham gia rửa tiền, hưởng lợi lần lượt 3,3 triệu, 6,7 triệu và 01 triệu đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được H đã tiêu xài cá nhân.

Phán quyết của Tòa án

Cấp sơ thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3, khoản 5 Điều 174 BLHS. Xử phạt bị cáo 03 năm 06 tháng tù. Cấp phúc thẩm giữ nguyên tội danh ở cấp sơ thẩm, hình phạt giảm xuống còn 02 năm tù. Các bị cáo Đỗ Tư Tr., Hoàng Như L., Đoàn Quang Đ. phạm tội “Rửa tiền”.

Phân tích vụ án:

Tác giả cho rằng cả hai cấp xét xử đã bỏ lọt tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Lê Minh H. Bởi vì diễn biến vụ án cho thấy hành vi của Lê Minh H có dấu hiệu của tội "Rửa tiền". Cụ thể, về khách thể, quan hệ xã hội bị xâm phạm trong trường hợp này là trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình xử lý các tội phạm khác. Bên cạnh đó, đối tượng tác động trong trường hợp này là tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (390.000.000 đồng). Đáng chú ý, về mặt khách quan, Lê Minh H. là người thực hiện tội nguồn quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 để số tiền 390.000.000 là tiền bất hợp pháp. Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền bằng cách Lê Minh H. đã nhờ Tr., L., Đ. rút toàn bộ số tiền và được hưởng chênh lệch, hành vi này đã phạm vào quy định tội “Rửa tiền” tại khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015. Về chủ thể, bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Và về mặt chủ quan, Lê Minh H. thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp. Vì những lẽ trên, hành vi của bị cáo H thoả mãn các yếu tố cấu thành tội "Rửa tiền" theo Điều 324 BLHS 2015.

Về yếu tố đồng phạm, Lê Minh H. và các bị cáo Tr., L., Đ. cùng cố ý thực hiện hành vi rửa tiền. Cụ thể, sau khi H. thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, H. cùng với các bị cáo khác thoả thuận rửa số tiền đã chiếm đoạt. Các bị cáo thực hiện hành vi rửa tiền với vai trò người thực hành. Do đó, việc bản án không ghi nhận Lê Minh H phạm tội "Rửa tiền" là chưa hợp lý.

Vụ án thứ hai:

Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 826/2023/TLST-HS ngày 23/10/2023 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 5328/2023/TLST-HS ngày 13/11/2023 đối với bị cáo Nguyễn Minh Q.. và đồng phạm.

Tóm tắt vụ án:

Nguyễn Minh Q., Giám đốc Bệnh viện T., lợi dụng chức vụ để lập công ty “sân sau”, ký hợp đồng khống, nâng giá thiết bị y tế và tham gia đấu thầu gian lận. Q. chỉ đạo nhân viên hợp thức hóa hồ sơ thầu, giúp các công ty của mình trúng 27 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước. Q. chiếm đoạt 102,52 tỉ đồng và cùng vợ, Nguyễn Trần Ngọc D., che giấu số tiền này qua các giao dịch rút, chuyển khoản. Nguyễn Văn L., Giám đốc Công ty NT, giúp Q. lập nhóm 04 công ty để thông thầu, gian lận trong đấu thầu thiết bị y tế. L. còn trực tiếp rút, chuyển tiền để giúp Q. và D. che giấu tiền chiếm đoạt, trong đó D. nhận 67,9 tỉ đồng, dùng 51,7 tỉ để mua bất động sản.

Phán quyết của Toà án

Các bị cáo Nguyễn Minh Q., Nguyễn Văn L. đã phạm vào tội “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền”, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353; điểm a khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nguyễn Trần Ngọc D. đã phạm vào tội “Rửa tiền”, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự. Cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và y án cấp sơ thẩm.

Phân tích vụ án

Tác giả hoàn toàn đồng ý với hướng giải quyết của Toà án. Hành vi của các bị cáo Nguyễn Minh Q., Nguyễn Văn L. và Nguyễn Trần Ngọc D. có dấu hiệu của tội "Rửa tiền". Cả ba bị cáo có hành vi che giấu nguồn tiền do phạm tội mà có. Về khách thể, quan hệ xã hội bị xâm phạm trong trường hợp này là trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm đến các hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình xử lý các tội phạm khác. Về chủ thể, các bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Và về mặt chủ quan, các bị cáo thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp. Vì những lẽ trên, hành vi của các bị cáo thoả mãn các yếu tố cấu thành tội "Rửa tiền" theo Điều 324 BLHS 2015.

Về yếu tố đồng phạm trong tội "Rửa tiền", các bị cáo cùng cố ý thực hiện tội phạm, vai trò của các bị cáo lần lượt như sau: Bị cáo Nguyễn Minh Q. và Nguyễn Trần Ngọc D thực hiện hành vi với vai trò là người tổ chức. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn L. thực hiện hành vi với vai trò là người thực hành. Bởi vì, để che giấu nguồn tiền đã chiếm đoạt được, bị cáo Nguyễn Minh Q. còn cùng vợ là Nguyễn Trần Ngọc D. đã chỉ đạo Nguyễn Văn L. rút tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản của vợ chồng Q. hoặc chuyển khoản, sử dụng theo chỉ định của vợ chồng Q.

Giải pháp về án lệ để hướng dẫn áp dụng pháp luật trong các vụ án rửa tiền có đồng phạm

Tác giả đưa ra hướng đề xuất đối với án lệ như sau: Đối với các vụ án hình sự về tội "Rửa tiền" thường sẽ có tội phạm nguồn và các hành vi khác nhằm thực hiện hành vi rửa tiền, do đó, án lệ cần xác định tội phạm nguồn và tội phạm rửa tiền để xác định đúng trách nhiệm hình sự của tội phạm nguồn, tránh trường hợp chỉ xử lý hình sự hành vi rửa tiền mà bỏ sót tội phạm nguồn. Tuy lập luận trong Bán án số 563/2023/HS-ST ngày 01/12/2023 được đề xuất làm án lệ chưa thật sự chuẩn xác trong lập luận về khách thể của tội "Rửa tiền" nhưng xét về tổng thể, bản án này có thể đạt được mục đích giải thích pháp luật khi xác định dấu hiệu định tội trong một vụ án có đồng phạm.

Về đồng phạm, tác giả kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi chỉ đạo người khác thực hiện hành vi khách quan nêu tại khoản 1 Điều 324 BLHS, trong trường hợp này thì hành vi chỉ đạo người khác thực hiện chuyển đổi là hành vi của người tổ chức trong đồng phạm. Hành vi này được xem là hành vi rửa tiền do chính mình phạm tội. Vì vậy, xét về góc độ này phải truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về đồng phạm tội "Rửa tiền".

  1. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần chung, Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM, trang 113.
  2. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM, trang 194.
  3. Giang Thị Thảo (2016), So sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam và quy định của Bộ luật Hình sự một số nước về tội "Rửa tiền", Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học quốc gia Hà Nội, Trang 91.
  4. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sdđ, trang 116,
  5. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sdđ, trang 194.
  6. Khoản 1, 2, 3 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".
  7. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sdđ, trang 121.
  8. Điều 324 BLHS 2015 và Điều 4 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".
  9. Điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  10. Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 03/2019/NĐ-CP.
  11. Điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  12. Điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  13. Điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  14. Điểm c khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  15. Điểm d khoản 1 Điều 324 BLHS 2015.
  16. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sdđ, trang 197.
  17. Khoản 6 Điều 324 BLHS 2015.
  18. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sdđ, trang 155.
  19. Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), sdđ, trang 198..
  20. Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".
  21. Nguyễn Thị Mộng Tuyền (2023), Định tội danh tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp đồng phạm theo Luật hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật TP. HCM, trang 16.

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

(1) Bộ luật hình sự 2015.

(2) Nghị quyết Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội "Rửa tiền".

(3) Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần chung, Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM.

(4) Trường Đại Học Luật TP. HCM (2019), Giáo trình Luật hình sự - Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt nam, TP. HCM.

(5) Giang Thị Thảo (2016), So sánh quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam và quy định của Bộ luật Hình sự một số nước về tội "Rửa tiền", Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học quốc gia Hà Nội.

(6) Nguyễn Thị Mộng Tuyền (2023), Định tội danh tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp đồng phạm theo Luật hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật TP. HCM.

ThS TRƯƠNG GIA THI

Văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự

TRẦN PHẠM HỒNG THẢO

Công ty luật TNHH Đức Pháp

Các tin khác